Trang chủ Khoa học Chính trị Nội dung “Cương lĩnh dân tộc” của chủ nghĩa Mác – Lênin

Nội dung “Cương lĩnh dân tộc” của chủ nghĩa Mác – Lênin

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,7K views

Dựa trên cơ sở tư tưởng của C. Mác – Ph. Ăngghen về vấn đề dân tộc, dựa vào sự tổng kết kinh nghiệm đấu tranh của phong trào cách mạng thế giới và cách mạng Nga, phân tích hai xu hướng khách quan của phong trào dân tộc, V.I. Lênin đã khái quát lại thành “Cương lĩnh dân tộc” của Đảng Cộng sản.

Nội dung “Cương lĩnh dân tộc” thể hiện trên 3 vấn đề sau:

Thứ nhất, các dân tộc hoàn toàn bình đẳng

– Đây là quyền thiêng liêng của các dân tộc trong mối quan hệ giữa các dân tộc. Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng có nghĩa là: Các dân tộc lớn hay nhỏ (kể cả Bộ tộc và chủng tộc) không phân biệt trình độ cao hay thấp đều có nghĩa vụ và quyền lợi ngang nhau, không một dân tộc nào được giữ đặc quyền đặc lợi và đi áp bức bóc lột dân tộc khác.

– Trong một quốc gia có nhiều dân tộc, quyền bình đẳng giữa các dân tộc phải được pháp luật bảo vệ như nhau; khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc do lịch sử để lại.

– Trên phạm vi giữa các quốc gia – dân tộc, đấu tranh cho sự bình đẳng giữa các dân tộc gắn liền với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, gắn với cuộc đấu tranh xây dựng một trật tự kinh tế thế giới mới, chống sự áp bức bóc lột của các nước tư bản phát triển đối với các nước chậm phát triển về kinh tế.

– Thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc là cơ sở để thực hiện quyền dân tộc tự quyết và xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các dân tộc.

Thứ hai, các dân tộc được quyền tự quyết

– Quyền dân tộc tự quyết là quyền làm chủ của mỗi dân tộc đối với vận mệnh của dân tộc mình: quyền tự quyết định chế độ chính trị – xã hội và con đường phát triển của dân tộc mình; quyền tự do độc lập về chính trị tách ra thành một quốc gia dân tộc độc lập vì lợi ích của các dân tộc; quyền tự nguyện liên hiệp lại với các dân tộc khác trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi để có sức mạnh chống nguy cơ xâm lược từ bên ngoài, giữ vững độc lập chủ quyền và có thêm những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển quốc gia – dân tộc.

– Khi giải quyết quyền tự quyết của các dân tộc cần đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân ủng hộ các phong trào đấu tranh tiến bộ phù hợp với lợi ích chính đáng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Kiên quyết đấu tranh chống những âm mưu thủ đoạn của các thế lực đế quốc, lợi dụng chiêu bài “dân tộc tự quyết” để can thiệp vào công việc nội bộ của các nước.

Thứ ba, liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc lại

– Đây là tư tưởng cơ bản trong cương lĩnh dân tộc của Lênin: Nó phản ánh bản chất quốc tế của phong trào công nhân, phản ánh sự thống nhất giữa sự nghiệp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp. Nó đảm bảo cho phong trào dân tộc có đủ sức mạnh để giành thắng lợi.

– Nó quy định mục tiêu hướng tới; quy định đường lối, phương pháp xem xét, cách giải quyết quyền dân tộc tự quyết, quyền bình đẳng dân tộc, đồng thời, nó là yếu tố sức mạnh bảo đảm cho giai cấp công nhân và các đân tộc bị áp bức chiến thắng kẻ thù của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.

– Đây là cơ sở vững chắc để đoàn kết các tầng lớp nhân dân lao động trong các dân tộc để đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc vì độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Vì vậy, nội dung liên hiệp công nhân các dân tộc đóng vai trò liên kết cả 3 nội dung của cương lĩnh thành một chỉnh thể.

Tóm lại: “Cương lĩnh dân tộc” của chủ nghĩa Mác – Lênin (của Đảng Cộng sản) là một bộ phận trong cương lĩnh cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp; là cơ sở lý luận của đường lối, chính sách dân tộc của Đảng Cộng sản và Nhà nước xã hội chủ nghĩa.

5/5 - (3 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net