Trang chủ Tâm lý học Nhóm nhỏ là gì?

Nhóm nhỏ là gì?

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 789 views

Nhóm nhỏ

Nhóm nhỏ là nhóm có số lượng các thành viên không nhiều, các thành viên này liên kết với nhau bởi một hoạt động xã hội chung, giao tiếp với nhau một cách trực tiếp. Điều này là cơ sở để xuất hiện các mối quan hệ mang tính chất cảm xúc, các chuẩn mực và các quá trình nhóm.

Như vậy, nhóm nhỏ trước hết có những dấu hiệu chung, mà bất kỳ một nhóm nào được nghiên cứu trong tâm lý học xã hội cũng có. Đó là nhóm tồn tại một cách khách quan trong một hệ thống các mối quan hệ xã hội nhất định; nhóm là chủ thể của một loại hoạt động xã hội cụ thể, là bộ phận của hệ thống xã hội nhất định. Ngoài ra, định nghĩa này còn chỉ ra dấu hiệu khác biệt của nhóm nhỏ so với nhóm lớn. Đó là các mối quan hệ xã hội trong nhóm nhỏ được thể hiện dưới dạng các cuộc giao tiếp cá nhân một cách trực tiếp.

Nếu chúng ta nói nhóm nhỏ là nhóm có số lượng không nhiều các thành viên, thì số lượng tối thiểu và tối đa là bao nhiêu.

Trong tâm lý học xã hội đã từ lâu diễn ra cuộc tranh luận về vấn đề này.

Trong phần lớn các công trình nghiên cứu số lượng các thành viên trong nhóm nhỏ dao động từ 2 đến 7± 2 (trong 71% các trường hợp). Sự tính toán này dựa vào một quan điểm phổ biến cho rằng, số lượng tối thiểu các thành viên của nhóm nhỏ là 2 người. Nhưng một quan điểm khác cho rằng, số lượng tối thiểu là 3 người chứ không phải 2 người. Cho tới nay người ta vẫn còn tranh luận về vấn đề này.

Nhiều người đã cố gắng đưa ra các lý lẽ, lập luận chứng minh ưu thế của quan điểm cho rằng, số lượng tối thiểu của nhóm nhỏ là 3 người. Dựa vào những kinh nghiệm thu nhận được trong các cuộc nghiên nhóm nhỏ như là chủ thể và khách thể quản lý, các tác giả đưa ra các kết luận sau:

Trong nhóm nhỏ có 2 người chỉ ghi nhận được một kiểu, một hình thức giao tiếp đơn giản nhất. Đó là kiểu giao tiếp hoàn toàn mang tính chất cảm xúc. Nói chung, nhóm nhỏ có 2 người này rất khó nghiên cứu như là một chủ thể hoạt động thực sự, bởi vì trong nhóm này hầu như không thể tách được một kiểu giao tiếp được gián tiếp bởi hoạt động chung. Về nguyên tắc, chúng ta rất khó giải quyết xung đột có liên quan tới hoạt động chung trong nhóm này, bởi vì xung đột đó nhất định sẽ có đặc tính của xung đột hoàn toàn mang tính chất cá nhân giữa 2 người. Sự có mặt của người thứ 3 trong nhóm sẽ tạo ra một vị trí mới – vị trí người quan sát. Điều này là một yếu tố bổ sung thêm cho hệ thống các mối quan hệ qua lại đã được hình thành trong nhóm. Do người thứ 3 không trực tiếp tham gia vào xung đột, cho nên họ có thể đưa ra một cái gì đó cho mỗi bên tham gia vào xung đột. Cái này chính là điểm khởi đầu mang tính chất hoạt động, là cơ sở để giải quyết xung đột bằng cách đưa ra các cơ sở mang tính chất hoạt động vào trong xung đột này. Quan điểm này được nhiều người ủng hộ, nhưng không thể nói rằng vấn đề trên đã được giải quyết hoàn toàn.

Trong tâm lý học xã hội cũng đưa ra các câu trả lời khác nhau về số lượng tối đa các thành viên trong nhóm nhỏ. Một quan điểm được nhiều người ủng hộ, và dựa trên cơ sở phát minh của Miller về “con số huyền bí” ( 7± 2 ), cho rằng số lượng tối đa các thành viên trong nhóm là ( 7± 2 ). Chúng ta biết rằng con số này được tìm thấy, khi nghiên cứu dung tích của trí nhớ hành động, và đây cũng chính là số lượng các vật thể đồng thời cùng được lưu giữ trong trí nhớ. Người ta đã đưa ra những lập luận nhất định có lợi cho quan điểm này. Chẳng hạn, theo họ các thành viên trong nhóm nhỏ có mối quan hệ cá nhân trực tiếp với nhau, vì vậy mỗi cá nhân phải đồng thời giao tiếp, liên hệ với tất cả các thành viên khác trong nhóm. Điều này tương ứng với trí nhớ có thể đảm bảo được trong trường hợp nhóm có (7± 2 ) thành viên.

Nhưng quan điểm này đã không được chứng minh bằng thực nghiệm. Trong thực tế khi nghiên cứu chúng ta gặp phải các con số rất khác nhau về số lượng tối đa của các thành viên trong nhóm nhỏ: 10, 15, 20… Trong một vài nghiên cứu của Moreno, chúng ta có thể gặp các nhóm nhỏ tới 30 – 40 người.

Trong tâm lý học xã hội đã thông qua một nguyên tắc sau: nếu nhóm nhỏ được nghiên cứu, trước hết, như là một nhóm tồn tại một cách thực sự (nhóm có thực), và là chủ thể hoạt động, thì chúng ta không thể thiết lập, đưa ra một giới hạn cứng nhắc nào đó về số lượng tối đa của nhóm. Kích thước hiện có của nhóm nhỏ đang được nghiên cứu, và kích thước này đang được xác định bởi nhu cầu hoạt động chung của nhóm, sẽ là số lượng tối đa các thành viên trong nhóm. Nói cách khác, nếu nhóm nhỏ được tạo ra trong hệ thống các mối quan hệ xã hội với một số lượng cụ thể nào đó, và nếu số lượng này đủ để thực hiện một hoạt động nhất định, thì chính số lượng đó có thể coi là số lượng tối đa của nhóm.

Ví dụ: Gia đình là một nhóm nhỏ với số lượng các thành viên rất khác nhau (2,3,4,…17,18 người)

Một số cơ sở sản xuất như là một nhóm nhỏ có thể có số lượng rất khác nhau (5,10,…40 người), nếu như nó là một đơn vị được xác định bởi nhu cầu hoạt động của nó.

Phân loại nhóm nhỏ

Có nhiều cách phân loại dựa trên các cơ sở rất khác nhau. Các nhóm nhỏ khác nhau về thời gian tồn tại (lâu hay ngắn), về mức độ thân mật, gần gũi giữa các thành viên, về cách thức đưa cá nhân vào nhóm… Hiện nay, có khoảng 50 cơ sở khác nhau để phân loại nhóm nhỏ. Chúng ta chỉ nghiên cứu 3 cách phân loại phổ biến hơn cả.

Các nhóm nhỏ được chia thành các nhóm cơ sở và các nhóm cơ bản (hay các nhóm sơ cấp và các nhóm thứ cấp). Cách phân loại này lần đầu tiên được nhà nghiên cứu người Mỹ Cooley. Ch (1864 – 1929) đưa ra. Lúc đầu nó được dùng để mô tả các nhóm cơ sở, như gia đình, nhóm bạn bè, hàng xóm … Sau đó Cooley đưa ra một dấu hiệu nhất định cho phép xác định đặc điểm đặc trưng của các nhóm cơ sở. Đó là tính trực tiếp của các mối quan hệ. Còn trong các nhóm cơ bản không có các mối quan hệ một cách trực tiếp. Hiện nay, cách phân loại này ít có giá trị trong thực tế.

Các nhóm nhỏ được chia thành nhóm chính thức và nhóm không chính thức. Cách phân loại này đầu tiên được nhà xã hội học người Mỹ gốc Áo – Mayo. E (1880 – 1949) đưa ra. Theo ông, nhóm chính thức là nhóm mà trong đó tất cả các vị trí của các thành viên được xác định một cách cụ thể, rõ ràng bởi những chuẩn mực của nhóm. Như vậy, trong nhóm chính thức vai trò của tất cả các thành viên được phân chia cụ thể, chặt chẽ. Đồng thời, cả cấu trúc quyền lực (hệ thống các mối quan hệ theo chiều dọc được xác định bởi hệ thống vai trò và ví trí trong nhóm) cũng được xác định rõ. Ví dụ, đội sản xuất, lớp học, đội vận động viên thể thao … là các nhóm chính thức.

Nhóm không chính thức là những nhóm xuất hiện và được hình thành một cách tình cờ, ngẫu nhiên, trong đó không xác định rõ vai trò và vị trí của các thành viên, cũng không có hệ thống các mối quan hệ qua lại theo chiều dọc.

Nhóm không chính thức có thể hình thành bên trong nhóm chính thức. Chẳng hạn, trong các lớp hoc có thể xuất hiện những nhóm bạn bè thân thích và liên kết với nhau bởi một sở thích chung nào đó. Như vậy, bên trong nhóm chính thức có 2 cấu trúc mối quan hệ (các mối quan hệ chính thức và các mối quan hệ không chính thức). Nhưng các nhóm không chính thức có thể xuất hiện bên ngoài một nhóm chính thức nào đó. Chẳng hạn, mọi người ngẫu nhiên hợp lại với nhau để chơi bóng chuyền trên sân vận động, hay một nhóm bạn bè thân thiết là thành viên của các nhóm chính thức hoàn toàn khác nhau.

Trong thực tế rất khó phân chia một cách cụ thể, chặt chẽ thành những nhóm chính thức và những nhóm không chính thức. Vì vậy, đẻ giải quyết vấn đề này người ta đưa ra khái niệm cấu trúc chính thức và cấu trúc không chính thức trong nhóm nhỏ. Khi đó không phải là sự phân chia các nhóm nhỏ, mà là sự phân biệt các kiểu quan hệ trong các nhóm nhỏ.

Các nhóm nhỏ được chia thành nhóm thành viên và nhóm quy chiếu. Cách phân loại này lần đầu tiên được nhà tâm lý học xã hội người Mỹ G.Heimen đưa ra vào năm 1942 và chính ông là người phát hiện ra hiện tượng “nhóm quy chiếu”. Các thực nghiệm của ông cho thấy, một số thành viên của các nhóm nhỏ nhất định lại chia sẻ những chuẩn mực, hành vi được thông qua không phải trong nhóm của mình, mà trong một nhóm khác nào đó họ định hướng tới.

Theo ông, nhóm quy chiếu là những nhóm mà cá nhân không trực thuộc vào nó một cách thực sự (không phải là thành viên của nó), nhưng lại chấp nhận và chia sẻ các chuẩn mực của nhóm này. Sau đó các nhà nghiên cứu khác bổ sung thêm một số điểm cho nhóm quy chiếu. Nhóm quy chiếu có liên quan đến hệ thống các yếu tố, mà cá nhân sử dụng để so sánh vị trí của mình với vị trí của người khác.

Cách phân loại này đã mở ra một xu hướng có nhiều hứa hẹn trong việc nghiên cứu các vấn đề thực tế đặt ra, mà cụ thể trong lĩnh vực hành vi phạm tội. Để cố gắng giải thích hành vi phạm tội của trẻ em người ta đã sử dụng khái niệm “nhóm quy chiếu” nhằm trả lời câu hỏi: tại sao con người là thành viên của các “nhóm thành viên” khác nhau, như lớp học, đội thiếu niên, gia đình… bỗng nhiên bắt đầu định hướng tới các chuẩn mực của các nhóm hoàn toàn khác, mà lúc đầu người này không phải là thành viên của nhóm đó? Cơ chế tác động của nhóm quy chiếu cho phép đưa ra hững lập luận, sự giải thích ban đầu về hiện tượng này. Cụ thể, “nhóm thành viên” đã bị mất độ hấp dẫn của mình đối với cá nhân và cá nhân so sánh, đối chiếu hành vi của mình với nhóm khác. Dĩ nhiên, đây chưa phải là câu trả lời chính xác, đầy đủ. Ngoài ra, còn xuất hiện một câu hỏi khác: Tại sao nhóm này lại có giá trị quan trọng đối với cá nhân , còn nhóm khác lại đánh mất giá trị đó? Vấn đề này đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]