1. Khái niệm ảnh hưởng xã hội
1.1. Định nghĩa
Ảnh hưởng xã hội là một trong những cơ chế căn bản được tâm lý học xã hội quan tâm nghiên cứu. Ảnh hưởng xã hội chỉ một cách rất rộng tới cái hành vi của một
người trở thành một chỉ dẫn định hướng cho hành vi của một người khác. Do đó, có thể nói rằng ảnh hưởng xã hội bao trùm tất cả những gì tạo ra một thay đổi về hành vi dựa vào những sức ép chi phối trong một bối cảnh nhất định.
Ảnh hưởng xã hội theo nghĩa rộng là sự tác động (của tự nhiên – xã hội) để lại kết quả trên các sự vật, hiện tượng hay con người.
Ảnh hưởng xã hội là sự tác động bằng các hình thức khác nhau trong một quá trình tương tác làm thay đổi các đặc điểm tâm lý (đó là các quan điểm, quan niệm, thái độ, biểu hiện hành vi của người bị tác động)
Tâm lý chung là bản chất của ảnh hưởng xã hội: nghiên cứu sự tác động, tương tác giữa con người với con người.
Ảnh hưởng lẫn nhau giữa người với người trong quá trình giao tiếp là nhân tố hình thành tâm lý chung của các nhóm xã hội, là đối tượng của tâm lý học xã hội.
Vậy, ảnh hưởng xã hội là một quá trình tác động của các cá nhân hay của một nhóm xã hội làm thay đổi hành vi của họ.
1.2. Các loại ảnh hưởng xã hội
Ảnh hưởng trực tiếp: khi cá nhân mặt đối mặt. Những đặc điểm về tâm lý ứng xử, phong cách ăn mặc, nói chuyện của người này có thể ảnh hưởng đến người kia và ngược lại. Ví dụ như các em học sinh có thể bị ảnh hưởng nhau về cách nói chuyện, hoặc có thể bắt chước nhau quần áo… những người bị ảnh hưởng bởi người khác (đối tượng tiếp xúc trực tiếp) thường là những người có địa vị, học vấn, uy tín, tư cách, trí lực, độ tuổi kém hơn. Cơ chế cho loại ảnh hưởng này chủ yếu là bắt chước, ám thị, đồng nhất hoá, so sánh xã hội.
Ảnh hưởng gián tiếp: gồm có:
– Ảnh hưởng gián tiếp xác định được: thông qua các chuẩn mực, phong tục, thái độ của nhóm sẽ ảnh hưởng đến tâm lý chúng ta (ở đây cần lưu ý rằng: cá nhân không trực tiếp chịu tác động của các yếu tố ảnh hưởng xã hội từ các nhóm xã hội từ các nhóm lớn mà phải thông qua nhóm nhỏ). Trong đó, người lãnh đạo (thủ lĩnh) đóng vai trò quan trọng trong việc làm ảnh hưởng tới các thành viên của nhóm.
Nhóm nhỏ là một tập hợp người nhất định, có quan hệ trực tiếp qua lại thường xuyên, liên kết với nhau trong một hoạt động chung, tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Còn nhóm lớn là tập hợp đông người liên kết với nhau trong quá trình hoạt động sống, tạo ra những giá trị, chuẩn mực và đặc điểm tâm lý chung có khả năng điều chỉnh, định hướng và điều hoà tâm lý, hành vi cá nhân.
– Ảnh hưởng gián tiếp không xác định được: bị lây lan, ám thị một cách vô thức. Loại ảnh hưởng này chủ yếu tồn tại trong đám đông. Đám đông là một tập hợp người vì lý do nào đó mà hội tụ lại tại một địa điểm nhất định, vào một thời điểm nhất định. Ví dụ: cổ động viên trên sân vận động, cuộc mít tinh, biểu tình, lễ hội lớn được tổ chức ở sân rộng… Trong đám đông, tình cảm của mọi người được lây lan, được cảm nhiễm, được tích hợp, và do đó, cường độ được tăng lên.
Trong ảnh hưởng gián tiếp không xác định được, các cá nhân cũng có thể bị ảnh hưởng một cách không chủ định (bị ảnh hưởng vô thức) bởi cơ chế ám thị. Cơ chế này thường gắn với các hình thức thông tin đại chúng như quảng cáo, đài, báo, ti vi,…
1.3. Các đặc điểm của ảnh hưởng xã hội
Là một hiện tượng bao quát tất cả các khía cạnh khác nhau của đời sống con người. Trong tất cả lĩnh vực khác nhau của đời sống mỗi người, chúng ta đều nhận thấy “bóng dáng” của ảnh hưởng xã hội. Mỗi cá nhân được sinh ra trong xã hội, trở thành người cũng phải nhờ học hỏi, tiếp thu…từ xã hội. Ngay trong quá trình ấy, và ngay từ khi còn là một đứa trẻ mới lọt lòng, mỗi người đều chịu ảnh hưởng xã hội. Trẻ hình thành cho mình những hoạt động sống đơn giản nhất, đến quá trình phát triển nhân cách, ý thức… đầu tiên thông qua cơ chế bắt chước. Ở những độ tuổi lớn hơn, mỗi người đều chịu ảnh hưởng xã hội nhiều hay ít, ở lĩnh vực này hay lĩnh vực kia như công việc, quan niệm, nhân cách, ngoại hình.
Con người thường không ý thức hết được tác động và sự chịu tác động của các ảnh hưởng cũng như các cá nhân chủ động hay vô tình gây ảnh hưởng ở người khác. Trong cơ chế ám thị, cá nhân thường không dành sự quan tâm đến các thông tin mà người khác muốn ám thị với mình, nhưng sau đó, những thông tin ấy lại đóng vai trò quan trọng trong quan niệm, thái độ, hoạt động của cá nhân. Còn trong cơ chế bắt chước, người được bắt chước có khi không biết rằng mình đã gây ảnh hưởng nhất định đến người khác.
Phụ nữ có xu hướng bị ảnh hưởng xã hội nhiều hơn (dễ bị phục tùng hơn). Những người tự ti, ít chịu trách nhiệm bản thân, hệ thần kinh yếu bị ảnh hưởng nhiều.
Ảnh hưởng xã hội còn phụ thuộc nền văn hoá, lối sống, mức chịu đựng Ảnh hưởng xã hội có 2 xu hướng:
+ Hiệu ứng thuận lợi xã hội:
Ví dụ: đua xe đạp, nếu hai người đi cùng nhau, hoặc một người đi mà có người khác đuổi theo thì thuận lợi hơn là một người đi xe đạp một mình. Như vậy, sự có mặt của người này làm tăng tính tích cực của người khác. Điều này cũng được áp dụng trong một số ngành sản xuất.
Hiệu ứng thuận lợi xã hội chỉ xảy ra khi cá nhân làm những công việc đơn giản, quen thuộc hoặc với người mình yêu thích. Nếu công việc không quen thuộc, thuận lợi, cá nhân làm việc không được tốt.
+ Hiệu ứng lười biếng xã hội:
Khi có một số lượng lớn hơn mức cần thiết để làm công việc chung, sự cố gắng bị giảm đi. Có nhiều người cùng thực hiện một công việc, trách nhiệm của cá nhân giảm đi.
Ở đây chúng ta có thể giải thích bằng hiện tượng khuếch tán xã hội: bất kỳ một áp lực nào của nhóm cũng được chia nhỏ cho các thành viên trong nhóm. Vì vậy, khi số thành viên trong nhóm tăng lên, cá nhân thấy nhiệm vụ của mình không cần thiết.
Hiệu ứng lười biếng xã hội chỉ xảy ra đối với những cá nhân cho rằng công việc chung không đáng quan tâm, hoặc không có ai kiểm soát, đánh giá. Như vậy, tính khuyết danh, tính mất mình làm cho hiệu quả kém đi.
Hiệu ứng lười biếng xã hội thể hiện ý thức trách nhiệm của các cá nhân với hành vi tổ chức của họ.
1.4. Ba yếu tố ảnh hưởng đến ảnh hưởng xã hội
Thứ nhất, đó là cường độ quan trọng (hay cường độ tương tác) của nhóm đối với cá nhân. Cường độ tương tác càng mạnh thì ảnh hưởng xã hội càng nhanh, càng rõ rệt. Ngược lại, nếu độ hấp dẫn của nhóm kém đi đối với cá nhân, tần số và cường độ tương tác thấp đi, ảnh hưởng xã hội đến cá nhân cũng giảm theo.
Thứ hai, đó là mức độ gần gũi về không gian, thời gian. Nếu khoảng cách càng nhỏ, thời gian càng dài, thì mức độ ảnh hưởng đến cá nhân sẽ lớn hơn. Cơ chế lây lan sở dĩ có thể phát huy mạnh trong đám đông bởi khoảng cách rất ngắn giữa các cá nhân.
Thứ ba, đó là số lượng các thành viên trong nhóm (nhóm ít người gây ảnh hưởng xã hội lớn hơn nhóm nhiều người) (theo nghiên cứu nhóm ít người thường là nhỏ hơn 5 người)
2. Các cơ chế tâm lý của ảnh hưởng xã hội
Các công trình nghiên cứu đã khẳng định: không có một cá nhân nào tồn tại bên ngoài các nhóm xã hội. Trong quá trình giao tiếp, tâm lý của các cá nhân tác động qua lại với nhau, chi phối, ảnh hưởng lẫn nhau. Hành vi của một người trở thành một chỉ dẫn, định hướng cho hành vi của một người khác. Suy cho cùng đời sống tâm lý của mỗi cá nhân đều ảnh hưởng đến tâm lý nhóm (xã hội) và ngược lại, tâm lý của nhóm lại chi phối tâm lý của từng cá nhân. Tất cả các quá trình đó đều xen kẽ, đan quyện với nhau gọi là ảnh hưởng xã hội hay ảnh hưởng giữa các cá nhân trong quá trình giao tiếp.
Các quá trình ảnh hưởng xã hội được thực hiện và thông qua các cơ chế tâm lý: bắt chước, lây lan, ám thị, thỏa hiệp, đồng nhất hóa. Đây được gọi là những cơ chế tâm lý đặc trưng nhất của ảnh hưởng xã hội.
2.1. Bắt chước
Khái niệm: bắt chước là sự mô phỏng, tái tạo, lặp lại các hành động, hành vi, tâm trạng, cách thức suy nghĩ, ứng xử của một người hay một nhóm người nào đó.
Có thể thấy biểu hiện của bắt chước ở mọi giai đoạn phát triển khác nhau của cá nhân, đặc biệt ở trẻ em bắt chước giữ một vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách.
Nghiên cứu của Tarde G.
Người đầu tiên nghiên cứu về bắt chước một cách có hệ thống là Tarde G. được đưa ra trong tác phẩm: “Những quy luật của bắt chước” (1890). Những nét chính trong luận điểm của ông là:
- Bắt chước là nguyên tắc nền tảng để xã hội tồn tại và phát triển. Chính nhờ hoạt động bắt chước mà hình thành chuẩn mực và giá trị của nhóm. Bắt chước là trường hợp cá biệt của “quy luật lặp lại thế giới” tổng quát nhất. Nếu trong thế giới động vật quy luật này được thực hiện thông qua di truyền thì trong xã hội loài người quy luật này thực hiện qua hoạt động, hoạt động bắt chước. Bắt chước là nguồn gốc của tiến bộ bởi vì nhờ có cơ chế bắt chước mà các phát minh sáng chế của xã hội loài người duy trì phát triển và khai thác lại.
- Bắt chước có tính chất vô ý thức, nó là sự sao chép một cách máy móc các phản ứng bề ngoài của những người khác. Nói cách khác, bắt chước là “phim ảnh” của một bộ não này “chụp lại ảnh” của một não khác.
Cũng trong tác phẩm này, ông đã phân ra 4 loại bắt chước:
- Bắt chước logic (trí tuệ – ý thức) và phi logíc (cảm tính, phi lý)
- Bắt chước hình thức và bắt chước bản chất.
- Bắt chước nhất thời (mốt, tâm trạng xã hội) và bắt chước lâu dài (tập quán, phong tục, tín ngưỡng)
- Bắt chước lẫn nhau trong phạm vi một giai cấp, một thế hệ và sự mô phỏng, lặp lại giữa các giai cấp, giữa các thế hệ.
Nghiên cứu về bắt chước trong tâm lý học lứa tuổi
Bắt chước với tư cách là một phương thức tiếp thu các kinh nghiệm xã hội được nghiên cứu nhiều trong tâm lý học lứa tuổi, đặc biệt là trong quá trình phát triển trẻ em. Các nghiên cứu thống nhất rằng, bắt chước là phương thức đặc trưng nhất để trẻ em nhận thức được thực tế và tính hay bắt chước là thuộc tính cơ bản của một nhân cách đang phát triển ở trẻ. Chính nhờ hoạt động bắt chước mà đứa trẻ đã làm chủ được về mặt thực tiễn cái ngôn ngữ tích cực, những hành động sơ đẳng sử dụng đồ vật, những phương thức quan hệ và cung cách xử sự.
Mặc dù cùng là hoạt động bắt chước, nhưng đối với trẻ em ở những giai đoạn phát triển khác nhau bắt chước thể hiện qua những hình thức khác nhau để nắm bắt hiện thực: từ sao chép mù quáng các hình mẫu ứng xử của người lớn đến chỗ bắt chước có ý thức, có chọn lọc và có động cơ thúc đẩy. Nói cách khác, bắt chước có những biến đổi về chất và những vai trò khác nhau trong quá trình phát triển của đứa trẻ ở những hoàn cảnh sống nhất định. Ở giai đoạn này thì bắt chước có vai trò chủ đạo trong việc phản ánh hiện thức xã hội, nhưng ở giai đoạn khác thì bắt chước chỉ có vai trò thứ yếu không đáng kể.
Những công trình nghiên cứu của các tác giả tâm lý học Xô Viết (cũ) như Becterev V.M, Osy M. V, Kovaliov A.G đã chỉ ra rằng, để thực hiện được bắt chước, đứa trẻ nhất thiết phải đạt được một trình độ phát triển tâm sinh lý nhất định, thông thường là khi đứa trẻ bước vào năm thứ hai của cuộc đời.
Các nhà tâm lý học đã mô tả hoạt động bắt chước trong quá trình phát triển của trẻ em như sau:
– Từ năm thứ hai cho đến lúc 3 tuổi giai đoạn đầu của sự bắt chước tích cực hay còn gọi là giai đoạn sao chép một cách không có chủ định những hành động bên ngoài và những phản ứng ngôn ngữ của mọi người xung quanh. Đây là giai đoạn mà đứa trẻ bắt chước ngay tại chỗ, trực tiếp những hoạt động của người lớn mà chúng nhìn thấy, chứ không dựa theo trí nhớ ở lứa tuổi lớn hơn.
– Đến tuổi mẫu giáo (từ 3 cho đến thời kỳ mẫu giáo lớn), hoạt động bắt chước của trẻ có những biến đổi về nội dung cũng như về hình thức. Hoạt động bắt chước của trẻ ngày càng phức tạp và ngày càng có tính chất trò chơi hơn, đặc biệt là trò chơi đóng vai có nội
Trước tiên đứa trẻ làm theo những biểu hiện và đặc điểm hoạt động bên ngoài của người lớn, tái tạo lại trong trò chơi và dần dần bắt chước những biểu hiện của hành vi phản ánh chân thực ý nghĩa của hoàn cảnh. ở tuổi mẫu giáo lớn đã có thêm sự cải biên do trẻ tiếp thu được những kinh nghiệm trước đó, Becterev gọi là bắt chước gián tiếp.
– Đến thời kỳ lứa tuổi thiếu niên: các nhà nghiên cứu cho rằng sự bắt chước của trẻ em càng trở nên có ý thức hơn, có chọn lọc hơn và có động cơ thúc đẩy rõ ràng hơn cho dù các yếu tố sao chép một cách không có ý thức vẫn còn tồn tại.
Điều quan trọng nhất trong thời kỳ này là có sự chuyển tiếp từ việc bắt chước những biều hiện bên ngoài của người lớn và bạn bè sang bắt chước những phẩm chất bên trong, những đặc điểm tính cách mà trẻ em nhận thức được một cách gián tiếp. Nói cách khác, bắt chước hướng tới sự đồng hóa bề ngoài và đôi khi cả đồng hóa trong bản thân đứa trẻ với một số hình mẫu cụ thể có ý nghĩa đối với chúng. Ví dụ: hình mẫu có thể là thầy cô giáo, bạn bè,.. mà các em yêu quý.
– Ở lứa tuổi trưởng thành, hoạt động bắt chước là yếu tố nắm bắt kỹ năng, kỹ xảo trong một số dạng hoạt động nghề nghiệp. Ví dụ: trong thể thao, nghệ thuật,…
Như vậy, cùng với sự phát triển của cá nhân, hoạt động bắt chước cũng phát triển và biến đổi theo.
Cơ chế bắt chước trong các nhóm xã hội
Mỗi cá nhân ảnh hưởng đến các thành viên khác của nhóm trước hết bằng sự hiện diện của chính bản thân mình và cũng chịu sự chi phối, ảnh hưởng của các thành viên khác trong nhóm. Tương tự, sự vận hành của cơ chế bắt chước trong các nhóm xã hội diễn ra như sau: các thành viên trong nhóm bắt chước lẫn nhau và bắt chước thủ lĩnh của mình. Nói cách khác, người ta có thể bắt chước một tập thể, một cá nhân, bắt chước quần chúng và ngược lại…
Dollard J. và Miller N.E cho rằng, có 4 nhóm người chính khiến cho người ta thích bắt chước:
- Những người lớn tuổi
- Những người có địa vị xã hội hơn hẳn
- Những người có trình độ trí tuệ hơn hẳn
- Những người thành thạo hơn hẳn trong một lĩnh vực thực tiễn nào đó.
Nhìn chung, hiểu biết về cơ chế bắt chước có thể giúp ta dễ dàng giải thích nhiều hiện tượng diễn ra trong xã hội cũng như trong sử dụng cơ chế này trong giáo dục nhà trường, giáo dục xã hội cũng như vào mục đích sản xuất kinh doanh.
2.2. Lây lan
Khái niệm
Lây lan là quá trình chuyển tỏa trạng thái cảm xúc từ cá thể này sang cá thể khác ở cấp độ tâm sinh lý, xảy ra một cách nhanh chóng, mạnh mẽ, nằm ngoài những tác động qua lại ở cấp ý thức – tư tưởng. Nói cách khác, lây lan là thuộc tính vô ý thức, ngẫu nhiên của cá thể biểu hiện qua việc chuyển tỏa trạng thái cảm xúc nhất định.
Một số nghiên cứu về lây lan
Người đầu tiên đưa ra khái niệm lây lan là Lơbon G. Trong tác phẩm “tâm lý học đám đông” (1995), ông cho rằng: Ở bên trong các hệ thống xã hội có tồn tại sự lưu thông tình cảm giữa các cá nhân. Vì vậy, những xúc cảm và ý kiến giao tiếp với nhau được nhân lên và củng cố. Điều đó cho phép giải thích các hiện tượng xã hội xảy ra không chỉ bằng cưỡng bức, mà cả bằng khả năng thu hút của một số giá trị hay ý kiến làm cho các cá nhân làm theo. Như vậy, lây lan tâm lý quy định xu hướng bắt chước một mô hình ứng xử có tác dụng chi phối được lây truyền từ người này sang người khác (Tâm lý học quần chúng – Lơbon. G- sách đã dịch, Hà nội 1958).
Theo Mikhailovxki N.K, lực lây lan được truyền đi theo nguyên tắc cộng hưởng, tỷ lệ thuận với số lượng của đám đông và cường độ cảm xúc được truyền đạt.
Theo Mc Dougall .W lý giải quá trình lây lan bằng thuyết “quy nạp thiện cảm”. Theo ông, những biểu hiện của cảm xúc qua điệu bộ, cử chỉ và nét mặt của một số cá nhân sẽ tạo ra sự phản ứng tương tự ở bên cạnh. Đây là bản năng sinh học bầy đàn, vốn rất phổ biến ở động vật.
Ollport Ph, lại đề xuất tư tưởng “phản ứng vòng tròn”: cá nhân kích thích người khác bằng hành vi của mình, do nhìn thấy hoặc nghe thấy phản ứng của người kia mà tăng thêm độ hứng khởi. Bằng cách đó cảm hứng của đám đông phát triển, lan tỏa không ngừng.
Parigin B.D cho rằng, lây lan là quá trình chuyển tỏa tâm trạng nhất định, xuất hiện trong đám đông, thực hiện qua cơ chế thúc đẩy ảnh hưởng cảm xúc lẫn nhau nhiều lần giữa những người tham gia giao tiếp. ở đây cá nhân không phải chịu áp lực chủ ý, có tổ chức, nhưng đơn giản là họ hành động theo hình mẫu ứng xử của ai đó, bị lệ thuộc vào ai đó một cách vô thức.
2.3. Ám thị
Khái niệm
Là tác động tâm lý có mục tiêu nhưng vô căn cứ từ một người đến người khác hoặc nhóm. Nói cách khác, ám thị là sự thay đổi ứng xử của cá nhân do phục tùng vô căn cứ, máy móc, mệnh lệnh đến từ một uy quyền hay một sự ngưỡng mộ nào đó.
Những yếu tố quy định hiệu quả của ám thị
- Thuộc tính của người ám thị (vị thế xã hội, sức lôi cuốn, ưu thế và ý chí, trí tuệ, tính logic)
- Những đặc điểm của người chịu ám thị (mức độ của tính dễ bị ám thị)
- Các mối quan hệ được thiết lập giữa người ám thị và người chịu ám thị (tin cậy, uy tín, phụ thuộc)
- Phương thức tổ chức thông báo (mức độ có căn cứ, tính chất kết hợp các thành tố logic và cảm xúc, củng cố thêm bằng những tác động khác).
Ám thị đặc biệt có hiệu quả khi nó gặp phải miếng đất thuận lợi. Chẳng hạn khi người ta đang rất mong mỏi thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng nào đó, họ thường trở nên cả tin hơn và dễ dàng chấp nhận bất cứ đề nghị nào mà không cần suy nghĩ gì hết.
2.4. Thỏa hiệp
Khái niệm
Thỏa hiệp là cơ chế rất đặc trưng cho cá nhân ở trong nhóm. Đó là sự nhân nhượng của cá nhân trước áp lực thực tế hoặc áp lực tưởng tượng của nhóm thể hiện qua việc cá nhân thay đổi ứng xử và tâm thế của mình phù hợp với đa số.
Thỏa hiệp xuất hiện trong sự giải quyết những biểu hiện xung đột giữa ý kiến cá nhân và ý kiến nhóm. Khắc phục sự xung đột này dẫn đến có lợi cho nhóm. Mức độ thỏa hiệp là mức độ thu phục của nhóm. Từ lâu trong tâm lý học xã hội phân chia ra hai loại thỏa hiệp: thỏa hiệp bề ngoài hay thỏa hiệp hình thức và thỏa hiệp bên trong hay thỏa hiệp thực tâm.
Thỏa hiệp bề ngoài là sự quy thuộc của cá nhân để tỏ thái độ đối với ý kiến áp đặt của nhóm, cá nhân chỉ tiếp nhận ý kiến của nhóm mang tính chất hình thức, còn trên thực tế anh ta tiếp tục chống lại ý kiến của nhóm.
Thỏa hiệp bên trong là sự biến đổi thực sự tâm thế cá nhân do tiếp nhận thật lòng quan điểm của nhóm. Quan điểm của nhóm được cá nhân coi trọng và đánh giá hợp lý, xác đáng và khách quan hơn là quan điểm riêng của cá nhân.
Tuy rằng khác nhau về bản chất nhưng cả hai hình thức thỏa hiệp này giống nhau ở chỗ là phương thức đặc thù để giải quyết xung đột có ý thức giữa ý kiến cá nhân và ý kiến nhóm, nghiêng về phía có lợi cho nhóm. Hành vi thỏa hiệp này được giải thích như là sự phụ thuộc của cá nhân vào nhóm, buộc cá nhân phải tìm kiếm sự thỏa thuận thực sự hay giả tạo với nhóm, điều chỉnh hành vi của mình theo cách thể hiện bề ngoài bằng những quy chuẩn xa lạ và không quen thuộc đối với bản thân nhưng lại đáp ứng được yêu cầu của nhóm.
Theo Fischer, trong tính thỏa hiệp nổi lên ba yếu tố khác nhau: 1/sự tồn tại của những căng thẳng giữa lập trường trước đây của cá nhân và sự thúc ép với mức độ khác nhau từ phía nhóm mà cá nhân phải chịu, 2/ sự tán thành của cá nhân đối với điều anh ta đề nghị, 3/ là kết quả của sự thay đổi ứng xử, bao hàm một mặt, là phủ định một số khía cạnh ứng xử trước đây và mặt khác là khẳng định bản thân mình bằng việc có những ứng xử mới.
Các nghiên cứu của Asch S. kết luận rằng: tính thỏa hiệp là do hoàn cảnh cô lập của đối tượng mà ra. Nếu phá bỏ được sự cô lập ấy có thể làm giảm bớt tỷ lệ của tính
thỏa hiệp. Qua các thí nghiệm của Asch S. thấy nổi lên hai loại hành vi của cá nhân trong nhóm: hành vi thỏa hiệp và hành vi không thỏa hiệp.
Nghiên cứu của Petrovxki A.V, theo ông trong nhóm thực tế tồn tại ba loại hành vi của cá nhân chứ không phải hai loại hành vi theo sơ đồ của Asch S. Theo ông, sơ đồ về hành vi của cá nhân trong nhóm bao gồm:
- Tính ám thị bên trong nhóm, nghĩa là chấp nhận ý kiến của nhóm mà không có phản ứng
- Tính thỏa hiệp – hợp đồng bề ngoài một cách có ý thức với sự bất đồng bên
- Chủ nghĩa tập thể hay quyền tự quyết tập thể – sự đồng nhất hành vi tương đối nhờ tình đoàn kết có ý thức của cá nhân cùng với những đánh giá và nhiệm vụ của tập thể.
Những yếu tố quyết định tính thỏa hiệp
Nhiều các công trình nghiên cứu lý luận và thực nghiệm chỉ ra rằng, mức độ thỏa hiệp phụ thuộc vào hàng loạt nguyên nhân, trong đó có:
- Những đặc trưng của cá nhân phải chịu áp lực của nhóm như: giới tính, lứa tuổi, dân tộc, trí tuệ, v…
- Những đặc trưng của nhóm là nguồn gốc của áp lực như: quy mô, mức độ nhất trí của đa số, nghĩa là sự hiện diện số lượng thành viên của nhóm đi trệch với ý kiến
- Những tính chất đặc thù của mối liên hệ lẫn nhau giữa cá nhân và nhóm: vị trí của cá nhân trong nhóm, sự trung thành của cá nhân với nhóm, mức độ phụ thuộc lẫn nhau giữa các cá nhân trong nhóm, …
- Hoàn cảnh đặc thù: nội dung, nhiệm vụ, mức độ quan tâm của con người đối với nhiệm vụ đó, sự am hiểu của người đó, …
Các nhân tố ảnh hưởng đến tính thỏa hiệp có mối liên hệ mật thiết với nhau, nhưng mức độ quan trọng của mỗi nhân tố lại phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Do đó, hiểu biết sâu về cơ chế thỏa hiệp giúp chúng ta tạo điều kiện cho các thành viên của nhóm phát triển nhân cách cũng như dễ dàng tạo ra sự nhất trí, thống nhất trong nhóm và trong toàn xã hội.
2.5. Đồng nhất hoá
Khái niệm
Theo các nhà nghiên cứu về tâm lý học xã hội, có thể phân chia đồng nhất hóa thành hai quá trình:
- Đồng nhất hóa với ý nghĩa là sự nhận biết, nhận dạng cái gì đó, ai đó, chủ yếu được sử dụng trong tâm lý học kỹ sư, tâm lý học tư pháp. Trong phân ngành này đồng nhất hóa được hiểu là một quá trình so sánh, đối chiếu một đối tượng này với các đối tượng khác theo một đặc điểm hay tính chất nhất định, từ đó khái quát, xác lập sự tương đồng giữa chúng. Trong trường hợp đối tượng là con người, đồng nhất hóa thể hiện như một quá trình nhận biết các phẩm chất của người đó. Dựa vào các phẩm chất này, cá nhân có thể bị liệt vào tầng lớp, kiểu loại nhất định nào đó hoặc có thể được nhận dạng đầy đủ và tương đồng với nó.
- Đồng nhất hóa với ý nghĩa bắt chước, phỏng theo như nhau đối với ai đó, với cái gì đó. Đây là quá trình nhận thức cảm xúc của một chủ thể khi đồng nhất hóa mình với chủ thể khác, nhóm hay hình mẫu khác một cách vô thức.
Nghiên cứu của S. Freud
Theo ông, đồng nhất hóa có thể được hiểu như sau:
- Sự đồng nhất hóa là hình thức cổ sơ nhất của sự ràng buộc với đối tượng
- Vì sự biến đổi thoái hoá, sự đồng nhất hóa chiếm chỗ của sự ràng buộc libido với đối tượng, sở dĩ như vậy là vì đối tượng được đưa vào trong cái tôi.
- Sự đồng nhất hóa xuất hiện khi nào một người nhận thấy mình có một nét chung với một người khác, tuy rằng người khác ấy không phải là đối tượng của Libido. Những nét chung càng nhiều và càng quan trọng thì sự đồng nhất hóa càng
Nghiên cứu đồng nhất hóa trong tâm lý học xã hội
Tâm lý học xã hội nghiên cứu đồng nhất hóa như là một cơ chế xã hội hóa quan trọng nhất. Tiêu biểu cho cách tiếp cận nghiên cứu này là các công trình nghiên cứu của Bandung A, Mead I, Parson T, Kuli Ch,… Trong nghiên cứu của các tác giả này, cơ chế đồng nhất hóa thể hiện trong việc cá nhân tiếp nhận vai trò xã hội khi gia nhập nhóm, cá nhân ý thức về việc có chân trong nhóm, về việc hình thành các tâm thế xã hội,.
Theo Fischer, đồng nhất hóa là một quá trình trước hết giống với cơ chế quy gán, đó là toàn bộ những phạm trù hóa cho phép nhận ra những người khác theo dấu hiệu đặc thù và do đó mà đặt họ vào một hiện thực nhất định một cách rõ ràng. Hiện thực này là hệ thống văn hóa của một nhóm hay một xã hội có vai trò quan trọng trong việc
hình thành ở cá nhân sự đánh giá về người khác bao gồm một tập hợp những yếu tố, phẩm chất mà cá nhân (hay nhóm) dùng làm mô hình để đồng hóa. Theo cách nói của Fischer, sự đồng nhất hóa là một quá trình tương tác giữa một lý tưởng về cái tôi, có thể định nghĩa như cái mà cá nhân muốn trở thành hơn cả, và một cái siêu tôi bao hàm một sự quan hệ với những chuẩn mực của môi trường xã hội. Quá trình này diễn ra trong suốt cuộc đời của mỗi cá nhân. Như vậy, theo quan điểm của tâm lý học xã hội, sự đồng nhất hóa quy định toàn bộ các quá trình trong mối quan hệ với môi trường xã hội.
Nghiên cứu của tâm lý học hiện đại
- Đồng nhất hóa là quá trình chủ thể thống nhất bản thân mình với cá nhân khác hoặc nhóm khác dựa trên mối dây liên hệ cảm xúc và đồng thời chuyển những chuẩn mực, giá trị hình mẫu của họ vào thế giới nội tâm của mình. Điều này có thể nhận thấy trong sự bắt chước công khai hình mẫu, đặc biệt là ở trẻ em trước tuổi đến trường.
- Đồng nhất hóa là sự nhìn nhận, hình dung của chủ thể về người khác như sự kéo dài của chính bản thân mình, gán cho người đó những đặc tính, tình cảm và mong muốn của mình. Ví dụ, cha mẹ mong đợi ở đứa con thực hiện những ý tưởng, kỳ vọng của mình.
- Đồng nhất hóa là cơ chế tự đặt mình vào vị trí của người khác, dịch chuyển bản thân mình vào phạm vi, không gian và hoàn cảnh của người khác dẫn đến việc đồng hóa ý nghĩa cá nhân của người đó. Kiểu đồng nhất hóa này cho phép mô hình hóa phạm vi có ý nghĩa của đối tượng giao tiếp, đảm bảo quá trình hiểu biết lẫn nhau,…
2.6. A dua
Khái niệm
Biểu hiện đặc biệt của áp lực nhóm tới cá nhân trong tâm lý học xã hội gọi là tính a dua. Chính bản thân từ a dua đã biểu hiện nghĩa thích ứng. Khi nói đến tính a dua là nhằm chỉ đặc điểm tâm lý thuần tuý về vị trí của cá nhân với vị trí của nhóm, cá nhân chấp nhận hay phản đối các chuẩn mực, ý kiến nhất định của nhóm, về mức độ phục tùng của cá nhân do áp lực của nhóm. Đối lập với a dua là sự tự lập, độc lập và vững vàng của cá nhân so với áp lực nhóm.
Nguyên nhân của tính a dua
Tính a dua được nhận thấy khi biểu hiện xung đột giữa ý kiến cá nhân và ý kiến nhóm, khắc phục sự xung đột này dẫn đến có lợi cho nhóm. Mức độ a dua là mức độ thu phục của nhóm.
Phân loại a dua
Từ lâu trong tâm lý học xã hội đã chia ra hai loại a dua: a dua bên trong và a dua bên ngoài.
- A dua bên ngoài là a dua khi cá nhân tiếp nhận ý kiến của nhóm mang tính hình thức, còn trên thực tế anh ta chống lại ý kiến của nhóm
- A dua bên trong là a dua khi cá nhân hoàn toàn bị ý kiến của đa số thu phục. Loại a dua này là kết quả khắc phục sự xung đột của cá nhân với nhóm và kết thúc bằng sự có lợi cho nhóm.
Khi nghiên cứu tính a dua, ta còn nhận thấy một vị trí nữa của cá nhân trong nhóm đó là vị trí độc lập, khi nhóm dùng áp lực của mình tới “cá nhân” anh ta hoàn toàn chống lại áp lực đó và giữ vị trí độc lập của mình.
Thí nghiệm của Asch
Thí nghiệm điển hình nghiên cứu tính a dua là thí nghiệm của Asch tiến hành năm 1952. Mục đích của thí nghiệm là xác định áp lực nhóm đối với cá nhân.
Nhóm viên từ 7 – 9 người xác định độ dài của đoạn thẳng đưa ra. Mỗi người nhận được hai phiếu, một ở tay phải, một ở tay trái. Phiếu ở tay trái kẻ một đoạn thẳng, phiếu ở bên tay phải kẻ 3 đoạn thẳng, một trong 3 đoạn có độ dài bằng phiếu ở tay trái. Hai đoạn còn lại: một cái dài hơn, một ngắn hơn. Người tiến hành thí nghiệm đề nghị nghiệm thể xác định đoạn thẳng nào ở bên tay phải có độ dài bằng đoạn thẳng ở bên tay trái. Bài tập này được thực hiện một cách riêng rẽ và tất cả đều giải đúng.
Thí nghiệm được tiến hành tiếp giai đoạn 2: ở giai đoạn này các tác giả sử dụng “phương pháp nhóm giả tạo”. Người tiến hành thí nghiệm đã thỏa thuận trước với tất cả các nghiệm thể, trừ một người. Nội dung của thỏa thuận là các nghiệm thể sẽ đưa ra câu trả lời không đúng với thực tế: đoạn thẳng bên tay trái ngắn hơn hoặc dài hơn đoạn thẳng bên phải (trong thực tế thì bằng nhau). Một người không được thỏa thuận trước là “chủ thể ngây thơ”. ở giai đoạn 1 cá nhân này giải đúng, sang giai đoạn hai thì kết quả như sau: trong số 123 chủ thể ngây thơ thì 37% (khoảng hơn 1/3) đưa ra câu trả lời sai, họ đã trả lời là ý kiến của nhóm đã áp đảo rất mạnh.
Sau thí nghiệm của mình, Asch đã chia ra hai loại hành vi của cá nhân: hành vi a dua (tiếp nhận ý kiến của tập thể mà không có phản ứng) và hành vi không a dua (không tiếp nhận ý kiến của tập thể).
2.7. Kết luận chung:
Có thể nói, các cơ chế tâm lý trên là tiêu biểu cho quá trình ảnh hưởng qua lại giữa cá nhân và xã hội. Các cơ chế tâm lý xã hội này được coi là phương thức phản ánh thực tế nhờ đó mà cá nhân thích nghi được với môi trường xã hội, học cách chung sống, hợp tác với mọi người xung quanh. Nói cách khác, các cơ chế tâm lý xã hội giữ một vai trò, vị trí vô cùng quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân, bổ sung và làm phong phú thêm vốn tâm lý xã hội này cho phép chúng ta ứng dụng chúng vào nhiều lĩnh vực đa dạng của thực tiễn đời sống xã hội.