Trang chủ Báo chí truyền thông Vai trò và các dạng kịch bản phóng sự truyền hình

Vai trò và các dạng kịch bản phóng sự truyền hình

by Ngo Thinh
302 views

Vai trò của kịch bản trong phóng sự truyền hình.

Phóng sự truyền hình phản ánh cuộc sống bằng hình ảnh và âm thanh, do camera ghi lại một cách trung thực toàn bộ sự kiện, sự việc hiện tượng đã hoặc đang diễn ra, nhưng không có nghĩa là người quay phim ghi hình liên tục từ đầu đến cuối diễn biến của sự kiện đó. Ngay từ đầu họ đã được đọc kịch bản, nắm được ý đồ của đạo diễn, và chỉ quay theo những gì được đề cấp và liên quan đến nội dung của kịch bản, chọn những chi tiết đắt nhất để ghi hình, tìm những khuôn hình giàu sức biểu đạt, nội dung tư tưởng mà tác phẩm muốn thể hiện. Do vậy kịch bản đóng vai trò hết sức quan trọng.

Kịch bản phóng sự truyền hình vừa là kịch bản văn học vừa là kịch bản đạo diễn trong đó toát lên toàn bộ nội dung, tư tưởng chủ đề của tác phẩm. Đồng thời lại đưa ra các phương án thực hiện tác phẩm đó. Qua kịch bản, người quay phim có thể hiểu được ý đồ của phóng viên nội dung và hình thức thể hiện tác phẩm.

Vai trò của kịch bản truyền hình được xem như một bản thiết kế của công trình xây dựng nhưng nó không có tính ổn định mà luôn thay đổi do đặc tính thời sự của báo chí.

Phần lớn các chi tiết trong kịch bản đều là những dự kiến, dự báo của người viết về cái sắp xảy ra trong tương lai gần. Nhưng dù có thay đổi thì kịch bản vẫn giữ lại cốt lõi chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Một kịch bản nghiêm túc sẽ giúp cho phóng viên chủ đông, không bị lúng túng khi có thay đổi nào đó trên hiện trương. Bởi lúc đó, những người làm phim có thể thay đổi nhanh chóng, phù hợp với điều kiện mới trên cơ sở kịch bản cũ.

Kịch bản còn là căn cứ để phóng viên thu thập tài liệu, sử dụng có hiệu quả tiếng động hiện trường, chọn âm nhạc phù hợp với nội dung tư tưởng của tác phẩm. Xem kịch bản người phóng viên biết mình cần thu thập tài liệu gì, phỏng vấn ai, câu hỏi thế nào. Hơn nữa, kịch bản còn cho ta thấy cảnh nào, chi tiết nào của sự kiện là chính, phụ để từ đó xác định số lượng cảnh quay và sắp xếp theo trật tự logic của vấn đề. Kịch bản giống như người nhạc trưởng chỉ huy cả giàn giao hưởng (trong đó nhạc công là phóng viên, quay phim), người chỉ huy hướng cho các nhạc công của mình cách chơi và dàn giao hưởng chính là tác phẩm phóng sự hoàn chỉnh.

Các dạng kịch bản trong phóng sự truyền hình

a. Kịch bản dự kiến

Kịch bản dự kiến được áp dụng với các phóng sự truyền hình trực tiếp. Tác giả thường sử dụng kịch bản dự kiến do hiện thực mang tính biến động vì không có thời gian dàn dựng chi tiết. Với kịch bản này, nhà làm phim phải đảo lộn chi tiết dự kiến. Trong một số trường hợp phản ánh hoạt động của con người, nhiều khi hiện tượng mới nảy sinh hình ảnh phải quay ngay, còn kịch bản lại phải viết thành văn sau. Kịch bản dự kiến được xây dựng trên cơ sở tìm hiểu thực tế, nắm bắt được quá trình diễn biến của sự việc sẽ xảy ra. Loại kịch bản này yêu cầu phóng viên phải có vốn hiểu biết rộng, giàu kinh nghiệm, nhạy cảm với cuộc sống, có khả năng phát hiện vấn đề. Vì vậy, trong kịch bản dự kiến, người làm phim càng lường trước được nhiều tình huống xảy ra càng tốt.

b. Kịch bản đề cương

Thường được sử dụng với những sự kiện, vấn đề phức tạp, diễn biến trong một khoảng không gian và thời gian mang tính biến động. Người làm phim cần tìm hiểu thực tế cùng với vốn sống của mình để xây dựng kịch bản đề cương, theo đó phóng sự truyền hình được thực hiện.

c. Kịch bản chi tiết

Kịch bản chi tiết thường được sử dụng với những sự kiện có diễn biến tương đối ổn định, đối tượng cần phản ánh ít có biến động. Kịch bản chi tiết được xây dựng tuỳ theo mức độ ổn định của từng đối tượng. Nếu đối tượng phản ánh có tính ổn định cao thì kịch bản chi tiết đến từng cảnh quay. Loại kịch bản này thường dùng cho phóng sự du lịch, phóng sự tài liệu, phóng sự chân dung.

Kịch bản chi tiết thường được viết sau khi đã khảo sát kỹ, tiếp xúc với bối cảnh, nhân vật sự kiện cụ thể và định hình được nội dung phóng sự. Đối với những đối tượng có tính ổn định cao, kịch bản chi tiết có thể đưa ra từng vấn đề, chi tiết trong chương trình thực hiện một cách tỷ mỷ, cụ thể, nội dung từng câu nói, phỏng vấn, độ dài,… Các phim phóng sự tài liệu thường cần đến những kịch bản chi tiết.

Trong phim phóng sự du lịch, hình ảnh là chủ đạo nhằm miêu tả cảnh đẹp thiên nhiên hay những nét truyền thống văn hoá, lịch sử, đất nước con người. Những yếu tố này khá ổn định nên đề cương phân cảnh chi tiết đến từng cảnh nhỏ. Và chỉ cần xem đề cương đó, ta cũng có thể thấy được chủ đề xuyên suốt mà không cần lời bình. Kịch bản phim phóng sự “Ai về Kinh Bắc” được phát hôm mùng 1Tết Bính Tí là một ví dụ. Một bộ phim trên giấy thực sự.  Vùng quê Kinh Bắc với nét đẹp cổ kính của chùa chiền; nét thôn dã của một miền đất êm ả, trù phú, truyền thống văn hoá và người dân nơi đây hiện lên dần dần qua chuyến du ngoạn của người nghệ sĩ già trong ngày xuân. Với loại phim nay, lời bình thường được viết sau khi ráp nối các cảnh quay thành phim hình ảnh. Tuy nhiên, dù kịch bản phóng sự ở dạng nào thì trước hết phải là một kịch bản văn học bằng hình, phải rõ ràng các chi tiết, càng chặt chẽ bao nhiêu thì càng hay bấy nhiêu và phải diễn đạt bằng hình ảnh chứ không phải bằng những gạch đầu dòng cẩu thả.

Tóm lại, dù ở dạng kịch bản đề cương, chi tiết hay dự kiến, tác giả phóng sự truyền hình đều phải thực hiện các yêu cầu về kịch bản: Tìm ra tư tưởng chủ đề để xác định những vấn đề cốt yếu, tạo cho phóng sự một sự kiện nhất định để các sự kiện đó thể hiện và phát triển, tính chân thật khách quan của sự kiện được đảm bảo, mô hình kịch bản gợi mở khả năng sáng tạo cho người quay phim.

5/5 - (1 bình chọn)

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net