Trang chủ Xã hội học Bản sắc văn hóa là gì?

Bản sắc văn hóa là gì?

by Ngo Thinh
273 views

Bản sắc dân tộc là vấn đề cốt lõi của mọi nền văn hóa. Trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (ban hành ngày 16 tháng 7 năm 1998), một nghị quyết mang tính chiến lược về văn hóa Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Đảng ta đã xác định xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm  đà bản sắc dân tộc.

Bản sắc văn hóa và bản sắc văn hóa Việt Nam

Trên sách báo Xã hội học, bản sắc văn hóa được hiểu là những đặc điểm nổi bật và  ổn định, tạo ra tính đồng nhất của con người ở các cấp độ cá nhân và nhóm, cũng như ở cấp độ toàn thể xã hội. Đó là một hệ thống toàn vẹn của những biểu tượng, ngôn ngữ, chuẩn mực, giá trị có ý nghĩa và tạo thành một lối sống riêng, được các thành viên của dân tộc, của nhóm người đó tán thành, và được các dân tộc khác, nhóm người khác thừa nhận. Bản sắc văn hóa được thể hiện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống như ý thức về nguồn cội, cách tổ chức sản xuất và tổ chức xã hội, cách tư duy, cách sáng tạo khoa học và nghệ thuật, phong cách sinh sống, phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng, v.v…

Nói gọn lại, bản sắc văn hóa không chỉ là hệ giá trị riêng (tính duy nhất), mà nó còn tạo ra cho mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, mỗi nhóm người tính thống nhất, tính nhất quán của bản thân, qua đó phân biệt mình với các dân tộc khác, các cộng đồng khác.

Cố nhiên khi nói đến bản sắc văn hóa của một dân tộc, một cộng đồng, người ta không tách rời từng giá trị, mà phải đặt nó trong mối quan hệ tổng hòa với toàn thể hệ thống, để xem xét nét đặc thù của chúng. Tách rời từng giá trị thì chúng có thể trùng khớp với những điều tương ứng của các dân tộc, các cộng đồng khác. Nhưng khi được sắp xếp theo một trật tự nào đó và đặt sự vận hành của chúng trong mối quan hệ tổng hòa của toàn thể hệ thống, chúng sẽ tạo thành một hình thái riêng, không thể trộn lẫn với hệ thống các giá trị tạo thành bản sắc văn hóa của các dân tộc, các cộng đồng khác.

Bản sắc văn hóa không phải là những gì bẩm sinh, cũng không phải một món quà ngẫu nhiên do ai đó ban tặng. Bản sắc là sự kết tinh những giá trị được coi là thiêng liêng và cao đẹp của một cộng đồng người trong tiến trình lịch sử lâu dài mà có.

Do trải qua hàng trăm năm, nghìn năm sống trong những điều kiện địa lý, kinh tế, chính trị và xã hội không giống nhau, mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng đều có một cách lựa chọn để tạo nên một lối sống riêng. Lối sống đó không nảy nở từ ý thức của cá nhân riêng lẻ, mà được tạo nên như là kinh nghiệm tập thể – cái kinh nghiệm được truyền từ thế hệ trước cho những thế hệ sau và kết quả là nó không giống với lối sống của bất kỳ một dân tộc, một cộng đồng nào khác. Nhìn một cách tổng thể, bản sắc văn hóa được thể hiện tập trung trong hệ giá trị của quốc gia-dân tộc.

Ở Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ lần thứ 5 (khóa VIII) của Đảng đã xác định bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị bền vững, đó là tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được vun đắp nên qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, bao gồm: Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc; tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống (Đảng Cộng sản Việt Nam, 1998: 56). Mà giá trị, như nhà nhân học người Mỹ C. Kluckholn đã viết, đó là “quan niệm và điều mong muốn đặc trưng hiện hay ẩn cho một cá nhân hay một nhóm và ảnh hưởng tới việc chọn các phương thức, phương tiện hoặc mục tiêu của hành động (G. Endruweil và cộng sự: 2001: 156).

Từ những tiền đề vừa nêu, có thể nói, bản sắc văn hóa Việt Nam là tấm gương phản ánh diện mạo, tâm hồn người Việt Nam, đó là một thứ kim chỉ nam hướng dẫn họ trong mọi nghĩ suy và hành động. Nhìn lại lịch sử dân tộc, ta thấy hệ giá trị này luôn tạo nên sự đồng thuận xã hội và chính trị, đồng thời cũng góp phần định hướng cho sự lựa chọn mô hình phát triển với các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh của Việt Nam hiện nay.

Nhưng bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng cũng không phải là cái gì thuần túy bản địa, tự đóng khung trong một không gian định sẵn và “nhất thành bất biến” qua mọi thăng trầm của lịch sử. Nếu nhìn nhận vấn đề như vậy, sẽ rất dễ rơi vào cái gọi là chủ nghĩa văn hóa (culturalisme) – nghĩa là không thừa nhận tầm quan trọng của tiến hóa và sự thay đổi đặc trưng các phương diện của đời sống xã hội.

Thực tế đã chỉ ra rằng, trong quá trình lịch sử, bên cạnh những nguồn lực nội sinh, bản sắc văn hóa của dân tộc, của cộng đồng cũng luôn có quan hệ và chịu ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài. Đương nhiên là cái bên ngoài khi được du nhập vào văn hóa dân tộc, cộng đồng cũng phải được nội sinh hóa để hòa nhập vào cái truyền thống. Trong quá trình đó, những yếu tố lạc hậu và lỗi thời sẽ mất đi để thay thế bằng những yếu tố mới, kể cả những yếu tố vừa du nhập. Những yếu tố mới được bổ sung này, đến lượt nó, sẽ làm cho bản sắc văn hóa của dân tộc, của cộng đồng luôn có sự vận động và phát triển phù hợp với sự phát triển của thời đại. Người ta gọi đó là bản sắc văn hóa động, hay nói khác đi, bản sắc văn hóa là một phạm trù lịch sử.

Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng một trong những thước đo về sức sống cũng như sự tiến bộ về mặt văn hóa của một quốc gia, dân tộc, hay một nhóm người nào đó chính là ở năng lực của họ trong việc giao lưu, tiếp nhận và tiếp biến thành tựu của các quốc gia, dân tộc hay các nhóm người khác. Việt Nam chúng ta, với vị trí địa lý ở ngã ba đường trong việc giao lưu văn hóa thế giới, cũng là một quốc gia-dân tộc đã thể hiện được tinh thần ấy.

Xuất phát từ cơ tầng văn hóa Đông Nam Á, ngay từ đầu Công nguyên, tổ tiên chúng ta đã tiếp thu các yếu tố văn hóa Ấn Độ, nhất là Phật giáo, qua Champa hoặc qua đường biển (Nguyễn Khắc Viện, 1994: 227). Cũng như vậy, trải qua hàng ngàn năm sống và quan hệ với nước láng giềng lớn là Trung Hoa, chúng ta đã không ngừng giao lưu và tiếp biến những yếu tố hữu ích trong văn hóa Nho giáo của họ như ngôn ngữ, văn tự, cách tổ chức nhà nước, giáo dục, khoa cử, học thuật, văn học, nghệ thuật… Song song với tiến trình lịch sử đó, theo nhà văn Nguyên Ngọc, trên đường đi về Nam, người Việt đã học được rất nhiều từ văn hóa Champa, chẳng hạn, nghề làm nước mắm, việc canh tác lúa chiêm, nghề đóng ghe bầu đi biển xa và rất có thể, cả thể thơ lục bát (Nguyên Ngọc, 2006: 83 – 84). Đến thời Pháp thuộc, trong khi không ngừng nổi dậy chống ách xâm lược, chúng ta vẫn chủ động tiếp thu các giá trị văn hóa phương Tây, như việc La tinh hóa chữ Quốc ngữ, thể dục thể thao, giao thông vận tải, truyền thông báo chí, hệ thống đo lường, khoa học công nghệ, rồi Tây y, bưu điện, tiểu thuyết, hội họa, âm nhạc, điện ảnh, nhiếp ảnh… Từ nửa đầu thế kỷ XX, nhất là từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, một nền văn hóa mới mà hạt nhân cơ bản là chủ nghĩa Mác-Lênin từ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã từng bước được truyền vào nước ta. Chúng ta cũng đã tiếp thu từ nền văn hóa này khá nhiều mặt, như thể chế chính trị và hành chính, triết học và luật pháp, khoa học công nghệ và văn học nghệ thuật, v.v… để làm giàu có và tăng cường sức sống cho nền văn hóa nước nhà.

Nói tóm lại, dù phải liên tục tiếp thu những yếu tố mới từ bên ngoài đưa tới (Nguyễn Từ Chi, 1996: 566) nhưng trước sau nền văn hóa Việt Nam vẫn không bị mất gốc, con người Việt Nam vẫn không hề bị vong thân, tha hóa. Có thể nói, khả năng thay đổi để thích nghi và phát triển đã thấm sâu vào trái tim và khối óc của người Việt Nam, qua đó trở thành một thuộc tính quan trọng trong bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

(Tài liệu tham khảo: Mai Văn Hai, Bản sắc văn hóa Việt Nam trong tiến trình toàn cầu hóa hiện nay, 2013)

Bản sắc dân tộc là đặc thù dân tộc của nền văn hóa. Đó là nền văn hóa có sắc thái riêng, có đặc tính dân tộc và cốt cách dân tộc. Nó thể hiện ở giá trị dân tộc, ở truyền thống, bản lĩnh, tâm hồn, lối sống, tình cảm, cách nghĩ, cách suy tư và ở cả khát vọng, biểu tượng của một dân tộc chứa đựng những tinh hoa của quá khứ kết hợp với những cái tốt đẹp của hiện tại.

Bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam bao gồm: những giá trị bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc: lòng nhân ái, khoan dung, trọng tình nghĩa, đạo lý, đạo đức tính cần cù sáng tạo trong lao động: sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống.

(TS. Nguyễn Thế Phán, Giáo trình Xã hội học, NXB Lao động Xã Hội)

 

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]