Tài chính doanh nghiệp bao hàm các nội dung hoạt động chủ yếu sau:
1. Tham gia việc đánh giá, lựa chọn quyết định đầu tư
Triển vọng phát triển của một doanh nghiệp trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào quyết định đầu tư dài hạn với quy mô lớn như quyết định đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất kinh doanh, sản xuất sản phẩm mới… Để đi đến quyết định đầu tư đòi hỏi doanh nghiệp phải xem xét, cân nhắc trên nhiều mặt về kinh tế, kỹ thuật và tài chính. Trong đó, về mặt tài chính phải xem xét các khoản chi tiêu vốn cho đầu tư và thu nhập do đầu tư mang lại hay nói cách khác là xem xét dòng tiền ra và dòng tiền vào liên quan đến khoản đầu tư để đánh giá cơ hội đầu tư về mặt tài chính. Đó là quá trình hoạch định dự toán vốn đầu tư và đánh giá hiệu quả tài chính của việc đầu tư.
Lựa chọn và ra quyết định đầu tư xuất hiện ngay khi chủ doanh nghiệp quyết định thành lập doanh nghiệp. Điều này thể hiện ở chỗ ngay trong đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp đã có quyết định sẽ hoạt động trong lĩnh vực nào. Vì vậy, trong các nội dung của tài chính doanh nghiệp nội dung lựa chọn và ra quyết định đầu tư được đặt lên đầu tiên.
2. Xác định nhu cầu vốn và tổ chức huy động vốn đáp ứng kịp thời, đủ nhu cầu vốn cho các hoạt động của doanh nghiệp
Tất cả các hoạt động của doanh nghiệp đều đòi hỏi phải có vốn. Vốn là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp tiến hành hoạt động. Các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, quy mô doanh nghiệp khác nhau, dẫn đến nhu cầu vốn cũng sẽ khác nhau. Thậm chí, trong một doanh nghiệp, đứng trước mỗi giai đoạn kinh doanh khác nhau thì nhu cầu vốn cũng sẽ khác nhau.
Các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động, ngoài vốn chủ sở hữu còn phải huy động vốn từ bên ngoài. Vấn đề là phải huy động vốn như thế nào? Nhiệm vụ của các nhà tài chính là phải giải quyết được các vấn đề sau:
– Phải xác định chính xác nhu cầu vốn tránh đẩy doanh nghiệp vào những tình trạng khó khăn do thiếu vốn hoặc thừa vốn vì nếu xác định nhu cầu vốn thấp hơn nhu cầu cần thiết, rất có thể doanh nghiệp sẽ không thực hiện được phương án kinh doanh, bỏ lỡ cơ hội kinh doanh. Ngược lại, nếu xác định nhu cầu vốn dư thừa so với nhu cầu cần thiết sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí vốn.
– Tiếp theo, doanh nghiệp phải tổ chức huy động các nguồn vốn 1 cách phù hợp để đáp ứng kịp thời, đầy đủ và có lợi cho các hoạt động của mình.
Để đi đến quyết định lựa chọn hình thức và phương pháp huy động vốn thích hợp, cần xem xét cân nhắc trên nhiều mặt như: kết cấu nguồn vốn, lợi ích và bất lợi của từng hình thức huy động vốn, chi phí cho việc sử dụng mỗi nguồn vốn…
Công ty cổ phần có nhiều cách để huy động vốn, như: phát hành trái phiếu, vay người lao động, vay ngân hàng, chiếm dụng vốn từ nhà cung cấp, phát hành cổ phiếu… Mỗi cách huy động vốn đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Vì vậy, khi huy động vốn, nhà quản trị tài chính cần cân nhắc nhu cầu vốn về quy mô, thời gian… để lựa chọn được cách thức huy động vốn phù hợp. Ví dụ, khi huy động vốn ngắn hạn cần xem xét lựa chọn giữa các hình thức huy động, đó là: Chiếm dụng vốn của nhà cung cấp; phát hành trái phiếu ngắn hạn; vay ngắn hạn… Tuy nhiên, khi xem xét từng cách thức huy động vốn, ta thấy:
o Chiếm dụng vốn của nhà cung cấp: ngắn hạn, đối tượng cấp tín dụng là tài sản
o Phát hành trái phiếu: lãi suất cao hơn vay ngắn hạn, chỉ áp dụng khi thiếu vốn dài hạn.
o Vay ngắn hạn: lãi suất thấp, đối tượng cấp tín dụng là tiền mặt.
Như vậy, nếu doanh nghiệp thiếu vốn ngắn hạn và có nhu cầu về tiền mặt thì nên vay vốn ngắn hạn.
3. Sử dụng có hiệu quả số vốn hiện có, quản lý chặt chẽ các khoản thu, chi và đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
Tài chính doanh nghiệp khai thác tối đa số vốn hiện có đưa vào hoạt động kinh doanh, giải phóng kịp thời số vốn ứ đọng, theo dõi chặt chẽ và thực hiện tốt việc thanh toán, thu hồi tiền bán hàng và các khoản thu khác, đồng thời quản lý chặt chẽ mọi khoản chi phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Thường xuyên tìm biện pháp thiết lập sự cân bằng giữa thu và chi bằng tiền, đảm bảo cho doanh nghiệp luôn có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.
Doanh nghiệp cần đảm bảo khả năng thanh toán vì đây là chỉ tiêu quan trọng phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp có lành mạnh hay không? Nếu khả năng này tốt thì người cho vay sẽ sẵn sàng cho doanh nghiệp vay hơn.
4. Thực hiện phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ của doanh nghiệp.
Thực hiện phân phối hợp lý lợi nhuận sau thuế cũng như trích lập và sử dụng tốt các quỹ của doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển doanh nghiệp và cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động trong doanh nghiệp, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động trong doanh nghiệp.
Khi thực hiện phân phối lợi nhuận cần đảm bảo lợi ích của các bên liên quan: Nhà nước (Thuế thu nhập doanh nghiệp), doanh nghiệp (lãi ròng), người lao động (lương), cổ đông (cổ tức chi trả).
5. Kiểm soát thường xuyên tình hình hoạt động của doanh nghiệp
Thông qua tình hình thu chi tiền tệ hàng ngày, các báo cáo tài chính, tình hình thực hiện các chỉ tiêu tài chính cho phép kiểm soát được tình hình hoạt động của doanh nghiệp. Mặt khác, cần định kỳ tiến hành phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp. Qua phân tích, cần đánh giá được hiệu quả sử dụng vốn, những điểm mạnh và điểm yếu trong quản lý và dự báo trước tình hình tài chính của doanh nghiệp, từ đó giúp cho các nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp kịp thời đưa ra các quyết định thích hợp điều chỉnh hoạt động kinh doanh và tài chính.
6. Thực hiện kế hoạch hóa tài chính.
Các hoạt động tài chính của doanh nghiệp cần được dự kiến trước thông qua việc lập kế hoạch tài chính. Có kế hoạch tài chính tốt thì doanh nghiệp mới có thể đưa ra các quyết định tài chính thích hợp nhằm đạt tới các mục tiêu của doanh nghiệp. Quá trình thực hiện kế hoạch tài chính cũng là quá trình chủ động đưa ra các biện pháp hữu hiệu khi thị trường biến động.
(Lytuong.net – Nguồn: topica.edu.vn)