Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Học thuyết kinh tế của Pierre Joseph Proudhon

Học thuyết kinh tế của Pierre Joseph Proudhon

by Ngo Thinh
316 views

Pierre Joseph Proudhon (1805-1856) là nhà XHCN tiểu tư sản Pháp, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, ông phải vừa làm việc, vừa học tập để nâng cao trình độ học vấn của mình. Nếu như tư tưởng của Sismondi phản ánh tư tưởng của giai cấp tiểu tư sản giai đoạn đầu, thì tư tưởng của Proudhon lại phản ánh tư tưởng tiểu tư sản ở giai đoạn cao hơn của CNTB.

Proudhon (1805-1856)

Proudhon (1805-1856)

Tác phẩm đầu tiên và nổi tiếng của ông là “Sở hữu là gì” (1840). Năm 1846, ông lại viết tác phẩm: “Hệ thống những mâu thuẫn kinh tế, hay triết học của sự khốn cùng”. Trong đó ông trình bày một cách có hệ thống những quan điểm kinh tế của ông. Năm 1847, Các Mác đã viết tác phẩm: “Sự khốn cùng của triết học” để phê phán những quan điểm kinh tế và triết học của Proudhon.

Đặc trưng, phương pháp luận trong các tác phẩm của Proudhon là phương pháp siêu hình. Ông không thấy được tính khách quan và lịch sử của các phạm trù kinh tế mà coi các phạm trù kinh tế là thuần túy, duy ý chí, không có quan hệ gì đến sản xuất. Phép biện chứng theo ông hiểu là sự phân biệt kinh viện giữa mặt tốt và mặt xấu của sự tồn tại đó. Ông muốn có cạnh tranh mà không muốn có hậu quả tai hại của cạnh tranh, muốn bảo tồn nền sản xuất hàng hóa nhưng lại gạt bỏ CNTB.

Những quan điểm kinh tế chủ yếu của Proudhon:

– Quan điểm về sở hữu:

Proudhon là nhà tư tưởng táo bạo nhất chống lại thuyết tự do tư sản cổ điển. Ông nói “Quyền tư hữu chẳng qua là quyền ăn cướp” và cực lực đả kích chế độ tư hữu TBCN. Ông cho rằng chế độ này đã để cho một số người không làm gì lại công khai chiếm đọat một phần của cải do sức lao động người khác tạo ra. Chẳng hạn do quyền tư hữu mà giai cấp địa chủ chiếm đọat một phần sản phẩm không phải của họ và cũng do quyền tư hữu mà chủ xí nghiệp đã cướp mất một phần lao động của công nhân.

Ông đề nghị xóa bỏ chế độ tư hữu, nhưng giử lại tài sản cá nhân, nghĩa là xóa bỏ sở hữu lớn, nhưng giử lại sở hữu nhỏ của người sản xuất hàng hóa. Ông không hiểu được rằng chính sản xuất hàng hóa nhỏ tất yếu dẫn đến sản xuất hàng hóa lớn TBCN. Proudhon cũng nhận thấy thế yếu của những người sản xuất nhỏ trong cạnh tranh và ông chủ trương phải cải tạo khâu lưu thông, tức sự trao đổi hàng hóa và tín dụng để có lợi cho người tiểu sản xuất và tạo ra sự bình đẳng trong xã hội. Ông quan niệm rằng, nếu cải tạo khâu lưu thông sẽ cải tạo được XNTB đương thời.

– Lý luận về giá trị:

Trọng tâm lý luận giá trị của Proudhon là học thuyết về cái gọi là “giá trị cấu thành” hay “giá trị xác lập”. Theo ông trong quá trình trao đổi trên thị trường sẽ diễn ra một sự lựa chọn độc đáo về sản phẩm. Một lọat hàng hóa được thực hiện sẽ trở thành giá trị là những hàng hóa đã đi ra thị trường, đã được thử thách trên thị trường và được xã hội thừa nhận. Ngược lại những hàng hóa không được thị trường chấp nhận sẽ bị đẩy ra và không có giá trị. Từ đó ông cho rằng phải cấu thành hay xác lập giá trị hàng hóa, tức là phải làm thế nào cho hàng hóa chắc chắn được thực hiện trước khi đưa vào lĩnh vực tiêu dùng. Proudhon đã đưa ra một ví dụ về hàng hóa cấu thành trước hết là vàng và bạc. Vàng và bạc là hàng hóa đầu tiên được cấu thành vì nó bao giờ cũng được thực hiện.

Thực chất lý luận giá trị cấu thành là ở chổ ông muốn gạt bỏ mâu thuẫn giữa giá trị hàng hóa và tiền tệ. Từ đó ông chủ trương tổ chức trao đổi hàng hóa sao cho tất cả các hàng hóa đề có thể được chấp nhận, nghĩa là mỗi hàng hóa đều có giá trị thực hiện. Rõ ràng ông muốn bảo tồn nền sản xuất hàng hóa nhưng không mong có tiền. Vì vậy, lý luận giá trị cấu thành đã gạt bỏ mâu thuẫn giữa hàng hóa và tiền tệ, xóa bỏ mâu thuẫn giữa lao động tư nhân và lao động xã hội, xóa bỏ sự phát triển của các hình thái tiền tệ và sự phát triển các mâu thuẫn trong bản thân hàng hóa.

Từ lý luận “giá trị cấu thành”, ông đi đến học thuyết về tín dụng. Ông đã đưa ra một chương trình tổ chức trao đổi không có tiền bằng cách thiết lập ngân hàng nhân dân hay ngân hàng trao đổi, phát hành một chứng khóan mà người sở hữu có thể dùng nó để đổi lấy những thứ cần thiết khác, tiền bị thủ tiêu tiêu, hàng hóa được bán theo giá trị xác nhận.

– Lý luận về lợi nhuận, lợi tức:

Ông coi lợi nhuận doanh nghiệp là hình thức đặc biệt của tiền công, còn lợi tức là cơ sở của sự bóc lột. Nhà tư bản đem lợi tức cộng vào chi phí, nên đã làm cho công nhân không mua hết sản phẩm. Cho nên nếu xóa bỏ được lợi tức cũng là xóa bỏ được sự bóc lột của tư bản. Muốn thế phải tiến hành cho vay không lấy lãi, tổ chức trao đổi không có tiền, tổ chức các ngân hàng cho các nhà tiểu sản xuất và công nhân vay.

– Thuyết vô chính phủ của Proudhon:

Theo Proudhon, nếu mọi người có thể tự mình cung cấp các phương tiện sản xuất thì xã hội sẽ không còn sự phân chia giai cấp nữa, chế độ bóc lột sẽ bị xóa bỏ, bộ máy cai trị sẽ trở nên vô ích và công lý sẽ thành hiện thực. Trong xã hội như vậy, mọi người thực sự tự do,bình đẳng và tự nhiên sẽ trở thành chân chính, lương thiện. Đó là nội dùng thuyết “Vô chính phủ” của Proudhon, nó biểu hiện rõ nét tính lãng mạn tiểu tư sản.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]