Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Tư tưởng kinh tế thời cổ đại

Tư tưởng kinh tế thời cổ đại

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 656 views

Tư tưởng kinh tế thời cổ đại trung đại bắt đầu từ khi nào? Đặc điểm của tư tưởng kinh tế cổ đại.

I. Khái niệm thời cổ đại:

Lịch sử cổ đại của loài người là thời kỳ mà chế độ cộng sản nguyên thủy tan rã, chế độ chiếm hữu nô lệ xuất hiện, thống trị và cùng với sự ra đời của nhà nước, kết thúc khi chế độ phong kiến xuất hiện (thế kỷ V). Ở phương Đông, thời cổ đại bắt đầu từ cuối thế kỷ IV đến thế kỷ thứ III, trước công nguyên. Ở phương Tây, thời cổ đại bắt đầu từ cuối thế kỷ III đến cuối thế kỷ II trước công nguyên.

Thời cổ đại đã để lại cho lịch sử loài người nhiều tác phẩm, công trình tuyệt tác về văn học, sử học, khoa học tự nhiên, triết học, kiến trúc v.v…Về kinh tế, các nhà tư tưởng thời cổ đại cũng như thời phong kiến đều không đưa ra một hệ thống các quan điểm kinh tế. Tuy nhiên họ cũng có những hiểu biết nhất định về các phạm trù kinh tế và cũng đã bước đầu phân tích được các quá trình kinh tế.

Tư tưởng kinh tế thời cổ đại rất nhiều loại như: tư tưởng kinh tế phương đông với các nhóm Ai Cập, Babilon, Ấn Độ, Trung Quốc, Hy Lạp, tư tưởng kinh tế La Mã v.v..Ở đây chỉ nghiên cứu tư tưởng kinh tế của Hy Lạp và Trung Quốc cổ đại.

II. Đặc trưng kinh tế – xã hội thời cổ đại (lấy xã hội Hy Lạp làm tiêu biểu)

Đặc trưng của xã hội thời cổ đại gắn với chế độ chiếm hữu nô lệ. Nô lệ lúc nầy là lực lượng quan trọng trong các ngành sản xuất chủ yếu như: nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp v.v…Số nô lệ rất đông, thường lớn hơn số dân tự do trong xã hội, chiếm tới 9/10.

Kinh tế hàng hóa thời kỳ nầy khá phát triển, tiền tệ đã xuất hiện. các hoạt động tín dụng, ngân hàng, cho vay nặng lãi được mở rộng. Các ngành sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển mạnh mẽ nhờ sử dụng công cụ bằng sắt và kim loại. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất là sự tách biệt ngày càng rõ rệt thành thị và nông thôn, giữa công nghiệp và nông nghiệp. Chế độ tư hữu phát triển mạnh mẽ, sự phân hóa giai cấp trong những người dân tự do diễn ra dữ dội, nãy sinh mâu thuẫn giữa chủ nô và nô lệ. Tình hình đó đặt ra cho những nhà tư tưởng chủ nô nhiệm vụ:

Một là, phải tìm cách làm giảm mâu thuẫn của xã hội nô lệ, bảo vệ sự sống còn của xã hội nộ lệ và lợi ích của giai cấp chủ nô.

Hai là, xác định phương hướng phát triển kinh tế vào công nghiệp, nông nghiệp hay thương nghiệp. Việc giải quyết những nhiệm vụ đó làm cho tư tưởng kinh tế Hy lạp cổ đại phát triển.

III. Đặc điểm tư tưởng kinh tế thời cổ đại

1. Thừa nhận sự tồn tại của chế độ nô lệ là hợp lý và duy nhất: Platon coi xã hội chiếm hữu nô lệ là một “xã hội lý tưởng”, còn Aristote coi chế độ nô lệ là do bản thân tự nhiên sáng tạo nên. Theo Aristote, chỉ có 2 điều cần nhận thức đó là: làm thế nào để có nhiều nô lệ và sử dụng nô lệ thế nào cho hợp lý. Ông cho rằng nguồn bổ sung chủ yếu nô lệ cho xã hội là chiến tranh, chiến tranh là điều không thể tránh khỏi và là nguồn của cải to lớn, chiến tranh chính nghĩa là là cuộc chiến tranh nhằm cướp đọat nô lệ. Aristote nêu lên 3 luận điểm quan trọng:

– Phải bảo đảm một khối lượng công việc cần thiết để sử dụng nô lệ.

– Muốn nô lệ làm việc tốt thì nên bảo đảm nhu cầu tiêu dùng vật chất vừa phải, nếu nô lệ hưởng thụ quá mức là điều có hại, nhưng không nên cho ăn ít.

– Cần thực hiện chế độ kiểm sóat nô lệ một cách nghiêm khắc.

2. Tư tưởng coi khinh lao động chân tay: Platon cho rằng lao động chân tay là điều nhục nhã, đáng hỗ thẹn vì nó làm hư hỏng con người, người lao động không thể là người bạn tốt, chiến sĩ tốt. Vì vậy phải cấm mọi công dân của Aten, kể cả nô lệ làm nghề thủ công, cần giao những nghề đó cho người ngọai quốc đảm nhiệm. Còn Aristote thì quan niệm công dân chỉ nên tham gia chiến trận và quản lý nhà nước, không nên làm nghề thủ công, buôn bán và cày ruộng là những công việc “trái với lòng từ thiện”.

3. Lên án hoạt động thương nghiệp, cho vay nặng lãi, đồng thời lý tưởng hóa nền kinh tế tự nhiên: Platon cho rằng thương nghiệp là một tội ác, là công việc nhục nhã, xấu xa đối với con người vì nó phát triển tính giả dối, lường gạt. Aristote cho hoạt động cho vay nặng lãi cũng xấu xa như kinh doanh nhà chứa và so với việc cho vay nặng lãi thì cướp bóc trực tiếp là điều vinh dự hơn.

4. Lên án sự tồn tại và phát triển tầng lớp quý tộc, tài chính trong xã hội: tầng lớp qúy tộc, tài chính là những kẻ có nhiều tiền của, tài sản. Tầng lớp nầy phát triển cùng với hoạt động thương nghiệp, cho vay là những hoạt động phá vỡ cơ cấu xã hội chiếm hữu nô lệ bị Aristote, Platon lên án. Vì vậy Platon mơ ước đến xã hội lý tưởng trong đó không có chế độ tư hữu, một xã hội toàn những công dân tự do (nhưng vẫn còn nô lệ). Aristote phê phán gay gắt sự phân hóa giàu nghèo và sự bần cùng của xã hội, nhưng đồng thời ông không chủ trương chống lại chế độ tư hữu.

5. Trong lý luận của các nhà Hy Lạp cổ đại đã có yếu tố phân tích kinh tế: họ đã biết đến những phạm trù như: phân công lao động, giá trị, giá trị sử dụng, giá trị trao đổi, một số chức năng của tiền tệ v.v…Họ đã biết đề cập đến vai trò nhà nước đối với nền kinh tế, ảnh hưởng cung- cầu đến giá cả hàng hóa v.v…

IV. Một số tư tưởng kinh tế chủ yếu:

1. Tư tưởng kinh tế của Xénophon: (444-356 trCN):

Xénophon là nhà sử học, học trò Socrate, là nhà tư tưởng của giai cấp chủ nô, người kịch liệt chống lại nền dân chủ Aten. Tác phẩm tiêu biểu của ông là: “Phương châm trị gia”, “Xirôphêdi”, “Quốc gia Laxêdêmôn” …. Nội dùng tư tưởng kinh tế của Xénophon:

a. Tư tưởng về phân công lao động: Ông cho rằng phân công lao động thúc đẩy lưu thông hàng hóa. Ông thấy được mối quan hệ giữa phân công lao động và thị trường. Cho rằng quy mô phân công lao động là do phạm vi thị trường quyết định; phân công phát triển ở những nơi nào trao đổi phát triển mạnh, nhờ phân công mà chất lượng công việc được nâng cao…

b. Quan niệm về giá trị: Ông cho giá trị là một cái gì tốt. Giá trị một vật phụ thuộc vào tính có ích của vật đó và người biết sử dụng vật đó. Ông nói: cây sáo không có giá trị đối với người không biết thổi, nhưng đem bán nó vẫn có giá trị. Trên cơ sở quan niệm như vậy, ông đi đến kết luận: tiền, tri thức, của cải v.v… không có giá trị đối với người không biết dùng nó. Điều nầy thể hiện cách nhìn lạc quan của Xénophon xét giá trị chỉ đứng trên giá trị sử dụng.

c. Về tiền tệ: do thương nghiệp phát triển, ông đã thấy được ý nghĩa của tiền tệ. Các Mác nhận xét rằng: Xénophon đã phát triển khái niệm tiền tệ dưới cái tính quy định đặc thù trong hình thái của chúng với tư cách là tiền tệ và tiền tích trữ. Xénophon cho rằng bạc là tiền tệ có nhu cầu vô hạn, từ đó ông khuyên sử dụng nô lệ có hiệu quả nhất là sử dụng họ vào việc khai thác bạc.

d. Nghiên cứu về mối quan hệ giữa giá cả hàng hóa và việc cung-cầu hàng hóa:

Xénophon chỉ ra rằng giá cả hàng hóa phụ thuộc vào quan hệ cung-cầu của nó. Trên cơ sở đó ông đưa ra những lời khuyên khôn ngoan và sắc sảo. Chẳng hạn, ông khuyên nên mua nô lệ theo từng toán nhỏ để nhu cầu lớn không làm tăng giá cả, hoặc ông đề nghị nên mở xí nghiệp một cách thận trọng để giá cả không giảm do cung tăng lên v.v…

Có thể nói rằng, Xénophon bênh vực nền kinh tế tự nhiên, nhưng ông cũng nhìn thấy lợi ích của sự phát triển quan hệ hàng hóa, tiền tệ và khuyên giai cấp quý tộc quan hệ hàng hóa, tiền tệ để phát triển kinh tế.

2. Tư tưởng kinh tế của Platon: (427-347 trCN)

Platon là nhà triết gia duy tâm lớn nhất thời cổ đại, là một nhà hoạt động xã hội lớn, quan tâm đến các vấn đề kinh tế. Là nhà tư tưởng của giai cấp chủ nô, nên các tư tưởng của ông đều hướng quay lại nền kinh tế tự nhiên và thủ tiêu nền dân chủ của các thành bang Athen.

Những tác phẩm tiêu biểu của ông là: “Chính trị hay nhà nước” (380-370 trCN), “Luật pháp” (366 – 347trCN).v.v..

Nội dung tư tưởng kinh tế của Platon:

a. Sự tồn tại của giai cấp trong xã hội là tất yếu, bắt nguồn từ sự phân công lao động. Ông cho rằng sự phân chia giai cấp là tình trạng tự nhiên của xã hội, từ giai cấp lại sinh ra nhà nước. Ông luôn thuyết phục cho tư tưởng “cha truyền, con nối” trong nghề nghiệp. Ông viết: “Mỗi người sinh ra đều có một bản tính khác nhau và đều nhằm làm một công việc nhất định”. Và ông chứng minh rằng ngay từ khi sinh ra, một con người đã có năng lực làm chủ và đứng đầu, trái lại một số người khác là là kẻ cày ruộng và làm những nghề thủ công khác.” Thực chất đây là hình thức chứng minh cho sự tồn tại hợp lý của chế độ nô lệ.

b. Trên cơ sở phân công, ông xây dựng một nhà nước lý tưởng bao gồm các giai cấp sau đây:

– Tầng chóp: bao gồm các triết nhân và quân nhân đứng đầu cộng đồng nô lệ, làm chức năng quản lý, bảo vệ đất nước.

– Tầng trung gian: gồm những người nông dân.

– Tầng dưới đáy: gồm những người nô lệ.

Tầng trung gian và dưới đáy có chức năng cung cấp tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng cho tầng chóp và xã hội.

c. Sự trao đổi sản phẩm cũng là tất yếu và bắt nguồn từ sự phân công lao động xã hội, nó là hình thức liên hệ xã hội giữa những người sản xuất. Mục đích phát sinh của tiền tệ và thương nghiệp là để phục vụ nhu cầu phân công lao động xã hội.

d. Những vấn đề lý luận về sản xuất hàng hóa: Platon ít chú ý đến lý luận về sản xuất hàng hóa và nhận thức của ông còn đơn giản. Ông nhận biết được mâu thuẫn giữa giá trị và giá trị sử dụng, giá trị trao đổi trong sản xuất và lưu thông hàng hóa ở Hy Lạp lúc đó. Nhưng ông không phân tích được mâu thuẫn như thế nào. Ông nghiên cứu tiền tệ chỉ với 2 thuộc tính quy định nó là thước đo giá trị và ký hiệu giá trị. Ngoài ký hiệu giá trị dùng làm phương tiện lưu thông trong nước, ông đề nghị một ký hiệu giá trị khác để giao dịch giữa Hy Lạp và các nước.

Để bảo vệ cơ sở kinh tế của chế độ chiếm hữu nô lệ, Platon chống lại khuynh hướng công thương trong nền kinh tế Hy Lạp, chống lại sự phát triển kinh tế hàng hóa, đòi quay lại nền kinh tế tự nhiên và hướng sự phát triển vào nền kinh tế nông nghiệp.

Từ những quan điểm của Platon, có thể rút ra nhận xét: tuy Platon thấy được mâu thuẫn của chế độ chiếm hữu nô lệ, song ông vẫn đi đến kết luận đòi quay lại những giai đọan phát triển kinh tế đã qua của Hy lạp. Đó là thế kỷ IV (trCN), giai cấp chủ nô sợ thành thị hóa, nhưng không thóat khỏi nền văn hóa ở các đô thị, cố hướng về nông nghiệp nhưng không bỏ qua công nghiệp.

3. Tư tưởng kinh tế của Aristote: (384-322 trCN)

Aristote sinh ra ở thành phố Xtagirơ, đông bắc Hy Lạp, con một viên ngự y, học trò Platon. Aristote là nhà tư tưởng lớn nhất thời cổ đại, nghiên cứu nhiều môn khoa học: lôgích, khoa học tự nhiên, triết học, xã hội học, toán học, kinh tế học và cả văn học nữa Ông là người đại diện cho quyền lợi của giai cấp chủ nô. Chính ông đã tuyên bố: “Ta thề rằng ta mãi mãi là kẻ thù của đám bình dân, ta sẽ gây cho chúng mọi thiệt hại mà ta có thể làm được”. Về thế giới quan, Aristote chủ yếu đứng trên lập trường duy vật, thừa nhận sự tồn tại khách quan của thế giới vật chất và nó luôn vận động, biến đổi. Tuy nhiên, quan niệm duy vật của ông không triệt để. Nội dung tư tưởng kinh tế của Aristote:

a. Phủ nhận lý luận của Platon về nhà nước lý tưởng, phản đối sự phân chia xã hội thành 2 đẳng cấp: các nhà triết học và chiến sĩ. Ông cho rằng nhà nước là một hình thái giao dịch quan trọng nhất, hình thái một là gia đình, hình thái hai là thôn xóm. Nhà nước là đại biểu cho sự thống nhất rộng lớn hơn, nhà nước xuất hiện là tất yếu và nó tồn tại vĩnh viễn. Ông chống lại quan điểm về sở hữu tập thể của Platon, bảo vệ chế độ tư hữu tài sản. Lý do tồn tại chế độ sỡ hữu của ông là cảm giác dễ chịu của cá nhân khi có của cải

b. Về một số phạm trù của kinh tế hàng hóa như: giá trị, tiền tệ, giá trị trao đổi v.v…

Aristote đã có những cống hiến quan trọng. Ông đã bắt đầu thể hiện được sự phân tích kinh tế trong lý luận của mình, mở ra một giai đọan mới trong lịch sử Hy Lạp cũng như lịch sử kinh tế thế giới. Chẳng hạn về giá trị trao đổi, ông nêu lên nhiều tư tưởng thiên tài về trao đổi hàng hóa. Ông đã tìm thấy sự công bằng trong trao đổi, trong giới hạn tỉ lệ số học, coi trao đổi ngang giá là một tất yếu khách quan, một điều kiện cơ bản cho sự tồn tại xã hội. Ông lập luận rằng, các hàng hóa đem ra trao đổi phải bằng nhau về phương diện nào đó, còn trao đổi phải bù được tổn thất mà người bán phải chịu khi mất vật đã bán. Nếu không có sự bình đẳng nầy thì trao đổi không thể thực hiện được thường xuyên và nếu không có sự bù đắp nầy thì xã hội không thể tồn tại. Ông nói: “ Sự trao đổi không thể có được nếu không có sự bằng nhau”.

Tuy nhiên, hạn chế của ông là tìm nguyên nhân của tính chất có thể đo lường của hàng hóa trong tiền tệ làm thước đo giá trị. Ông nói: “ có một công cụ của trao đổi là tiền tệ”.Hạn chế nầy do giới hạn lịch sử thời cổ đại đại quy định, nền sản xuất hàng hóa thô sơ chưa phát triển.

Trong quan niệm về giá trị, Aristote đã có hướng giải thích giá trị một cách khách quan. Ông chỉ ra các loại nghề nghiệp khác nhau sẽ biến mất, nếu những người làm các nghề nghiệp đó sản xuất ra một giá trị nhất định. Sư bù đắp lại bằng một vật tương xứng trong trao đổi sẽ diễn ra khi người cày ruộng đối xử với người thợ giày giống như lao động của người thợ giày đối với lao động của người cày ruộng. Các Mác nhận xét:“ Thiên tài Aristote là chổ đó, trong biểu hiện giá trị của hàng hóa, ông tìm ra quan hệ bình đẳng”.

c. Về tiền tệ: cũng như các nhà tư tưởng cổ đại khác, Aristote nhận thức tiền tệ còn đơn giản. Ông giải thích nguồn gốc xuất hiện của tiền là do khó khăn trong vấn đề trao đổi, do thỏa thuận của những người đem trao đổi, do việc mở rộng quan hệ thị trường và khẳng định chỉ có tiền mới làm cho các hàng hóa được so sánh với nhau.

d. Về thương nghiệp: Aristote cho rằng có 3 loại thương nghiệp:

– Thương nghiệp trao đổi (trao đổi tự nhiên) (H – H).

– Thương nghiệp hàng hóa: (trao đổi bằng tiền) T – H . Loại nầy phục vụ nhu cầu tiêu dùng là tiểu thương nghiệp.

– Đại thương nghiệp: trao đổi nhằm mục đích làm giàu, tăng khối lượng tiền tệ: T – H – T’, là hiện tượng trái với tự nhiên, không hợp quy luật. Như vậy ông đã có ý niệm về tư bản.

Ông cho có 2 loại kinh doanh:

– Những hoạt động kinh tế (économique): giá trị sử dụng có tác dụng kích thích là chủ yếu, trao đổi là phương tiện để tổ chức kinh tế tốt hơn. Loại nầy gồm thương nghiệp trao đổi và tiểu thương nghiệp hàng hóa, hợp tự nhiên, hợp quy luật.

– Việc sản xuất ra của cải: (chrématique): Mục đích của loại kinh doanh nầy là làm giàu và tăng khối lượng tiền tệ. Tiền tệ là mục tiêu cuối cùng, là sự bắt đầu và kết thúc vòng chu chuyển, là mục đích của lưu thông hàng hóa. Như vậy Aristote là người đầu tiên trong lịch sử kinh tế có ý định vạch rõ sự khác nhau giữa lưu thông hàng hóa (H – T – H) và lưu thông tư bản (T – H – T’).

Nghiên cứu sự lên xuống của giá cả các hàng hóa Aristote chỉ ra tính chất khan hiếm của của cải vật chất có ảnh hưởng đến việc đánh giá các của cải.

e. Về nguồn gốc của lợi nhuận thương nhân và các nhà sản xuất công nghiệp: Aristote cho rằng đó là do địa vị độc quyền mà có (độc quyền cho phép bán giá cao và thu được lợi nhuận) và lợi nhuận nầy cũng như lợi tức cho vay là một hiện tượng không bình thường trái quy luật.

Tóm lại, cũng như Xénophon, Platon, Aristote là nhà tư tưởng của giai cấp chủ nô, đại diện cho quyền lợi của giai cấp chủ nô, do đó ông luôn tìm con đường thóat ra khỏi sự bế tắc của chế độ nô lệ ở việc tự nhiên hóa nền kinh tế, hướng nền kinh tế vào nông nghiệp, hạn chế thương mại lớn, chỉ dùng thương mại nhỏ, khống chế nền sản xuất trong vòng phù hợp với chế độ chiếm hữu nô lệ.

4. Tư tưởng kinh tế của Khổng Tử (thế kỷ VI – V tr CN)

Khổng Tử tên là Khâu, tự là Trọng Ni, người nước Lỗ. Ông sinh ra trong một gia đình quý tộc sa sút, chỉ giử một số chức quan nhỏ, làm kế toán, quản lý chăn nuôi v.v…Ông là người rất uyên bác, nhà giáo dục đầu tiên của Trung Quốc, viết nhiều sách, có nhiều học trò và nhiều người nổi tiếng.

Quan điểm của ông đặc trưng cho chế độ cộng sản nguyên thủy tan rã và chế độ nô lệ hình thành, cố khôi phục quan hệ công xã nhưng không lên án chế độ nô lệ. Ông khẳng định: “Trung dung trong mọi việc ấy là đức”. Đức được ông đặt lên hàng đầu. Nhìn chung, quan điểm kinh tế của ông có yếu tố không tưởng xã hội. Ông mơ ước thời đại hạnh phúc khi chế độ tư hữu không còn gây tai họa. Điều nầy thể hiện ở chỗ ông muốn bảo vệ chế độ công xã nông dân, chống lại sự phát triển của chế độ nô lệ. Những quan điểm nầy được học trò ông tiếp tục phát triển hình thành nên quan điểm của phái Khổng học.

Nội dùng tư tưởng kinh tế của phái Khổng học:

a. Quan điểm kinh tế của phái Pháp gia: Đây là trào lưu tư tưởng gắn chặt với chủ nô và nông dân giàu. Theo họ, chỉ có nghề nông với nghề binh là chính đáng, còn thương mại và thủ công có hại cho nhà nước. Họ không chấp nhận sự làm giàu của tư nhân vì cho rằng điều đó dẫn đến tiếm đọat chính quyền, họ chỉ thừa nhận sự tích lũy trong quốc khố.

Đặc trưng của phái nầy là họ sùng bái nhà nước. Họ cho rằng chỉ cần có một nhà nước mạnh, đem đối lập nhân dân với nhà nước, coi sự yếu của nhân dân là nguồn gốc sức mạnh nhà nước. Những tư tưởng của phái Pháp gia phản ánh sự lo sợ của giai cấp chủ nô trước sự phát triển của thương nghiệp đe dọa phá họai cơ sở của nền kinh tế tự nhiên.

b. Quản Tử Luận: đây là tác phẩm của nhiều tác giả vô danh, phản ánh những điều kiện kinh tế- xã hội thế kỷ IV – III tr CN. Những người nầy thừa nhận sự phân chia xã hội thành đẳng cấp, coi sĩ, nông, công thương là cơ sở của đất nước. Tuy họ vẫn xem nghề nông là nghề chủ yếu. Họ tán thành sự can thiệp nhà nước vào đời sống kinh tế. Mục đích của nhà nước là phải làm cho dân giàu. Họ đưa ra lời khuyên: không nên tập trung của cải vào tay tư nhân, nhà nước nên lập kho dự trữ thóc để bình ổn giá..

Các tác giả cho rằng thị trường là nơi điều tiết tất cả các hàng hóa. Những người gắn liền với thị trường có thể biết vì sao mà có trật tự, không trật tự, vì sao mà hàng hóa nhiều hay ít. Ở đây manh nha tư tưởng về tính quy luật của thị trường, về quy luật lên xuống của cung và cầu, họ thừa nhận sự tồn tại của quy luật xã hội.

Nhìn chung, tư tưởng kinh tế Trung Quốc thời cổ đại trưởng thành sớm, có thể xem là tư tưởng thành thục nhất trong tư tưởng phương Đông cổ đại, tuy không có nhiều thành tựu bằng tư tưởng kinh tế Hy Lạp cổ đại.

Tóm lại, tư tưởng kinh tế thời cổ đại tuy còn hình thái ấu trĩ, thô sơ, song nó cũng đã giải quyết về mặt lý luận những vấn đề trung tâm của chế độ chiếm hữu nô lệ và mang một ý nghĩa quan trọng trong quá trình nhận thức thế giới khách quan. Ở một chùng mực nó đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận cho khoa kinh tế chính trị về chủ nghĩa tư bản (CNTB).

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net