Cơ chế thị trường, vai trò Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay
1. Cơ chế thị trường là gì?
Cơ chế thị trường là hệ thống các quan hệ mang tính tự điều chỉnh tuân theo yêu cầu của các quy luật kinh tế.
Cơ chế thị trường là phương thức cơ bản để phân phối và sử dụng các nguồn vốn, tài nguyên, công nghệ, sức lao động, thông tin, trí tuệ… trong nền kinh tế thị trường. Đây là một kiểu cơ chế vận hành nền kinh tế mang tính khách quan, do bản thân nền sản xuất hàng hóa hình thành. Cơ chế thị trường được A.Smith ví như là một bàn tay vô hình có khả năng tự điều chỉnh các quan hệ kinh tế.
Cơ chế thị trường: là cơ chế tự điều tiết của nền kinh tế thị trường do sự tác động của các quy luật vốn có của nó. Nói một cách cụ thể hơn, cơ chế thị trường là hệ thống hữu cơ của sự thích ứng lẫn nhau, tự điều tiết lẫn nhau của các yếu tố giá cả, cung cầu, cạnh tranh…trực tiếp phát huy tác dụng trên thị trường để điều tiết nền kinh tế thị trường.
Cơ chế thị trường là một bộ máy tinh vi để phối hợp một cách không tự giác hoạt động của người tiêu dùng với các nhà sản xuất. Cơ chế thị trường tự phát sinh và phát triển cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, ở đâu có sản xuất và trao đổi hàng hóa thì ở đó có thị trường và do đó có cơ chế thị trường hoạt động.
2. Ưu điểm và khuyết tật của cơ chế thị trường
Ưu điểm của cơ chế thị trường
– Cơ chế thị trường kích thích hoạt động của các chủ thể kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tự do của họ. Do đó, làm cho nền kinh tế phát triển năng động, có hiệu quả.
– Sự tác động của cơ chế thị trường sẽ đưa đến sự thích ứng tự phát giữa khối lượng và cơ cấu của sản xuất với khối lượng và cơ cấu nhu cầu của xã hội. nhờ đó con người mới có thể thỏa mãn tốt hơn nhiều loại sản phẩm, đa dạng về chủng loại cũng như cơ cấu sản phẩm.
– Cơ chế thị trường kích thích đổi mới kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, cạnh tranh càng cao đòi hỏi giảm chi phí cá biệt càng lớn bằng cách áp dụng các phương pháp đổi mới, kỹ thuật và công nghệ sản xuất, đổi mới sản phẩm, đổi mới tổ chức sản xuất và quản lý kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế.
– Cơ chế thị trường thực hiện phân phối các nguồn lực kinh tế một cách tối ưu. Các nguồn lực sản xuất tự điều tiết và di chuyển đến nơi nào được sử dụng với hiệu quả cao nhất, tuân theo các nguyên tắc của thị trường.
– Sự điều tiết của cơ chế thị trường mềm dẻo có khả năng thích nghi cao trước sự biến đổi các điều kiện kinh tế – xã hội, làm thích ứng giữa sản xuất xã hội với nhu cầu xã hội.
Khuyết tật của cơ chế thị trường
– Cơ chế thị trường phát huy tác dụng tốt khi có cạnh tranh hoàn hảo, khi xuất hiện cạnh tranh không hoàn hảo thì hiệu lực cơ chế thị trường bị giảm. Chẳng hạn, khi xuất hiện độc quyền, các nhà độc quyền có thể giảm sản lượng, tăng giá, chậm đổi mới kỹ thuật.
– Mục đích hoạt động của các doanh nghiệp là lợi nhuận tối đa, vì vậy, họ có thể lạm dụng tài nguyên của xã hội, gây ô nhiễm môi trường sống của con người, do đó hiệu quả kinh tế – xã hội không được bảo đảm.
– Sự tác động của cơ chế thị trường dẫn đến phân hóa giàu nghèo, phân phối thu nhập không công bằng, sự phân cực về của cải, có tác động xấu đến đạo đức và tình người.
– Nền kinh tế do cơ chế thị trường điều tiết một cách thuần túy khó tránh khỏi những thăng trầm, khủng hoảng, lạm phát, thất nghiệp.
Để tránh khỏi khuyết tật của cơ chế thị trường (bàn tay vô hình) đòi hỏi cần có sự can thiệp của nhà nước (bàn tay hữu hình).
Xem thêm: Vai trò nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam