Trang chủ Tâm lý học Các nguyên tắc phương pháp luận nghiên cứu tâm lý học xã hội

Các nguyên tắc phương pháp luận nghiên cứu tâm lý học xã hội

by Ngo Thinh
557 views

Nguyên tắc quyết định luận duy vật biện chứng

Nguyên tắc này nhấn mạnh vai trò quyết định của các điều kiện vật chất, của các điều kiện thực tiễn đối với các hiện tượng tâm lý xã hội. Các hiện tượng tâm lý xã hội nảy sinh trên cơ sở của các điều kiện sống, điều kiện hoạt động của nhóm, của cộng đồng. Nguồn gốc của các hiện tượng tâm lý xã hội phải được tìm kiếm trong đời sống thực. Các hiện tượng tâm lý xã hội không phải nảy sinh một cách “tự nó”, tồn tại lơ lửng đâu đó không có chủ thể. Do vậy, lý giải các hiện tượng tâm lý xã hội phải xuất phát từ các hiện tượng cụ thể trong đời sống xã hội, tìm tòi các nguyên nhân làm nảy sinh các hiện tượng tâm lý xã hội trong đời sống xã hội hiện thực của con người, trong nhóm người, cộng đồng người cụ thể. Đó chính là nguyên tắc duy vật trong nghiên cứu các hiện tượng tâm lý xã hội. Ngược lại, các hiện tượng tâm lý xã hội khi đã hình thành lại có được sự độc lập

tương đối đối với tồn tại xã hội và có sức mạnh riêng của nó. Nó có thể chi phối ngược lại đến các điều kiện xã hội tạo ra những thay đổi, những vận động nhất định. Các hiện tượng tâm lý xã hội như dư luận xã hội, truyền thống xã hội, tín ngưỡng, niềm tin tôn giáo… có những sức mạnh to lớn trong việc điều chỉnh hành vi của con người, của cộng đồng, thậm chí nó có thể tạo ra những sức mạnh làm thay đổi tiến trình của lịch sử trong những thời điểm nhất định. Đó hình là lập trường biện chứng khi nhìn nhận, đánh giá, nghiên cứu các hiện tượng tâm lý xã hội. Như vậy, nguyên tắc quyết định luận duy vật biện chứng chỉ ra cách thức tiếp cận, lý giải và đánh giá các hiện tượng tâm lý xã hội một cách đầy đủ và toàn diện.

Nguyên tắc đảm bảo tính khách quan

Nguyên tắc này đòi hỏi khi nghiên cứu các hiện tượng tâm lý xã hội, phải nghiên cứu như nó vốn có, vốn tồn tại trong đời sống hiện thực. Các dữ liệu thu được không được bóp méo, hoặc bị làm sai lệch. Khi lý giải các hiện tượng không được áp đặt chủ quan. Để thực hiện được điều đó, người nghiên cứu cần có khả năng phát hiện các hiện tượng tâm lý xã hội, có khả năng lựa chọn, sử dụng các phương pháp, công cụ thu thập dữ liệu phù hợp, cho độ tin cậy và chính xác cao. Bên cạnh đó, bản thân người nghiên cứu có thái độ trung thực, khoa học trong khi thu thập và xử lý dữ liệu. Nguyên tắc khách quan làm tăng giá trị của các kết quả nghiên cứu và giúp các nghiên cứu ngày càng tiến gần hơn đến bản chất của các hiện tượng tâm lý xã hội cần nghiên cứu.

Nguyên tắc nghiên cứu các hiện tượng Tâm lý xã hội trong mối liên hệ với các hiện tượng xã hội và trong mối liên hệ với các hiện tượng tâm lý xã hội khác

Nguyên tắc này được đề ra trên cơ sở coi mọi hiện tượng tâm lý xã hội đều nảy sinh trên các điều kiện sống xã hội, nói cách khác các hiện tượng tâm lý xã hội là sự phản ánh các điều kiện xã hội của nhóm, của cộng đồng. Để chỉ ra nguồn gốc của các hiện tượng tâm lý xã hội người nghiên cứu phải tìm hiểu các hiện tượng xã hội có liên quan. Ví dụ: Một chính sách xã hội một sự kiện xã hội là những nhân tố xã hội tạo ra tâm trạng hay dư luận xã hội. Tất nhiên ở đây không đơn giản là mối quan hệ nhân quả, sự kiện nào tâm lý xã hội ấy mà có hàng loạt các yếu tố khác trong đời sống của cá nhân, nhóm và cộng đồng xã hội tác động đến sự phản ánh các sự kiện xã hội đó. Đặt các hiện tượng tâm lý xã hội cần nghiên cứu trong mối liên hệ với các hiện tượng xã hội cho phép thấy rõ hơn nội dung, mức độ, diễn biến của các hiện tượng tâm lý xã hội. Cũng chính vì thế, các hiện tượng tâm lý xã hội khác nhau có mối quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau như bản thân các điều kiện xã hội mà nó phản ánh. Mỗi hiện tượng tâm lý xã hội có vai trò, vị trí nhất định trong đời sống xã hội. Ví dụ: dư luận xã hội tồn tại trong thời gian tương đối ngắn, có chức năng thúc đẩy hoặc kìm hãm những hành vi xã hội nào đó vào thời điểm nhất định, trong khi đó truyền thống của nhóm lớn lại đóng vai trò điều chỉnh hành vi trong thời gian dài hơn, tạo ra sự thống nhất cả thái độ, hành vi, giá trị cho các thế hệ khác nhau. Mặt khác dư luận xã hội lại được hình thành trên cơ sở những giá trị đã ổn định của nhóm, của xã hội – đó chính là nhân tố thuộc về truyền thống. Nói cách khác, ở đây hai hiện tượng tâm lý xã hội mặc dù có những sự khác biệt nhưng có quan hệ chặt chẽ và có thể chuyển hóa lẫn nhau.

Nguyên tắc phát triển

Nguyên tắc này nhấn mạnh đến việc tiếp cận, nghiên cứu các hiện tượng tâm lý xã hội trong sự vận động, biến đổi và phát triển của nó. Theo quan điểm biện chứng, sự vật hiện tượng luôn vận động biến đổi, không có sự vật hiện tượng nào là bất biến. Coi sự vật hiện tượng là bất biến tức là rơi vào quan điểm siêu hình. Sự vật hiện tượng tồn tại ổn định tương đối, vận động và biến đổi là tuyệt đối. Xã hội cũng vậy, nó cũng vận động, biến đổi và phát triển theo các quy luật, các chiều hướng nhất định. Với tư cách là sự phản ánh đời sống xã hội, các hiện tượng tâm lý xã hội cũng không thể là bất biến. Các hiện tượng tâm lý xã hội cũng nảy sinh, hình thành và phát triển theo những quy luật, những chiều hướng nhất định. Với sự độc lập tương đối của chúng, các hiện tượng tâm lý xã hội có thể chuyển hóa lẫn nhau, tác động qua lại làm nảy sinh các hiện tượng tâm lý xã hội mới.

Hội chứng “tâm lý đám đông” trong lĩnh vực chứng khoán gần đây là ví dụ điển hình cho sự tác động qua lại và chuyển hóa này. Từ việc bắt chước hành vi của người khác, cá nhân có hành vi giống người khác, sự giống nhau về hành vi lại trở thành kích thích làm nảy sinh tâm trạng chung tạo điều kiện cho sự bắt chước thuận lợi hơn. Sự tác động qua lại đó làm cho hành vi của đám đông không kiểm soát được. Chỉ khi có một tác động lớn nào đó làm cho vòng xoáy tác động đó đột ngột bị dừng lại, hiệu lực của sự tác động qua lại đó mới giảm đi. Như vậy, với tư cách là sự phản ánh đời sống xã hội, các hiện tượng tâm lý xã hội luôn vận động, phát triển, với tư cách là các hiện tượng tinh thần của nhóm, của cộng đồng xã hội có sự độc lập tương đối, các hiện tượng tâm lý xã hội cũng luôn vận động và phát triển không ngừng. Do vậy, cách tiếp cận đúng đắn chính là tiếp cận phát triển.

Trên đây là các nguyên tắc phương pháp luận cơ bản đối với việc nghiên cứu các hiện tượng tâm lý xã hội. Các nguyên tắc đó chỉ đạo việc tiếp cận, thu thập, phân tích và khái quát kết quả nghiên cứu. Để có được các dữ liệu về các hiện tượng tâm lý xã hội, người nghiên cứu cần lựa chọn và sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể khác nhau cho phù hợp với mục đích và đối tượng nghiên cứu. Sau đây là một số các phương pháp nghiên cứu cụ thể thường được sử dụng trong các nghiên cứu Tâm lý học xã hội.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]