- Khái niệm dự toán chi phí trong sản xuất. Vì sao cần phải dự toán chi phí trong sản xuất?
- Việc dự toán chi phí trong sản xuất gồm những yêu tố nào?
Tổng quan về Dự toán chi phí trong sản xuất (Product cost estimation).
1. Khái niệm
Dự toán chi phí là dự tính chi phí sản xuất của một công việc hoặc thực hiện một kế hoạch sản xuất trước khi đưa vào sản xuất thực tế, dự đoán giá của một sản phẩm trước khi chúng được tạo ra.
Việc dự toán lý tưởng sẽ giúp cho chi phí sản xuất thực tế thấp nhất nhưng sẽ không bao giờ đảm bảo rằng chi phí sản xuất thực tế sẽ bằng với chi phí lúc dự toán. Tính chính xác của việc dự toán sẽ phụ thuộc vào thông tin chi tiết dự toán, cơ sở tính toán và độ tin cậy của dữ liệu sử dụng.
2. Mục tiêu của dự toán chi phí
Là công cụ cung cấp những dấu hiệu cho nhà sản xuất thấy các dự án sắp thực hiện có kinh tế hay không.
Cho phép các nhà sản xuất lựa chọn những phương án sản xuất khác nhau để đưa ra lựa chọn có hiệu quả kinh tế nhất.
Cho phép các nhà sản xuất đưa ra được giá bán trước khi chúng được sản xuất thực tế.
Giúp ích cho việc đưa ra quyết định tự sản xuất sản phẩm đó hay là mua sản phẩm đó từ công ty khác.
Giúp nhà sản xuất mua sắm nguyên vật liệu, máy móc, chuẩn bị công nhân…
2. Các yếu tố trong dự toán chi phí
3.1. Chi phí thiết kế
Chi phí thiết kế của một sản phẩm được tính bằng việc xác định thời gian dự kiến cho việc thiết kế sản phẩm đó rồi đem nhân với tiền lương của người thiết kế trên mỗi đơn vị thời gian thì ta sẽ có được chi phí thiết kế.
Nếu sản xuất những sản phẩm tương tự nhau thì việc xác định chi phí thiết kế có thể dựa vào những chi phí thiết kế đã được tính trước đó nhưng đối với những sản phẩm mới thì việc xác định chi phí thiết kế có thể tham khảo ý kiến của người thiết kế.
3.2. Chi phí soạn thảo
Sau khi công việc thiết kế hoàn tất thì đến công việc soạn thảo để vẽ lại những bản vẽ trong công việc thiết kế. Thời gian để hoàn thành công việc này sẽ được ước tính và đem nhân với tiền lương của người soạn thảo trên một đơn vị thời gian sẽ cho ta chi phí soạn thảo.
3.3. Chi phí nguyên vật liệu
Việc lập dự toán nguyên vật liệu để sử dụng cho quá trình sản xuất bao gồm các bước sau:
+ Lập một danh sách tất cả nguyên vật liệu được sử dụng cho quá trình sản xuất bao gồm cả nguyên vật liệu trực tiếp và nguyên vật liệu gián tiếp.
+ Số lượng (trọng lượng hoặc thể tích) của tất cả nguyên vật liệu cần được sử dụng trong sản xuất phải được ước tính.
+ Chi phí của mỗi nguyên vật liệu được tính bằng cách nhân số lượng ước tính với giá của nguyên vật liệu đó trong tương lai. Việc ước tính giá trong tương lai của một loại vật liệu được thực hiện bằng cách tham khảo giá hiện tại và xu hướng biến động giá của vật liệu đó trong tương lai.
+ Sau khi ước tính cho mỗi nguyên vật liệu ta tiến hành tổng tất cả lại sẽ cho ta chi phí tổng thể ước tính của nguyên vật liệu.
3.4. Chi phí lao động
Việc xác định chi phí lao động tham gia vào quá trình sản xuất được ước tính bằng cách ước lượng thời gian lao động cần thiết để sản xuất ra sản phẩm rồi đem nhân với chi phí lao động mỗi giờ.
Để ước lượng thời gian lao động cần thiết cho một công việc, phải có kiến thức toàn diện về các hoạt động được thực hiện, máy sẽ được sử dụng, trình tự các hoạt động các công cụ được sử dụng và trình độ của người lao động. Công việc này có thể tham khảo ý kiến các kỹ sư, thợ chính sản xuất hoặc thông qua giám sát viên thực thiện.
3.5. Chi phí kiểm tra
Một sản phẩm khi được sản xuất sẽ được kiểm tra ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình sản xuất. Công việc này có thể là kiểm tra nguyên vật liệu, quá trình thanh tra hoặc là kiểm tra sản phẩm đã được hoàn thành. Chi phí cho thiết bị kiểm tra, các đồng hồ đo… sẽ được đưa vào cho quá trình dự toán chi phí sản phẩm.
3.6. Chi phí bảo trì máy móc, công cụ, đồ gá
Việc dự toán chi phí trong sản xuất cũng bao gồm cả chi phí bảo trì bảo dưỡng cho các máy móc, công cụ, đồ gá… cần thiết cho quá trình sản xuất.
Việc ước tính chi phí bảo trì có thể tham khảo giá hiện tại, xu hướng biến động của thị trường trong tương lai.
3.7. Chi phí quản lý
Chi phí quản lý hay còn gọi là chi phí gián tiếp là chi phí mà không phát sinh cho bất kỳ đơn đặt hàng hoặc sản phẩm nào và chúng không có thể tính trực tiếp cho bất kỳ đơn đặt hàng hoặc sản phẩm nào cụ thể.
Chi phí quản lý có thể được ước tính bằng cách tham khảo các chi phí quản lý của các sản phẩm tương tự được sản xuất trong quá khứ.
Tóm lại, để dự toán chi phí cho một sản phẩm thì các mục đã trình bày trên đây có thể nhóm lại thành:
- Chi phí vật liệu trực tiếp: đó là chi phí của nguyên vật liệu mà sẽ trở thành sản phẩm cuối cùng.
- Chi phí lao động trực tiếp: đây là chi phí dựa trên tiền lương của người lao động trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất chẳng hạn như thợ tiện, thợ phay…
- Các chi phí trực tiếp khác: đây là loại chi phí (ngoại trừ chi phí vật liệu trực tiếp và chi phí lao động trực tiếp) mà có thể xác định để sản xuất một sản phẩm cụ thể chẳng hạn như chi phí đồ gá, chi phí công cụ máy móc…
- Chi phí gián tiếp: bao gồm tất cả chi phí khác trừ chi phí vật liệu trực tiếp, chi phí lao động trực tiếp và các chi phí trực tiếp khác chẳng hạn như chi phí quản lý, chi phí quảng cáo, chi phí bán hàng…
4. Tổng chi phí của một sản phẩm
5. Các bước để dự toán chi phí sản xuất.
Các bước sau có thể áp dụng cho bất kỳ sản phẩm nào cần được dự toán:
- Nghiên cứu kỹ lưỡng về yêu cầu dự toán chi phí.
- Thực hiện phân tích sản phẩm và những hóa đơn cho chi phí vật liệu.
- Lên danh sách những bộ phận, sản phẩm được mua từ thị trường và các bộ phận, sản phẩm được sản xuất trong nhà máy.
- Xác định chi phí của những bộ phận, sản phẩm được mua từ bên ngoài.
- Ước tính chi phí cho những bộ phận, sản phẩm được sản xuất tại nhà máy.
- Lập kế hoạch sản xuất cho những sản phẩm được sản xuất tại nhà máy.
- Ước tính thời gian gia công cho từng hoạt động được liệt kê trong quá trình lập kế hoạch sản xuất.
- Lấy thời gian ước tính gia công nhân với mức lượng lao động trên một đơn vị thời gian để xác định chi phí lao động trực tiếp.
- Xác định chi phí gián tiếp để có được tổng chi phí sản xuất ra sản phẩm đó.
Sau khi có được tổng chi phí sản xuất ta thêm vào lợi nhuận để xác định được giá bán của sản phẩm đó trên thị trường.