Trang chủ Giáo dục Các con đường giáo dục

Các con đường giáo dục

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,5K views

Giáo dục là quá trình tác động để hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ theo mục đích xã hội. Quá trình này được thực hiện bằng các con đường giáo dục.

1. Khái niệm con đường giáo dục

Trong giáo dục học, các phạm trù lý luận đã được xác định tương quan với nội dung và cấu trúc của các quá trình giáo dục. Các quá trình giáo dục đều diễn ra theo trình tự: mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục… nhưng trong thực tiễn hoạt động giáo dục, các phạm trù này thường thâm nhập, đan xen lẫn nhau, rất khó tách bạch như trong lý luận (ví dụ như giữa nội dung và phương pháp tổng quát, giữa phương pháp và các biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục).

Hơn thế nữa, thực chất toàn bộ quá trình giáo dục đều nhằm vào việc hình thành và phát triển nhân cách con người theo mục đích giáo dục đã xác định. Nhân cách con người có được đó chính là sản phẩm của các hoạt động tích cực của con người.

Do đó, phạm trù hoạt động chính là phạm trù có tính xuất phát, đồng thời chính là cơ sở để xác định con đường giáo dục thích hợp. Có nghĩa là, nhân cách chỉ có thể hình thành, phát triển thông qua các dạng hoạt động, với “những con đường khác nhau”.

Như vậy, Con đường giáo dục không chỉ là một phạm trù lý luận mà chính là sự thể hiện tổng hợp việc tổ chức thực hiện các hoạt động thực tiễn giáo dục và tự giáo dục của con người nhằm giúp con người lĩnh hội một cách tích cực, sáng tạo các giá trị văn hoá xã hội đồng thời góp phần sáng tạo nên các giá trị mới cho đời sống xã hội.

Từ cách hiểu này chúng ta thấy khái niệm về con đường giáo dục là một khái niệm rộng, nhấn mạnh đến sự tổ chức hoạt động sáng tạo, năng động của con người, hướng tới mục đích giáo dục đã định, vừa lĩnh hội các giá trị văn hoá đã có vừa sáng tạo nên các giá trị mới để phục vụ đời sống.

Việc xác định đúng con đường giáo dục thực chất là việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo nguyên lí giáo dục: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội” trong giai đoạn mới, từ đó làm cho nguyên tắc, phương pháp giáo dục, các hình thức tổ chức hoạt động giáo dục trở nên mềm dẻo, thích ứng với trình độ phát triển chung của xã hội trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật và công nghệ, dân trí, nguồn lực… tạo nên: một xã hội học tập, mọi người đi học, học thường xuyên, học suốt đời.

2. Các con đường giáo dục

Giáo dục là quá trình tác động để hình thành nhân cách cho thế hệ trẻ theo mục đích xã hội. Quá trình này được thực hiện bằng các con đường quan trọng sau đây.

2.1. Giáo dục thông qua dạy học

Một trong những con đường quan trọng nhất để giáo dục thế hệ trẻ là đưa học sinh vào học tập trong các nhà trường.

Hoạt động dạy và học là hoạt động đặc trưng của nhà trường. “Học là công việc của cả một đời người”; dạy học được xem như là một diễn tiến vị thế xã hội của con người vì qua đó, con người luôn luôn hoạt động và phát triển.

Quá trình dạy học diễn ra theo chiều hướng hội nhập văn hoá – xã hội. Trong xã hội phát triển cao thì trong đó “mỗi cá nhân sẽ lần lượt là người dạy lẫn người học”. Thông qua các dạng hoạt động dạy học với các phương pháp phong phú, đa dạng, chất lượng học tập (đào tạo) ngày càng được nâng cao, học sinh không những tiếp thu các hệ thống giá trị loài người đã có mà còn “ góp phần sáng tạo ra những giá trị mới”. Có nghĩa là thông qua con đường dạy học – con đường quan trọng nhất, học sinh sẽ phát triển một cách có hệ thống năng lực hoạt động trí tuệ, đặc biệt là năng lực hoạt động sáng tạo, nhân cách được hoàn thiện.

Chẳng hạn, thông qua việc giảng dạy các môn học sẽ:

– Giúp học sinh hình thành thế giới quan và nhân sinh quan, đây chính là sản phẩm của nhận thức khoa học và hoạt động xã hội, hiểu được nguồn cội đất nước và sự phát triển của lịch sử Việt Nam, từ đó tạo nên lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước, tạo lập thói quen tư duy, hành động theo chân lý, lẽ phải.

– Giúp học sinh nhận thức được những khái niệm cơ bản về văn hoá thẩm mỹ, nhận ra giá trị đích thực của nền văn minh nhân loại, giá trị cuộc sống chân chính.

– Giáo dục học sinh cả về kiến thức, thái độ và kỹ năng lao động sáng tạo, ý thức vận dụng khoa học vào đời sống.

Như vậy, dạy học là con đường giáo dục chủ động, ngắn nhất và có hiệu quả, giúp thế hệ trẻ tránh được những mò mẫm, vấp váp trong cuộc đời. Do đó, dạy học là con đường quan trọng nhất trong tất cả các con đường giáo dục.

Muốn cho việc dạy học đạt chất lượng và hiệu quả cao đòi hỏi phải tạo ra “môi trường kiến thức” thích hợp, trong đó hứng thú, nhu cầu học tập được khơi dậy, được định hướng đúng đắn đối với mọi người; mọi dạng hoạt động phải có trọng tâm, ưu tiên cho chất lượng; bảo đảm cho việc chuyển từ học đơn thuần tri thức sang mặt phát triển cả về trí tuệ, thể chất, tình cảm, xã hội và đạo đức đồng thời việc giảng dạy, học tập không thể tiến hành tách biệt với các hoạt động khác.

2.2. Giáo dục thông qua tổ chức các hoạt động phong phú và đa dạng.

Toàn bộ cuộc sống của con người là một hệ thống liên tục các hoạt động và con người lớn lên cùng với các hoạt động đó. Con người hoạt động như thế nào thì nhân cách phát triển như thế ấy. Hoạt động tích cực là con đường để tiến thân, thành đạt và vươn tới hạnh phúc. Vì thế, đưa con người vào các dạng hoạt động thực tế phong phú và đa dạng là con đường giáo dục tốt và hiệu quả cao.

Con người sống có nhiều dạng hoạt động như lao động sản xuất, hoạt động xã hội, vui chơi giải trí… Mỗi dạng hoạt động có những nét đặc thù và đều có tác dụng giáo dục.

Thứ nhất, Vui chơi là hình thức hoạt động giải trí nhưng có ý nghĩa giáo dục to lớn. Vui chơi được thực hiện thông qua các trò chơi phù hợp với mọi lứa tuổi như: Thể dục thể thao, hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi trí tuệ sáng tạo…

– Thông qua hoạt động thể dục thể thao để hình thành kỹ năng, kỹ xảo trong luyện tập, rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe, sức bền và sự dẻo dai cơ thể, cơ thể phát triển cân đối, hài hoà, tạo nên sự nhanh nhạy và ý chí cá nhân.

– Thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ như: tổ chức các cuộc kỷ niệm lịch sử, các lễ hội dân tộc để giáo dục truyền thống dân tộc; xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội với nếp sống văn minh, tình cảm đẹp giữa mọi người với nhau sẽ mang ý nghĩa giáo dục to lớn đối với học

Nghệ thuật là một biểu hiện cao nhất của các quan hệ thẩm mỹ trong đời sống xã hội. Nghệ thuật có chức năng nhận thức, tình cảm và giải trí. Các chức năng này đem lại cho con người niềm vui, lạc quan, tác động đến tư tưởng đạo đức và thế giới quan. Trong nhà trường, hoạt động nghệ thuật với các loại hình: văn học, văn hoá dân gian, nghệ thuật tạo hình, âm nhạc, sân khấu… bằng các hoạt động cụ thể như: các cuộc thi, biểu diễn văn nghệ vào các ngày lễ lớn, thi học sinh thanh lịch, thời trang học đường, nữ sinh tương lai, chương trình hoạt động dành cho sinh viên (SV), tiếng hát sinh viên sẽ tạo cho học sinh, sinh viên giảm bớt căng thẳng sau hoạt động học tập, hòa nhập với đời sống xã hội, bồi dưỡng năng lực nhận thức, cảm thụ và sáng tạo cái đẹp.

– Thông qua các trò chơi trí tuệ như: cờ vua (vừa là trò chơi trí tuệ vừa là môn thể dục thể thao), Đường lên đỉnh Olympia, Kính vạn hoa, để bồi dưỡng trí thông minh, tính tổ chức, kết hợp học với hành. Đối với sinh viên có cuộc thi “sáng tạo Robot”.v.v…

Thứ hai, Lao động sản xuất là một hoạt động quan trọng để giáo dục học sinh thói quen lao động, thích ứng, năng động, sáng tạo trong cuộc sống với nhiều loại hình lao động.

Trước hết là lao động tự phục vụ: Phục vụ cho sinh hoạt và học tập của cá nhân, tự phục vụ cho lớp, trường: trực nhật lớp học, vệ sinh trường lớp hàng tuần, sửa chữa thông thường.

Thứ hai, lao động công ích như vệ sinh làng xóm, đường phố, lao động giúp đỡ người già cô đơn, gia đình thương binh liệt sĩ…Lao động công ích vừa mang giá trị giáo dục đạo đức vừa giáo dục tư tưởng chính trị, ý thức cộng đồng.

Thứ ba, lao động sản xuất để tạo ra của cải vật chất, đối với loại hình này vừa tạo cho học sinh tìm cách áp dụng kiến thức vào cuộc sống, vừa thử nghiệm, tìm ra phương pháp lao động sáng tạo.

– Tổ chức cho học sinh tham quan sản xuất để tận mắt quan sát quá trình sản xuất hàng hoá, quan sát các cơ sở có trình độ công nghệ cao để các em tiếp xúc với công nghệ tiên tiến, với những người lao động có trình độ kỹ thuật cao từ đó giáo dục tâm lý, ý thức, vừa học tập kỹ thuật vừa có xu hướng chọn nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.

Thứ ba, Tổ chức các hoạt động xã hội

Hiện nay, công tác giáo dục cũng đang được phát triển theo hướng xã hội hoá. Hoạt động xã hội là một dạng hoạt động thực tiễn tạo cho con người có được mối quan hệ xã hội đa dạng phong phú. Thông qua các hoạt động xã hội làm cho nhận thức của học sinh về con người, về xã hội càng dần được hoàn thiện. Đồng thời, thông qua hoạt động xã hội, bản lĩnh của mỗi cá nhân càng được khẳng định, vững vàng, cá tính, bản sắc riêng cũng càng ngày càng đậm nét hơn.

Do tính phức tạp của hoạt động xã hội đòi hỏi con người phải cố gắng tìm ra các giải pháp hợp lý, do đó trí thông minh sáng tạo, tinh thần khéo léo, linh hoạt, tế nhị, văn hoá được hình thành.

Như vậy, tham gia các hoạt động xã hội, sự hiểu biết về thế giới và cuộc sống xã hội được mở mang, kinh nghiệm hoạt động được tích lũy, tính tích cực xã hội được hình thành – đó chính là con đường tổ chức giáo dục có hiệu quả.

2.3. Giáo dục thông qua hoạt động tập thể (sinh hoạt tập thể).

Tổ chức cho học sinh sinh hoạt tập thể là một hoạt động giáo dục quan trọng của nhà trường. Tập thể là một tập hợp nhiều cá nhân cùng nhau hoạt động theo một mục đích tốt đẹp. Hai yếu tố quan trọng của tập thể có ý nghĩa giáo dục lớn là chế độ sinh hoạt và dư luận tập thể.

Chế độ sinh hoạt tập thể hợp lý, với kỷ luật nghiêm, hoạt động có kế hoạch, có tổ chức và nề nếp sẽ tạo thói quen sống có văn hoá, hình thành ý chí và nghị lực cho học sinh.

Dư luận tập thể lành mạnh luôn trợ giúp con người nhận thức những điều tốt đẹp, điều chỉnh hành vi cuộc sống có văn hóa.

Trong hoạt động tập thể, các cá nhân cùng nhau hoạt động, tinh thần đoàn kết, tình thân ái, tính hợp tác cộng đồng được hình thành. Đó là những phẩm chất quan trọng của nhân cách. Trong sinh hoạt tập thể, một mặt các cá nhân tác động lẫn nhau, mặt khác sự tác động của nhà sư phạm thông qua tập thể, đến tập thể sẽ tạo thành tác động tổng hợp có tác dụng giáo dục rất lớn.

Tập thể vừa là môi trường, vừa là phương tiện giáo dục con người, tổ chức tốt các hoạt động tập thể là con đường giáo dục đúng đắn.

Muốn vậy, nhà trường và các nhà sư phạm cần:

+ Xây dựng tốt các mối quan hệ tập thể (quan hệ tình cảm, quan hệ chức năng, quan hệ trách nhiệm công việc và quan hệ tổ chức thể hiện bằng nội quy, kỷ luật tập thể).

+ Tổ chức các hoạt động đa dạng trong tập thể.

+ Xây dựng các viễn cảnh trong tương lai cho tập thể. Việc xây dựng viễn cảnh xuất phát từ mục tiêu giáo dục của lớp, của trường từ đó đem lại niềm vui, hy vọng cho con người. Nếu không xác định mục đích cần đến trong tương lai, con người sẽ rơi vào tình trạng mất phương hướng.

+ Xây dựng truyền thống tốt đẹp cho tập thể, chẳng hạn như: Truyền thống học tập giỏi, truyền thống lao động, truyền thống văn nghệ, thể dục thể thao giỏi; mỗi loại truyền thống đều có ý nghĩa giáo dục riêng.

+ Xây dựng và hướng dẫn dư luận lành mạnh. Dư luận có sức mạnh điều chỉnh các mối quan hệ trong tập thể. Dư luận tập thể lành mạnh là một nhân tố quan trọng, có tác dụng lớn đến sự phát triển của các cá nhân và cả tập thể.

+ Tổ chức phong trào thi đua trong lớp, trường.

Ngày nay, yêu cầu giáo dục trong tập thể cần được tiếp cận với những yêu cầu mới, hướng hoạt động của tập thể vào những mục tiêu rộng lớn hơn đến tinh thần “Giáo dục nhân văn, vì sự hiểu biết quốc tế”, làm cho con người không chỉ gắn với các tập thể nhỏ bé mà vươn tới cuộc sống trên bình diện quốc tế và lợi ích của nhân loại.

2.4. Tự giáo dục.

Nhân cách được hình thành và phát triển bằng nhiều con đường trong đó có sự tự giáo dục hay còn gọi là tự tu dưỡng.

Tự tu dưỡng biểu hiện ý thức và tính tích cực cao nhất của cá nhân đối với cuộc sống. Tự tu dưỡng được thực hiện khi cá nhân đã đạt tới một trình độ phát triển nhất định, khi đã tích lũy được những kinh nghiệm sống, những tri thức phong phú.

Tự tu dưỡng là kết quả của quá trình giáo dục, là sản phẩm của nhận thức và sự tạo lập của thói quen hành vi, là bước tiếp theo và quyết định kết quả đạt được của quá trình giáo dục.

Tự giáo dục bắt đầu bằng việc xây dựng các mục tiêu lý tưởng cho tương lai, tiếp đó là tìm các biện pháp và quyết tâm thực hiện mục tiêu đã xác định, thường xuyên tự kiểm tra các kết quả và phương thức thực hiện, tìm các giải pháp sáng tạo mới, xác định quyết tâm mới để hoàn thiện bản thân. Mỗi con người là sản phẩm của chính mình, tự giáo dục chính là phương pháp tự khẳng định.

Tóm lại, trong thực tế giáo dục, các con đường giáo dục chính là sự “tích hợp” giữa nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục, hướng vào việc thực hiện tốt nhất mục tiêu giáo dục của nhà trường. Thông qua các hoạt động dạy học, giáo dục và tự giáo dục, các năng lực và các phẩm chất nhân cách của học sinh được hình thành và phát triển ngày càng cao.

– Nhà trường trong cơ chế mới phải hết sức năng động, tự điều chỉnh, thích ứng với các nhân tố mới, yêu cầu mới luôn luôn nảy sinh trong đời sống xã hội. Nhà trường cần phát huy vị trí, vai trò là trung tâm văn hoá – giáo dục ở địa phương thu hút và kết hợp mọi nguồn lực, mọi lực lượng tham gia vào sự nghiệp giáo dục theo định hướng chung, đó là “đào tạo bồi dưỡng nguồn lực con người cho công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước”.

Các con đường giáo dục không phải là riêng rẽ, tách rời mà là một hệ thống gắn bó, thống nhất, bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Phối hợp tốt các con đường giáo dục chính là nguyên tắc và cũng là nghệ thuật giáo dục.

(Tài liệu tham khảo: Hà Thị Mai, Giáo trình Giáo dục học đại cương.)

 

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]