Trang chủ Báo chí truyền thông Phỏng vấn là gì? Các dạng phỏng vấn

Phỏng vấn là gì? Các dạng phỏng vấn

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,K views

Khái niệm phỏng vấn

Theo cách giải thích thông thường thì “phỏng” là thăm, “vấn” là hỏi. Phỏng vấn trong hoạt động báo chí, trước hết là cách thức để khai thác tư liệu của phóng viên, là một thể loại báo chí thuộc thể loại thông tấn – trong đó, “người hỏi không hỏi cho mình, hỏi cho biết mà hỏi cho người thứ 3”. Nhà báo Đức Arfnold Hoffman, trong cuốn “Cách viết một bài báo” cho rằng: “Phỏng vấn là  một cuộc nói chuyện với nhân vật hay một người nào đó có thể không  có tiếng tăm nhưng lúc đó có làm một việc gì đó quan trọng đối với xã hội hoặc điều gì đó cần nói về những vấn đề có tầm quan trọng trong xã hội”. Ông nhấn mạnh vai trò nhân vật đối với vấn đề, nội dung hay sự kiện sẽ được nêu ra trong quá trình phỏng vấn. Từ đó, ông cho rằng, cuộc phỏng vấn được hình thành trên cơ sở là một cuộc trò chuyện.

Từ điển Tiếng Việt xuất bản năm 1992 định nghĩa: “Phỏng vấn là hỏi ý kiến để công bố trước dư luận”. Định nghĩa này đưa ra vấn đề khai thác thông tin qua hình thức hỏi để đưa tới công chúng các vấn đề mà độc giả quan tâm.

“Phỏng vấn và phỏng vấn trong nghề báo”, trong cuốn “Nghề nghiệp và công việc của nhà báo” do Hội nhà báo Việt Nam xuất bản đã đưa ra một định nghĩa về phỏng vấn như sau: “Phỏng vấn là một hình thức đối thoại trong đó nhà báo nêu ra các câu hỏi và người được phỏng vấn trả lời. Mục đích của bài phỏng vấn là đem lại cho bạn đọc những thông tin lý lẽ về một vấn đề thời sự, chính trị, kinh tế, xã hội… Thể loại phỏng vấn đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, muốn có sự giải thích một sự kiện hoặc muốn được biết ý kiến không phải của nhà báo mà là của một nhân vật, do địa vị nghề nghiệp chuyên môn của mình, họ có một sự hiểu biết sâu sắc hơn về các sự kiện…”. Ở đây, khái niệm phỏng vấn dựa trên cơ sở hình thức phỏng vấn và nhấn mạnh ở khía cạnh thể loại. Người viết cho rằng phỏng vấn là hình thức “hỏi – đáp” và thông tin từ thể loại này hoàn toàn mang tính khách quan, nó xuất phát từ chính kiến, quan điểm, lý lẽ của đối tượng được phỏng vấn, do tính chất nghề nghiệp quy định chứ không phải là từ cảm quan của nhà báo.

Còn theo “Phỏng vấn trong báo viết” do Đào Thanh Huyền dịch với sự hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và trường Đại học báo chí Lille (EST) thì: “Phỏng vấn là thể loại báo chí phổ cập và mọi cuộc phỏng vấn đều là một cuộc gặp gỡ, tức có sự trao đổi, thăm hỏi với mục đích tìm hiểu thông tin mới”.

Như vậy, phỏng vấn là một cuộc trao đổi thông tin giữa phóng viên và nguồn tin, là “phương pháp hỏi để tìm kiến thức” nhằm mục đích phục vụ cho nhu cầu của công chúng. Trong phỏng vấn, người phóng viên tham gia như một thành phần của những thông tin thu thập được. Hơn thế, phương pháp phỏng vấn còn giúp cho nhà báo khai thác, thu thập những thông tin về sự kiện với hiệu quả chân thực cao nhất.

Từ những phân tích trên, có thể đưa ra định nghĩa về phỏng vấn như sau: Phỏng vấn là một thể loại báo chí, trong đó nhà báo là người chủ động đặt câu hỏi và hỏi chuyện trực tiếp một hoặc một vài nhóm người nhằm khai thác thông tin phục vụ cho yêu cầu và mục đích tuyên truyền của các phương tiện truyền thông đại chúng.

Các dạng phỏng vấn

Tùy theo mục đích, tính chất, đối tượng, phương thức… của cuộc phỏng vấn mà người ta có thể chia ra thành nhiều dạng phỏng vấn khác nhau như: phỏng vấn trao đổi, phỏng vấn chân dung, phỏng vấn thời sự, phỏng vấn nhân chứng, phỏng vấn đối thoại,…

a. Phỏng vấn trao đổi

Ở dạng này, giống như phỏng vấn chuyên gia về một lĩnh vực nào đó, cần được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Loại phỏng vấn này có thể chia thành  các kiểu trao đổi để hiểu biết sâu, rõ hơn một nhân vật, nhằm khám phá những nét ẩn giấu, giải thích hoặc cụ thể hoá những nét tính cách của nhân vật.

Mục đích của trao đổi với những người hiểu biết về lĩnh vực hoạt động của họ nhằm để cung cấp những thông tin mang tính bản chất của vấn đề. Nhân vật không nhất thiết phải là người nổi tiếng mà có thể là một chuyên gia về một lĩnh vực nào đó. Loại phỏng vấn này mang tính chất tọa đàm.

b. Phỏng vấn chân dung

Là phỏng vấn một nhân vật cụ thể để làm rõ về nghề nghiệp, công việc hoặc một lĩnh vực nào đó của người đó. Loại phỏng vấn này nhằm giúp cho  độc giả biết rõ hơn về một nhân vật với quá trình lớn lên, sự phát triển của sự nghiệp, cuộc sống gia đình.

c. Phỏng vấn thời sự

Nó xuất phát từ việc anh ta – đối tượng được phỏng vấn liên quan đến một vấn đề như “thời sự”, đóng vai trò “tiên quyết” trong đó hoặc anh ta có thể phân tích sắc bén vấn đề này. Người được chọn để phỏng vấn thường nằm ở trung tâm thời sự hoặc đứng ngoài nhưng có cái nhìn thích đáng và độc đáo về một vấn đề nào đó. Trong phần tựa ở dạng này nhất thiết phải đặt tin hay sự kiện “thời sự” trong bối cảnh diễn ra và phỏng vấn thời sự cũng ngắn và cô đọng hơn phỏng vấn trao đổi, nó không loại trừ những câu hỏi mang tính cá nhân hay những tình huống hài hước, hóm hỉnh.

d. Phỏng vấn có tính minh họa

Nó gần giống với phỏng vấn làm rõ hơn vấn đề hoặc để giải thích, đính chính của một nhân vật được trích dẫn hay bị chỉ trích trong bài báo chính.

Dạng này có sự liên kết và hài hòa với bài báo chính, bổ trợ cho nó chứ không tồn tại độc lập được.

Ngoài ra, còn có một số dạng phỏng vấn nữa theo nhiều cách chia khác nhau. Chúng có thể tồn tại độc lập hoặc đan xen trong các bài phỏng vân, các bài phóng sự như: phỏng vấn vỉa hè, mảnh ghép, phát biểu thô, phỏng vấn cực nhanh, phỏng vấn bật hoặc là tập câu hỏi, phỏng vấn ảo…

Phương pháp, kỹ năng phỏng vấn

Khi làm một cuộc phỏng vấn, người phỏng vấn luôn phải giữ vững vai trò của “người kỵ sĩ cầm cương” chứ không thể để mình là một “chú ngựa bị dắt mũi”.

Trước phỏng vấn

Người đi phỏng vấn phải xác định được “vốn” kiến thức cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Vì thế, phải chuẩn bị chu đáo về chủ đề, về thông tin có liên quan tới vấn đề đó.

Phỏng vấn là một cuộc đấu trí đặc biệt giữa một người biết (bị phỏng vấn) và một người muốn biết (phóng viên). Suy cho cùng, thành công trong cuộc phỏng vấn phụ thuộc vào kiến thức của phóng viên về vấn đề, lĩnh vực, đối tượng mà mình tiến hành phỏng vấn. Đó chính là “bài học vỡ lòng” cho bất kỳ nhà báo nào. Việc này đòi hỏi người phóng viên phải lưu tâm vạch đề cương câu hỏi, phải trở thành “người cầm lái” để có thể linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong mọi tình huống, hạn chế bớt rủi ro nghề nghiệp. Nói một cách chung nhất là trước khi phỏng vấn, phóng viên phải tăng cường năng lực nghiệp vụ, chú ý đến những điểm then chốt của câu hỏi và phải biết phán đoán phương án trả lời để có sự nhạy bén, chính xác trong phỏng vấn, bổ sung câu hỏi.

Trong phỏng vấn

Vấn đề đặt ra là nên bắt đầu như thế nào, nên điều khiển cuộc phỏng vấn ra sao qua cách hỏi và nghe. Trong cùng một lúc, phóng viên phải làm 3 việc: nghe người đối thoại, theo dõi cử chỉ, nét mặt của đối tượng, ghi chép và suy nghĩ về ý nghĩa câu trả lời để tiếp tục đặt câu hỏi.

Phóng viên phải luôn rà xét câu hỏi, biết dung hoà cùng một lúc nhiều hành động: nghe, nhìn, viết, phản ứng. Đặc biệt rất tối kỵ trong việc đặt người phỏng vấn vào thế bị kiểm tra (như kiểu “anh ta đã xử lý vấn đề đó ra sao?”), bị buộc phải trả lời theo kiểu tuyên bố “vâng” hay “đúng thế”.

Vấn đề đặt ra nữa là nên ghi âm hay ghi chép. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thời gian phỏng vấn, phong cách của bài viết, điều kiện của cuộc phỏng vấn… Vì vậy tốt nhất nên kết hợp cả hai cách để có thể nắm bắt được cái “thần” của cuộc phỏng vấn chứ không chỉ đơn thuần là những con chữ khô khan.

Sau phỏng vấn

Theo Eric Maitrot – giảng viên Đại học Lille nhận xét: “Khi một nhân vật được phỏng vấn trên giấy trắng mực đen những câu trả lời của chính mình, anh ta còn có khả năng sửa chữa chúng, anh ta sẽ trở thành cái máy kiểm duyệt không thương tiếc. Anh ta sẽ làm mọi cách để bạn viết lại, bài viết của bạn sẽ tròn trịa như hòn bi và nhạt nhẽo, có cũng được mà không có cũng chẳng sao”. Từ đó, phóng viên không nhất thiết phải tôn trọng những tuyên bố của người được phỏng vấn đến từng dấu châm, dấu phẩy mà còn có thể thay đổi trật tự, cấu trúc câu hỏi, có chỉnh sửa một ít trên cơ sở không hề phản bội thông tin thu nhận được cũng như sự thật quá trình diễn ra phỏng vấn.

Mặt khác cũng không nên đề nghị đưa bài viết cho người được phỏng vấn đọc lại nếu bắt buộc phải làm thì phóng viên từ chối hoặc hoặc chấp nhận trong giới hạn liên quan đến lời nói được ghi lại trong phỏng vấn thô.

Tuy nhiên vẫn có một số ngoại lệ nhất định khi cần thiết để tránh sai lầm đáng tiếc về ý nghĩa, khoa học hoặc liên quan đến vấn đề chính trị, tư tưởng…

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Báo chí Truyền hình)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]