Sản xuất xã hội phát triển không ngừng theo sự tiến triển của xã hội loài người. Sản xuất càng phát triển thì sự phân công lao động xã hội ngày càng cao, sự hợp tác và liên doanh trong sản xuất không chỉ diễn ra giữa các đơn vị kinh tế, các khu vực mở rộng ra trên phạm vi toàn thế giới.
Thống kê doanh nghiệp ra đời và phát triển theo sự phát triển của quá trình sản xuất và phân công lao động xã hội. Trong các chế độ phong kiến và chiếm hữu nô lệ, thống kê doanh nghiệp mới chỉ tiến hành hạch toán các chỉ tiêu hiện vật, rất đơn giản. Thống kê doanh nghiệp phát triển nhanh, phong phú cả về quy mô tổ chức, cũng như về phương pháp và hệ thống các chỉ tiêu kinh tế trong nền kinh tế thị trường của các nước đã hoặc đang phát triển.
Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế theo cơ chế thị trường phát triển đa dạng; thâm nhập vào mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội; quan tâm hạch toán cả hình thái hiện vật lẫn giá trị của sản xuất.
Đối tượng nghiên cứu của thống kê doanh nghiệp là mặt lượng trong mối liên hệ mật thiết với mặt chất của số lớn các hiện tượng kinh tế – xã hội, diễn ra trong quá trình tái sản xuất mở rộng nền kinh tế quốc dân, trong thời gian và địa điểm cụ thể.
Đặc trưng cơ bản của thống kê kinh tế là nghiên cứu mặt lượng. Song mặt lượng và mặt chất của các hiện tượng kinh tế không thể tách rời nhau. Muốn lượng hoá chính xác các phạm trù, các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, cần phải hiểu rõ bản chất và tính quy luật phát triển của chúng. Không hiểu được bản chất và tính quy luật phát triển của tiền lương, giá thành… thì không thể hạch toán đúng tổng quỹ lương, tổng giá thành và chi phí sản xuất của từng lĩnh vực và toàn nền kinh tế.
Đáng chú ý là, thống kê doanh nghiệp phải nghiên cứu số lớn các hiện tượng để loại trừ ảnh hưởng của các nhân tố ngẫu nhiên; nhằm vạch rõ bản chất, tính quy luật của các phạm trù, các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh và dịch vụ.
Thống kê doanh nghiệp phải khẳng định: các tế bào kinh tế vừa là đối tượng phục vụ, vừa là phạm vi nghiên cứu cụ thể của mình. Do vậy, các tài liệu thu nhập được phải chứa đựng nội dung kinh tế – tài chính… thông qua kết quả hoạt động sản xuất của từng doanh nghiệp theo thời gian và không gian và phải gắn liền với đơn vị tính toàn phù hợp.
Tuỳ theo phạm vi và lĩnh vực nghiên cứu, thống kê được chia ra nhiều bộ phận: thống kê – kinh tế vĩ mô và vi mô. Các bộ phận này có liên quan chặt chẽ với nhau, thúc đẩy và hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Ở tầm vĩ mô, thống kê doanh nghiệp phải đi sâu nghiên cứu và thiết lập một hệ thống chỉ tiêu hoàn chỉnh phản ánh đầy đủ các nguồn lực của nền kinh tế, hoạt động của thị trường, kết quả sản xuất kinh doanh trong các ngành sản xuất, hiệu quả sản xuất xã hội, hu nhập và đời sống dân cư…
Mỗi nhóm chỉ tiêu phản ánh từng mặt của quá trình sản xuất. Nhóm chỉ tiêu hoạt động thị trường phản ánh nhu cầu của thị trường và khả năng cung cấp các nguồn lực của nó; Tình hình về giá cả, khả năng liên doanh – liên kết trong nền kinh tế, các loại hình liên kết…
Nhóm chỉ tiêu phản ánh kết quả hoạt động sản xuất bao gồm: tổng giá trị sản xuất (GO); tổng sản phẩm quốc nội (GDP); Giá trị tăng thêm (VA)… theo ngành, theo khu vực thể chế và toàn bộ nền kinh tế quốc dân.