1. Khái niệm dạy.
Mỗi cá nhân muốn tồn tại và phát triển thì phải học. Mặt khác, để tồn tại và phát triển, xã hội cũng phải truyền lại cho thế hệ sau những kinh nghiệm đã được các thế hệ trước sáng tạo và tích lũy, tức là phải dạy. Cùng với sản xuất, việc dạy thế hệ sau là hai phương thức cơ bản để xã hội tồn tại và phát triển.
Dạy là sự truyền lại của thế hệ trước cho thế hệ sau những kinh nghiệm mà xã hội đã sáng tạo và tích lũy được qua các thế hệ.
Dạy và học là hai mặt không thể tách rời của phương thức tồn tại và phát triển của xã hội và cá nhân. Một mặt là sự tiếp nhận và chuyển hóa những kinh nghiệm đã có của xã hội thành kinh nghiệm của cá nhân, còn mặt kia là sự chuyển giao những kinh nghiệm đó từ thế hệ trước đến thế hệ sau.
2. Các phương thức dạy.
Việc dạy có nhiều mức độ và phương thức khác nhau. Tuỳ theo nội dung kinh nghiệm được truyền thụ và cách thức truyền thụ những kinh nghiệm đó, ta có hai phương thức dạy phổ biến: Dạy kết hợp (dạy trao tay) và dạy theo phương thức nhà trường (dạy học).
2.1. Dạy kết hợp.
Dạy kết hợp là phương thức đơn giản nhất để thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau những kinh nghiệm của mình.
Người nông dân truyền lại cho con những kinh nghiệm sản xuất đã tích lũy được thông qua việc hướng dẫn trực tiếp các hoạt động thực tiễn ngay trên cánh đồng. Bác thợ cả truyền lại cho người học kinh nghiệm và kỹ năng lao động nghề nghiệp của mình ngay trên công trường, trong xưởng thủ công, ngay trong quá trình sản xuất tạo ra sản phẩm.v.v…Người mẹ truyền lại cho con gái của mình kinh nghiệm may vá, nội trợ và cách ứng xử với các thành viên trong gia đình và ngoài xã hội, thông qua hướng dẫn trực tiếp những việc tương ứng. Phương thức truyền thụ như vậy được gọi là phương thức dạy kết hợp.
Dạy kết hợp là sự truyền thụ những kinh nghiệm cá nhân, thông qua việc hướng dẫn trực tiếp người học thực hiện các hoạt động thực tiễn. .
Đặc trưng của dạy kết hợp là người dạy truyền lại kinh nghiệm cho người học một cách trực tiếp theo kiểu cầm tay chỉ việc thông qua hướng dẫn một hoạt động cụ thể. Vì vậy, dạy kết hợp còn gọi là dạy trao tay.
Ưu điểm của phương thức dạy kết hợp là người dạy truyền lại cho thế hệ sau kinh nghiệm của chính mình. Trong các trường hợp trên, kinh nghiệm của người nông dân, của bà mẹ là những trải nghiệm cá nhân mà họ thu được qua thực tiễn lao động sản xuất và ứng xử xã hội. Vì vậy, những kinh nghiệm này thường rất sâu sắc. Tuy nhiên, do chưa được thực nghiệm và khái quát hóa khoa học nên chúng chưa trở thành tri thức phổ biến.
Các thuật ngữ kinh nghiệm xã hội và kinh nghiệm cá nhân cần được hiểu theo các góc độ khác. Theo tính chất và mức độ khoa học thì kinh nghiệm cá nhân cũng là kinh nghiệm xã hội (với tư cách là kinh nghiệm của các thành viên trong xã hội). Tuy nhiên đây là kinh nghiệm của từng cá nhân. Chúng được hình thành qua thực tiễn hoạt động và ứng xử của cá nhân đó. Những kinh nghiệm này chưa được khái quát trở thành chân lý khoa học. Còn kinh nghiệm xã hội là kinh nghiệm của toàn xã hội, được hình thành bằng con đường nghiên cứu khoa học. Chúng có tính chân thực, ổn định, phổ biến và khái quát hơn nhiều so với kinh nghiệm cá nhân. Theo phương diện quá trình xã hội hóa thì kinh nghiệm cá nhân là những kinh nghiệm chung của xã hội (Ở bên ngoài cá nhân) được cá nhân tiếp nhận và chuyển hóa thành kinh nghiệm của riêng mình.
Một lợi thế khác của dạy kết hợp là tính linh hoạt của phương thức dạy. Nó có thể được thực hiện ở mọi lúc mọi nơi: trên cánh đồng, trong xưởng thủ công, trong bếp, ngoài chợ, trong bữa ăn, lúc sinh viên chuyện hay trong lễ hội .v.v…mà không đòi hỏi phải có phương pháp và phương tiện chuyên biệt. Vì vậy dạy trao tay là phương thức tất yếu để xã hội duy trì sự tồn tại của mình qua các thế hệ.
2.2. Dạy theo phương thức nhà trường (hoạt động dạy)
Thông qua dạy trao tay, các thế hệ trước có thể truyền lại cho thế hệ sau những kinh nghiệm của mình để tồn tại. Tuy nhiên, xã hội không chỉ tồn tại mà còn phát triển. Muốn vậy, phải chinh phục tự nhiên và chinh phục chính bản thân mình. Từ đó xuất hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, mà sản phẩm là các tri thức khoa học, được hình thành bởi hoạt động nghiên cứu, thực nghiệm và khái quát khoa học. Đây là những tri thức có bản chất khác với kinh nghiệm thu được qua trải nghiệm cá nhân. Đồng thời chúng có tính phổ biến và khái quát cao.
Việc truyền thụ những tri thức này không thể bằng phương thức trao tay mà phải được thực hiện theo quy trình có tổ chức khoa học, được tiến hành bởi một hoạt động chuyên biệt: Hoạt động dạy. Đó là hoạt động có mục đích, nội dung, phương pháp, phương tiện xác định.
Về phía người học, cũng phải tiến hành hoạt động chuyên biệt: Hoạt động học. Hai hoạt động này đan xen và gắn bó hữu cơ với nhau, tạo thành hoạt động dạy học. Việc truyền thụ theo phương thức này được gọi là phương thức nhà trường.
Để giúp con phân biệt giữa nước và rượu, người cha có thể dạy con bằng cách ngửi hoặc uống thử, điều này đã có trong kinh nghiệm của ông. Tuy nhiên, ông không thể dạy con các thành phần và công thức hóa học của chúng. Vì vậy đối với các loại hóa chất, cách dạy của người cha không đáp ứng được. Ở đây cần có phương thức dạy đặc thù của nhà trường.
Dạy học theo phương thức nhà trường là sự truyền thụ những tri thức khoa học, những kỹ năng và phương pháp hành động, thông qua hoạt động chuyên biệt của xã hội: Hoạt động dạy. Có thể gọi vắn tắt, dạy và học theo phương thức nhà trường là hoạt động dạy học. Đây là phương thức chủ yếu để cá nhân và xã hội phát triển, đặc biệt là các xã hội hiện đại.
Theo cách phân loại trên, việc dạy ở mức độ thấp có thể diễn ra ở cả người và động vật, còn hoạt động dạy học là mức độ cao và chỉ có ở xã hội loài người.
Trong điều kiện tự nhiên, nhiều loài động vật cũng dạy con các hành vi bắt mồi hay tự vệ. Chẳng hạn, con mèo mẹ dạy con cách bắt chuột. Tuy nhiên ở động vật không có hoạt động dạy có tính chuyên biệt.
Sự khác biệt giữa dạy trao tay và dạy theo phương thức nhà trường chủ yếu diễn ra ở nội dung kinh nghiệm được truyền thụ và phương thức truyền thụ. Một bên (dạy trao tay) là những kinh nghiệm cá nhân riêng lẻ, những trải nghiệm thực tiễn, một bên (nhà trường) là tri thức khoa học (cần nhấn mạnh, phương thức nhà trường chỉ dạy tri thức khoa học – không dạy tri thức kinh nghiệm). Trong dạy trao tay, việc dạy và học được thực hiện kết hợp với hoạt động thực tiễn, thông qua hoạt động thực tiễn, còn dạy theo phương thức nhà trường được thực hiện bởi các hoạt động dạy và hoạt động học. Hai hoạt động này tương tác hữu cơ với nhau, góp phần tạo nên bản chất của quá trình dạy học.
Vai trò và quan hệ giữa hoạt động thực tiễn với dạy trao tay và dạy học theo phương thức nhà trường rất khác nhau. Cả dạy trao tay va dạy học theo phương thức nhà trường đều cần có hoạt động thực tiễn, nhưng trong dạy trao tay hoạt động thực tiễn là bản thể, việc dạy chỉ là phương tiện. Còn trong dạy học theo phương thức nhà trường, hoạt động dạy và hoạt động học là bản thể, còn hoạt động thực tiễn là phương tiện để đạt mục đích dạy học.