Trang chủ Nghiên cứu khoa học Nghiên cứu thực nghiệm (Experimental study) là gì?

Nghiên cứu thực nghiệm (Experimental study) là gì?

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,2K views

Nghiên cứu thực nghiệm (experimental studies)(*) là những nghiên cứu nhằm mục đích kiểm tra mối quan hệ nhân – quả (các giả thuyết) trong điều kiện, môi trường nghiên cứu được kiểm soát chặt chẽ bằng cách tách biệt các yếu tố nguyên nhân với kết quả về mặt thời gian, áp đặt yếu tố nguyên nhân đối với một nhóm đối tượng (nhóm thực nghiệm) mà không áp đặt đối với một nhóm khác (nhóm đối chứng). Sau đó quan sát sự thay đổi của các kết quả giữa các đối tượng trong hai nhóm này. Ví dụ, nếu chúng ta thiết kế một thực nghiệm trong phòng thí nghiệm để kiểm tra tính hiệu quả của một loại thuốc mới trong điều trị một căn bệnh nào đó, có thể lấy một mẫu ngẫu nhiên trong số những người bị ảnh hưởng với căn bệnh đó. Sau đó phân họ một cách ngẫu nhiên thành hai nhóm (nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng), phát thuốc cho các đối tượng trong nhóm điều trị (nhóm thực nghiệm), nhưng chỉ đưa ra viên trấn an (viên thuốc không có giá trị chữa bệnh) cho nhóm khác. Các thiết kế phức tạp hơn có thể bao gồm nhiều nhóm thực nghiệm, chẳng hạn như các nhóm được phát thuốc với liều lượng cao thấp khác nhau; hoặc sử dụng nhiều tác động, chẳng hạn như kết hợp dùng thuốc với việc can thiệp vào chế độ ăn uống.

Trong thiết kế thực nghiệm đích thực (true experimental design), các đối tượng này phải được phân ngẫu nhiên giữa các nhóm. Nếu việc phân bổ ngẫu nhiên không được thực hiện thì thiết kế đó sẽ trở thành giả thực nghiệm (quasi-experiment). Các thực nghiệm có thể được thực hiện trong một môi trường nhân tạo hoặc phòng thí nghiệm như của một trường đại học (thực nghiệm nhân tạo – laboratory experiments) hoặc ngoài thực địa như trong một tổ chức nơi các hiện tượng quan tâm đang diễn ra trên thực tế (thực nghiệm thực địa – field experiments). Thực nghiệm trong phòng thí nghiệm cho phép các nhà nghiên cứu có thể để cô lập các biến quan tâm và kiểm soát các biến không liên quan, điều này khó có thể có được trong các thực nghiệm thực địa. Do đó, kết luận rút ra từ các thực nghiệm nhân tạo thường có giá trị nhân quả (giá trị nội tại) cao hơn, nhưng các thực nghiệm thực địa lại thường có giá trị ngoại tại cao hơn.

Dữ liệu thực nghiệm được phân tích bằng cách sử dụng các kỹ thuật thống kê định lượng. Điểm mạnh nhất của thiết kế thực nghiệm là giá trị nhân quả cao do khả năng cô lập, kiểm soát và tập trung kiểm tra một số lượng nhỏ các biến, trong khi điểm yếu cơ bản của nó là sự hạn chế về khả năng khái quát hóa vì trên thực tế cuộc sống thường phức tạp hơn (ví dụ như có sự xuất hiện của nhiều biến không liên quan) so với các thiết lập trong phòng thí nghiệm. Hơn nữa, nếu nghiên cứu không nhận diện và kiểm soát các biến không liên quan thì giá trị nhân quả có thể bị giảm hoặc mang đến những tương quan giả.


(*) “Experimental studies” có khi được dùng với nghĩa là nghiên cứu thử nghiệm hay nghiên cứu thí nghiệm

Tìm hiểu thêm:

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net