Khái niệm nhà nước
Lịch sử phát triển của xã hội cho thấy trong xã hội nguyên thủy, dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, mọi người sống bình đẳng, chưa có giai cấp nên chưa có nhà nước.
Theo Ph.Ănghen, so với tổ chức thị tộc thì nhà nước có hai điểm khác biệt cơ bản là phân chia dân cư theo lãnh thổ và thiết lập quyền lực công cộng. Nếu tổ chức thị tộc được hình thành và duy trì trên cơ sở quan hệ huyết thống thì nhà nước tổ chức công dân theo sự phân chia lãnh thổ. Khác với quyền lực xã hội do dân cư tự tổ chức trong chế độ cộng sản nguyên thủy, quyền lực công cộng sau khi nhà nước xuất hiện thuộc về giai cấp thống trị cầm quyền chứ không thuộc về toàn thể cộng đồng thành viên của xã hội. Để thực hiện quyền lực của mình, nhà nước thiết lập bộ máy cưỡng chế chuyên làm nhiệm vụ quản lý bao gồm quân đội, cảnh sát, tòa án,… và xây dựng những công cụ vật chất như nhà tù và các tổ chức cưỡng bức khác mà trong xã hội thị tộc không có.
Như vậy, nhà nước được hiểu là “hình thức (phương thức) tổ chức xã hội có giai cấp, là tổ chức quyền lực chính trị công cộng đặc biệt, có chức năng quản lý xã hội để phục vụ lợi ích trước hết cho giai cấp thống trị và thực hiện những hoạt động nảy sinh từ bản chất của xã hội”.
Nhà nước đầu tiên trong lịch sử là Nhà nước chiếm hữu nô lệ. Đó là nhà nước xuất hiện trong cuộc đấu tranh không thể điều hòa được giữa giai cấp chủ nô và giai cấp nô lệ. Tiếp đó là nhà nước phong kiến và nhà nước tư bản chủ nghĩa mà sự xuất hiện của nó cũng dựa trên mâu thuẫn đối kháng nói trên. Như thế ở bất kỳ nơi đâu và lúc nào khi mà mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được thì ở đó nhà nước xuất hiện.
Như Lênin đã viết: “Nhà nước là sản phẩm và biểu hiện của những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được. Bất cứ ở đâu, hễ lúc nào và chừng nào mà về mặt khách quan, những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được thì nhà nước sẽ xuất hiện và ngược lại, sự tồn tại của nhà nước chứng tỏ rằng những mâu thuẫn giai cấp là không thể điều hòa được”.
Bản chất của nhà nước
Bản chất của nhà nước thể hiện ở hai thuộc tính: Tính giai cấp và tính xã hội.
– Tính giai cấp
Tính giai cấp của nhà nước thể hiện ở chỗ nhà nước là bộ máy đặc biệt do giai cấp cầm quyền tổ chức nhằm mục đích bảo vệ vị thế và lợi ích của giai cấp cầm quyền.
Tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh và mối tương quan giữa các tầng lớp trong xã hội trong mỗi nhà nước mà mức độ thể hiện tính giai cấp lại khác nhau…
Nhà nước xuất hiện và tồn tại một cách khách quan theo quy luật vận động và phát triển của kinh tế, xã hội. Và nhà nước là tổ chức quyền lực công cộng của toàn xã hội. Vì vậy, nhà nước có vị trí tựa hồ như đứng trên xã hội, đứng trên giai cấp.
Quyền lực nhà nước là một loại quyền lực đặc biệt, có tổ chức chặt chẽ và có sức mạnh cưỡng chế. Quyền lực nhà nước bao gồm quyền lập pháp, quyền hành pháp và quyền tư pháp. Quyền lập pháp là quyền ban hành và sửa đổi pháp luật, quyền hành pháp là quyền thực hiện và áp dụng pháp luật, quyền tư pháp là quyền xét xử.
Tuy nhiên, tính giai cấp của nhà nước cũng có những biến đổi nhất định bởi nó bị ảnh hưởng nhiều yếu tố khác nhau trong từng kiểu nhà nước. Do vậy, tính giai cấp luôn là thuộc tính thể hiện bảo chất của nhà nước cần được nhận thức một cách sâu sắc.
Nhà nước là sản phẩm của xã hội có giai cấp và là biểu hiện của sự không thể điều hoà được các mâu thuẫn của giai cấp đối kháng. Nhà nước là tổ chức quyền lực chính trị đặc biệt. Để làm rõ bản chất của nhà nước cần phải xác định nhà nước đó của ai? Do giai cấp nào tổ chức và lãnh đạo? Phục vụ trước tiên cho lợi ích của giai cấp nào?
Trong xã hội có đối kháng giai cấp, sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác được thể hiện dưới ba quyền lực: kinh tế, chính trị và tư tưởng.
- Trong ba quyền lực, quyền lực kinh tế đóng vai trò chủ đạo, là cơ sở để đảm bảo cho sự thống trị giai cấp. Quyền lực kinh tế tạo ra cho chủ sở hữu khả năng bắt những người khác phụ thuộc vào mình về mặt kinh tế. Tuy nhiên, bản thân quyền lực kinh tế lại không có khả năng duy trì quan hệ bóc lột, vì thế để bảo đảm cho quan hệ bóc lột, giai cấp nắm quyền lực kinh tế phải thông qua quyền lực chính trị.
- Quyền lực chính trị xét về mặt bản chất là bạo lực có tổ chức của một giai cấp nhằm trấn áp các giai cấp khác trong xã hội. Thông qua nhà nước, giai cấp thống trị về kinh tế đã trở thành chủ thể của quyền lực chính trị. Nhờ nắm trong tay nhà nước, giai cấp thống trị đã tổ chức và thực hiện quyền lực chính trị của mình, hợp pháp hoá ý chí của giai cấp mình thành ý chí nhà nước và như vậy buộc các giai cấp khác phải tuân theo trật tự phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị. Bằng cách đó giai cấp thống trị đã thực hiện sự chuyên chính của giai cấp mình đối với các giai cấp khác.
- Để thực hiện sự chuyên chính giai cấp, giai cấp thống trị không đơn thuần chỉ sử dụng bạo lực cưỡng chế mà còn thông qua sự tác động về tư tưởng. Chính vì vậy, khi nắm trong tay quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị, giai cấp thống trị còn thông qua nhà nước xây dựng hệ tư tưởng của giai cấp mình thành hệ tư tưởng thống trị trong xã hội, buộc các giai cấp khác phải lệ thuộc vào mình về mặt tư tưởng.
Như vậy, nhà nước là công cụ sắc bén thể hiện và thực hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, bảo vệ trước tiên lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội.
Nhà nước, hiểu theo nghĩa pháp luật, là một tổ chức xã hội đặc biệt của quyền lực chính trị được giai cấp thống trị thành lập nhằm thực hiện quyền lực chính trị của mình. Nhà nước vì thế mang bản chất giai cấp. Nhà nước xuất hiện kể từ khi xã hội loài người bị phân chia thành những lực lượng giai cấp đối kháng nhau; nhà nước là bộ máy do lực lượng nắm quyền thống trị (kinh tế, chính trị, tư tưởng) thành lập nên, nhằm mục đích điều khiển, chỉ huy toàn bộ hoạt động của xã hội trong một quốc gia, trong đó chủ yếu để bảo vệ các quyền lợi của lực lượng thống trị. Thực chất, nhà nước là sản phẩm của cuộc đấu tranh giai cấp. Ăngghen đã nêu rõ: “bản chất của nhà nước chẳng qua chỉ là một bộ máy trấn áp của một giai cấp này đối với một giai cấp khác, điều đó trong chế độ cộng hòa dân chủ cũng hoàn toàn giống như trong chế độ quân chủ vậy”. Với tư cách là bộ máy trấn áp của giai cấp này với giai cấp khác, nhà nước của giai cấp bóc lột là bộ máy được lập ra nhằm hợp pháp hóa và củng cố sự áp bức của giai cấp đó đối với giai cấp bị trị và đối với quần chúng nhân dân lao động. Tất cả mọi hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội do nhà nước tiến hành xét đến cùng đều xuất phát từ lợi ích và nhằm để phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị.
Các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra rằng: nhà nước là một hiện tượng thuộc kiến trúc thượng tầng trên một cơ sở kinh tế nhất định, đó là công cụ để duy trì sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác. Về bản chất giai cấp của nhà nước, V.I Lênin đã nhận định: “nhà nước là bộ máy để giai cấp này áp bức giai cấp khác, một bộ máy để duy trì dưới sự thống trị của một giai cấp lên tất cả các giai cấp bị lệ thuộc khác”.
– Tính xã hội
Tính xã hội là một thuộc tính khách quan phổ biến của nhà nước. Nhà nước ra đời và tồn tại trong xã hội bao gồm giai cấp thống trị và các giai cấp, tầng lớp dân cư khác. Bản thân giai cấp thống trị chỉ có thể tồn tại trong mối quan hệ với các giai cấp, tầng lớp dân cư khác. Bởi vậy, nhà nước ngoài tính chất là một công cụ duy trì sự thống trị và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị còn phải là một tổ chức quyền lực công. Quyền lực công là phương thức tổ chức bảo đảm lợi ích chung của xã hội. Nhà nước phải giải quyết những vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội, bảo đảm trật tự chung cho xã hội ổn định, tồn tại và phát triển. Do đó, nhà nước không chỉ bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị mà còn bảo vệ quyền lợi của giai tầng khác trong xã hội khi mà lợi ích đó không mâu thuẫn căn bản với lợi ích của giai cấp thống trị.
Các đặc trưng của nhà nước
Nhà nước xuất hiện dù với bất cứ nguyên nhân nào, với bản chất gì thì đều có những đặc trưng khác biệt so với tổ chức của xã hội thị tộc, bộ lạc và các tổ chức chính trị xã hội khác do giai cấp thống trị thiết lập và sử dụng để quản lý xã hội. Vì nhà nước là sản phẩm của xã hội có giai cấp và là biểu hiện của sự không thể điều hòa được các mâu thuẫn giai cấp đối kháng. Theo quan điểm của học thuyết Mác-Lênin, nhà nước có năm đặc trưng cơ bản:
Nhà nước có quyền quản lý dân cư, phân chia lãnh thổ thành các đơn vị hành chính
- Lãnh thổ và dân cư là hai yếu tố căn bản cấu thành nên nhà nước. Nếu như xã hội thị tộc, bộ lạc quản lý các thành viên của mình theo huyết thống thì nhà nước quản lý tổ chức dân cư theo các đơn vị hành chính lãnh thổ, không phụ thuộc huyết thống, giới tính, nghề nghiệp.
- Mọi nhà nước đều có lãnh thổ riêng để quản lý, chia lãnh thổ của mình thành các đơn vị hành chính như tỉnh, huyện, xã,… nhằm quản lý một cách chặt chẽ, hệ thống từ trên xuống dưới.
Nhà nước có quyền lực chính trị công cộng đặc biệt
- Khác với các tổ chức khác, nhà nước là tổ chức duy nhất thiết lập một quyền lực mà chủ thể của nó là giai cấp thống trị về kinh tế, chính trị, tư tưởng trong xã hội.
- Trong xã hội cộng sản nguyên thủy đã có quyền lực, nhưng đó là quyền lực xã hội, do tất cả các thành viên trong xã hội thiết lập và họ tự giác phục tùng, không cần một bộ máy cưỡng chế nào cả, do đó nó hòa nhập với toàn cư dân. Khi nhà nước ra đời thì quyền lực xã hội nhường chỗ cho một thứ quyền lực mới – quyền lực nhà nước của giai cấp thống trị, được đảm bảo thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế của nhà nước, bởi vậy nó không thể hòa nhập hoàn toàn với cư dân. Quyền lực này mang tính chính trị, giai cấp, được thực hiện bởi một bộ máy hùng mạnh nhất bao gồm hệ thống cơ quan, tổ chức và đội ngũ công chức đông đảo và nhiều loại. Hệ thống bộ máy này được tổ chức chặt chẽ từ trung ương xuống cơ sở, được vận hành theo những nguyên tắc, quy định thống nhất và thông suốt. Thông qua bộ máy này địa vị của giai cấp thống trị được duy trì, buộc các tầng lớp, giai cấp khác phải phục tùng theo ý chí của mình, ý chí của giai cấp thống trị trở thành ý chí nhà nước thống trị xã hội.
Nhà nước có chủ quyền quốc gia
- Chủ quyền quốc gia thể hiện quyền độc lập tự quyết của nhà nước về những chính sách đối nội và đối ngoại không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. Chủ quyền quốc gia là thuộc tính gắn liền với nhà nước, dân tộc.
- Tính tối cao của chủ quyền nhà nước thể hiện ở chỗ chỉ có quyền lực của nhà nước được trao quyền và có trách nhiệm về tuyên bố, thực hiện và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
- Dấu hiệu chủ quyền nhà nước thể hiện sự độc lập, bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc dù đó là quốc gia, dân tộc lớn hay nhỏ.
Nhà nước có quyền xây dựng, sáng tạo pháp luật
- Pháp luật là công cụ hỗ trợ giúp nhà nước tổ chức và quản lý xã hội. Nhà nước là tổ chức duy nhất có quyền ban hành pháp luật và bảo đảm thực hiện bằng sức mạnh cưỡng chế.
- Thông qua pháp luật, mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức phải tuân thủ và bảo vệ pháp luật.
Nhà nước có quyền ban hành các sắc thuế và thu thuế
- Để nuôi dưỡng bộ máy nhà nước, nhà nước phải đặt ra các loại thuế.
- Chỉ có nhà nước mới có quyền quy định việc thu thuế nhằm đảm bảo cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và giải quyết các công việc chung của toàn xã hội.
Nguồn tham khảo: topica.edu.vn