Trang chủ Giáo dục Giáo dục đạo đức là gì?

Giáo dục đạo đức là gì?

by Ngo Thinh
836 views

Khái niệm về Đạo đức

Có hai quan điểm lớn về đạo đức:

* Quan điểm đạo đức truyền thống

Đạo đức là hệ thống những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với cộng đồng, giữa con người với xã hội.

* Quan điểm hiện đại: Đạo đức phải thể hiện ở 5 mối quan hệ:

– Con người với chính bản thân
– Con người với con người
– Con người với công việc (học tập, lao động…)
– Con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội
– Con người với lí tưởng của dân tộc

Đạo đức là một hiện tượng xã hội, là một hình thái ý thức xã hội đặc biệt phản ánh các mối quan hệ xã hội loài người. Đạo đức được nảy sinh từ nhu cầu xã hội nhằm thống nhất lợi ích chung của toàn xã hội với lợi ích riêng của mỗi cá nhân nhằm đảm bảo trật tự xã hội, thúc đẩy cá nhân, xã hội cùng đi lên. Để giải quyết các mâu thuẫn đó, xã hội đề ra những yêu cầu chuẩn mực giá trị được mọi người công nhận và được củng cố bằng sức mạnh tập quán, của dư luận xã hội, của lương tâm mỗi con người.

Xem thêm: Đạo đức là gì? Nguồn gốc, bản chất, chức năng

Khái niệm giáo dục đạo đức

Quá trình hình thành và phát triển đạo đức của mỗi con người là quá trình tác động qua lại giữa xã hội với cá nhân để chuyển hóa những nguyên tắc, yêu cầu, chuẩn mực giá trị đạo đức- xã hội thành những phẩm chất đạo đức cá nhân, làm cho cá nhân đó trưởng thành về mặt đạo đức, công dân đáp ứng được yêu cầu xã hội.

Về bản chất, giáo dục đạo đức là quá trình biến hệ thống các chuẩn mực đạo đức từ những đòi hỏi bên ngoài của xã hội đối với cá nhân thành những đòi hỏi bên trong của cá nhân, thành niềm tin, nhu cầu, thói quen của người được giáo dục.

Quá trình giáo dục đạo đức giúp cho mỗi cá nhân nhận thức đúng các giá trị đạo đức, biết hành động theo lẽ phải, công bằng và nhân đạo, biết sống vì mọi người, vì gia đình, vì sự tiến bộ và sự phồn vinh của đất nước. Trong đó mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục đạo đức là hình thành được những thói quen hành vi đạo đức.

Mục tiêu của giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học

Ở bậc Tiểu học, mục tiêu giáo dục đạo đức nhằm giúp học sinh:

+ Có hiểu biết ban đầu về một số chuẩn mực hành vi đạo đức và chuẩn mực hành vi mang tính pháp luật phù hợp với lứa tuổi trong quan hệ của các em với bản thân; với người khác, với công việc, với cộng đồng, đất nước, nhân loại; với môi trường tự nhiên và ý nghĩa của việc thực hiện theo các chuẩn mực đó.

+ Bước đầu hình thành kỹ năng nhận xét, đánh giá hành vi của bản thân và những người xung quanh theo chuẩn mực đã học; kỹ năng lựa chọn và thực
hiện các hành vi ứng xử phù hợp chuẩn mực trong các quan hệ và tình huống đơn giản, cụ thể của cuộc sống.

+ Bước đầu hình thành thái độ tự trọng, tự tin vào khả năng của bản thân, có trách nhiệm với hành động của mình, yêu thương tôn trọng con người; yêu cái thiện, cái đúng, cái tốt; không đồng tình với cái ác, cái sai, cái xấu

Quản lí giáo dục đạo đức cho học sinh ở trường tiểu học

Quản lí giáo dục đạo đức là quá trình tác động có định hướng của chủ thể quản lí lên các thành tố tham gia vào quá trình hoạt động giáo dục đạo đức nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục đạo đức.

Nội dung công tác quản lí giáo dục đạo đức gồm:

– Xây dựng kế hoạch giáo dục đạo đức, đảm bảo sao cho kế hoạch vừa bao quát vừa cụ thể phù hợp với từng đối tượng khác nhau, kế hoạch có tính khả thi. Kế hoạch phải được xây dựng từ tình hình thực trạng quản lí hoạt động giáo dục đạo đức của trường tiểu học hiện tại nhưng cũng chú ý đến hoạt động dự báo khoa học về quản lí giáo dục đạo đức thời gian tới. Kế hoạch phải đưa ra các chỉ tiêu và các giải pháp cụ thể.

– Triển khai chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch theo đúng nội dung yêu cầu và tiến độ, thường xuyên kiểm tra uốn nắn những lệch lạc, bổ sung điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể.

– Kiểm tra, đánh giá, tổng kết, khen thưởng, phê bình kịp thời nhằm động viên, uốn nắn các lực lượng tham gia tổ chức quản lí giáo dục đạo đức. Tùy theo mục tiêu đề ra của quản lí giáo dục đạo đức mà lựa chọn nội dung quản lí cho phù hợp với kế hoạch đã định.

Tầm quan trọng của việc chỉ đạo hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh tiểu học

Việc giáo dục đạo đức cho học sinh Tiểu học là hình thành cho các em lòng nhân ái mang bản sắc con người Việt Nam; yêu quê hương đất nước hòa bình, công bằng bác ái, kính trên nhường dưới, đoàn kết với mọi người, …

Có ý thức về bổn phận của mình đối với người thân, đối với bạn bè, đối với cộng đồng và môi trường sống. Tôn trọng và thực hiện đúng pháp luật, các quy định của nhà trường, khu dân cư, sống hồn nhiên, mạnh dạn, tự tin, trung thực. Biết cách tự phục vụ, biết cách học tập, vận dụng làm được một số việc trong gia đình.

Nhà trường với cả một hệ thống giáo dục được tổ chức quản lí chặt chẽ là yếu tố quan trọng nhất trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Với những định hướng mục tiêu giáo dục đạo đức theo những chuẩn mực giá trị tiến bộ, đúng đắn, với hệ thống chương trình khoa học, các tài liệu, sách giáo khoa, sách tham khảo phong phú, các phương tiện hỗ trợ giáo dục ngày càng hiện đại và đặc biệt với một đội ngũ cán bộ, giáo viên, giáo viên chủ nhiệm được đào tạo cơ bản, có đầy đủ phẩm chất và năng lực sẽ là yếu tố có tính quyết định hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh.

5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]