Trang chủ Báo chí truyền thông Kịch bản truyền hình là gì? Vai trò và đặc điểm

Kịch bản truyền hình là gì? Vai trò và đặc điểm

by Ngo Thinh
553 views

Vai trò và đặc điểm của kịch bản truyền hình

Một phóng viên báo viết đi đến cơ sở, thu thập tin tức, viết tin bài, hoạt động sáng tác của nhà báo mang tính chất cá nhân. Họ viết những gì mình thu nhận được ra giấy bằng phương tiện ngôn ngữ chữ viết đơn thuần. Và bài báo hoàn thành, dẫu sao công việc cũng đơn giản.

Làm một chương trình truyền hình, cho dù là một bản tin ngắn cũng đều phải qua các khâu: xác định đề tài, chủ đề, phác thảo nội dung, lựa chọn cách để quay sao cho thích hợp với nội dung đó,… khâu cuối cùng là sắp xếp ghép nối các cảnh thành những câu bình, nối tiếp nhau lôgic. Dựa trên ý nghĩa đề tài của các cảnh, để viết lời bình.

Bất kỳ một tác phẩm truyền hình nào cũng là sản phẩm mang tính tập thể cao, là kết quả đóng góp củ các thành viên: quay phim, biên tập, đạo diễn, dựng phim.

Vậy làm thế nào để có sự thống nhất giữa các khâu và tập thể tác giả đó?

Về mặt này, truyền hình đã học tập điện ảnh: kịch bản truyền hình.

Một kịch bản có thể xem như xương sống của một sản phẩm truyền hình. Mỗi thể loại của truyền hình lại có những kịch bản mang đặc trưng tính chất riêng, phù hợp với thể loại đó. Chúng tôi xin bàn kỹ hơn về vấn đề này trong chương sau.

Kịch bản báo chí truyền hình mang tính dự kiến, dự báo, chứ không phải ở dạng ổn định. Bởi vì phần lớn các chi tiết trong kịch bản đều là những dự kiến của phóng viên về những cái sắp xảy ra trong một tương lai gần. Mặt khác nó không được phép hư cấu, vì vậy nó luôn dựa trên cơ sở người thật việc thật.

Kịch bản truyền hình bao giờ cũng dự kiến được những nét chung nhất của vấn đề mà nó đề cập. Các sự kiện, vấn đề, đặc biệt là những chi tiết của các sự kiện, vấn đề mà truyền hình đề cập thường hay thay đổi. Thông thường cho đến lúc dựng được một chương trình hay tác phẩm truyền hình thì bản thân chương trình và tác phẩm đó có khác nhiều so với kịch bản lúc ban đầu. Vì thế mà có nhiều kịch bản chỉ hoàn chỉnh sau khi đưa vào giai đoạn hậu kỳ.

Kịch bản báo chí truyền hình được xây dựng trên cơ sở các sự kiện có thật và nghệ thuật “ráp nối” các sự kiện bằng tư duy logic của tác giả. Nó thường được thể hiện dưới dạng: vừa là kịch bản văn học vừa là kịch bản đạo diễn, trong kịch bản toát lên toàn bộ nội dung của tác phẩm và biện pháp thể hiện tác phẩm. Kịch bản truyền hình được sử dụng tất cả các thủ pháp nghệ thuật điện ảnh để thể hiện tác phẩm, nhưng chất liệu của nó là những sự kiện, con người…có thật không được hư cấu. Hơn nữa, nó được viết ra ở dạng đề cương và sử dụng trong phạm vi hẹp nên nó không được dùng để thưởng thức như một tác phẩm kịch bản điện ảnh hay văn học nói chung.

Kịch bản, ngoài những tác dụng là “kim chỉ nam” cho họat động của phóng viên và quay phim, là “linh hồn” cho tập thể làm phim, giúp cho tác phẩm có chủ đề tư tưởng, đối tượng phục vụ, cách thể hiện tác phẩm rõ ràng rành mạch,…kịch bản còn là căn cứ để phóng viên thu thập tài liệu, sử dụng có hiệu quả tiếng động hiện trường, chọn âm nhạc phù hợp với nội dung tư tưởng, tác phẩm…bởi vì xem kịch bản người phóng viên biết mình cần thu thập tài liệu gì, phỏng vấn ai, câu hỏi như thế nào?… Hơn nữa, kịch bản còn chỉ cho ta thấy cảnh nào, chi tiết nào của sự kiện là chính và hình ảnh nào, chi tiết nào là phụ để từ đó xác định số cảnh cần quay và sắp xếp các sự kiện theo logic nhất định (nếu là kịch bản chi tiết), qua kịch bản người quay phim còn có thể biết quay cảnh nào, góc độ nào có hiệu quả cao… Nhờ có kịch bản mà toàn bộ tư liệu và hình ảnh quay về, phóng viên đều có thể sử dụng vào các tác phẩm và đủ thể hiện toàn bộ nội dung mà tác phẩm muốn trình bày.

Xây dựng kịch bản là công việc đầu tiên sau khi xác định đề tài, chủ đề. Việc xây dựng kịch bản chính là sự xác định và thống nhất hành động đối với những việc cần làm của thành viên nói trên thông qua các bước quay, dựng và viết lời bình. Đấy là kịch bản của một tác phẩm truyền hình.

Đối với cả một buổi truyền hình thì sao? Việc sắp xếp các chương trình truyền hình, chương trình nọ lại tiếp nối chương trình kia một cách logic, và sử dụng hình hiệu của các chương trình như thế nào, cần có một kịch bản không. Theo chúng tôi, chắc chắn phải có kịch bản. Nhưng chức năng kịch bản này không phải là sự thống nhất giữa các khâu và tập thể làm phim mà là sự thống nhất giữa các chương trình truyền hình nhỏ (bông hoa nhỏ, thời sự, chuyên đề, quảng cáo thời tiết) để tạo nên một tổng thể chương trình lớn của một tờ báo hình với đúng nghĩa của nó.

Như vậy thể hiện bằng ngôn ngữ âm thanh, hình ảnh, truyền hình thực sự mở rộng phạm vi của mình: không chỉ thông tin thời sự, chính trị, truyền hình đã sang cả khu vực sân khấu và điện ảnh, những vở kịch, sân khấu cổ truyền hay bộ phim. Giờ đây muốn xem, người ta không cần phải ra rạp xinê hay nhà hát để thưởng thức. Màn ảnh nhỏ đã đáp ứng được nhu cầu này, nó thực sự là người bạn thân thiết trong gia đình và đó là sự kỳ diệu và uyển chuyển của truyền hình.

Một chương trình truyền hình là tổng hợp của nhiều thể loại báo chí và loại hình nghệ thuật khác nhau (sân khấu, điện ảnh) nên kịch bản các thể loại này cũng hết sức đa dạng. Tuy nhiên, truyền hình trước hết là một loại báo hình, nó mang các đặc tính của báo chí. Do đó vấn đề kịch bản truyền hình, chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết trên phương diện kịch bản của các thể loại báo chí như tin truyền hình, phóng sự, bình luận, phỏng vấn…trong chương II.

Đối với báo viết và phát thanh công việc chuẩn bị kịch bản đã là quan trọng, nhưng trong truyền hình thì kịch bản là cần thiết không thể thiếu được.

Bởi vì, ngôn ngữ của báo viết là dùng chữ viết để thể hiện (đôi khi còn dùng ảnh để minh họa), phát thanh thì dùng ngôn ngữ âm thanh để tác động vào thính giác người nghe, nên khi đi thực tế phóng viên báo viết và phát thanh chủ động hơn trong việc thu thập tài liệu và tiếp xúc đối tượng mà tác phẩm đề cập, hơn nữa phương tiện kỹ thuật dùng trong quá trình làm tác phẩm gọn nhẹ và đơn giản hơn. Còn trong truyền hình, do đặc trưng của ngôn ngữ truyền hình là nghe- nhìn, nó không những chỉ thể hiện bằng lời bình, âm nhạc, tiếng động hiện trường mà còn có cả hình ảnh. Đối với truyền hình, hình ảnh là yếu tố tác động mạnh nhất tới người xem (60% nhìn và 30% nghe). Vì vậy khi đi thực tế ngoài việc thu thập, khai thác tài liệu như báo viết, phát thanh, người phóng viên truyền hình còn phải ghi được những hình ảnh về các sự kiện, vấn đề diễn ra trong thực tế. Nếu không có sự chuẩn bị kịch bản thì làm sao phóng viên có thể chủ động thực hiện được tác phẩm trong lúc hàng trăm chi tiết của cuộc sống liên tục tác động vào nhãn quan, giác quan của phóng viên; không có kịch bản làm sao người quay phim có thể hiểu được ý đồ phóng viên và nội dung tác phẩm cần thể hiện để mà chọn lọc ghi lại những hình ảnh có giá trị, mang đầy nội dung và ý nghĩa. Hơn nữa, một tác phẩm truyền hình không phải là sản phẩm riêng biệt của người phóng viên như trên báo viết và phát thanh mà nó chỉ là sản phẩm của cả một tập thể gồm: phóng viên, quay phim, ánh sáng, kỹ thuật, lái xe… Vì vậy kịch bản ngoài tác dụng cho phóng viên quay phim còn là “phương tiện” giúp cho nhóm làm phim hiểu được nội dung, hình thức tác phẩm và nhìn vào kịch bản tự mỗi thành viên còn có thể biết công việc của bản thân mình. Nhờ có kịch bản tập thể làm phim thực hiện công việc nhịp nhàng ăn ý, và góp phần làm giảm bớt sự tốn kém vật chất cho đoàn làm phim.

Khác với kịch bản sân khấu, kịch bản truyền hình thường chỉ sử dụng một lần giống như kịch bản phim. Bởi vì kịch bản trong truyền hình và kịch bản điện ảnh sau khi dàn dựng thành một tác phẩm hoàn chỉnh có thể phát sóng hoặc chiếu phim được coi như kịch bản đã hoàn thành “nhiệm vụ”. Muốn xem lại tác phẩm người ta chỉ việc đem phát sóng hoặc chiếu lại tác phẩm đã được dàn dựng và sử dụng lần trước chứ hiếm khi mang kịch bản đó được dàn dựng lại. Nói một cách khác, sau khi kịch bản truyền hình hoặc phim truyện được sử dụng, người ta đã có một “thành phẩm” hoàn chỉnh và muốn xem lại người ta đem “thành phẩm” đó ra phát sóng và chiếu lại. Còn một kịch bản sân khấu thì được nhiều đoàn sân khấu dàn dựng và biểu diễn, đồng thời sau buổi biểu diễn thì “thành quả” chỉ còn lại ở tâm trí những người xem vở diễn, muốn trình diễn cho những khán giả xem thì lại dùng kịch bản đó dàn dựng từ đầu. Nói cách khác mỗi lần biểu diễn là một lần các nghệ sỹ sân khấu lại sử dụng kịch bản một lần và một kịch bản sân khấu có thể được lưu truyền từ thời đại này qua thời đại khác. Ví dụ như các vở bi, hài kịch của Sừchxpia.

Phóng viên biên tập tác phẩm truyền hình

Phóng viên biên tập là người chịu trách nhiệm chính, đảm nhận những công việc quan trọng, nặng nề trong quá trình sáng tạo tác phẩm báo chí truyền hình. Trong hàng loạt công việc người biên tập phải làm, việc quan trọng đầu tiên là viết kịch bản hay làm đề cương cho tác phẩm. Dù là kịch bản hay đề cương thì cũng phải xác định rõ đề tài tư tưởng, chủ đề cho tác phẩm.

John Hohenberg, một tác giả người Mỹ đã viết:

“Người nào viết cho truyền hình cũng phải biết kết hợp sự khéo léo và trí sáng suốt của nhà soạn kịch, của người viết truyện cho điện ảnh và của ký giả thực nghiệm”

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Báo chí Truyền hình)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]