Trang chủ Giáo dục Nghề dạy học là gì? Vai trò, nhiệm vụ của Nhà giáo

Nghề dạy học là gì? Vai trò, nhiệm vụ của Nhà giáo

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 543 views

1. Nghề dạy học

a. Nghề là gì?

Nghề đó là một lĩnh vực hoạt động chuyên môn hóa của con người được hình thành trong quá trình phân công lao động xã hội, nhằm tạo ra giá trị vật chất và giá trị tinh thần để đáp ứng nhu cầu của con người và thúc đẩy xã hội phát triển.

b. Một số quan niệm về nghề dạy học

Xung quanh nghề dạy học và người giáo viên, từ trước đến nay có rất nhiều ý kiến, có bao lời hay ý đẹp:

  • Nghề thầy giáo là nghề mẹ đẻ ra các nghề”.
  • Là nghề kỹ sư của tâm hồn”.
  • Dưới mặt trời chỉ có một nghề tốt đẹp nhất là nghề thầy giáo” (Cômenxki).
  • Nghề thầy giáo là một nghề có sớm và nhân đạo nhất”.
  • Trong xã hội nghề nào cũng quý, nhưng nghề dạy học là nghề đáng yêu nhất”.

Nhưng cũng có người cho rằng:

  • Nghề thầy giáo chẳng khác gì một người lái đò đưa khách sang sông;
  • Nghề thầy giáo là nghề bán cháo phổi;
  • hoặc Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm cho qua, Nông Lâm bỏ xó.
  • Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm.

* Đối với người thầy giáo Việt Nam:

– Trong lịch sử dân tộc ta, người thầy giáo có một địa vị đặc biệt trong xã hội. Địa vị ấy không phải là chức tước do nhà nước quy định mà trước hết là do sự thừa nhận của nhân dân.

– Vốn trọng đạo lý và có truyền thống hiếu học nên dân tộc ta rất yêu mến, kính trọng người thầy giáo:

+ “Cha sinh không bằng thầy dạy”.

+ “Không thầy đố mày làm nên”.

+ “Trăm sự nhờ thầy”.

+ “Kiếm dăm ba chữ để làm người”.

+ “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”

+ “Quân – Sư – Phụ” à Vua – Thầy – Cha

hoặc là câu ca dao:

Muốn sang thì bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ thì yêu mến thầy”.

Những thành ngữ, những câu nói trên không biết xuất hiện từ bao giờ nhưng đã phản ánh được thái độ yêu mến kính trọng của nhân dân ta đối với người thầy giáo và xác nhận địa vị của người thầy giáo trong xã hội Việt Nam.

– Có những thầy giáo mà tên tuổi đã đi vào lịch sử cùng với niềm tự hào của dân tộc như: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản…

– Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều thầy giáo đã gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của nhân dân và trực tiếp tham gia sự nghiệp cách mạng. Trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nổi lên nét đặc sắc trong mối liên hệ giữa người thầy giáo và người cộng sản Việt Nam như: Châu Văn Liêm, Trần Phú, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Chí Hiếu, Lê Quang Vinh, Nguyễn Thị Bình và tất cả như được kết tinh ở thầy giáo Nguyễn Tất Thành – Chủ tịch Hồ Chí Minh.

2. Vai trò, nhiệm vụ của Nhà giáo Việt Nam

Luật giáo dục Việt Nam thống nhất cách gọi người làm công tác giảng dạy và giáo dục học sinh trong các cơ sở giáo dục là NHÀ GIÁO. Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp gọi là giáo viên; ở cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng nghề gọi là giảng viên.

a. Vai trò của nhà giáo.

Nhà giáo là “những chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng và văn hóa”.

Nhà giáo là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp giáo dục, là lực lượng trung tâm trong nhà trường trong sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ trở thành con người phát triển toàn diện bằng lao động sáng tạo của mình.

Levtolstôi đã khẳng định:

Nhà giáo cũng như nhà văn đều có một mục đích giáo dục thế hệ trẻ, chỉ có khác là nhà văn dùng tác phẩm tác động đến thanh niên, nhà giáo thì lấy phẩm chất của mình thuyết phục con người”.

Đặc biệt trong cuộc đời mỗi người, người thầy giáo đã gây ấn tượng sâu sắc dù ít hay nhiều. Ấn tượng về cái đẹp trong cuộc sống, cái đẹp tâm hồn con người và biết bao kỷ niệm buồn vui…

b. Nhiệm vụ và quyền của nhà giáo.

Nhà giáo có những nhiệm vụ sau đây:

  • Giáo dục, giảng dạy theo mục tiêu, nguyên lý giáo dục, thực hiện đầy đủ và có chất lượng chương trình giáo dục;
  • Gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật và điều lệ nhà trường;
  • Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của nhà giáo; tôn trọng nhân cách của người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học;
  • Không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, đổi mới phương pháp giảng dạy, nêu gương tốt cho người học;
  • Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Nhà giáo có những quyền sau đây:

  • Được giảng dạy theo chuyên ngành đào tạo;
  • Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ;
  • Được hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học tại các trường, cơ sở giáo dục và cơ sở nghiên cứu khoa học với điều kiện bảo đảm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ nơi mình công tác;
  • Được bảo vệ nhân phẩm, danh dự;
  • Được nghỉ hè, nghỉ Tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật lao động.

Như vậy, xã hội đã thừa nhận vai trò, vị trí vô cùng quan trọng của người giáo viên , ấn tượng người thầy giáo trong nhân dân vô cùng đẹp đẽ, đồng thời cũng đặt lên vai chúng ta sự nghiệp giáo dục vô cùng nặng nề, vô cùng quan trọng, là những kỹ sư tâm hồn, chúng ta phải làm sao cho xứng đáng với sự thừa nhận, kính trọng của nhân dân, với trách nhiệm Đảng và Nhà nước giao phó.

3. Đặc điểm lao động sư phạm của nhà giáo

a. Về mục đích lao động.

– Cũng như bất cứ một lao động nào khác, lao động sư phạm có mục đích nhất định.

– Mục đích của lao động sư phạm là góp phần “sáng tạo ra con người”, góp phần tái sản xuất sức lao động xã hội, góp phần đào tạo và bồi dưỡng liên tục những thế hệ cách mạng cho đời sau… Lời di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

– Mục đích lao động có ba dạng:

+ dạng tìm tòi (khai mỏ, quặng…).

+ dạng nhận thức (tìm tòi tri thức mới).

+ dạng biến đổi (biến từ dạng này sang dạng khác). Mục đích của lao động sư phạm là biến đổi.

b. Về đối tượng của lao động sư phạm.

Mục đích của lao động sư phạm như đã nói ở trên là góp phần “sáng tạo ra con người”, lao động sư phạm có đối tượng tác động không phải là vật vô tri vô giác, mà là con người, là thế hệ trẻ đang trưởng thành.

Đây là đối tượng nằm trong lứa tuổi: dễ thương nhất về hình thức, trong trẻo nhất về tâm hồn và đẹp đẽ nhất về ước mơ, lý tưởng.

Trong mối quan hệ lao động của lao động sư phạm tổng hợp được những tình cảm đẹp đẽ nhất giữa người với người, bao hàm cả tình mẫu tử, tình huynh đệ, đồng chí, đồng nghiệp, nhưng cao đẹp nhất, thiêng liêng nhất là tình cảm thầy trò.

Vấn đề được đặt ra là, muốn giáo dục biến đổi con người về mọi phương diện thì trước hết phải hiểu con người về mọi phương diện.

Học sinh tồn tại, phát triển như là một thực thể có ý thức, là một chủ thể hoạt động (học). Học sinh tồn tại vừa được đào tạo, vừa tự đào tạo. Đối tượng này vừa chịu những tác động sư phạm, đồng thời vừa phát triển theo quy luật của sự hình thành, phát triển con người, của tâm lý, của nhận thức. Cho nên trong thực tiễn giáo dục có những trường hợp, trong đó, học sinh có thái độ phản ứng đối với tác động sư phạm (giáo viên), hoặc tiếp nhận tác động sư phạm nhưng hiệu quả mang lại không phải lúc nào, trường hợp nào cũng như

Do đó, kết quả của lao động sư phạm vừa phụ thuộc vào năng lực, tài năng sư phạm của giáo viên, thái độ của giáo viên đối với học sinh, vừa phụ thuộc vào thái độ của học sinh đối với giáo viên. Từ đó, đòi hỏi giáo viên phải vừa nắm vững vai trò chủ đạo của mình, vừa nắm được quy luật của tình cảm, tư tưởng con người (học sinh).

c. Về công cụ lao động sư phạm.

Đối tượng của lao động sư phạm là đặc biệt nên giáo viên cần có những công cụ đặc biệt để tác động vào đối tượng.

Trước hết, đó là tri thức: “Thầy giáo phải biết 10 dạy 1” tức là phải hiểu biết sâu sắc về một khoa học/ chuyên môn mình đảm nhận và khoa học lân cận, đồng thời luôn rèn luyện trí thông minh của mình.

Thứ hai, những dạng hoạt động mà giáo viên thu hút học (mọi hoạt động của giáo viên)

Thứ ba, bản thân nhân cách giáo viên, phẩm chất tâm hồn giáo viên trở thành công cụ lao động, ảnh hưởng sâu sắc đến thế hệ trẻ. “Thầy giáo không chỉ dạy bằng công thức, bằng những câu, những chữ có sẵn, mà phải dạy bằng cả tâm hồn mình”. (Lê Duẩn)

– Cái biện chứng giữa mục đích, đối tượng và công cụ của lao động sư phạm được Platon hài hước:

Nếu một người thợ giày là một người thợ tồi thì quốc gia sẽ không quá lo lắng về điều đó, dân chúng sẽ phải xỏ những đôi giày kém hơn một chút, song nếu như giáo viên là những kẻ dốt nát vô luân, thì trên đất nước sẽ xuất hiện cả một thế hệ kém cỏi, những con người xấu xa”.

– Vấn đề đặt ra, trong điều kiện cách mạng khoa học – kỹ thuật phát triển như vũ bão hiện nay, nhiều phương tiện kỹ thuật dạy học mới được đưa vào nhà trường (máy dạy học) góp phần nâng cao hiệu quả dạy học. Vậy, vai trò của người thầy có bị hạ thấp hay không, thậm chí có thể thay thế hay không? Điều này chúng ta khẳng định rằng: không có một loại phương tiện nào có thể thay thế được người giáo viên; mà trái lại vai trò chủ đạo vẫn thuộc về giáo viên, các phương tiện đó chỉ góp phần giải phóng giáo viên khỏi những công việc không có tính sáng tạo, giảm nhẹ cường độ lao động cho giáo viên.

Tóm lại, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, nếu trong lĩnh vực sản xuất vật chất, công cụ lao động là những vật mà người lao động dùng để tác động lên đối tượng lao động của mình thì trong lao động sư phạm công cụ lao động của giáo viên là một bộ phận hữu cơ của chính bản thân mình, là nhân cách của mình. Do đó, Khổng Tử có câu: “Nhà giáo là thân giáo”.

d. Về sản phẩm của lao động sư phạm.

Mục đích của lao động sư phạm là biến đổi, đối tượng là con người, công cụ là nhân cách của người thầy, nên sản phẩm lao động của người thầy chính là nhân cách của học sinh. Sản phẩm đó được vật chất hóa trong phong cách tinh thần của người học sinh, trong tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, trong ý chí, tính cách của học sinh và sản phẩm đó không được phép có phế phẩm như sản phẩm các lao động khác.

Trải qua quá trình giáo dục đào tạo và tự đào tạo, học sinh trở thành con người phát triển sâu sắc về chất trong nhân cách. Họ được trang bị một cách toàn diện cả về kiến thức khoa học, kỹ năng, phương pháp hoạt động, ý thức và thái độ để vững vàng đi vào cuộc sống, trở thành một bộ phận lực lượng sản xuất quan trọng của xã hội, góp phần làm ra các sản phẩm vật chất và tinh thần đáp ứng yêu cầu của xã hội.

e. Về thời gian và không gian lao động sư phạm.

Về thời gian thực hiện, lao động sư phạm được chia thành hai bộ phận: bộ phận theo quy chế và bộ phận ngoài quy chế.

Thời gian theo quy chế là thời gian để tiến hành giảng dạy, giáo dục theo mục tiêu, nguyên lý, chương trình giáo dục được cụ thể hóa bằng thời khóa biểu, kế hoạch công tác ở lớp, ở trường hàng ngày, hàng tuần…

Thời gian ngoài quy chế (thời gian ngoài giờ hành chính), giáo viên soạn bài (giáo án), chấm bài, đi thăm gia đình học sinh, hoạt động với đoàn thể địa phương, thời gian tự học, tự rèn luyện để nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ nghiệp vụ.

Như vậy, nội dung công việc hết sức phong phú, thời gian có hạn, do đó đòi hỏi người giáo viên phải biết lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch một cách khoa học để hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách xuất sắc (kế hoạch năm học, học kỳ, tháng, tuần).

Về không gian lao động sư phạm: Lao động sư phạm tiến hành trong ba phạm vi không gian cơ bản: ở trường (thời gian theo quy chế), ở nhà ngoài thiên nhiên, ở môi trường xã hội, cơ quan, nhà máy

  • Thời gian → Không gian → Nội dung công việc.
  • quy chế → giảng dạy ở lớp, trường → giảng dạy, chủ nhiệm, họp.
  • ngoài quy chế → ở nhà → soạn bài, chấm bài, tự học.
  • ngoài quy chế → thiên nhiên, xã hội… → tham quan, thăm gia đình học sinh lao động công ích, hoạt động xã hội …

Tóm lại, với 5 đặc điểm lao động sư phạm của người thầy giáo, lao động của người thầy giáo gắn bó với lao động của tập thể sư phạm, lao động (học tập, rèn luyện) của học sinh, của tập thể xã hội. Lao động sư phạm mang tính phức tạp, khoa học và nghệ thuật, nổi bật là tính người – là VẤN ĐỀ CON NGƯỜI. Do đó, nhà giáo phải am hiểu con người, năm bắt được quy luật tình cảm, tư tưởng của con người để phát huy được vai trò của mình trong việc hướng đạo con người.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net