Trang chủ Tâm lý học Đặc điểm Tâm lý tuổi thanh niên học sinh (15-18 tuổi – THPT)

Đặc điểm Tâm lý tuổi thanh niên học sinh (15-18 tuổi – THPT)

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,6K views

Nội dung: vai trò của những điều kiện phát triển tâm lý thanh niên, học sinh THPT; ý nghĩa của hoạt động học tập – hướng nghiệp đối với sự hình thành và phát triển tâm lý của các em; những đặc trưng tâm lý của lứa tuổi thanh niên học sinh.

1. Những điều kiện phát triển tâm lý của thanh niên học sinh.

1.1. Khái niệm tuổi thanh niên học sinh

Tuổi thanh niên được định nghĩa bắt đầu từ khi con người trưởng thành về mặt cơ thể và kết thúc khi trưởng thành về mặt xã hội. Tuổi thanh niên được chia thành ba giai đoạn: giai đoạn đầu thanh niên (15 – 18 tuổi), giai đoạn giữa thanh niên (18 – 22, 23 tuổi) và cuối thanh niên (22, 23 – 25, 28 tuổi).

Ở giai đoạn đầu thanh niên, hầu hết các em đều tham gia học tập tại các trường trung học phổ thông, các trung tâm giáo dục thường xuyên hay các cơ sở giáo dục. Vì vậy người ta thường gọi các em ở tuổi này bằng những tên gọi khác như: tuổi học sinh trung học phổ thông, tuổi thanh niên học sinh.

Thanh niên học sinh đã đạt được sự trưởng thành về cơ thể nhưng chưa đạt sự trưởng thành về mặt xã hội. Lứa tuổi thanh niên học sinh là một giai đoạn quan trọng và có nhiều ý nghĩa trong tiến trình phát triển của con người. Sự phát triển tâm lý ở tuổi thanh niên học sinh là sự nối tiếp của sự phát triển tâm lý tuổi thiếu niên và chuẩn bị cho sự phát triển tâm lý ở giai đoạn thanh niên trưởng thành (18 – 25, 28 tuổi).

1.2. Điều kiện về sinh lý

Ở lứa tuổi thanh niên học sinh, sự tăng trưởng cơ thể của các em có tính chất vừa phải, không nhanh và không có nhiều biến động như tuổi thiếu niên học sinh.

a. Sự phát triển về chiều cao

Chiều cao của thanh niên học sinh đã phát triển chậm lại so với tuổi thiếu niên học sinh. Sự tăng trưởng của hệ cơ xương đang dần dần đạt đến mức hoàn thiện. Chiều cao sẽ tăng nhanh ở lứa tuổi dậy thì và giảm dần tốc độ tăng trưởng khi bước vào tuổi thanh niên học sinh. Sự phát triển chiều cao ở nữ thường dừng lại sau tuổi 18, ở Nam thường dừng lại sau tuổi 22, 23. So với hàng số sinh học năm 1975, học sinh thế hệ hiện tại cao hơn thế hệ lúc đó trung bình là 9cm ở Nam và 7,7 cm ở nữ, còn trọng lượng nặng hơn 6,2 kg ở Nam và 3,3 kg ở nữ.

Một số công trình nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, chiều cao chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố: dinh dưỡng (32%), di truyền (23%), vận động thể lực (20%), môi trường, ánh nắng, bệnh tật, giấc ngủ,… Và có một điều chắc chắn là nếu được chăm sóc tốt, thế hệ sau bao giờ cũng có chiều cao vượt hơn thế hệ trước.

Chiều cao đã trở thành một chủ đề bản luận của thanh niên học sinh. Nó có ảnh hưởng đến sự tự tin của các em trong giao tiếp và là một nội dung trong quá trình xây dựng hình ảnh bản thân của các em.

b. Sự phát triển về cân nặng

Cân nặng của thanh niên học sinh đã phát triển chậm lại so với tuổi thiếu niên học sinh. Sự tăng trưởng của cơ bắp đang dần dần đạt đến mức hoàn thiện. Cơ bắp được tiếp tục phát triển. Sức mạnh cơ bắp tăng nhanh, lực cơ của em trai 16 tuổi gần gấp 2 lần so với năm 12 tuổi.

Hiện tượng thiếu hoặc dư trọng lượng ở một số thanh niên học sinh hiện nay gây ra nhiều xáo trộn trong tâm trạng của các em. Nhận thấy ngoại hình của mình không cân đối, nhiều em đã mất ăn, mất ngủ, thậm chí bỏ bê việc học hành để chăm chút cho cơ thể của mình.

c. Sự phát triển của hệ tim mạch

Hệ tuần hoàn ở tuổi này hoạt động bình thường. Sự phát triển và hoạt động của tim và mạch máu bình thường làm cho sức chịu đựng của các em kéo dài hơn, sự tập trung của các em tốt hơn. Hệ tuần hoàn hoạt động nhịp nhàng làm cho cảm xúc của các em mang tính ổn định, vì vậy các em có thể làm chủ cảm xúc và tâm trạng của mình.

d. Sự phát triển của hệ thần kinh

Sự phát triển của hệ thần kinh có những thay đổi quan trọng về cấu trúc bên trong của não và các chức năng của não. Số lượng dây thần kinh liên hợp giữa các vùng chức năng trên vỏ não tăng nhanh, liên kết các phần khác nhau của vỏ não lại với nhau. Chính điều này tạo điều kiện cần thiết cho hoạt động tiếp nhận, dẫn truyền, phân tích, tổng hợp, hệ thống hóa các kích thích lý học, hóa học, cơ học bên trong và bên ngoài cơ thể. Bên cạnh đó, nó còn giúp phối hợp, điều hòa các hoạt động của cơ thể, đặc biệt là các hoạt động về vận động, nội tạng và nội tiết với hoạt động riêng của hệ thần kinh. Đặc biệt, yếu tố này tạo điều kiện cần thiết cho quá trình tư duy và học tập các kiến thức khoa học của học sinh, cho sự phát triển các thao tác tư duy và các kỹ năng học tập của thanh niên học sinh.

e. Sự phát triển của hệ nội tiết

Đa số các em đã qua thời kỳ phát dục. Hoạt động của các tuyến nội tiết diễn ra bình thường. Các hormon của tuyến yên, tuyến giáp, tuyến tụy, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục hoạt động bình thường và có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển tâm sinh lý ở lứa tuổi này.

Các hormon của tuyến yên và tuyến giáp có liên quan đến sự phát triển hình thể và khả năng làm người lớn của thanh niên học sinh. Các bất thường của hoạt động củaa tuyến yên có ảnh hưởng đến chiều cao và hình thể của trẻ em. Sự bất thường này làm cho thanh niên học sinh có thể quá thấp hơn nhiều hoặc quá cao hơn nhiều so với các bạn cùng tuổi; làm cho xirong tay, xương chân, xương mặt của các em trở nên thô cứng, nhiều biến dạng so với bình thường. Sự rối loạn trong cấu trúc và hoạt động của tuyến yên có liên quan đến hiện tượng chảy sữa bất thường, kinh nguyệt không đều, vô sinh ở các em nữ và liệt dương ở các em Nam.

Các hormon của tuyến sinh dục làm phát triển những dấu hiệu sinh dục ở em Nam như: mọc lông, mọc râu, giọng trầm; và ở em nữ như: nở to tuyến vú, mọc lông ở mu và các biến đổi khác lúc dậy thì. Các hormon của tuyến yên và tuyến sinh dục có liên quan đến quá trình phát triển trứng và hiện tượng kinh nguyệt của em gái, sản xuất tinh trùng và hiện tượng xuất tinh ở các em trai. Từ 16 tuổi thanh niên học sinh có nhiều khả năng sinh sản hơn so với thiếu niên học sinh.

Về mặt cơ thể, thanh niên học sinh gần giống với người lớn. Vì vậy, việc giáo dục các em biết cách ăn uống, ngủ nghỉ và tập luyện để đạt được sự phát triển đầy đủ nhất và hoàn thiện nhất là nhiệm vụ quan trọng của các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo.

1.3. Điều kiện xã hội

a. Giao tiếp nói chung của thanh niên học sinh

Nhìn chung, phạm vi giao tiếp của các em được mở rộng và tính người lớn của các em được thừa nhận ngày càng nhiều. Tính độc lập trong giao tiếp với người lớn ngày càng tăng.

Các em tham gia nhiều nhóm xã hội và có nhiều vai trò khác nhau, từ đó nảy sinh nhiều cơ hội để các em hình thành cho mình nhiều giá trị xã hội. Lý luận-và thực tế cho thấy luôn luôn tồn tại hai dạng nhóm xã hội: nhóm xã hội tích cực và nhóm xã hội tiêu cực. Điều này vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các bậc phụ huynh và giáo viên trong quá trình định hướng cái tốt cho các em.

Trong giao tiếp, thanh niên học sinh có khuynh hướng coi trọng quan hệ với những người cùng lứa tuổi hơn quan hệ với người lớn tuổi hoặc nhỏ tuổi hơn. Điều cốt lõi để giải thích hiện tượng này là sự tương đồng về suy nghĩ, cảm xúc và hành động.

Người lớn có thể được các em yêu quý và tin tưởng nếu có được sự tương đồng này.

b. Trong gia đình

Giao tiếp với các thành viên trong gia đình là một trong những yếu tố quyết định sự hình thành và phát triển tâm lý của thanh niên học sinh. Hầu hết thanh niên học sinh Việt Nam sống chung với cha và mẹ. Số còn lại, vì nhiều điều kiện khác nhau, các em sống chung với cha hoặc mẹ ruột (có thể có mẹ hoặc cha kế), ông bà, cô dì, chú bác; sống ở các ký túc: xá của các trường học. Tính chất của các mối quan hệ giao tiếp giữa các em và những người mình sống chung có ảnh hưởng rất quan trọng trong việc tạo nên các đặc điểm tâm lý của các em.

Nhìn chung, ở độ tuổi này, vai trò làm người lớn của các em trong gia đình được tăng cường, vì vậy quyền lợi và trách nhiệm của người lớn trong các em cũng được tăng theo. Cha mẹ và những người lớn trong gia đình có thể bắt đầu trao đổi với các em những vấn đề quan trọng của gia đình như: vai trò và nhiệm vụ của các thành viên trong gia đình, những giá trị mà gia đình xây dựng, quan điểm sống và cách xử thế của các thành viên, thị hiếu thẩm mỹ, tương lai của gia đình, các khoản thu chi,… Thậm chí có những em đã là một thành viên quan trọng trong gia đình như: thay thế cha hoặc mẹ trong những gia đình cha mẹ không sống chung, là người tham gia lao động và góp phần tạo ra nguồn thu nhập cho gia đình, chăm sóc người già và dạy dỗ trẻ em,… Đây là những cơ hội tốt để thanh niên học sinh bày tỏ suy nghĩ, thái độ, thể hiện hiểu biết và kĩ năng của mình, từ đó hình thành và phát triển tâm lý. Mặt khác, thanh niên học sinh vẫn chưa được tự quyết định mà còn chịu sự tác động của người lớn về nhiều nội dung cuộc sống của các em như: hàng ngày các em nên làm gì và không nên làm gì, nên hay không nên chơi với ai, chọn bạn nào để kết thân, người nào nên yêu* ở đâu vào buổi tối, lúc nào có thể làm gì, cách thức thực hiện công việc của bản thân, chọn nghề nào, chọn trường nào,, sử dụng tiền như thế nào,…

Trong quá trình giao tiếp với người thân trong gia đình, thanh niên học sinh vẫn chưa có sự độc lập trong các quyết định của mình. Người lớn có thể cư xử với các em theo hai hướng: một hướng muốn phát huy vai trò người lớn của các em, hướng khác lại mong đợi các em chấp hành những đề nghị của mình, từ đó, làm cho thanh niên học sinh có vị trí không xác định trong các quan hệ gia đình, có lúc các em được làm người lớn, có lúc các em không được làm người lớn.

Những bậc cha mẹ và người thân trong gia đình hay những nhà giáo dục trong các trường trung học nội trú là những người có hiểu biết, thường dành nhiều thời gian để quan sát và suy nghĩ về khả năng và thái độ của con em hay học sinh của mình. Từ đó, họ quyết định để cho con em họ được độc lập và gần như. toàn quyền quyết định những điều gì mà chúng có thể; những điều gì khó hơn đối với chúng thì họ sẽ tham gia thảo luận với chúng và tìm sự thống nhất trong suy nghĩ và hành động; những điều gì vượt quá khả năng của chúng thì họ sẽ gần như giành quyền quyết định hoàn toàn. Đó là cách làm có ý nghĩa, tạo sự thuận lợi cho quá trình phát triển tâm lý của thanh niên học sinh.

c. Trong nhà trường

Giao tiếp với các thầy cô giáo cũng là một trong những yếu tố quyết định sự hình thành và phát triển tâm lý của thanh niên học sinh. Hầu hết thanh niên Việt Nam trong độ tuổi từ 16 – 18 tham gia học ở các trường trung học phổ thông, số còn lại học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường năng khiếu, các trường có liên kết với các trường nước ngoài. Tính chất của các mối quan hệ giao tiếp giữa các em và thầy cô giáo có ảnh hưởng rất quan trọng đối với quá trình hình thành và phát triển tâm lý, đặc biệt là sự phát triển về trí tuệ và nhân cách.

Thầy cô giáo có cái nhìn khác về các em so với khi các em còn học ở trường trung học cơ sở. Vai trò chủ động, sáng tạo trong học tập của các em được giáo viên nhận thức và thực hiện. Đây là một cơ hội thuận lợi cho việc phát triển tính người lớn trong các em. Các em có thể tự quản lý lớp và quản lý thời khóa biểu học tập, sinh hoạt hàng ngày của mình; tự chuẩn bị các hoạt động học tập của bản thân như: chuẩn bị bài mới trước khi đi học, chuẩn bị các bài báo cáo trước lớp, tham gia các hoạt động nhóm trong học tập, tìm kiếm tài liệu học tập bằng nhiều nguồn khác nhau; thiết kế các hoạt động ngoài giờ học chính khóa, các hoạt động xã hội, các hoạt động hướng nghiệp; thảo luận và góp ý với giáo viên về các khía cạnh của quá trình học tập như: nội dung chương trình, phương pháp và hình thức học tập, các điều kiện vật chất và thiết bị phục vụ cho việc học, đánh giá việc dạy và học và những vấn đề khác liên quan đến học tập với tư cách là học sinh. Đây là những điều kiện thuận lợi để thanh niên học sinh thể hiện, rèn luyện và trưởng thành về tâm lý.

Mặt khác, thanh niên học sinh vẫn gặp khó khăn trong nhiều vấn đề của cuộc sống học đường như: phương pháp học tập, cách cư xử và giao tiếp, chấp hành kỷ luật của trường học, hiểu đúng bản thân, chọn bạn, chọn nghề, quan niệm về thành công và hạnh phúc,…

Những thầy cô am hiểu tâm lý thanh niên học sinh thường nhận thức rất rõ vị trí và vai trò của mình trong quá trinh giao tiếp với các em, đó là vị trí người đi trước và vai trò người hướng dẫn. Bên cạnh đó, có những thầy cô giáo cho rằng họ là người đi trước và luôn luôn đúng, thanh niên học sinh cần chấp hành tuân theo ý muốn chủ quan của mình hoặc cho rằng thanh niên học sinh đã trưởng thành, họ có quyền tự do riêng, không nên can thiệp vào sự tự do của các em đều không những không giúp ích mà còn gây hại cho quá trình phát triển tâm lý của thanh niên học sinh.

Nhận thức và hành động của thầy cô cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thái độ đổi với việc học tập của thanh niên học sinh. Thanh niên học sinh nhận thức được vai trò của học tập đối với tương lai của mình nhưng các kỹ năng học tập chưa được thể hiện rõ. Một nghiên cứu gần đây trên 303 thanh niên học sinh cho thấy học sinh đã nhận thức ở mức khá, rằng tự học có vai trò giúp học sinh củng cố và hệ thống hóa kiến thức, phát huy tính tích cực trong học tập, mở rộng và đào sâu kiến thức, giúp học sinh sáng tạo và có phương pháp học tập, rèn luyện phong cách học tập suốt đời. Tuy nhiên, kỹ năng học tập của các em chỉ ở mức trung bình như: kỹ năng ghi chép, tìm tài liệu, liên hệ thực tế các nội dung trong bài học, chuẩn bị bài mới, phát biểu ý kiến, hệ thống hóa kiến thức [18]. Nhiệm vụ quan trọng của các bậc cha mẹ và giáo viên là chỉ ra và thuyết phục các em nhận thức được học tập là nhiệm vụ quan trọng nhất trong lứa tuổi các em và học tập là công việc suốt đời bởi vì việc học ở trường trung học phổ thông đặt nền tảng cho việc học nghề của mỗi người và nếu không có tri thức thì con người không thể tồn tại và phát triển trong xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, người lớn mà đặc biệt là giáo viên cần giúp các em rèn luyện các kỹ năng học tập để có thể thích nghi với việc học ở trường và chuẩn bị cho việc học ở lứa tuổi tiếp theo.

Thanh niên học sinh học tập với thái độ có ý thức và có mục đích. Thanh niên học sinh có thái độ đề cao một số môn học và xem thường những môn học khác. Thái độ của các em đối với các môn học không giống nhau, tùy vào nhận thức của các em về từng môn học và tùy vào xu hướng nghề nghiệp của các em. Các em tập trung vào một số môn học mà các em cho rằng cần thiết để tiếp tục học lên cao và lơ là những môn học mà các em cho là không quan trọng và không cần thiết. Có nhiều nguyên nhân chi phối thái độ học tập của các em như: quan niệm của người lớn về tầm quan trọng của từng môn học, các em chưa tìm hiểu nghiêm túc ý nghĩa của môn học, giáo viên chưa chỉ ra ý nghĩa thực tiễn của môn học hoặc quá đề cao môn học mình dạy, nhân cách của giáo viên thể hiện trong quá trình giảng dạy, nội dung chương trình bộ môn chưa thiết thực, quan niệm xã hội về ý nghĩa môn học, cách nhìn nhận và đánh giá tầm quan trọng của từng nghề nghiệp trong xã hội.

Để hình thành thái độ học tập đúng đắn ở thanh niên học sinh, cần có những biện pháp mang tính phối hợp và đồng bộ trong suy nghĩ và hành động của những nhà quản lý xã hội, những nhà quản lý giáo dục, của các bậc cha mẹ và thầy cô giáo.

d. Ngoài xã hội

Các hình thức hoạt động của xã hội dành cho lứa tuổi thanh niên học sinh rất đa dạng và phong phú. Vì vậy, sự giao tiếp của thanh niên mở rộng rất nhiều về đối tượng giao tiếp, thời gian và không gian giao tiếp. Các em có nhiều cơ hội hơn thiếu niên học sinh trong quá trình hòa nhập vào cuộc sống muôn màu muôn vẻ của đời sống xã hội. Điều này ảnh hưởng mang tính hai mặt đối với sự phát triển tâm lý của thanh niên học sinh. Ảnh hưởng có lợi cho các em ở chỗ: các em được giao tiếp với những thành phần xã hội, hoặc những người bạn tốt, những môi trường xã hội – văn hóa tốt. Ngược lại, những thành phần xã hội chưa tốt mà các em giao tiếp, những môi trường xã hội thiếu văn hóa mà các em sống trong nó đều là những mối đe dọa cho sự trưởng thành về nhân cách của các em.

Xã hội nhìn nhận về nghĩa vụ của các em khác với lứa tuổi thiếu niên học sinh. Vào cuối lứa tuổi, các em phải thực hiện một số nghĩa vụ công dân đối với xã hội: nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ quân sự,…Việc xã hội công nhận vai trò người lớn của các em và đòi hỏi các em phải thực hiện nghĩa vụ của một công dân tạo ra cho các em một động lực để trưởng thành. Đó là sự nỗ lực học tập và rèn luyện bản thân về mọi mặt: đạo đức, trí tuệ, thể chất, óc thẩm mỹ và kỹ năng làm việc.

1.4. Điều kiện về tâm lý

Điều kiện tâm lý cho sự hình thành và phát triển tâm lý ở tuổi thanh niên học sinh là sự chín muồi về tâm lý trong giai đoạn chuyển tiếp từ tuổi thiếu niên sang tuổi thanh niên học sinh. Tâm lý thanh niên học sinh được hình thành và phát triển dựa trên nền tảng của những cấu trúc và chức năng tâm lý đã có ở cuối tuổi thiếu niên. Ở thời điểm này, thiếu niên đã đạt được những thành tựu nổi bật về sự phát triển tâm lý như: tư duy trừu tượng phát triển và tính chủ định trong tất cả các quá trình nhận thức phát triển mạnh, xúc cảm – tình cảm trong sáng, đa dạng. Khả năng tự ý thức và đặc biệt là sự tự đánh giá phát triển mạnh mẽ, các em bắt đầu biết suy xét khi hành động. Cùng với cảm giác mình đã trở thành người lớn, các em có nhu cầu được tôn trọng và đối xử bình đẳng. Ý thức về tính người lớn của bản thân phát triển mạnh, ý thức sẵn sàng dấn thân để chứng tỏ mình là người lớn và được công nhận là người trưởng thành đang hừng hực trong các em. Đó chính là những điều kiện tâm lý căn bản cho sự hình thành và phát triển tâm lý ở lứa tuổi thanh niên học sinh.

Tóm lại, sự phát triển cơ thể mang tính hài hòa, cân đối và đang gần đến mức hoàn thiện tính độc lập trong quan hệ với người lớn ở gia đình, trường học và xã hội; sự chiếm lĩnh và trở thành vai trò chủ đạo của hoạt động học tập – hướng nghiệp so với tất cả các hoạt động khác của lứa tuổi; sự kế thừa những kết quả đạt được trong quá trình phát triển về cấu trúc và chức năng tâm lý cuối tuổi thiếu niên là những điều kiện quan trọng thúc đẩy sự phát triển tâm lý ở lứa tuổi thanh niên học sinh.

2. Hoạt động học tập – hướng nghiệp của thanh niên, học sinh THPT.

Hoạt động học tập – hướng nghiệp là một trong những điều kiện đặc biệt quan trọng cho sự phát triển tâm lý của thanh niên học sinh. Trong giai đoạn phát triển này, hoạt động học tập – hướng nghiệp đã trở thành hoạt động chủ đạo và nó chi phối mạnh mẽ sự hình thành và phát triển nhân cách của thanh niên học sinh. Vì vậy, đòi hỏi chúng ta phải đi sâu nghiên cứu những ảnh hưởng của nó.

2.1 Hoạt động học tập – hướng nghiệp và sự phát triển nhận thức của thanh niên học sinh

Hoạt động học tập – hướng nghiệp quyết định sự hình thành và phát triển khả năng nhận thức của các em. Hoạt động học tập ở trường trung học phổ thông được thiết kế theo hướng vừa đặt nền tảng khoa học căn bản cho bất kỳ một công dân vừa có định hướng cho thanh niên học sinh chọn lựa những nội dung cần cho nghề nghiệp tương lai của mình. Đây là điều kiện thuận lợi cho thanh niên học sinh vừa có đủ kiến thức khi trưởng thành và vừa chủ động lựa chọn nội dung học tập theo xu hướng của bản thân để chuẩn bị cho bậc học tiếp theo. Hệ thống tri thức trong chương trình học tập ở bậc trung học phổ thông có tính khái quát, thực tiễn, hệ thống và đi vào bản chất. Nó đòi hỏi các em phải có những kỹ năng và phương pháp học tập khác với khi học ở trường trung học cơ sở; đòi hỏi các em phải biết lập luận, sáng tạo, năng động, độc lập, biết hợp tác và biết liên hệ thực tế cuộc sống khi học tập. Như vậy, hoạt động học tập là một động lực cho sự phát triển khả năng nhận thức của thanh niên học sinh.

2.2 Hoạt động học tập – hướng nghiệp và sự hình thành xu hướng nghề nghiệp của thanh niên học sinh

Hoạt động học tập – hướng nghiệp chi phối mạnh mẽ sự hình thành và phát triển nhân cách của thanh niên học sinh, hình thành và phát triển xu hướng nghề nghiệp ở các em. Xu hướng nghề nghiệp là một nét cấu tạo tâm lý mới trung tâm trong nhân cách của tuổi thanh niên học sinh.

Xu hướng nghề nghiệp của thanh niên học sinh là một hệ thống những động lực có tác dụng thúc đẩy và quy định tính lựa chọn của các thái độ và tính tích cực thanh niên học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Xu hướng nghề nghiệp của thanh niên học sinh được bộc lộ rõ qua hứng thú nghề nghiệp và việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Chọn nghề là một nét tâm lý đặc trưng của tuổi thanh niên học sinh. Nó có tác dụng thúc đẩy các em nỗ lực học tập, tìm kiếm những phương pháp rèn luyện bản thân để thực hiện được mục tiêu nghề nghiệp của mình. Các em thường quan tâm những vấn đề như: công việc của bản thân trong tương lai, nghề nghiệp phù hợp với mình, sự thành công của bản thân trong nghề nghiệp. Các em thường so sánh các phẩm chất của mình với những tính chất và yêu cầu của công việc mà các em quan tâm. Các em thường chủ động tìm hiểu các thông tin về nghề nghiệp bằng nhiều cách: trao đổi với người thân, tìm hiểu thông qua các phương tiện truyền thông, tham gia các ngày hội hướng nghiệp.

Song song với chọn nghề, chọn trường để học nghề cũng là một sự quan tâm của các em. Các em thường tự hỏi về sự học của mình sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tiếp quản công việc làm ăn của cha mẹ tại nhà, học một nghề tại các cơ sở tư nhân, tiếp tục học một nghề ở trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng hay đại học là những lựa chọn của thanh niên học sinh, trong đó, khuynh hướng chọn học nghề tại một trường cao đẳng hay đại học là phổ biến.

Có nhiều yếu tố chi phối học sinh khi các em chọn nghề và chọn bậc học cho mình. Ý kiến của cha mẹ, kết quả tự đánh giá bản thân, tác động của bạn bè, hướng dẫn của thầy cô giáo, sự tư vấn của chuyên viên tham vấn, quan niệm xã hội về nghề nghiệp là những yếu tố chi phối các em. Các em rất dễ bối rối vì không biết nên coi trọng yếu tố nào và bỏ qua yếu tố nào. Vì vậy, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội là cần thiết. Nhà trường và các tổ chức xã hội đóng vai trò tư vấn và tổ chức, gia đình đóng vai trò là người phối h« hợp và hỗ trợ các hoạt động hướng nghiệp và chọn trường cho các em.

Chọn nghề có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc đời của mỗi người. Đối với thanh niên học sinh, nếu các em sớm xác định được cho mình một nghề nghiệp phù hợp với bản thân thì các em sẽ chủ động hơn trong quá trình tìm kiếm những phương cách và điều kiện hỗ trợ cho sự thực hiện mục tiêu nghề nghiệp của mình. Thực tế cho thấy, có những học sinh đã xác định được nghề nghiệp mà mình yêu thích và có khả năng đáp ứng yêu cầu của nghề nghiệp từ khi bước vào trường phổ thông trung học; nhưng cũng có những em, cho đến khi sắp tốt nghiệp vẫn chưa xác định được nghề nghiệp và sự học tiếp theo của mình.

Tổ chức khoa học, kịp thời và hiệu quả những hoạt động hướng nghiệp từ phía gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội rất cần thiết và rất quan trọng đối với sự hình thành xu hướng nghề nghiệp và sự nghiệp của các em trong tương lai.

2.3 Hoạt động học tập – hướng nghiệp và sự hình thành các đặc điểm tâm lý khác của thanh niên học sinh

Đối với tình cảm

Hoạt động học tập – hướng nghiệp có liên quan với sự phát triển tính ý thức, tính sâu sắc và tính đa dạng trong đời sống tình cảm của các em. Tính chất học tập ở trường trung học phổ thông đòi hỏi các em phải chủ động học tập, phải nhận thức được ý nghĩa thực tiễn của bài học và phải có cách nhìn vừa bao quát vừa sâu sắc. Chính điều này làm cho các em dần dần hình thành trong mình một thói quen suy nghĩ và hành động có mục đích và có ý thức, cẩn thận hơn trong lời ăn tiếng nói khi giao tiếp với cha mẹ, thầy cô, bạn bè và với những người mình yêu quý. Tình cảm gia đình, tình thầy trò, tình bạn, tình yêu và nhiều tình cảm khác của các em chính chắn và sâu sắc hơn. Bên cạnh đó, tình cảm nghề nghiệp của thanh niên học sinh cũng được hình thành từ những xúc cảm nghề nghiệp thông qua những bài học ở trường và những buổi sinh hoạt hướng nghiệp. Càng học tập có định hướng bao nhiêu, tính mục đích và sâu sắc trong tình cảm của các em càng phát triển bấy nhiêu.

Đối với tự ý thức, năng lực và tính cách

Hoạt động học tập – hướng nghiệp có liên quan với sự phát triển tự ý thức của thanh niên học sinh. Sự mở rộng nội dung học tập bộ môn và tăng cường các hoạt động hướng nghiệp của nhà trường là những cơ hội để học sinh hiểu biết hơn về bản thân của mình. Các em sẽ chọn lựa những gì mình thích, sẽ nhận ra những gì mình có thể và không thể thực hiện, sẽ biết được đâu là những điều kiện cần và đủ để mình có thể thực hiện được các mục tiêu mình đề ra. Các em sẽ so sánh những phẩm chất tính cách và ý chí, các khả năng và năng lực hiện có của mình với những yêu cầu cụ thể của từng nghề nghiệp mà các em chọn lựa. Từ đó, các em có thể tự xây dựng cho mình một kế hoạch rèn luyện bản thân. Học tập – hướng nghiệp là một cơ hội, một động lực, một phương tiện giúp thanh niên học sinh hiểu rõ hơn “tôi là ai, tôi có thể làm gì, tôi có gì hay và chưa hay, tôi cần làm gì để thành công và hạnh phúc”.

3. Đặc điểm về hoạt động nhận thức của thanh niên học sinh

3.1 Tri giác

Tri giác của thanh niên học sinh là tri giác có mục đích, có suy xét và có hệ thống. Khi nhìn, nghe, tiếp xúc với các sự vật và hiện tượng xung quanh, thanh niên học sinh thường đặt câu hỏi: “Tôi tiếp xúc cái này để làm gì?”, “Cái này có ý nghĩa gì và no có liên quan gì với những cái khác tôi đã biết?”, “Cái này quan trọng hơn cái nào?”.

Quan sát của thanh niên học sinh là quan sát có ý thức. Trong quá trình quan sát một đối tượng nào đó, các em có thể nhận biết được những yếu tố nào là quan trọng và chủ yếu, yếu tố nào là ít quan trọng hơn và thứ yếu. Các em thường tìm hiểu mục đích và ý nghĩa của đối tượng mình quan sát.

Trong dạy học, giáo viên nên hướng dẫn và khuyến khích học sinh tìm ra kiến thức nào là quan trọng và chủ yếu trong bài học, kiến thức đang học có liên quan gì với các kiến thức đã học, vị trí của kiến thức đang học trong hệ thống kiến thức có liên quan với nó, kiến thức đang học có ý nghĩa gì cho thanh niên học sinh trong cuộc sống hiện tại và tương lai và tại sao phải học nó.

Trong giao tiếp xã hội, giáo viên nên hướng dẫn cho các em biết chọn những điều quan trọng và chủ yếu ở một người bạn để kết thân, biết chọn tiêu chí để đánh giá một sự việc hay một hành động, biết chọn những lời hay ý đẹp để nói ra, biết chọn những tác phẩm văn hóa nghệ thuật và những trò giải trí có lợi cho sự phát triển khỏe mạnh của cơ thể và tâm hồn.

3.2 Trí nhớ

Ghi nhớ có chủ định phát triển mạnh hơn và có vai trò chủ đạo so với ghi nhớ không chủ định. Cùng với xu hướng phát triển tính mục đích và tính ý nghĩa trong tri giác, tính chủ định trong ghi nhớ của thanh niên học sinh cũng phát triển mạnh. Nếu thiếu niên học sinh thường chờ đợi người lớn nhắc nhở hay bị thúc ép trong học tập thì thanh niên học sinh thường tự giác và chủ động hơn trong việc học của mình. Ghi nhớ có chủ định thường thể hiện như: các em đọc bài trước ở nhà khi giáo viên chưa dạy trên lớp, chủ động tìm kiếm các thông tin và trao đổi với bạn bè về những nội dung có liên quan đến bài sẽ học, chủ động tìm cách ghi nhớ bài học theo cách riêng của mình, chủ động tạo lập và tổ chức môi trường học tập ở nhà cho mình sao cho có hiệu quả nhất,… Từ đó, việc học tập của các em có kết quả cao hơn và các em có thể cảm thấy tự tin và thoải mái hơn trong học tập và giao tiếp với giáo viên và bạn bè.

Ghi nhớ có ý nghĩa cũng phát triển mạnh và tạo nên tính logic, tính hệ thống trong nhận thức của thanh niên học sinh. Những hiện tượng cố gắng nhồi nhét kiến thức một cách máy móc vào bộ nhớ, cố gắng nhớ nguyên xi càng nhiều nội dung học tập càng tốt gần như ít thấy thể hiện ở các em. Thay vào đó là các em tìm kiếm những cách thức ghi nhớ mang tính ý nghĩa như: xác định các ý chính trong từng bài học khi học các môn khoa học xã hội, nhớ công thức các môn khoa học tự nhiên bằng các sơ đồ và các lập luận logic, sử dụng bản đồ tư duy. Ghi nhớ có ý nghĩa giúp thanh niên học sinh không chỉ có thể nhớ một khối lượng kiến thức đồ sộ mà còn giúp các em có thể dễ dàng tái hiện các thông tin cần thiết để phục vụ cho quá trình giải quyết các bài tập và bài kiểm tra, giúp các em đạt được kết quả cao trong học tập.

Giáo viên trung học phổ thông cần nhận biết đặc điểm này và giúp thanh niên học sinh phát huy những khả năng của lứa tuổi. Trong quá trình thiết kế bài dạy, tổ chức thực hiện bài dạy và đánh giá thành tích học tập của học sinh, giáo viên cần chú trọng tính chủ định trong ghi nhớ bài học, tính ý nghĩa, tính logic và tính hệ thống trong trí nhớ của các em.

Thanh niên học sinh có khả năng phân loại mức độ quan trọng của các tài liệu cần ghi nhớ. Các em có thể phân biệt nội dung nào cần ghi nhớ từng câu từng chữ, nội dung nào cần ghi nhớ bằng những ý chính và nội dung nào không cần ghi nhớ. Các em cũng có thể phân biệt được nội dung nào cần nhớ ngắn hạn, nội dung nào cần nhớ dài hạn. Tuy nhiên, các em vẫn rất cần sự hướng dẫn của giáo viên trong quá trình ghi nhớ các nội dung học tập và cần sự hướng dẫn về phương pháp ghi nhớ đối với từng môn học cụ thể.

Ở tuổi thanh niên học sinh, các loại trí nhớ phát triển mạnh như: trí nhớ hình ảnh, trí nhớ ngôn ngữ, trí nhớ số học, trí nhớ vận động, trí nhớ logic,… Giáo viên và các bậc phụ huynh có thể dựa vào sự phát triển các loại trí nhớ ở từng em để làm cơ sở cho định hướng nghề nghiệp cho các em.

3.3. Tư duy

Tư duy trừu tượng phát triển mạnh và giữ vai trò quan trọng trong cấu trúc tư duy của thanh niên học sinh. Những nguyên nhân làm cho tư duy trừu tượng của thanh niên học sinh phát triển mạnh là: sự phát triển về cấu trúc và chức năng của não, tính chất đặc thù của hoạt động học tập ở bậc trung học phổ thông, sự mở rộng phạm vi và quyền hạn của thanh niên trong giao tiếp, sự phát triển của các quá trình tri giác và ghi nhớ. Các phẩm chất tư duy phát triển mạnh như: tính độc lập, tính lập luận, tính phê phán, tính linh hoạt, tính hệ thống, tính khái quát, tính sáng tạo. Sự phát triển tư duy lý luận giúp các em có thể giải quyết các yêu cầu học tập ở trường trung học, làm cơ sở cho sự thành công ở bậc học cao hơn và là một trong những cơ sở quan trọng để hình thành thế giới quan khoa học.

Tư duy hình tượng và tư duy hành động vẫn đang phát triển và có vai trò hỗ trợ cho tư duy trừu tượng trong quá trình lĩnh hội các tri thức khoa học, rèn luyện các kỹ năng học tập.

Giáo viên trung học phổ thông, không phân biệt là dạy môn học nào, cần tập trung phát triển các phẩm chất tư duy cho học sinh bằng cách lựa chọn các phương pháp dạy học và thiết kế hệ thống câu hỏi bài tập đa dạng nhằm phát triển tư duy cho thanh niên học sinh. Các phương pháp dạy học có tác dụng phát triển tư duy như: phương pháp đàm thoại, phương pháp tình huống, phương pháp làm việc nhóm, phương pháp dạy học dự án,… Hệ thống câu hỏi và bài tập cần được thiết kế trên cơ sở đòi hỏi thanh niên phải sử dụng tất cả các khả năng của mình như: phân tích, chứng minh, tổng hợp, so sánh, bình luận, đánh giá, hệ thống hóa,… Ngoài ra, việc sử dụng các sơ đồ, biểu đồ, các tranh ảnh, đoạn phim hay những vai diễn học tập là cần thiết và không thể thiếu đối với tất cả các giáo viên trong quá trình phát triển toàn diện khả năng tư duy cho thanh niên học sinh.

3.4 Chú ý

Sự chú ý của thanh niên học sinh chịu sự chi phối của thái độ và hứng thú của các em đối với đối tượng của sự chú ý. Đối với những môn học được các em yêu thích, các em thường tập trung chú ý nhiều hơn. Các em có thể chủ động tìm hiểu các nội dung hoc tập mà các em yêu thích từ nhiều nguồn cung cấp thông tin khác nhau, dành nhiều thời gian và công sức để lĩnh hội các nội dung mà các em yêu thích. Mặt khác, đối với những môn học hay những vấn đề không được các em yêu thích, các em thường tỏ ra lơ là và không dành thời gian cho nó. Trong quá trình định hướng sự chú ý cho thanh niên, người lớn cần tìm ra những điều gì không được thanh niên quan tâm nhưng cần thiết cho cuộc sống hiện tại và tương lai của các em. Từ đó, tìm cách chỉ ra ý nghĩa cần thiết của điều đó và sự cần thiết phải tập trung dành công sức để lĩnh hội nó. Mặt khác, người lớn cũng cần tìm ra những điều gì là không lành mạnh nhưng lại được thanh niên học sinh quan tâm để có những biện pháp chuyển hướng theo chiều có lợi cho sự phát triển nhân cách của các em.

Khả năng phân phối sự chú ý của các em phát triển mạnh. Các em có khả năng vừa nhìn, vừa nghe, vừa ghi, vừa suy nghĩ. Khả năng di chuyển sự chú ý cũng phát triển mạnh. Các em có thể tập trung tâm trí của mình để nhìn và suy nghĩ một vấn đề nào đó ở một thời điểm này, sau đó có thể tập trung sự chú ý của mình để nghe, ghi hoặc nói về một vấn đề khác ở một thời điểm khác. Nhờ khả năng phân phối và di chuyển chú ý như vậy, thanh niên học sinh có khả năng lĩnh hội nhiều kiến thức trong một thời lượng có hạn, có thể hoàn thành nhiều yêu cầu học tập mang tính chất khái quát và hệ thống.

4. Đặc điểm đời sống xúc cảm – tình cảm của thanh niên học sinh

4.1 Xúc cảm

Xúc cảm của thanh niên học sinh có tính ổn định. Những nguyên nhân làm cho xúc cảm của các em ổn định là: có thể nhận thức được những nguyên nhân gây nên xúc cảm của mình, có thể hiểu được những tác động của cuộc sống có ý nghĩa gì đối với nhu cầu của bản thân và có thể làm chủ được cảm xúc. Ngay cả trong những tình huống khó và có thể làm cho các em mất bình tĩnh như sự thất bại trong học tập, mâu thuẫn với bạn bè, mâu thuẫn với cha mẹ hay bị người khác làm tổn thương,… các em cũng có thể làm chủ được mình và làm chủ được tình huống.

Xúc cảm của thanh niên học sinh thường xuất hiện trong học tập, trong giao tiếp bạn bè, trong giao tiếp với thầy cô và cha mẹ. Vì vậy, người lớn cần chủ động tổ chức thường xuyên nhiều hoạt động có ý nghĩa để tạo nhiều xúc cảm tích cực ở thanh niên học sinh. Đó là con đường hình thành đời sống tình cảm cao đẹp ở các em.

4.2 Tình cảm gia đình

Thanh niên học sinh có tình cảm đặc biệt với cha mẹ và những người thân trong gia đình của mình. Sự phát triển khả năng nhận thức về vị trí và vai trò của từng thành viên trong gia đình, sự mở rộng quyền hạn và vai trò người lớn của các em từ phía cha mẹ và người thân, sự mở rộng phạm vi giao tiếp của các em ra ngoài xã hội có ảnh hưởng đến tình cảm của các em đối với gia đình. Các em có trách nhiệm hơn với gia đình, yêu quý gia đình hơn và mong muốn làm cho gia đình mình ngày càng hoàn thiện. Trong suy nghĩ thường ngày, trong các mục đích sống và động cơ học tập của các em luôn có “bóng dáng” của gia đình.

Tình cảm gia đình của thanh niên học sinh ngày nay chịu ảnh hưởng của tính chất thời đại. Sự phát triển mạnh của khoa học và công nghệ thông tin, sự mở rộng giao tiếp đa chiều trên phạm vi toàn cầu theo nhiều chiều giá trị làm cho tình cảm các em có những màu sắc đặc biệt. Thanh niên cho rằng sự tôn trọng cha mẹ và người lớn trong gia đình không phải nhất thiết phải là sự im lặng tuân thủ theo yêu cầu của cha mẹ và người lớn. Các em cởi mở và thẳng thắn trong giao tiếp với cha mẹ. Các em chủ động xây dựng tình cảm với cha mẹ chứ không thụ động đón nhận tình cảm từ cha mẹ dành cho mình.

Để xây dựng và phát triển tình cảm gia đình cho thanh niên học sinh, cha mẹ và những bậc phụ huynh của thanh niên học sinh cần nhận thức rõ những ảnh hưởng từ xã hội hiện đại đang hiện diện trong tình cảm của con em mình, từ đó, có thể có những điều chỉnh cần thiết trong giao tiếp với các em theo nguyên tắc: tình thương, tôn trọng, trách nhiệm, thẳng thắn và thiện chí.

4.3 Tình bạn

Thanh niên học sinh có nhu cầu kết bạn thân tình. Phẩm chất quan trọng hàng đầu cần có của một người bạn ở tuổi này là: chân thành, tôn trọng lẫn nhau và biết chia sẻ. Ở tuổi này, các em phải đối diện với nhiều vấn đề như: thành công trong học tập, xây dựng tình cảm và nhân cách của mình, thể hiện bản thân, giúp đỡ người thân trong gia đình, tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống. Để đạt được những điều đó, các em rất cần có người bạn thân để cùng trao đổi cho nên tình bạn thật sự ở tuổi này rất cần sự chân thành, tôn trọng và chia sẻ. Tình bạn của thanh niên học sinh khá bền vững và có thể kéo dài rất lâu.

Thanh niên học sinh có khả năng nhận biết tình cảm của bạn đối với mình và thể hiện tình cảm của mình đối với bạn. Các em có thể phân biệt ai là bạn thân và ai ít thân hơn, từ đó dành sự quan tâm và sự cởi mở của mình một cách khác nhau với những người bạn khác nhau. Mặt khác, tình bạn của các em lại mang tính xúc cảm cao nghĩa là các em dễ để cho yếu tố tình cảm lấn át yếu tố lý trí trong tình bạn, các em thiếu suy nghĩ cẩn thận khi quyết định kết thân hoặc nghe theo lời bạn. Vì vậy, trong thực tế, có những em có được những người bạn tốt và cũng có em đang kết bạn với những bạn chưa tốt. Người lớn cần hướng dẫn thanh niên học sinh chọn bạn trên cơ sở tôn trọng, lắng nghe và trao đổi với các em. Bên cạnh đó, người lớn cần hướng dẫn các em tự phân tích bản thân để phát huy cái tốt, khắc phục cái xấu, để các em có thể xứng đáng -là những người bạn tốt trong “con mắt” của bạn bè.

Thanh niên học sinh chủ động tìm hiểu -và chọn bạn cho mình, các em có bạn cùng giới, bạn khác giới và nhóm bạn. Mỗi tình bạn có một ý nghĩa riêng đối với các em. Không chỉ kết bạn thân với một người, các em còn có những nhóm bạn của riêng mình. Sự gặp nhau về xu hướng, tính cách hay nàng lực của các em là cơ sở để hình thành những nhóm bạn, có thể cùng giới hay khác giới. Hình thức học tập nhóm ở trường trung học phổ thông, sự phát triển của giao tiếp nhóm trong thời đại công nghệ thông tin ngày nay thông qua các kênh truyền thông là những nguyên nhân cùng góp phần, kích thích sự hình thành nhóm bạn của thanh niên học sinh. Nhóm bạn có thể là một xã hội thu nhỏ mà ỏ đó thanh niên học cách giao tiếp, học cách làm việc và thể hiện cái tôi, từ đó hoàn thiện nhân cách của mình.

Cha mẹ, thầy cô giáo và người thân không chỉ nên quan tâm đến từng bạn thân của các em mà còn phải quan tâm đến những nhóm bạn của các em để có cái nhìn đầy đủ về tình bạn của các em, từ đó, định hướng cho các em xây dựng một tình bạn cao đẹp.

4.4. Tình yêu

Nhu cầu yêu đương xuất hiện ở tuổi thanh niên học sinh. Cùng với sự phát triển cơ thể của thanh niên học sinh gần đạt đến mức hoàn thiện như người lớn, sự mở rộng phạm vi giao tiếp ra xã hội, sự gia tăng tính độc lập và tính người lớn trong quan hệ với cha mẹ và thầy cô giáo, ý thức về sự trưởng thành của bản thân là những nguyên nhân chính làm xuất hiện nhu cầu yêu đương ở tuổi thanh niên học sinh. Tình cảm yêu đương thường xuất phát từ tình bạn khác giới. Các yếu tố thúc đẩy tình yêu của các em xuất hiện là: sự gặp nhau trong tìm kiếm về ngoại hình, sự ngưỡng mộ tài năng, sự rung động trước những hành vi và cử chỉ hay cách nói năng đáng yêu trong giao tiếp, những phẩm chất đáng quý của “người ấy”.

Tình cảm yêu đương ở lứa tuổi này là tình cảm hồn nhiên, thầm kín, nhưng cũng rất dễ vỡ.

Các em tìm đến nhau như những người bạn đặc biệt để cùng nhau học tập, vui chơi, giải trí. Trong giao tiếp, thanh niên học sinh không suy tính hơn thiệt, vì vậy tình cảm yêu đươngcủa các em mang tính hồn nhiên, trong sáng. Vì là tình cảm đặc biệt đầu đời cho nên các em còn rất bỡ ngỡ và lúng túng trước những hành vi của bạn mình và trước những thay đổi của bản thân; thêm vào đó, sự hoài nghi của các em về sự thừa nhận của người lớn đối với tình cảm của mình làm cho các em có khuynh hướng che giấu cảm xúc và các biểu hiện yêu đương, tạo nên tính thầm kín của tình cảm yêu đương trong các em.

Tình cảm yêu đương của thanh niên học sinh rất dễ vỡ. Khả năng nhận thức về bản thân và người khác chưa đầy đủ và sâu sắc, tình cảm còn mang tính cảm xúc cao, quan niệm sống của bản thân chưa xác lập, các yếu tố khách quan như: thái độ của cha mẹ, dư luận xã hội,… có thể cản trở và làm tan vỡ tình yêu của các em. Vì vậy, tình yêu của các em ít tiến tới hôn nhân và để lại nhiều dấu ấn khó phai trong tâm trí của các em.

Cũng như các hiện tượng tâm lý khác, tình yêu của thanh niên học sinh chịu sự chi phối của đặc điểm cơ thể, điều kiện sống, hoạt động và giao tiếp của các em. Thực tế cho thấy, ngoài những biểu hiện trong sáng và thường gặp trong sự phát triển tình cảm của các em còn có những biểu hiện đa dạng khác và rất đáng được quan tâm như: lợi dụng nhau trong tình cảm, cảm tính khi quyết định tình cảm của mình, chưa nhận biết đầy đủ bản chất và quy luật của tình yêu, sống thử trước hôn nhân, không quan tâm đến sự góp ý của cha mẹ, thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản,…

Trước hết, người lớn cần quan sát các em một cách thường xuyên để nhận ra những thay đổi trong hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ của các em và nhận dạng các biểu hiện tình cảm yêu đương của các em. Tiếp theo, người lớn cần lắng nghe các em với một thái độ yêu thương và tôn trọng vì đó là điều kiện duy nhất để các em có thể bày tỏ tình cảm của mình và để người lớn hiểu được nguồn gốc và bản chất của những hành vi yêu đương của các em. Cuối cùng, người lớn cần hướng dẫn các em trên cơ sở gợi ý và phân tích cái hay cái dở để giúp các em lựa chọn thái độ nên có trong việc biểu hiện tình cảm của mình. Không vẽ đường cho hươu chạy và cũng không làm ngơ khi hươu đã muốn chạy hoặc đang chạy, đó là nguyên tắc giáo dục tình cảm yêu đương cho thanh niên học sinh.

5. Đặc điểm nhân cách của thanh niên học sinh

5.1 Sự phát triển của tự ý thức

Thanh niên học sinh có nhu cầu tìm hiểu bản thân, xây dựng hình ảnh bản thân và đánh giá bản thân. Đây là dấu hiệu tích cực trong quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách một cách tự giác. Những yếu tố của ngoại hình được các em chú ý là: chiều cao, cân nặng, làn da, mái tóc, trang phục, đồ trang sức, các phương tiện liên lạc và phương tiện đi lại. Các em dành không ít thời gian hàng ngày của mình để trao chuốt ngoại hình của mình, coi đó là một giá trị cá nhân quan trọng. Mặt khác, những phẩm chất bên trong và những khả năng của các em cũng là đề tài thu hút không ít thời gian và tâm trí của các em. Các em thường liệt kê những phẩm chất của mình và đánh giá sự cần thiết của chúng so với vị trí của mình trong các mối quan hệ, so với mong đợi của người lớn. Các em thường liệt kê những khả năng của mình và đánh giá chúng xem có giúp mình đạt được những mục tiêu học tập, mục tiêu tình cảm, mục tiêu nghề nghiệp và những mục tiêu khác của bản thân.

Thanh niên học sinh không chỉ so sánh bản thân mình trong hiện tại với lý tưởng sống đã chọn mà còn so sánh mình với những “hình mẫu” mà mình theo đuổi. Các em thường so sánh những phẩm chất, những khả năng, mục đích sống và giá trị xã hội của mình với “hình mẫu” mà mình lựa chọn. Các em thường suy nghĩ và nhận xét bản thân mình không chỉở hiện tại mà còn cả trong tương lai. Các em không chỉ nhận xét và đánh giá những phẩm chất và hành vi riêng lẻ của bản thân mà còn đánh giá khái quát nhiều phẩm chất và hành vi của mình. Điều này cho thấy sự phát triển tự ý thức của thanh niên học sinh có tính toàn diện và sâu sắc.

Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xây dựng hình ảnh bản thân là: vị trí của các em trong gia đình, trong trường học và trong xã hội; yêu cầu của người lớn đối với các em trong giao tiếp; yêu cầu của hoạt động học tập ở trường; mục tiêu cuộc đời mà các em đang lựa chọn. Có những em đã thể hiện sự (đánh giá bản thân cao hơn so với thực tế mình có, tạo nên sự tự cao trong các em. Có em biết mình xuất thân từ gia đình quyền chức hay giàu có mà tỏ ra xem thường người khác, có em biết mình học giỏi và thông minh nên thiếu tôn trọng bạn bè và người lớn, có em biết mình xinh đẹp nên cho phép mình nói năng tùy tiện và xúc phạm những người xung quanh. Ngược lại, có những em không nhận thấy được những ưu điểm của mình, tạo ra sự mặc cảm và tự ti. Vì những lý do khách quan như: gia đình nghèo khó, cha mẹ chia tay,… hay những lý do chủ quan như : vóc dáng thiếu chuẩn, trí lực hạn hẹp,… các em vô tình để cho những “điểm xấu ‘ xâm chiếm toàn bộ tâm trí của mình, vô tình tự hạ thấp mình trước người đối diện.

Những hành động có trách nhiệm của người lớn giúp thanh niên học sinh có được một hình ảnh đúng về bản thân là: chỉ dẫn khoa học cho thanh niên học sinh cảm thấy những cái được và cái chưa được trong suy nghĩ và hành động của các em, hướng dẫn và động viên các em phát huy những thế mạnh và khắc phục những khiếm khuyết về cơ thể và tâm lý.

5.2. Xu hướng của nhân cách

a. Nhu cầu

Nhu cầu được tôn trọng, được bình đẳng với mọi người trong giao tiếp là nhu cầu quan trọng và phổ biến ở thanh niên học sinh. Các em không chỉ cần bạn bè cùng trang lứa tôn trọng mình mà đặc: biệt rất cần người tôn trọng ý kiến của mình và đối xử bình đẳng đối với mình. Nhu cầu này đã xuất hiện ở tuổi thiếu niên học sinh và phát triển mạnh, trở nên phổ biến ở thanh niên học sinh. Các em rất cần sự độc lập trong các quyết định của mình và tự cho mình là đúng. Tuy nhiên, xét cho đến cùng, các em vẫn rất cần sự góp ý của người lớn, đặc biệt trong các vấn đề quan trọng của cuộc đời như: chọn bạn, xây dựng tình yêu, chọn lựa nghề nghiệp, xây dựng quan điểm sống và hình ảnh bản thân. Điều quan trọng là người lớn phải nhận ra điều này và trở thành điểm tựa đáng tin cậy cho các em, đó là điều kiện cần thiết để các em bày tỏ nhu cầu của mình. Ngược lại, người lớn sẽ rất khó nhận biết các em có những ham muốn gì và như vậy họ cũng sẽ rất khó nhận biết các em thỏa mãn những nhu cầu đó bằng cách nào, điều này sẽ gây trở ngại cho người lớn trong quá trình giáo dục các em.

Nhu cầu chứng tỏ bản thân cũng là nhu cầu quan trọng và thường gặp ở tuổi thanh niên học sinh. Nhận thức về sự phát triển cơ thể đạt đến mức hoàn thiện như người lớn, nhận thức về vai trò người lớn của mình trong các mối quan hệ gia đình, trường học và xã hội, các em có nhu cầu thể hiện suy nghĩ của mình, thể hiện hành động và năng lực của mình trong quá trình sinh sống và học tập. Các em thường cố tìm ít nhất một lĩnh vực nào đó trong đời sống cá nhân để khẳng định sự hiện diện của mình. Có hai cách thể hiện bản thân: thể hiện tích cực và thể hiện tiêu cực. Cách thể hiện tích cực có thể là: cố gắng học giỏi một môn học, vượt qua mọi rào cản để thực hiện một hành động cao đẹp, thể hiện một phẩm chất đạo đức trong đời sống, thực hiện một nhiệm vụ được cha mẹ hay thầy cô giao phó,… Cách thể hiện tiên cực như là: tạo ra một kiểu thời trang cho bản thân một cách khác người và không phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ xã hội, thực hiện những hành vi gây sự chú ý của nhiều người nhưng lại không được họ chấp nhận, chạy theo một lốisống xa xỉ và không phù hợp với tuổi thanh niên chưa tự lập về tài chính,…

b. Sự hình thành thế giới quan khoa học

Thanh niên học sinh là lứa tuổi xây dựng quan điểm sống (hình thành thế giới quan). Những biểu hiện của quá trình xây dựng quan điểm sống ở các em là: các em thường quan tâm tìm hiểu và trao đổi đến những nguyên tắc chung của cuộc sống, quan tâm đến vai trò của con người trong lịch sử, quan hệ giữa con người với con người, ý nghĩa của cuộc sống,… Từ những năm đầu tiên của cuộc đời, các em đã được học những điều hay và tránh những điều xấu. Trong suốt những năm học phổ thông tiếp theo, các em phân tích, tổng hợp và khái quát những suy nghĩ và quan điểm của mình về chân, thiện, mỹ để xây dựng cho mình một hệ thống quan điểm về tự nhiên, xã hội và con người. Thêm vào đó, sự phát triển mạnh mẽ của tư duy trừu tượng ở tuổi này giúp thanh niên học sinh có thêm nhiều hiểu biết mang tính khái quát về thế giới xung quanh, giúp các em có thể xác định được thái độ của mình đối với thế giới và đánh giá nó; từ đó các em có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống xung quanh. Nhờ đó, quá trình hình thành quan điểm sống của các em ở tuổi này không mang tính hình thức, rời rạc mà đi vào bản chất, hệ thống.

Một nghiên cứu trong năm 2012 trên 377 thanh niên học sinh của 4 trường THPT tại TP.HCM cho thấy đa số học sinh có nhận thức sâu sắc về các giá trị đạo đức trong đời sống hàng ngày. Các giá trị được các em cho là cần thiết theo thứ tự: hiếu thảo đổi với cha mẹ, yêu thương gia đình, có trách nhiệm đối với gia đình và học tập, kính trên nhường dưới, tự trọng, lịch sự trong giao tiếp xã hội, có uy tín, tôn trọng bạn bè, kiên nhẫn và sáng tạo trong học tập. Các giá trị đạo đúc đối với gia đình chiếm phần lớn trong mười giá trị nêu trên chứng tỏ gia đình có một vị trí quan trọng trong tâm trí của thanh niên học sinh.

Sự hình thành quan điểm sống của thanh niên học sinh chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố đặc biệt là hoàn cảnh xã hội các em sinh ra bà lớn lên. Thời đại ngày nay có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều bất lợi cho sự hình thành quan điểm sống của thanh niên học sinh. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sự mở rộng giao lưu văn hóa toàn cầu và sự thay đổi nhiều hệ thống giá trị xã hội là ba tác nhân quan trọng chi phối sự chọn lựa quan điểm sống của thanh niên học sinh. Sự hướng dẫn có định hướng của nhà giáo dục thông qua các bài học, cách sống và cách làm việc của người lớn, hệ thống giá trị mà người lớn xung quanh các em đang theo đuổi có ý nghĩa quyết định sự lựa chọn quan điểm sống và hình thành nhân cách của thanh niên học sinh.

c. Lý tưởng sống

Thanh niên học sinh là lứa tuổi đang tìm kiếm, lựa chọn và xây dựng lý tưởng sống. Sự phát triển tính ý nghĩa của các quá trình nhận thức, sự hình thành quan điểm sống, sự phát triển tình cảm mang tính sâu sắc có liên quan với quá trình hình thành lý tưởng sống. Các em thường phân tích những phẩm chất cao quý của các vĩ nhân trong lịch sử và các nhân vật nổi tiếng trong cuộc sống hiện tại của mình để phác họa cho mình một “hình ảnh riêng” và lấy đó làm mục tiêu để cố gắng đạt được.

Thanh niên học sinh chịu nhiều ảnh hưởng từ quan điểm và lối sống của người lớn trong gia đình, nhà trường và đặc biệt là ngoài xã hội trong quá trình tìm kiếm một hình ảnh hoàn chỉnh cho bản thân. Bên cạnh những hình ảnh cao đẹp còn có những hình ảnh đáng lo ngại được các em chọn lựa làm mục tiêu của cuộc đời mình. Những hình ảnh đáng lo ngại này xuất phát từ những suy nghĩ của các em cho rằng: tiền bạc quyết định tất cả, có nghề cao sang và có nghề thấp hèn, sống là hưởng thụ và cho mình trước tiên, đề cao mình và coi thường người khác,…

Lý tưởng sống của thanh niên học sinh sẽ quyết định nhân cách của các em. Lứa tuổi này là giai đoạn các em hình thành lý tưởng sống. Vì vậy, sự định hướng của người lớn là rất cần thiết. Quá trình xây dựng lý tưởng sống của các em diễn ra thuận lợi và đúng hướng hay không, phần nhiều do lối sống và sự hướng dẫn của cha mẹ, người thân và thầy cô giáo. Những lý tưởng sống cao đẹp như: một người giàu tri thức và nhân hậu, một người biết chia sẻ, một người biết cho và nhận, một người sáng tạo và hữu ích cho cộng đồng, một sứ giả hòa bình, một nghệ nhân tài hoa, một thân thể khỏe mạnh và thông minh,… là những hình mẫu cần được khuyến khích cho thanh niên học sinh.

TÓM TẮT

Tuổi thanh niên học sinh là lứa tuổi có sự phát triển cơ thể mang tính chất tương đối hài hòa, êm ả, không có nhiều biến động và mâu thuẫn. Chiều cao, cân nặng của các em đã phát triển chậm lại so với tuổi thiếu niên học sinh. Sự tăng trưởng của hệ cơ xương đang dần Dần đạt đến mức hoàn thiện như người lớn. Hoạt động của hệ tuần hoàn, của các tuyến nội tiết diễn ra bình thường gần như người lớn và quy định khả năng làm cha mẹ của các em.

Các điều kiện xã hội ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm lý của các em có thể tìm thấy trong cuộc sống gia đình, trường học, các quan hệ xã hội của các em. Sự thừa nhận ngày càng nhiều tính người lớn trong các em từ phía cha mẹ. thầy cô, bạn bè và những người thân là một nhận thức đúng về các em và là điều kiện quan trọng cho các em trưởng thành.

Hoạt động chủ đạo của các em là học tập – hướng nghiệp. Vì vậy, người lớn cần quan tâm giúp đỡ các em định hướng nghề nghiệp cho đúng, giúp các em chuẩn bị những hành trang cần thiết để trở thành của một công dân có ích và lành nghề trong tương lai.

Năm tính chất cơ bản của nhận thức ở lứa tuổi này được phát triển mạnh ở tất cả các quá trình nhận thức và tạo nên đặc trưng về nhận thức ở các em là: tính mục đích, tính chủ định, tính suy luận, tính hệ thống và tính thực tiễn. Những chính sách giáo dục và nhũng phương cách giảng dạy cần phải tạo mọi điều kiện để thúc đẩy sự phát triển khả năng nhận thức của các em và giúp các em chuẩn bị cho việc học nghề tiếp theo trong tương lai.

Xúc cảm của thanh niên học sinh có tính ổn định và tình cảm của các em rất đa dạng. Thái độ học tập có ý thức và có mục đích. Tình cảm gia đình và tình bạn là những tình cảm quan trọng ở các em. Thanh niên học sinh có nhu cầu kết bạn thân tình và chủ động tìm hiểu và chọn bạn cho mình. Các em có bạn cùng giới, bạn khác giới và nhóm bạn. Nhu cầu yêu đương xuất hiện ở tuổi thanh niên học sinh. Tình cảm yêu đương ở lứa tuổi này là tình cảm hồn nhiên, thầm kín, nhưng cũng rất dễ vỡ. Người lớn, đặc biệt là các bậc phụ huynh cần nhận thức rõ những ảnh hưởng từ xã hội hiện đại đang hiện diện trong tình cảm của các em mình, từ đó, có thể có những điều chỉnh cần thiết trong giao tiếp với các em theo nguyên tắc: tình thương, tôn trọng, trách nhiệm, thẳng thắn và thiện chí.

Thanh niên học sinh không chỉ so sánh bản thân mình trong hiện tại với lý tưởng sống mà mình chọn lựa mà còn so sánh mình với những “hình mẫu” mà mình theo đuổi. Nhu cầu được tôn trọng, được bình đẳng với mọi người và nhu cầu chứng tỏ bản thân trong giao tiếp và học tập là những nhu cầu quan trọng và phổ biến ở thanh niên học sinh. Thanh niên học sinh là lứa tuổi xây dựng quan điểm sống, lý tưởng sống và quan điểm chọn nghề cho mình trong tương lai. Sự hình thành và phát triển nhân cách của thanh niên học sinh chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là hoàn cảnh xã hội các em sinh ra và lớn lên. Thời đại ngày nay có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều bất lợi cho sựhình thành nhân cách của các em. Vì vậy, sự hướng dẫn có định hướng của người lớn thông qua các bài học, cách sống và cách làm. việc của người lớn, hệ thống giá trị xã hội mà người lớn xung quanh các em đang theo đuổi có ý nghĩa quyết định sự hình thành nhân cách các em. Những hành động có trách nhiệm của người lớn giúp thanh niên học sinh có được một hình ảnh đúng về bản thân là: chỉ dẫn khoa học cho thanh niên học sinh cảm thấy những cái được và cái chưa được trong suy nghĩ và hành động của các em, hướng dẫn và động viên các em phát huy những thế mạnh và khắc phục những khiếm khuyết về cơ thể và tâm lý.

(Theo: Giáo trình tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net