Trang chủ Báo chí truyền thông Phỏng vấn truyền hình: khái niệm, phân loại & phương pháp thực hiện

Phỏng vấn truyền hình: khái niệm, phân loại & phương pháp thực hiện

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 739 views

1. Khái niệm

Khi bàn về phỏng vấn truyền hình, có người cho rằng nó chẳng khác gì so với phỏng vấn trên báo viết. Có khác chăng dây chỉ là một cuộc trò chuyện bằng hình ảnh, thông qua hình ảnh để trao đổi, bày tỏ ý kiến của chủ thể phỏng vấn. Cũng có người cho rằng phỏng vấn truyền hình là một hình thức truyền tin dưới dạng một cuộc trao đổi giữa phỏng vấn và một đại diện trên ti vi và thông điệp này được truyền dưới dạng hình ảnh.

Có thể hiểu phỏng vấn truyền hình là một cuộc trao đổi, nói chuyện giữa phóng viên (đại diện cho cơ quan truyền hình) với một người đại diện trả lời phỏng vấn thông qua hình thức hỏi – đáp chính là nhằm mục đích cung cấp thông tin về lĩnh vực nào đó mà cơ quan báo chí muốn cung cấp cho khán giả.

2. Vai trò và đặc điểm của phỏng vấn truyền hình

Vai trò

Phỏng vấn cung cấp nhiều thông tin, chi tiết, hình ảnh, tiếng động và lời tự thuật của nhân chứng, làm cho tác phẩm giàu giá trị thông tin khách quan, trung thực. Khi phỏng vấn những người đã chứng kiến sự kiện, sự việc xảy ra, những câu hỏi “mở” để họ kể lại cho người xem (mà không có cơ hội chứng kiến sự việc đó) nắm bắt được toàn bộ thông tin cần thiết. Vì vậy cần thu thập được thông tin: Việc gì đã xảy ra? Ai liên quan đến sự kiện? Sự việc xảy ra ở đâu? Khi nào? Tại sao nó lại xảy ra và xảy ra như thế nào?

Trong thời đại bùng nổ thông tin, nhiều phương tiện truyền thông cạnh tranh gay gắt thì phỏng vấn bằng phương tiện truyền thông truyền hình đóng vai trò càng lớn. Phỏng vấn truyền hình đem đến cho khán giả những thông tin chân thật nhất, có sức thuyết phục cao. Trước hết phỏng vấn truyền hình cung cấp thông tin cho khán giả một cách trực tiếp, khách quan. Công chúng tiếp nhận những thông tin đó như một người làm chứng cho cuộc trò chuyện giữa phóng viên và người được phỏng vấn. Tính chân thật và khách quan của cuộc phỏng vấn truyền hình làm cho người nhận thông tin dễ chấp nhận và định hướng tư tưởng của mình theo định hướng của người thực hiện phỏng vấn.

Đặc điểm

Phỏng vấn truyền hình là sự phản ánh đồng bộ cả hình và tiếng, có bối cảnh xung quanh và tiếng động hiện trường. Vì vậy, thời gian xảy ra cuộc phỏng vấn và thời gian phát sóng trên truyền hình gần như đồng nhất.

Phỏng vấn truyền hình được quy định bởi những đặc trưng của báo chí truyền hình. Nó là một cuộc nói chuyện thuần chất được diễn ra một cách chân thật trước màn ảnh. Người ta không đọc tường thuật cuộc phỏng vấn mà là xem cuộc nói chuyện trực tiếp giữa phóng viên với người được phỏng vấn nhằm đem lại cho khán giả những thông tin mới. Do vậy tính chân thật, độ chính xác của thông tin đạt đến mức tối đa, điều này làm khán giả không nghi ngờ về tính chân thật, hơn nữa họ có cảm giác như chính họ là người khai thác những thông tin cần thiết.

Nói đến phỏng vấn truyền hình thì điều khác biệt lớn nhất giữa dạng phỏng vấn này với các hình thức khác chính là thông tin phỏng vấn bằng hình ảnh.

Phỏng vấn truyền hình mang những yếu tố có tính chất trao đổi chứ không phải là một cuộc đàm thoại thông thường giữa phóng viên và người đại diện trả lời phỏng vấn.. Thông tin mà người trả lời phỏng vấn đưa ra là phục vụ cho đại đai số người xem truyền hình chứ không phải là trả lời cho bản thân người phóng viên trực tiếp thực hiện cuộc phỏng vấn đó. Giữa người phóng viên và người đại diện trả lời có vị trí ngang hàng nhau với tư cách là một người hỏi và một người trả lời.

Phương tiện để thực hiện phỏng vấn là các câu hỏi của phóng viên và câu trả lời của người được phỏng vấn được truyền đến khán giả bằng các phương tiện kỹ thuật hình ảnh. Nếu như trong báo viết thông tin mà độc giả thu được là qua trang báo và tiếp xúc chỉ bằng thị giác hay chỉ bằng thính giác như trong phát thanh thì phỏng vấn truyền hình đáp ứng cả hai yếu tố đó của khán giả (nghe và xem hình) và thông qua hình thức truyền tin bằng hình ảnh mà khán giả ngoài việc thu nhận thông tin còn có thể quan sát được thái độ, tình cảm của người trả lời phỏng vấn để đánh giá chất lượng thông tin mà mình đang tiếp nhận. Vì lý do đó mà những người làm phỏng vấn truyền hình rất coi trọng hình thức thực hiện phỏng vấn.

Mục đích cuối cùng của phỏng vấn truyền hình cũng như các cuộc phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng khác là dựa vào những câu hỏi của phóng viên và người trả lời để thông tin trước công luận (là những khán giả) về một sự kiện, sự việc, hiện tượng đang diễn ra…

Phỏng vấn truyền hình còn là phương pháp sử dụng lời thoại và tự thuật của nhân chứng trong sự kiện, sự việc thông qua các câu hỏi “mở” của phóng viên (nhưng không để lộ microphone và phóng viên trong khuôn hình) nhằm cung cấp thông tin minh chứng sinh động và tin cậy cho các thể loại thông tấn, chính luận khác.

3. Các dạng phỏng vấn truyền hình

Những căn cứ và cơ sở để phân loại các dạng phỏng vấn truyền hình

Căn cứ vào lĩnh vực mà cuộc phỏng vấn đề cập tới như chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật,….

  • Căn cứ vào tính chất của bài phỏng vấn như phỏng vấn chân dung, điều tra, biên bản,…
  • Căn cứ vào địa vị xã hội của người trả lời
  • Căn cứ vào cách tổ chức, quá trình diễn ra phỏng vấn là ngẫu hừng, có hẹn trước hay phỏng vấn trực tiếp, phỏng vấn tại Studuo, hiện trường.
  • Căn cứ vào hình thức giao tiếp

Phỏng vấn truyền hình thuộc nhóm thông tấn, có thể chia thành nhiều dạng khác nhau tuỳ thuộc vào hình thức đưa câu hỏi và trả lời của những người thực hiện cũng như mục đích mà họ cần đạt tới.

a. Phỏng vấn biên bản

Là cuộc phỏng vấn trong đó phóng viên tiếp nhận những câu trả lời của nhân vật mà giá trị của những câu trả lời ấy như những tuyên bố chính thức về các vấn đề chính trị, xã hội,… do phía công bố thỏa thuận, sắp xếp trước. Loại phỏng vấn này mang tính nghiêm túc cao, đòi hỏi sự chính xác, rõ ràng thường diễn ra ở nơi làm việc của bản thân người trả lời (có hẹn trước), có khi diễn ra trên thực địa như: phòng nghỉ sân bay, cầu thang máy bay, trước phòng họp,… Dù trong bối cảnh nào phóng viên cũng phải chú ý đến cách ăn mặc và phong thái sao cho phù hợp. Phóng viên đưa ra những câu hỏi đã chuẩn bị trước, không đưa ra những câu hỏi phụ, không hỏi lại, không tỏ ra tự nhiên quá đáng, không đưa ra bình luận riêng của mình (trừ trường hợp đặc biệt). Thậm chí để nhấn mạnh tính “biên bản”, trong một số trường hợp phóng viên có thể đọc câu hỏi và chuẩn bị sẵn, mạch lạc, rõ ràng.

b. Phỏng vấn thời sự

Đây là một hình thức phỏng vấn nhanh để lấy ý kiến hoặc thông tin về một vấn đề, sự việc, hiện tượng mới và đang được khán giả quan tâm. Người trả lời phỏng vấn có thể xuất hiện một cách độc lập cho một cuộc phỏng vấn ngắn giữa phóng viên và người được phỏng vấn hoặc xuất hiện với tư cách là minh chứng cho chương trình hoặc bản tin mà người làm truyền hình đang thực hiện. Do đặc trưng của dạng phỏng vấn này mà người phóng viên không chỉ có vai trò đặt câu hỏi mà nhiều lúc còn phải gợi mở ý kiến hoặc nhắc lại câu hỏi cho người được trả lời vì thời lượng ngắn, không gian bị bó hẹp nên nhiều khi người được phỏng vấn không thể trình bày hết ý kiến hoặc không hiểu rõ ý đồ của phóng viên.

Hình thức phỏng vấn này xuất hiện khá nhiều trong các chương trình Thời sự, Chào buổi sáng,…

c. Phỏng vấn điều tra

Cuộc phỏng vấn chỉ có thể được thực hiện khi mà trong dư luận xã hội có nhiều ý kiến khác nhau về một vấn đề nổi bật nào đó, có nhiều ý kiến mâu thuẫn nhau gay gắt và trở thành mối quan tâm của xã hội. Lúc bấy giờ, với tư cách là những người làm công tác truyền thông đại chúng và đóng vai trò là người định hướng dư luận, cùng với các lợi thế của mình, truyền hình vào cuộc để làm rõ quan niệm nào là chính xác và được xã hội chấp nhận nhiều nhất. Những người làm chương trình gửi giấy mời những người có trình độ hiểu biết, thẩm quyền về vấn đề, lĩnh vực đó hoặc là đại diện cho các ý kiến đến trường quay để tiến hành phỏng vấn, trao đổi ý kiến để cuối cùng rút ra một cách hiểu đúng nhất về vấn đề đó. Cuộc phỏng vấn được tiến hành công khai, có thể truyền trực tiếp hoặc quay và phát sóng sau. Người phóng viên thực hiện cuộc phỏng vấn điều tra này phải là một người nắm vững vấn đề, lập trường, quan điểm rõ ràng, và coi vấn đề điều tra là một phần công việc của mình và làm việc hết sức công minh, không đứng ra biện hộ hoặc bào chữa cho một quan điểm nào đó. Đây thực chất là một cuộc đối thoại giữa các” chuyên gia “ để tìm ra một cách nhìn toàn diện, cách hiểu đúng nhất về vấn đề mà xã hội đang quan tâm (như đất đai, tăng học phí, tăng giá điện…). Và nhiều người còn cho rằng đây là thể loại phỏng vấn theo kiểu hội nghị bàn tròn hay phỏng vấn toạ đàm.

d. Phỏng vấn chân dung

Đây cũng là một thể loại phỏng vấn được sử dụng khá nhiều trên truyền hình hiện nay. Mục đích của cuộc phỏng vấn là làm nổi bật tính cách, chân dung một con người có thật (có thể là tốt hoặc xấu tuỳ theo nội dung chương trình). Tính chất bình đẳng của cuộc phỏng vấn này rất lớn. Người được phỏng vấn có thể trả lời hay không trả lời tuỳ thuộc vào chủ quan cá nhân của họ chứ phóng viên không có quyền ép buộc hay ra sức nài nỉ trả lời. Vì bản thân thái độ của người trả lời đã làm nổi bật nên một phần tính cách của họ . Mục đích cuối cùng của phỏng vấn chân dung là cốt để cái tôi của người trả lời hiện lên một cách đầy đủ và sinh động nhất.

e. Phỏng vấn ankét

Đây là một phương pháp phỏng vấn theo kiểu điều tra xã hội học. Những người làm truyền hình đưa ra một bảng hỏi bao gồm một hệ thống các câu hỏi có liên quan đến một vấn đề nào đó cần lấy ý kiến của dư luận số đông. Sau khi đưa ra bảng hỏi và người trả lời đã làm xong thì tiến hành thu thập ý kiến và số đông ý kiến nào được tán thành nhất thì đó là thông tin cuối cùng và cũng được coi là thông tin chuẩn nhất.

4. Phương pháp thực hiện phỏng vấn truyền hình

Việc thực hiện một cuộc phỏng vấn truyền hình ngoài những yêu cầu về mặt nhân lực như phóng viên thực hiện, người trả lời phỏng vấn còn phải có sự trợ giúp của các phương tiện kỹ thuật hình ảnh, âm thanh và nhiều yếu tố khác.

Nhưng tập trung nhất vẫn là phương pháp đặt câu hỏi và trả lời trong cuộc phỏng vấn truyền hình, các kỹ năng trước, trong và sau phỏng vấn như thế nào.

a. Trước phỏng vấn

Do đặc thù của truyền hình nên việc tiến hành phỏng vấn cần phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về kỹ thuật thể hiện hình ảnh cũng như các kỹ năng phỏng vấn.

Trước khi phỏng vấn, người làm phỏng vấn phải liên lạc với người trả lời, mời họ đến trường quay và trước đó phải đưa cho họ bản đề cương câu hỏi để họ chuẩn bị. Các câu hỏi mà phóng viên đưa ra phải liên quan đến vấn đề quan tâm của công chúng cũng như phù hợp với công việc và chuyên môn của người được phỏng vấn. Nên tiến hành tập dượt trước khi bấm máy lên hình.

Nếu là một cuộc phỏng vấn nhanh, nhân vật trả lời phỏng vấn chỉ xuất hiện trên truyền hình trong giây lát nhằm minh hoạ cho một vấn đề hoặc làm sáng tỏ vấn đề đó thì phóng viên nên để cho anh ta xuất hiện một cách tự nhiên, chân thực và nên nói trước là mình sẽ hỏi những gì và anh ta sẽ trả lời như thế nào nhằm tránh trường hợp đưa cả hai vào thế bị động khi xuất hiện trước ống kính.

b. Trong phỏng vấn

Khi tiến hành phỏng vấn, điều quan trọng nhất đối với phóng viên là phải làm sao đưa ra được những câu hỏi ngắn, đúng và trúng chủ đề cần phải hỏi và câu hỏi ấy cũng không làm cho người trả lời cảm thấy lúng túng. Do đó mà khi đặt câu hỏi, phóng viên cần tránh đưa câu hỏi kiểu như: “Ông có đồng ý với quan điểm trên không ạ?” hay “Bà có cho rằng việc làm trên của công ty mình là hoàn toàn hợp lý?”… Với những câu hỏi như thế, người trả lời chỉ có thể đưa ra đáp án đúng hoặc sai, đồng ý hoặc không chứ ít khi có cơ hội bộc lộ quan điểm, cách nhìn của mình và đôi khi họ và khán giả sẽ cảm thấy bị gượng ép phải trả lời cho phù hợp với quan điểm của phóng viên mà thôi.

Không nên đặt câu hỏi quá dài. Bởi lẽ, khi tiến hành phỏng vấn trên truyền hình chỉ có sự đối thoại giữa phóng viên và người trả lời, hình ảnh chỉ xuất hiện một lần và cũng vì thế mà khán giả và người trả lời không thể theo dõi hết câu hỏi của phóng viên nếu anh ta đặt câu hỏi dài hơn cách nói thông thường. Cũng không nên đặt hơn 1 câu hỏi cùng một thời điểm mà tốt nhất là nên tách chúng ra để khán giả và người trả lời tiện theo dõi.

c. Sau phỏng vấn

Sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn, người phóng viên nên tóm tắt lại nội dung thông tin mà người trả lời phỏng vấn vừa đưa ra một cách ngắn gọn nhất. Sau khi chuẩn bị rời khỏi ống kính máy quay, phóng viên không nên quên nói lời cảm ơn đối với người tham giả trả lời.

* Tóm lại, đối với người làm phỏng vấn truyền hình cần chú ý một số vấn đề sau:

Trước khi tiến hành phỏng vấn cần có kịch bản hình ảnh và lời tự thuật cần có được. Tiến trình biên tập nội dung phỏng vấn là chọn lấy những cảnh nhân vật tự thuật một cách tự nhiên, thoải mái như chộp được trong khi phỏng vấn các cảnh cần thiết ấy minh họa cho lời thoại, khi biên tập móc nối những thông tin cần thiết và những thông tin phụ khác sẽ thành chương trình hoàn chỉnh, rõ ràng.

Một cuộc phỏng vấn thành công là đặt ra câu hỏi mở và thu hút được các câu trả lời mà người xem muốn biết.

Một người phỏng vấn giỏi cần phải thực hiện các bước sau:

  1. Nghiên cứu: phải hiểu biết kỹ về chủ đề cần phỏng vấn. Thu lượm tất cả những thông tin có liên quan trước khi tiến hành phỏng vấn. Điều đó có nghĩa là phải trao đổi với người cần phỏng vấn về đề tài mình cần phỏng vấn trước khi quay phỏng vấn.
  2. Lắng nghe: Một kỹ năng quan trọng của phỏng vấn là lắng nghe một cách cẩn thận những gì người được phỏng vấn nói.
  3. Đặt mục tiêu cho các câu hỏi mở: Phải đảm bảo chắc chắn câu hỏi mở chỉ chứa đựng ý và đi thẳng vào nội dung chính của sự kiện, sự việc, không để người trả lời phỏng vấn bị lúng túng, không được hỏi câu “có hay không”.
  4. Không được tranh luận hoặc bình luận: Khi thực hiện phỏng vấn không được thiên lệch, chỉ phỏng vấn một cách khách quan. Hãy để người được phỏng vấn nói về mình và trình bày toàn bộ những gì là sự thực của sự kiện. Khi phát sóng, người xem sẽ tự nhận xét xem liệu những câu hỏi và câu trả lời ấy có chính xác, chân thực không.
  5. Phải linh hoạt: Chuẩn bị những câu hỏi chính, sẵn sàng theo dõi và nắm bắt thông tin chi tiết mới phát hiện thêm mà người trả lời vừa nói ra. Phỏng vấn phải tận dụng khai thác triệt để và đón nhận những thông tin quan trọng mà người trả lời không muốn nói ra bằng những kỹ thuật và nghệ thuật phỏng vấn điêu luyện. Ví dụ: “Tại sao ông lại cách chức anh trưởng phòng này?”, đáp: “Tôi không muốn nói về điều đó”. Hỏi như vậy dễ bị từ chối. Nhưng nếu hỏi: “Thưa ông, lựa chọn một trưởng phòng công ty cần có những tiêu chuẩn gì?”, chắc chắn câu trả lời sẽ đầy đủ hơn và sáng tỏ nguyên nhân tại sao ông giám đốc lại cách chức anh trưởng phòng nọ.

Thông thường, phỏng vấn theo kiểu đối thoại thân mật trên truyền hình, không gò bó, cứng nhắc, trao đổi gay gắt, phóng viên cần phải giữ được bình tĩnh. Người trả lời có thể khó chịu, căng thẳng không muốn nói ra những chi tiết đầy đủ về sự kiện thì chuyển sang những nhân chứng khác để thu thập thông tin nhiều hơn.

5. Nghệ thuật phỏng vấn truyền hình

Trước khi bước vào thực hiện một cuộc phỏng vấn, điều đầu tiên mà người phóng viên thực hiện là phải tự trả lời các câu hỏi: Mình đã chuẩn bị được gì cho công việc sắp làm. Nếu câu trả lời là quá ít hoặc chưa chuẩn bị được thì tốt nhất là chưa nên tiến hành phỏng vấn. Một yếu tố quan trọng trong nghệ thuật phỏng vấn truyền hình đó là các câu hỏi: câu hỏi mở, câu hỏi phân loại, câu hỏi chính,…

a. Các loại câu hỏi phỏng vấn truyền hình

Khác với các loại hình báo chí khác (như báo in, phát thanh…), truyền hình thường dùng các câu hỏi là:

  • Câu hỏi mở là loại câu hỏi gợi mở các từ nghi vấn dạng đặc biệt để người trả lời chủ động trình bày thoải mái các thông tin. Câu hỏi mở tạo hướng phát triển mở rộng mà không hạn chế nội dung trả lời.
  • Câu hỏi chính là câu hỏi tập trung vào nội dung chủ yếu của vấn đề.
  • Câu hỏi trực tiếp là câu hỏi thẳng vào nội dung chính của vấn đê.
  • Ngoài ra cần lưu ý mối quan hệ trong các cặp câu hỏi “đóng – mở”, “chính – phụ”, “trực tiếp – gián tiếp”, dẫn dắt, gợi mở, thẩm định…
  • Không hỏi loại câu hỏi “có – không” trừ khi cần khẳng định kết luận, vì loại câu hỏi này kết quả nội dung trả lời ngắn, buộc phải hỏi tiếp sang câu hỏi khác bổ sung. Cần thẩm định lại câu trả lời khi biên tập chương trình chính thức.

b. Nghệ thuật phỏng vấn trên truyền hình

  • Trước hết câu hỏi ngoại giao giới thiệu làm quen tạo không khí thân mật, không gò bó, áp đặt.. Không xoáy câu hỏi vào sâu đời tư cá nhân, đặc biệt là nỗi niềm thầm kín khó nói của đối tượng, có thể nhắc đến chức vụ, học hàm, học vị của người trả lời..
  • Khi hỏi phải tập trung vào vấn đề chính, không lan man, vòng vo, câu hỏi dễ hiểu về chủ đề hẹp: dẫn dắt câu chuyện theo sự việc, sự kiện, bày tỏ quan điểm, chính kiến, nêu rõ cảm tưởng, trình bày lý do, nguyên nhân, con số làm tròn dễ nhớ.
  • Cách đặt câu hỏi: Có kế hoạch dự trù câu hỏi, lường trước câu trả lời và chủ động đối thoại cởi mở. Câu hỏi đặt ra ngắn gọn, không dài dòng, nhiều ý, nội dung hỏi không rộng quá, không bình luận trước, không trìu tượng, khó hiểu, đánh đố..
  • Phóng viên phải có cần dài (boom) để bố trí micro trên đỉnh đầu nhân vật sao cho ghi âm tốt mà không để lộ trong khuôn hình. Tuyệt đối không trao micro cho nhân vật, tránh việc giằng giật micro, khua múa micro trước mặt khán giả.
  • Thái độ lịch sự, văn hoá, tạo bầu không khí chân thành, thân thiện, tự nhiên, nhã nhặn, không áp đặt, hách dịch, không lễ tân khách sáo.
  • Động tác máy camera zoom vào cận cảnh khuôn mặt người trả lời phỏng vấn với góc nghiêng 3/4 tạo thẩm mỹ ưa nhìn, dễ coi, tự nhiên, thoải mái, không sơ sượng trước ống kính truyền hình, làm cho khán giả có cảm giác như mình đang đối thoại trực tiếp với nhân vật.
  • Chủ động ghi hình, “chộp” một cách khách quan, thể hiện hành vi, thái độ nhân vật, không dàn dựng, bố trí giả tạo, lộ liễu, khán giả cũng “chộp” phản ứng của phóng viên hoặc người hỏi đối với câu trả lời của nhân vật.

6. Kịch bản phỏng vấn truyền hình

a. Vai trò của kịch bản trong phỏng vấn

Sự phân chia các thể loại báo chí truyền hình khá rõ ràng với một số thể loại mũi nhọn xung kích như tin, phóng sự, phỏng vấn… đã quy định những đặc trưng tiêu biểu có ảnh hưởng lớn tới việc soạn thảo kịch bản.

Phỏng vấn truyền hình là một công cụ hữu hiệu mà phần lớn các nhà báo có kinh nghiệm đều cố gắng để tận dụng ưu thế của nó trong lĩnh vực khai thác và cung cấp thông tin. Cũng như trong mọi tác phẩm báo chí khác, vai trò của kịch bản hết sức quan trọng: “Nếu như không có kịch bản thì cuộc phỏng vấn giống như một vở hài kịch không có người viết”, đây là nhận định của John Brady (E.Ewillis and C.O Arient 70, wting script for television radio and film, 1981). Tuy nhiên, nếu chỉ thông qua hình thức thuần tuý, nguyên gốc của cuộc phỏng vấn: hỏi – đáp thì kịch bản đặt ra cũng chỉ được hiểu như một đề cương câu hỏi đã vạch sẵn. Người phóng viên sẽ dựa vào đề cương này để thực hiện chương trình. Vấn đề câu hỏi và cách thức đặt câu hỏi như thế nào cho hay và hiệu quả là một yếu tố quan trọng giúp nhà báo thực hiện tốt vai trò trong phỏng vấn nói chung và phỏng vấn truyền hình nói riêng. Thông thường, kịch bản phỏng vấn hay sử dụng những dạng câu hỏi sau:

  • Câu hỏi về sự việc
  • Câu hỏi về vấn đề
  • Câu hỏi về ý kiến
  • Câu hỏi về động cơ

Ngoài ra, trong nhiều chương trình phỏng vấn, phóng viên có thể sử dụng những dạng câu hỏi khác nhằm tăng cường khả năng chủ động: câu hỏi mở và câu hỏi đóng, câu hỏi chính và câu hỏi bổ sung, câu hỏi trực tiếp và câu hỏi gián tiếp, câu hỏi chung và câu hỏi riêng, câu hỏi điều chỉnh, câu hỏi kiểm tra, câu hỏi khiêu khích, câu hỏi gợi ý…

Tuy nhiên, sử dụng dạng câu hỏi nào trong phỏng vấn chỉ là vấn đề thuộc về lý thuyết. Điều quan trọng là khả năng linh hoạt của phóng viên nhằm tạo hiệu quả cao cho phỏng vấn, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của kịch bản.

Phỏng vấn truyền hình là thể loại luôn được sử dụng xen kẽ trong các chương trình như phóng sự, thời sự, phim tài liệu.. nhằm tăng thêm tính khách quan và chân thực của sự kiện. Đặc biệt, trong các chương tình dạng phỏng vấn lớn như tọa đàm, phát biểu, gặp gỡ, bình luận…, người ta thường đưa ra nhiều vấn đề được công luận quan tâm nhằm khai thác thông tin, nhận định từ nhiều đối tượng phỏng vấn. Soạn thảo kịch bản cho các chương trình này đòi hỏi sự đầu tư về công sức, trí tuệ của những người làm công tác truyền hình. Vai trò của kịch bản trong những chương trình như vậy được đánh giá rất cao, từ khâu chuẩn bị đến thực hiện và hoàn thiện tác phẩm.

b. Kịch bản trong chương trình dạng phỏng vấn

Kịch bản phỏng vấn phải rõ ràng, chính xác, dự trù các câu hỏi để tạo thành chương trình hoặc chuyên mục hoàn chỉnh, có bối cảnh phù hợp và nội dung ý nghĩa đầy đủ. Câu hỏi không được lan man, dài dòng, hỏi “có hay không ạ?”. Cần phân cảnh dựng hình trước để khớp thời gian và bổ sung những thông tin có liên quan đến hình ảnh ấy. Khi lời thoại khớp với hình ảnh thì sẽ đem lại ấn tượng mạnh mẽ hơn về toàn bộ nội dung sự kiện.

Chuẩn bị kịch bản phỏng vấn tại văn phòng, công sở thì mang tính hình thức quá. Nếu có thể thì nên phỏng vấn ở một địa điểm có bối cảnh phù hợp với đề tài phỏng vấn.

c. Đối với phương pháp phỏng vấn cung cấp tư liệu cho tin tức, phóng sự thời sự hoặc tài liệu truyền hình

Những phỏng vấn phóng sự tài liệu không nhất thiết tiến hành ở một đại điểm duy nhất và toàn bộ cuộc phỏng vấn chỉ tiến hành trong một lần. Sự thay đổi về địa điểm sẽ tạo ra tính năng động hơn cho sự kiện, và người được phỏng vấn cũng có xu thế hưởng ứng cuộc phỏng vấn ở mọi địa điểm khác nhau.

Trong quá trình biên tập những phần khác nhau của bài phỏng vấn, không nên biên tập đoạn này nối tiếp đoạn kia mà phải xen lẫn các hình ảnh một cách tự nhiên cùng với những lời dẫn. Cũng cần có những phần gián đoạn trong cấu trúc của bài đã biên tập (đoạn tạm nghỉ để thở), để cho người xem tiếp thu thông tin trước khi theo dõi tiếp những thông tin tiếp theo, sử dụng tốt những âm thanh tự nhiên. Nhịp độ phân chia lời dẫn nên chậm hơn thông tin và nên nhấn mạnh hơn.

d. Đối với tin tức, phóng sự thời sự hoặc tài liệu truyền hình không cần lời bình

Một số tin tức, phóng sự thời sự hoặc tài liệu truyền hình được thực hiện không có lời dẫn ngoài hình. Toàn bộ nội dung tác phẩm được trình bày lại thông qua các nhân vật, nhân chứng liên quan đến sự kiện, sự việc bằng những cảnh ghi hình có bố cục chặt chẽ, tiếng động tự nhiên và lời thoại trung thực, thoải mái của người trả lời phỏng vấn. Các nhân vật trình bày sự việc một cách thoải mái tất cả những gì có thể được, thậm chí còn tâm sự, kể lể, giãi bày cặn kẽ mọi điều chứ không đơn thuần là trả lời câu hỏi mà phóng viên đưa ra.

Phương pháp biên tập tin kiểu này đòi hỏi phải chuẩn bị phỏng vấn theo kiểu mở và dẫn đề thay cho tác giả, người trả lời tự trình bày toàn bộ nội dung sự việc như thể nói thay cho tác giả chứ không phải trả lời phỏng vấn. Ở đây, không có cái tôi của tác giả xuất hiện.

Ví dụ, thay vì hỏi thông thường: “Anh có bao nhiêu tiền gửi tiết kiệm năm nay?”, trả lời: “Tôi có một nghìn Đôla”. Nói xong, anh ta bỏ đi làm cho câu trả lời chưa hoàn thiện. Vì vậy cần có câu hỏi mở như trao đổi đối thoại một cách tự nhiên và khai thác nhiều thông tin hơn.

Ví dụ câu hỏi mở: “Anh cho biết việc gửi tiết kiệm của mình trong năm qua?”. Câu trả lời vì thế mà cũng rộng hơn, khai thác nhiều thông tin hơn.

Kết Luận

Phỏng vấn truyền hình là một thể loại báo chí truyền hình thông dụng nhất hiện nay trong quá trình khai thác thông tin bằng hình ảnh, âm thanh. Đối với những người làm truyền hình thì thực hiện kỹ năng phỏng vấn trước ống kính máy quay một cách thành thạo là một yêu cầu hết sức quan trọng. Do đó mà trong quá trình khai thác thông tin cần phải hết sức lưu ý đến lĩnh vực này.

Muốn phỏng vấn tốt, người phóng viên cần chú ý những điểm sau: có vốn sống phong phú, sự hiểu biết rộng rãi về nhiều lĩnh vực, đầu óc nhạy bén, tác phong nhanh nhẹn, khả năng giao tiếp, không có thái độ dạy đời, cách đề cập không bị chủ quan hoặc không bị tình cảm chi phối. Nhà báo làm phỏng vấn, nhất là phỏng vấn truyền hình cần có những phẩm chất và năng lực khác nữa như: đối đáp nhanh, tóm tắt nhanh sự việc, nhạy cảm, bình tĩnh, kiên trì, khéo léo, có sự hiểu biết nhất định về tâm lý con người. Mỗi người phỏng vấn có sơ trường riêng của mình làm cho công chúng nhận ra họ ở cả vẻ ngoài lẫn nội dung bên trong. Thể loại phỏng vấn trên truyền hình là sự thể hiện tinh vi nhất cho sở trường đó.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Báo chí Truyền hình)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]