Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Nền kinh tế nhiều thành phần là gì? Tính tất yếu khách quan

Nền kinh tế nhiều thành phần là gì? Tính tất yếu khách quan

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,1K views

Nền kinh tế nhiều thành phần là gì? Tính tất yếu khách quan của sự tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần; các lợi ích trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam; Các thành phần kinh tế ở nước ta hiện nay.

Thành phần kinh tế là khu vực kinh tế, kiểu quan hệ kinh tế đặc trưng bởi các hình thức sở hữu nhất định về tư liệu sản xuất. Do đó, thành phần kinh tế tồn tại ở những hình thức tổ chức kinh tế nhất định, căn cứ vào quan hệ sản xuất để xác định từng thành phần kinh tế cụ thể.

Tính tất yếu khách quan của sự tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần

Sự tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ là một tất yếu khách quan. Bởi vì:

– Xét về mặt lịch sử, sau khi cách mạng dân tộc dân chủ thành công bước vào thời kỳ quá độ của chủ nghĩa xã hội, đất nước tiếp thu một di sản của nền sản xuất bao gồm nhiều thành phần kinh tế như kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, các thành phần kinh tế này vẫn còn tác dụng đối với việc phát triển lực lượng sản xuất ở nước ta nên cần thiết phải tiếp tục duy trì. Mặt khác, do yêu cầu xây dựng CNXH cần phải xây dựng và phát triển các thành phần kinh tế mới như kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế chủ nghĩa tư bản nhà nước. Vì vậy, về mặt lịch sử, sự tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên CNXH là một tất yếu khách

– Xét về mặt lý luận, sự tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta là do yêu cầu của quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất quyết định. Nước ta bước vào thời kỳ quá độ của chủ nghĩa xã hội với một trình độ lực lượng sản xuất còn thấp kém, phát triển không đồng đều giữa các vùng, các ngành. Điều đó có nghĩa là tồn tại nhiều loại trình độ lực lượng sản xuất khác nhau, do đó đòi hỏi phải có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.

Để đáp ứng yêu cầu quy luật trên, Đảng ta chủ trương vừa duy trì các thành phần kinh tế cũ vừa xây dựng và phát triển các thành phần kinh tế mới, các thành phần kinh tế cũ và mới tồn tại đan xen, vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau tạo thành một cơ cấu kinh tế nhiều thành phần.

Lợi ích của sự tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam

Sự tồn tại nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta không chỉ là một tất yếu khách quan còn mang lại nhiều lợi ích:

– Nền kinh tế tồn tại nhiều thành phần, có nghĩa là tồn tại nhiều hình thức quan hệ sản xuất, sẽ phù hợp với trình trạng thấp kém và không đồng đều của lực lượng sản xuất ở nước ta hiện nay. Sự phù hợp này đến lượt nó, lại có tác dụng thúc đẩy tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả kinh tế của các thành phần kinh tế và toàn bộ nền kinh tế ở nước ta.

– Nền kinh tế nhiều thành phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa phát triển, tạo cơ sở để xây dựng hệ thống thị trường đồng bộ, tiến tới hoàn thiện cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

– Cho phép khai thác và sử dụng có hiệu quả sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế về vốn, sức lao động, kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý để phát triển kinh tế.

– Tạo điều kiện thực hiện mở rộng các hình thức kinh tế quá độ, trong đó hình thức kinh tế của CNTB nhà nước có ý nghĩa như “cầu nối”, trạm “trung gian” cần thiết để đưa nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

– Cơ cấu kinh tế nhiều thành phần tạo tiền đề để khắc phục trình trạng độc quyền, tạo ra quan hệ cạnh tranh, động lực quan trọng thúc đẩy cải tiến kỹ thuật, phát triển lực lượng sản xuất.

Sự phân tích trên cho thấy, cơ cấu kinh tế nhiều thành phần có vai trò to lớn trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cơ cấu đó vừa phù hợp với trình độ xã hội hóa của lực lượng sản xuất, vùa phù hợp với lý luận của Lênin về đặc điểm kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định rằng: chính sách kinh tế nhiều thành phần có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tính quy luật sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội và thể hiện tinh thần dân chủ về kinh tế bảo đảm cho mọi người được tự do làm ăn theo pháp luật.

Để đảm bảo cho nền kinh tế nhiều thành phần phát triển theo định hướng XHCN cần phải:

– Lấy việc phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống nhân dân làm mục tiêu hàng đầu trong việc khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế.

– Đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, đảm bảo cho kinh tế nhà nước đóng được vai trò chủ đạo, làm cho kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trở thành nền tảng của nền kinh tế.

– Thực hiện nhiều hình thức phân phối , lấy hình thức phân phối theo kết quả lao động là chủ yếu . Khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói giảm nghèo, không để diễn ra sự chênh lệch quá đáng mức sống và trình độ phát triển giữa các vùng

– Tăng cường hiệu lực quản lý vĩ mô của nhà nước, phát huy mặt tích cực ngăn ngừa và hạn chế những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường.

Các thành phần kinh tế ở Việt Nam hiện nay

Căn cứ vào nguyên lý chung và điều kiện cụ thể của Việt Nam, Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định nền kinh tế nước ta hiện nay có sáu thành phần kinh tế là:

  • Kinh tế nhà nước
  • Kinh tế tập thể
  • Kinh tế cá thể, tiểu chủ
  • Kinh tế tư bản tư nhân
  • Kinh tế tư bản nhà nước
  • Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

Trong các thành phần kinh tế trên, kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo.

nền kinh tế nhiều thành phần

Xem thêm: Vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]