Trang chủ Khoa học Chính trị Lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác – Lênin và sự vận dụng ở Việt Nam

Lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác – Lênin và sự vận dụng ở Việt Nam

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,K views

Lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác – Lênin

– Tư tưởng về cách mạng không ngừng của C. Mác – Ph. Ăngghen

C. Mác và Ph. Ănghen là những người đầu tiên nêu lên tư tưởng về cách mạng không ngừng. Các ông quan niệm rằng: Cách mạng của giai cấp công nhân phát triển không ngừng nhưng phải trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong phạm vi một nước cũng như trên toàn thế giới. Mỗi giai đoạn có những yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Tư tưởng đó thể hiện tính giai đoạn và tính liên tục của sự phát triển cách mạng.

Các ông còn chỉ ra rằng trong các quốc gia còn tồn tại chế độ quân chủ, phong trào công nhân chưa đủ mạnh, lúc đầu giai cấp công nhân với tư cách là lực lượng chính trị xã hội độc lập phải chủ động tích cực tham gia vào cuộc cách mạng dân chủ do giai cấp tư sản lãnh đạo để đánh đổ chế độ quân chủ. Sau đó, giai cấp công nhân liên minh với các tầng lớp nhân dân lao động, trước hết là nông dân chuyển sang đấu tranh chống lại giai cấp tư sản và các thế lực đại diện cho chúng.

Trong lời kêu gọi của Uỷ ban Trung ương gửi Đồng minh những người cộng  sản 1850, C. Mác – Ph. Ăngghen viết: “Lợi ích của chúng ta là phải làm cho cách mạng trở thành cách mạng không ngừng, cho đến khi tất cả các giai cấp ít hay nhiều hữu sản đều bị gạt ra khỏi chính quyền nhà nước, cho đến khi chẳng những ở một nước mà ở tất cả mọi nước thống trị trên thế giới, các hội liên hiệp những người vô sản đã tiến bộ đến mức có thể chấm dứt sự cạnh tranh giữa những người vô sản ở các nước đó, và ít nhất là tập trung những lực lượng sản xuất quyết định vào tay mình”. Hay C. Mác còn nói: “Chủ nghĩa xã hội này là lời tuyên bố cách mạng không ngừng”

– Sự phát triển của V.I. Lênin

Dựa trên tư tưởng cách mạng không ngừng của C. Mác – Ph. Ănghen, căn cứ vào điều kiện lịch sử mới: chủ nghĩa tư bản chuyển thành chủ nghĩa đế quốc, giai cấp tư sản đã trở thành giai cấp phản động, bỏ rơi ngọn cờ dân chủ, tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược, biến những nước lạc hậu thành thuộc địa của chúng. Trong phong trào công nhân đã xuất hiện chủ nghĩa cơ hội, tư tưởng cách mạng không ngừng của C. Mác – Ph. Ăngghen đã bị họ phủ định, V.I. Lênin đã đấu tranh chống lại những tư tưởng đó và phát triển tư tưởng cách mạng không ngừng của C. Mác – Ph.Ăngghen thành lý luận về sự chuyển biến cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Xuất phát từ tình hình nước Nga vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, là nơi tập trung những mâu thuẫn, là khâu yếu nhất trong dây chuyền của chủ nghĩa đế quốc đã xuất hiện cùng một lúc tiền đề của hai cuộc cách mạng, V.I. Lênin cho rằng: “Giai cấp công nhân Nga phải nắm lấy ngọn cờ cách mạng dân chủ tư sản (hay còn gọi là cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới), tiến hành cách mạng một cách triệt để, thực hiện chuyển biến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới là màn mở đầu, là nhịp cầu để chuyển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới và cách mạng xã hội chủ nghĩa là hai giai đoạn khác nhau nhưng cùng nằm trong một quá trình vận động không ngừng, giữa chúng có sự gắn kết, không có bức tường nào ngăn cách cả. Thắng lợi của cách mạng dân chủ nhân dân tạo tiền đề cho cách mạng xã hội chủ nghĩa.

V.I. Lênin còn chỉ ra những điều kiện để thực hiện sự chuyển biến từ cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới lên cách mạng xã hội chủ nghĩa:

  • Một là, giai cấp công nhân thông qua chính đảng của mình phải giữ vai trò lãnh đạo trong suốt quá trình cách mạng.
  • Hai là, phải củng cố, tăng cường khối liên minh công công vững chắc trong suốt quá trình cách mạng.
  • Ba là, chuyên chính dân chủ cách mạng của giai cấp công nhân, nông dân phải chuyển sang thực hiện nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản.

Sự vận dụng lý luận cách mạng không ngừng ở Việt Nam

Lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác – Lênin là lý luận soi đường cho sự phát triển cách mạng ở các nước thuộc địa, phụ thuộc, các nước dân tộc chủ nghĩa, các nước chậm phát triển về kinh tế trong thời đại ngày nay, trong đó có Việt Nam.

– Tính tất yếu của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam

Xuất phát từ việc thấm nhuần quan điểm, tư tưởng của C. Mác – Ph. Ăngghen và V.I. Lênin về cách mạng không ngừng, đồng thời căn cứ vào tình hình thực tiễn cách mạng Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX là sự áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến đối với quần chúng nhân dân lao động vô cùng dã man, tàn bạo; những phong trào đấu tranh theo xu hướng tư sản và phong kiến đều bị thất bại, Đảng ta, đứng đầu là Hồ Chí Minh đã nhận thức được tính tất yếu lịch sử của con đường cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản (xã hội chủ nghĩa) . Người nói: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức”. Do vậy, người đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, đưa đến việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03 – 02 – 1930.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời làm cho cách mạng Việt Nam thoát khỏi sự khủng hoảng về đường lối chính trị, sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam đã kết hợp được hai nhiệm vụ: giải phóng dân tộc bị áp bức và giải phóng giai cấp những người lao động. Trên con đường đó, điều đầu tiên là phải tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để giành độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân (hay còn gọi là cách mạng giải phóng dân tộc) nhằm tạo tiền đề cho việc chuyển lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

– Tính tất yếu chuyển từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa

Trong thời đại ngày nay, khi độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không tách rời nhau và ở nước ta, khi giai cấp công nhân thông qua đội tiên phong là Đảng Cộng sản giữ vai trò lãnh đạo cách mạng thì thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân  là sự bắt đầu của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Do đó, tính tất yếu của việc chuyển biến từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa đã được khẳng định ngay trong Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng ta là: Cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Quan điểm tư tưởng đó lại một lần nữa được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam được trình bày tại Đại hội VII (1991): “Bài học xuyên suốt quá trình cách mạng nước ta là nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở đảm bảo vững chắc cho độc lập dân tộc”.

Những quan điểm tư tưởng trên của Đảng ta là sự vận dụng một cách trung thành, sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào quá trình cách mạng Việt Nam; đưa cách mạng Việt Nam tiến lên từng bước vững chắc.

4/5 - (4 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]