Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Khái niệm Tài chính doanh nghiệp

Khái niệm Tài chính doanh nghiệp

by Ngo Thinh
139 views

Quá trình hoạt động của doanh nghiệp là quá trình kết hợp các yếu tố đầu vào như nhà xưởng thiết bị, nguyên vật liệu… và sức lao động để tạo ra yếu tố đầu ra là hàng hóa và tiêu thụ hàng hóa đó để thu lợi nhuận.

Trong nền kinh tế thị trường để có các yếu tố đầu vào đòi hỏi doanh nghiệp phải có lượng vốn tiền tệ nhất định. Với từng loại hình doanh nghiệp có phương thức thích hợp tạo lập số vốn tiền ban đầu, từ số vốn tiền tệ đó doanh nghiệp mua sắm máy móc thiết bị, nguyên vật liệu… Sau khi sản xuất xong, doanh nghiệp thực hiện bán hàng hóa và thu được tiền bán hàng. Với số tiền đó, doanh nghiệp sử dụng để bù đắp các khoản chi phí vật chất đã tiêu hao, trả tiền công cho người lao động, các khoản chi phí khác, nộp thuế cho Nhà nước và phần còn lại là lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp tiếp tục phân phối số lợi nhuận này. Như vậy, quá trình hoạt động của doanh nghiệp cũng là quá trình tạo lập phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ hợp thành hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Trong quá trình đó, làm phát sinh, tạo ra sự vận động của các dòng tiền bao gồm dòng tiền vào và dòng tiền ra gắn với hoạt động đầu tư và hoạt động kinh doanh thường xuyên hàng ngày của doanh nghiệp.

Bên trong quá trình tạo lập, sử dụng quỹ tiền tệ của doanh nghiệp là các quan hệ kinh tế dưới hình thức giá trị hợp thành các quan hệ tài chính của doanh nghiệp. Xét theo phạm vi hoạt động, các quan hệ tài chính doanh nghiệp bao gồm:

– Quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với Nhà nước, mối quan hệ này được thể hiện thông qua việc Nhà nước đầu tư vốn cho doanh nghiệp hoạt động (đối với các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước); mặt khác, mọi doanh nghiệp đều phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước như nộp các khoản thuế, phí, lệ phí… (Thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, lệ phí trước bạ…).

– Quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với các chủ thể khác trên thị trường như: quan hệ thanh toán tiền mua bán hàng hóa, dịch vụ trên thị trường hàng hóa, quan hệ với các ngân hàng, các tổ chức tín dụng trong hoạt động huy động vốn, cho vay, đầu tư… trên thị trường tài chính. Thông qua mối quan hệ này giúp cho doanh nghiệp vừa đảm bảo yếu tố đầu vào, vừa đảm bảo các yếu tố đầu ra nhằm đáp ứng mục tiêu của quá trình kinh doanh.

– Quan hệ tài chính trong nội bộ doanh nghiệp được thể hiện thông qua việc doanh nghiệp thanh toán tiền lương, tiền công, cũng như các khoản tiền thưởng, phạt với người lao động trong doanh nghiệp; quan hệ thanh toán giữa các bộ phận trong doanh nghiệp; hoạt động phân phối lợi nhuận sau thuế, phân phối và sử dụng các quỹ doanh nghiệp, chi trả cổ tức cho cổ đông (với công ty cổ phần).

Xét theo nội dung kinh tế, các quan hệ tài chính của doanh nghiệp có thể được chia thành các nhóm sau:

– Các quan hệ tài chính trong quá trình khai thác, thu hút vốn. Các quan hệ này được thể hiện dưới hình thức doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, trái phiếu để huy động vốn, gọi vốn liên doanh, liên kết, đi vay ngân hàng hay các chủ thể khác… Thông qua các quan hệ trên giúp cho doanh nghiệp có đủ số vốn cần thiết để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của mình.

– Các quan hệ tài chính trong quá trình đầu tư, sử dụng vốn. Các quan hệ tài chính này có thể diễn ra cả ở “bên trong” hoặc ở “bên ngoài” doanh nghiệp, được thực hiện dưới các hình thức: đầu tư góp vốn liên doanh, mua cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp khác… hoặc sử dụng vốn ngay trong chu kỳ kinh doanh để đạt được mục tiêu của doanh nghiệp. Đây chính là quá trình vận động và sinh lời của vốn.

– Các quan hệ tài chính trong quá trình phân phối kết quả kinh doanh – thu nhập và lợi nhuận của doanh nghiệp. Đó chính là quá trình phân phối lợi ích kinh tế giữa doanh nghiệp với các chủ thể liên quan như: Nhà nước (nộp thuế, phí, lệ phí), ngân hàng và các chủ nợ (trả lãi vay), người lao động (quỹ khen thưởng, phúc lợi…), chủ sở hữu về vốn (trả cổ tức cho cổ đông, thành viên góp vốn).

Các quan hệ tài chính kể trên mặc dù diễn ra trên các phạm vi gắn với địa chỉ khác nhau, chứa đựng những nội dung kinh tế khác nhau, song tất cả các mối quan hệ đó đều có những điểm chung giống nhau, đó là:

– Luôn phản ánh các luồng chuyển dịch giá trị gắn liền với quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.

– Sự vận động của các quỹ tiền tệ luôn gắn liền với các yếu tố vật tư và lao động, ngoài phần tạo lập ban đầu chúng còn được bổ sung từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, động lực của sự vận động này là mục tiêu lợi nhuận trong khuôn khổ cho phép của pháp luật.

Từ những phân tích ở trên có thể rút ra kết luận: Tài chính doanh nghiệp là hệ thống các luồng chuyển dịch giá trị phản ánh sự vận động và chuyển hóa các nguồn tài chính trong quá trình phân phối để tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ của doanh nghiệp phục vụ cho hoạt động kinh doanh nhằm đạt tới các mục tiêu của doanh nghiệp.

(Lytuong.net – Nguồn: topica.edu.vn)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]