Trang chủ Quốc phòng An ninh Tổng động viên, động viên cục bộ Là gì? Khi nào? Ai là người ra lệnh?

Tổng động viên, động viên cục bộ Là gì? Khi nào? Ai là người ra lệnh?

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 227 views

1. Tổng động viên, động viên cục bộ là gì?

Trả lời: 

Tổng động viên là Huy động toàn bộ lực lượng của cả nước vào việc thực hiện nhiệm vụ của quốc gia. Theo quy định của Hiến pháp hiện hành, Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định việc tổng động viên. Chủ tịch nước là người có thẩm quyền ban hành Lệnh tổng động viên trên cơ sở nghị quyết của Ủy ban thường vụ quốc hội.

Động viên cục bộ là biện pháp huy động mọi nguồn lực của một hoặc một số địa phương trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.

2. Khi nào tổng động viên, động viên cục bộ? Ai là người ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ?

Trả lời: 

Khoản 1 Điều 19 Luật Quốc phòng năm 2018 quy định: Khi có quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh hoặc ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ (Khoản 2 Điều 19 Luật Quốc phòng năm 2018).

3. Phạm vi ban bố của Lệnh tổng động viên và Lệnh động viên cục bộ?

Trả lời: 

Khoản 3 Điều 19 Luật Quốc phòng năm 2018 quy định: Lệnh tổng động viên được ban bố công khai trên phạm vi cả nước; thực hiện toàn bộ kế hoạch động viên quốc phòng; hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu và đáp ứng các nhu cầu quốc phòng trong tình trạng chiến tranh.

Khi thực hiện lệnh tổng động viên, Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ được chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu phù hợp, mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định và được bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật; Quân đội nhân dân được bổ sung quân nhân dự bị.

Lệnh động viên cục bộ được ban bố công khai ở một hoặc một số địa phương và được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thi hành kế hoạch động viên quốc phòng; hoạt động kinh tế – xã hội của địa phương thuộc diện động viên được chuyển sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và nhu cầu quốc phòng (Khoản 4 Điều 19 Luật Quốc phòng năm 2018).

Khi thực hiện lệnh động viên cục bộ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra lệnh cho một số đơn vị Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ chuyển vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu phù hợp, bổ sung vật chất hậu cần, kỹ thuật; bổ sung quân nhân dự bị cho một số đơn vị Quân đội nhân dân, mở rộng lực lượng Dân quân tự vệ ở địa phương nhận lệnh động viên cục bộ.

4. Khi nào bãi bỏ việc tổng động viên hoặc động viên cục bộ? Ai là người ra lệnh bãi bỏ lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ?

Trả lời: 

Khoản 5 Điều 19 Luật Quốc phòng năm 2018 quy định: Khi không còn tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bãi bỏ việc tổng động viên hoặc động viên cục bộ.

Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ra lệnh bãi bỏ lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ (Khoản 6 Điều 19 Luật Quốc phòng năm 2018).

Rate this post

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]