Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Bố trí sản xuất trong doanh nghiệp

Bố trí sản xuất trong doanh nghiệp

by Ngo Thinh
505 views

1. Khái niệm về bố trí sản xuất

Bố trí sản xuất trong doanh nghiệp là việc tổ chức, sắp xếp, định dạng về mặt không gian các phương tiện dùng để sản xuất ra sản phẩm.

Bố trí sản xuất trong doanh nghiệp làlập kế hoạch sắp xếp tối ưu các tiện ích bao gồm: nhân sự, trang thiết bị, không gian lưu trữ, máy móc, nguyên vật liệu và tất cả các dịch vụ hỗ trợ khác.

Kết quả của việc bố trí sản xuất là hình thành nơi làm việc, các phân xưởng, các bộ phận phục vụ sản xuất và dây chuyền sản xuất.

2. Vai trò của bố trí sản xuất trong doanh nghiệp

Công việc bố trí sản xuất trong doanh nghiệp có vai trò quan trọng, nó vừa ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động hàng ngày, vừa có tác động lâu dài trong quá trình phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể như sau:

+ Tạo thuận lợi cho quá trình sản xuất.

+ Sử dụng hiệu quả nhân sự, trang thiết bị và không gian sản xuất.

+ Cung cấp cho người lao động sự an toàn, thoải mái và thuận tiện.

+ Giảm chi phí đầu tư thiết bị.

+ Giảm tổng thời gian sản xuất, từ đó nâng cao năng suất sản xuất.

+ Duy trì doanh thu cao, duy trì tính linh hoạt của cơ cấu tổ chức.

+ Giảm việc xử lý nguyên vật liệu.

3. Những nguyên tắc trong việc bố trí sản xuất.

Nguyên tắc kết hợp: Cách bố trí tốt là sự kết hợp giữa người, vật liệu, máy móc và các dịch vụ hỗ trợ khác để sử dụng tối ưu các nguồn lực và đạt được hiệu quả tối đa.

Nguyên tắc về khoảng cách tối thiểu: Nguyên tắc này liên quan đến việc đi lại di chuyển tối thiểu của người và nguyên vật liệu, các nhà máy sản xuất phải được bố trí theo cách mà tổng số khoảng cách giữa người và nguyên vật liệu càng ngắn càng tốt.

Nguyên tắc về sử dụng không gian: Một nhà máy được bố trí tốt là nhà máy mà sử dụng hợp lý không gian theo ba chiều: ngang, dọc và cả chiều cao của nhà máy.

Nguyên tắc dòng chảy: Một nhà máy bố trí tốt là hướng chảy của vật liệu phải được di chuyển từ nơi chứa vật liệu đến nơi hoàn thành, tức là không được có bất kỳ một sự quay ngược lại nào.

Nguyên tắc an toàn, an ninh và hài lòng: một cách bố trí tốt là cách mà cung cấp cho người lao động sự an toàn, sự hài lòng và biện pháp an toàn chống lại trộm cắp, hỏa hoạn, tai nạn…

Nguyên tắc xử lý tối thiểu: Cách bố trí tốt là cách mà giảm được tối đa việc xử lý nguyên vật liệu, góp phần giảm thời gian phụ khi sản xuất.

4. Các loại hình bố trí sản xuất chủ yếu

4.1. Bố trí theo quy trình (chức năng)

Bố trí theo quy trình là sự sắp đặt vật lý trong đó các loại máy móc được xếp theo nhóm chức năng hoặc quy trình hoạt động. Tức là tất cả các máy móc thực hiện cùng một chức năng tương tự sẽ được sẽ được đặt tại một điểm trong nhà máy. Ví dụ như tất cả các máy tiện, máy phay, máy bào… Như vậy trong quá trình bố trí các loại máy móc sẽ được nhóm lại với nhau theo nhóm chức năng. Một cách bố trí điển hình được minh họa như hình sau đây:

Sơ đồ bố trí sản xuất theo quy trình

Sơ đồ bố trí sản xuất theo quy trình

Ưu điểm

  • Sử dụng loại hình bố trí này thì sẽ máy móc sẽ được sử dụng tốt hơn và cần ít máy hơn do đó đở tốn chi phí mua máy móc.
  • Tạo được tính linh hoạt sử dụng người lao động cũng như máy móc.
  • Sử dụng được tối ưu cơ sở sản xuất
  • Tính độc lập trong việc sản xuất các chi tiết và bộ phận cao.
  • Việc dừng một máy này không ảnh hưởng hoặc ít ảnh hưởng đến máy khác
  • Chi phí bảo dưỡng thấp, có thể bảo dưỡng theo thời gian và lượng phụ tùng thay thế không cần nhiều.
  • Có thể gia công được nhiều chủng loại sản phẩm cùng một lúc

Hạn chế

  • Chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm sẽ tăng.
  • Sử dụng nguyên vật liệu kém hiệu quả.
  • Hiệu suất sử dụng máy móc thấp vì không phải lúc nào số máy đầu tư cũng đi vào sản xuất.
  • Việc lập lịch trình sản xuất sẽ khó khăn và hoạt động không ổn định.
  • Không gian và vốn sẽ tăng lên nếu sử dụng loại hình này.
  • Yêu cầu cao đối với tay nghề công nhân

4.2. Bố trí theo dây chuyền (sản phẩm)

Theo loại hình bố trí này máy móc thiết bị sẽ được bố trí sắp xếp cố định theo một đường hình thành các dây chuyền. Việc bố trí này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố: không gian nhà xưởng, các loại máy móc, việc lắp đặt máy móc, việc vận chuyển nguyên vật liệu… Căn cứ vào tính chất của quá trình sản xuất, đường di chuyển của vật liệu, thành phẩm, bán thành phẩm, người ta chia thành dây chuyền sản xuất hoặc dây chuyền lắp ráp. Dây chuyền được bố trí theo đường thẳng, chữ U, chữ M, Chữ L, …

Mô hình bố trí dây chuyền theo chữ U

Mô hình bố trí dây chuyền theo chữ U

Mô hình bố trí dây chuyền theo đường thẳng

Mô hình bố trí dây chuyền theo đường thẳng

Có thể nhận thấy rằng loại hình bố trí theo chữ U có ưu điểm hơn so với theo đường thẳng, đó là ưu điểm về khả năng di chuyển của công nhân và máy móc trong quá trình sản xuất, độ dài nơi làm việc, chi phí vận chuyển…

Bố trí sản xuất theo sản phẩm có những ưu điểm sau:

  • Tiết kiệm được không gian nhà xưởng.
  • Hiệu suất sử dụng thiết bị máy móc và nhân công cao hơn.
  • Việc di chuyển của dòng nguyên vật liệu và sản phẩm sẽ dể dàng hơn, có logic hơn.
  • Tiết kiệm được chi phí vận chuyển nguyên vật liệu.
  • Chu kỳ sản xuất sản phẩm được thực hiện liên tục theo dây chuyền. Do đó tăng năng suất và giảm chi phí cho một đơn vị sản phẩm.
  • Hạn chế được thời gian nhàn rỗi của công nhân.

Những hạn chế cần được khắc phục:

  • Việc trục trặc một bộ phận trong dây chuyền sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dây chuyền, gây lãng phí thời gian sản xuất.
  • Nếu muốn thay đổi một vị trí nào đó sẽ ảnh hưởng đến cả loạt vị trí sau đó, vì thế cần có cách bố trí khoa học nhất.
  • Chi phí đầu tư, chi phí bảo trì bảo dưỡng máy móc thiết bị lớn.
  • Công việc đơn điệu, nhàm chán đối với công nhân.

4.3. Bố trí theo vị trí cố định

Cách bố trí này còn được gọi là bố trí theo dự án. Theo kiểu bố trí này thì sản phẩm sẽ được cố định tại một chỗ; còn các vật liệu, máy móc, người lao động và các yếu tố khác sẽ được đưa đến vị trí này để tiến hành sản xuất. Loại bố trí này phù hợp khi sản phẩm được sản xuất quá nặng hay quá lớn khiến cho việc di chuyển sản phẩm tốn nhiều chi phí. Sau đây là ví dụ về kiểu bố trí này:

Mô hình bố trí theo vị trí cố định.

Mô hình bố trí theo vị trí cố định.

Ưu điểm: Do sản phẩm được cố định tại một chỗ nên sẽ không tốn chi phí vận chuyển từ nơi này đến nơi khác trong quá trình sản xuất. Vì vật, tốn ít chi phí choviệc đầu tư bố trí.

Hạn chế: Đòi hỏi lao động phải có tay nghề cao, việc di chuyển thiết bị và lao động sẽ phát sinh chi phí.

4.4. Bố trí theo hỗn hợp

Trên thực tế người ta thường kết hợp những kiểu bố trí lại với nhau để có thể tận dụng hết được ưu điểm của từng loại. Như vậy sẽ tăng năng suất lao động cũng như hạ giá thành sản phẩm. Nhưng muốn làm được điều này thì cần có người quản trị tốt và vốn đầu tư ban đầu sẽ cao.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net