Theo từ điển Tiếng Việt “Nhà hát” là cơ sở vật chất, tức đơn thuần chỉ là những cái rạp lớn, nhỏ, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật ca, múa, nhạc, hòa nhạc, giao lưu… Phục vụ công chúng, theo từng nội dung mục đích, yêu cầu của chương trình nghệ thuật, tương ứng với mỗi loại hình nhà hát cho phù hợp.
Ở Việt Nam có ba nhà hát có quy mô lớn, tọa lạc ở vị trí của ba thành phố lớn Việt Nam, đó là: Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng và Nhà hát lớn thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có một số nhà hát khác trên cả nước, chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn. Theo nghĩa này thì nhà hát chỉ là nơi biểu diễn của các nghệ sỹ với đầy đủ trang thiết bị phục vụ như: âm thanh, ánh sáng, phông màn, phòng thay đồ, phòng hóa trang, hoạt động độc lập là một đơn vị phục vụ cho biểu diễn nghệ thuật hay các sự kiện khác trong đời sống xã hội hiện nay.
Từ thực tiễn công tác quản lý nhà nước về nghệ thuật biểu diễn và chức năng, nhiệm vụ của các nhà hát, có thể khái quát về “nhà hát” là một đơn vị có chức năng biểu diễn nghệ thuật phục vụ công chúng theo từng loại hình nghệ thuật khác nhau mang tính đặc thù của các nhà hát riêng biệt, có nghệ sỹ biểu diễn, có phòng nghệ thuật, phòng marketing, phòng trang phục, câu lạc bộ khán giả, phòng trưng bày, thư viện, phòng tập cho các đoàn chuyên môn, phòng tổ chức biểu diễn, bán vé, có nhạc công, diễn viên, xây dựng chương trình biểu diễn theo định kỳ, dưới sự giám sát chỉ đạo của Ban lãnh đạo xuống các phòng, đoàn, như vậy: Một đơn vị biểu diễn nghệ thuật được gọi là nhà hát, là vì tất cả các đơn vị này đều có rạp biểu diễn riêng cho loại hình nghệ thuật của mình và do chính đơn vị quản lý.
Hiện nay, ở Việt Nam có một số đơn vị nghệ thuật vừa có chức năng quản lý các nghệ sỹ, vừa xây dựng, tổ chức hoạt động biểu diễn tại chính rạp hát của mình quản lý, điều đó mới có thể đầy đủ cho nghĩa gọi là một “Nhà hát”, ví dụ: Nhà hát chèo Việt Nam có nơi biểu diễn riêng ở phố Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội; Nhà hát Tuổi trẻ ở số 11 phố Ngô Thì Nhậm; Nhà hát kịch Việt Nam ở số 1 Tràng Tiền; Nhà hát Tuồng ở số 51 phố Đường Thành… Tuy nhiên, hiện nay do nhiều lý do đặc biệt, khó khăn chung về kinh tế của các ngành thì một số đơn vị được gọi là “Nhà hát” mà vẫn chưa thể có nơi để biểu diễn riêng đặc thù cho loại hình nghệ thuật của mình, trong đó phải kể đến Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát giao hưởng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Trung ương, Nhà hát Ca – Múa – Nhạc Thăng Long…
Nhà hát là là một đơn vị có chức năng biểu diễn nghệ thuật có các phòng ban, vừa quản lý các nghệ sỹ vừa tổ chức xây dựng, cho công diễn các sản phẩm nghệ thuật phục vụ công chúng, có rạp biểu diễn riêng phù hợp với loại hình nghệ thuật của mình. Từ đó các nghệ sỹ được thăng hoa, cống hiến cho loại hình nghệ thuật mà mình yêu thích, say mê, là nơi công chúng gửi gắm cho
nhu cầu thưởng thức của mình tới các nhà hát theo từng sở thích riêng của mỗi khán giả với loại hình nghệ thuật mà công chúng lựa chọn.
Như vậy ta thấy rằng: “Nhà hát” thực sự đầy đủ và trọn vẹn phải có bộ máy tổ chức, có các phòng, ban, nghệ sỹ biểu diễn, có đạo diễn, chỉ huy, biên đạo… Đặc biệt là phải có rạp biểu diễn riêng đặc thù. Nhìn chung, nhà hát là mô hình khép kín, từ khi các chương trình nghệ thuật được xây dựng, tới khi hoàn thiện và đưa ra công diễn phục vụ khán giả tại nhà hát của mình. Ngoài ra còn có kết hợp các chương trình hay sự kiện bên ngoài vào giao lưu hoặc biểu diễn.