Trang chủ Giáo dục Những sai lầm mà sinh viên hay mắc phải khi học đại học

Những sai lầm mà sinh viên hay mắc phải khi học đại học

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 222 views

Có rất nhiều sai lầm khi học đại học, chúng ta có thể thấy như: học chỉ vì điểm số, thiếu trải nghiệm để phát triển kỹ năng, học mà không đam mê. Dưới đây chúng ta bàn một số sai lầm mà sinh viên hay mắc phải.

sai lầm của sinh viên đại học

1. Sai lầm về mục tiêu điểm số

Sinh viên lười học nên có ý định tập trung vào bằng cấp mà quên đi mục đích chính của việc học đại học. Thực chất bằng cấp chúng ta có chỉ phản ánh số tiền mà bạn phải trả cho trường đại học, điểm số mà chúng ta có chỉ phản ánh bạn chăm chỉ và có khả năng thi cử tốt.

Có được một tấm bằng để đưa vào trong hồ sơ xin việc rất có lợi cho bạn. Thế nhưng, điều đó chỉ đúng khi tấm bằng đó chỉ ra rằng người sở hữu nó có khả năng làm việc tốt hơn

2. Sinh viên thiếu sự độc lập

“Bạn chính là người bước đi trên đôi chân của mình, chứ không phải ai khác”. Hãy mạnh dạn bước những bước đi của chính mình cho dù bạn đang bước đi ở bất kỳ nơi đâu. Có như thế bạn mới tự tin bước vào giảng đường đại học và bước vào xã hội.

Năm đầu đại học là một giai đoạn chuyển tiếp và để trở thành con người thực sự trưởng thành, sinh viên phải tự lập trong mọi mặt của đời sống. Kỹ năng sống tự lập là khả năng tự chăm sóc đến bản thân từ ăn ở, đi lại cho đến chi phí sinh hoạt, học phí, là chủ động trong việc học tập, cải thiện bản thân về mọi mặt, là khả năng tự suy nghĩ và quyết định cho bản thân.

Sống tự lập giúp tăng cường sự tự tin trong việc tự quyết định nhiều vấn đề cho bản thân mà không cần phụ thuộc vào người khác. Bước chuyển tiếp lên đại học là thời điểm đánh dấu sự trưởng thành của một thanh niên, bước qua cái tuổi 18 người thanh niên cần biết cách quyết định và chịu trách nhiệm về hành động của bản thân. Không còn thể phụ thuộc vào ba mẹ thầy cô để quyết định, nhắc nhở trong mọi việc.Nhiều học sinh trong suốt quá trình học phổ thông chưa trang bị đủ cho mình về kỹ năng tự lập sẽ vô cùng bỡ ngỡ khi đặt chân vào đại học.

3. Học một ngành mà bạn không đam mê

Học một ngành nghề mà bạn hoàn toàn không yêu thích hoặc không có khả năng.

Rất nhiều sinh viên hiện nay không yêu thích ngành nghề mình đang học, họ chọn ngành đơn giản vì không còn lựa chọn nào khác hoặc là ba mẹ chọn. Điều này là một cơn ác mộng với nhiều sinh viên tuy nhiên họ vẫn cố gắng để hoàn tất chương trình đại học.

Chọn sai nghề là một thực trạng tồn tại lâu nay xuất phát từ việc hướng nghiệp chưa được chú trọng một cách đúng mức. Nhiều SV chọn nghề theo yêu cầu gia đình, chọn theo “mốt”, theo bạn bè mà chưa thật sự hiểu rõ khả năng, tính cách của mình có phù hợp với công việc đó hay không.

Các chuyên gia tâm lý khẳng định, khi chọn sai nghề và làm công việc mình không yêu thích thì rất khó để đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp, dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý. Tuy nhiên, việc tiếp tục đeo đuổi công việc mình được đào tạo nhưng không đam mê hay “cắt” để làm lại không dễ có câu trả lời cụ thể

4. Khả năng tiếng anh kém

Rất nhiều sinh viên Việt Nam có thể vượt qua các bài thi tiếng Anh trong các ôn học tuy nhiên khả năng giao tiếp tiếng Anh hầu như còn hạn chế. Trong xu thế toàn cầu hóa ngày nay, tầm quan trọng của tiếng Anh không thể phủ nhận và bỏ qua vì nó được dùng phổ biến ở mọi nơi trên thế giới. Cùng với sự phát triển của công nghệ, Y học, Kỹ thuật và Giáo dục… đó là những nơi mà tiếng Anh đóng vai trò quan trọng nhất.

Đặc biệt đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, tiếng Anh đã được giảng dạy từ rất sớm cũng như nhiều người trẻ đã nhận thức được tầm quan trọng của nó vì những lý do như tìm được một công việc chất lượng cao, giao tiếp với thế giới bên ngoài, tiếp cận những nguồn khoa học mà mình đang theo đuổi. Đó cũng là lý do tại sao nhiều trường Đại học, Cao đẳng hiện nay tiến hành giảng dạy nhiều nội dung bằng tiếng Anh cũng như quy định chuẩn đầu ra ngoại ngữ (phổ biến là tiếng Anh) cho sinh viên tốt nghiệp ra trường.

Trong môi trường doanh nghiệp, ngôn ngữ chung nhất và quan trọng nhất rõ ràng là tiếng Anh. Thêm nữa, công việc chất lượng cao đòi hỏi phải có khả năng hiểu và giao tiếp được tiếng Anh. Do đó, các công ty có thể dễ dàng mở rộng hoạt động ra các nước khác và những công ty này thường sử dụng những sinh viên tốt nghiệp ra trường có khả năng tiếng Anh cùng với kết quả học tập cơ bản theo yêu cầu.

Thực tế rõ ràng rằng, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường có khả năng tiếng Anh tốt sẽ tìm được những công việc tốt hơn so với những người mà trình độ tiếng Anh còn hạn chế. Nói cách khác, sinh viên biết được tiếng Anh sẽ thực hiện công việc hiệu quả hơn bởi vì họ có khả năng sử dụng thông tin từ các nguồn tài liệu nước ngoài và trên các trang web.

5. Thiếu trải nghiệm xã hội

Cuộc điều tra về giáo dục học tại TP.HCM mới đây đã cho thấy thực trạng: 60% sinh viên sống khép mình, ít tham gia hoạt động xã hội; 10% sinh viên hướng vào vui chơi, hưởng thụ và chỉ có 30% sinh viên say mê học tập…

Cuộc sống ở đại học rất khác so với những năm trước và một trong những khác biệt lớn nhất là sinh viên quan tâm nhiều mặt từ vấn đề học tập đến hoạt động ngoại khóa, xã giao thiết lập quan hệ, cho đến việc ăn ở đi lại. Những sinh viên ở các nước tiên tiến, sau khi học phổ thông thường ra ở riêng, đi làm thêm và có ý thức sống tự lập rất cao. Họ tự kiếm tiền để nuôi thân, hoặc vay tiền để đi học đại học, cao học. Thậm chí ngay những gia đình có khả năng chu cấp vẫn thường để con mình tự lo hoặc vay tiền và tự trả sau khi ra trường và có việc làm. Có như vậy sinh viên mới quý trọng đồng tiền và khi đã học thì cố gắng hết mình. Học vì đó là mục tiêu cốt yếu cho bản thân chứ không phải miễn cưỡng hay vì cha mẹ. Đi một ngày đàng học một sàng khôn.

Rất nhiều sinh viên chỉ lo tập trung vào việc học tập mà quên đi các trải nghiệm khác tại trường đại học. Có rất nhiều các hoạt động có thể giúp sinh viên trưởng thành và rèn luyện các kỹ năng mềm.

  • Tham gia các Câu lạc bộ
  • Chơi một số môn thể thao
  • Tham gia các hoạt động tình nguyện
  • Đi du lịch bụi
  • Đi làm thêm các công việc bán thời gian

(Nguồn tài liệu: Nguyễn Đông Triều, Kỹ năng học tập bậc đại học, Đại học Văn hiến)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net