Trang chủ Triết học Triết học Tây Âu thời Trung cổ

Triết học Tây Âu thời Trung cổ

by Ngo Thinh
749 views

Xã hội Tây Âu thời trung cổ là thời kỳ lịch sử ngàn năm(thế kỷ V đến XV). Đây là thời kỳ hình thành và phát triển của phương thức sản xuất phong kiến. Xét về triết học và khoa học thời kỳ này là một bước lùi so với thời Cổ đại.

1. Điều kiện ra đời và nét đặc thù triết học Tây Âu thời Trung cổ

Sự ra đời, phát triển và đặc điểm của triết học của Tây Âu thời trung cổ do hoàn cảnh kinh tế – xã hội, văn hóa, khoa học của thời kỳ này quy định.

Từ thế kỷ V đến XI, nền kinh tế Tây Âu là nền kinh tế tự nhiên, tự cung tự cấp. Sản phẩm làm ra chỉ đủ cung cấp cho công xã và thái ấp của giai cấp địa chủ phong kiến. Công xã và thái ấp là những tổ chức kinh tế khép kín. Sự hình thành vô số công xã, thái ấp phong kiến thời kỳ này đã tạo nên chế độ phong kiến cát cứ, phân quyền. Xã hội có hai giai cấp cơ bản là địa chủ và nông dân. Quyền chiếm hữu tư liệu sản xuất, tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm thuộc về giai cấp địa chủ. Mâu thuẫn cơ bản giữa giai cấp địa chủ và nông dân hết sức sâu sắc, cuộc đấu tranh giữa hai giai cấp này ngày càng diễn ra gay gắt. Do hoàn cảnh kinh tế – xã hội như vậy, tầng lớp nghèo khổ của xã hội chiếm đa số đã phải cầu đến đấng thiêng liêng che chở, họ theo đạo, đọc kinh và vào nhà tu nương tựa. Tôn giáo đặc biệt là đạo Cơ đốc phát triển mạnh. Tu viện mở nhiều và quyền vị của Giáo hoàng rất lớn.

Từ thế kỷ XII đến thế kỷ XV, nền kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương mại Tây Âu có bước phát triển mới, dân số tăng, khiến đô thị tăng về số lượng lẫn quy mô. Thợ thủ công quy tụ về các đô thị, thành lập nên các hiệp hội, phường hội và hội nghề nghiệp. Các hội này đã điều hành các hoạt động kinh tế, các hoạt động xã hội, tôn giáo. Về văn hóa xã hội trường học đã phát triển mạnh ở cả đô thị và làng quê, các trường đại học ra đời. (Pari, Bologna, Oxford). Bằng nhiều cách khác nhau, học vấn cổ điển như triết học, pháp luật, khoa học đã được khôi phục. Tiếng La tinh được dùng làm ngôn ngữ chính trong các trường học. Nghệ thuật kiến trúc Roman và Gothic phát triển… Chính sự phát triển kinh tế và văn hóa ở thời kỳ này đã làm cho chế độ phong kiến cát cứ phân quyền bộc lộ đầy đủ các mâu thuẫn vốn có của nó. Lực lượng chính để xóa bỏ chế độ phong kiến cát cứ phân quyền là sự liên minh giữa nhà vua và tầng lớp thị dân. Chế độ phong kiến tập quyền xuất hiện. Hệ tư tưởng của chế độ này vẫn là hệ tư tưởng Thiên chúa giáo.Sự thống trị của uy quyền phong kiến và thần quyền của giáo hội đã cản trở sự phát triển của khoa học, kỹ thuật. Triết học cũng bị lệ thuộc vào thần học, trở thành “tôi tớ” của thần học.

Ra đời trên cơ sở điều kiện kinh tế – xã hội và văn hóa của xã hội trung cổ, nét đặc thù của triết học thời kỳ này và chịu ảnh hưởng lớn của tư tưởng tôn giáo có tính chất “hướng ngoại”. Xu hướng trội của triết học là giúp giáo hội giải thích và luận chứng về mặt triết học các tín điều của tôn giáo. Vì vậy, trong suốt các thế kỷ trung cổ, triết học trở thành “đầy tớ của thần học”.

2. Tư tưởng triết học Tây Âu thời trung cổ

a) Tư tưởng triết học Tây Âu từ thế kỷ II – IV

Hệ tư tưởng của Tây Âu từ thế kỷ II – IV là tư tưởng Cơ đốc giáo. Tư tưởng triết học Cơ đốc giáo như là bước quá độ từ giai đoạn cổ đại sang trung đại, với những đại biểu nổi tiếng như Téctuliêng (160-230), Oguýtxtanh(354-430).

Téctuliêng là nhà thần học, nhà triết học La Mã. Trong mối quan hệ giữa trí tuệ với tôn giáo, ông cho rằng trí tuệ không có khả năng sáng tạo gì hết, còn tôn giáo trong nó bao hàm tất cả mọi thứ. Vì vậy khi nói về mối quan hệ giữa trí tuệ và lòng tin, ông hạ thấp vai trò của trí tuệ, ông cho rằng trí tuệ chỉ nhận thức được giới tự nhiên. Ông đề cao niềm tin tôn giáo, ông ca ngợi lòng tin vào những điều phi lý. Ông coi lòng tin vượt ra khỏi giới hạn nhận thức tự nhiên để nhận thức Thượng đế. Thượng đế theo Téc-tu-liêng là không nhìn thấy, mặc dù Thượng đế ở khắp mọi nơi; Thượng đế không thể cảm thấy mặc dù bằng mọi sự ban thưởng của mình, Thượng đế đã hiện hình trong mỗi chúng ta; Thượng đế không thể hiểu được, mặc dù lý trí của con người biết Thượng đế. Chính điều đó chứng minh sự tồn tại vĩ đại của Thượng đế.

Oguýtxtanh là giám mục là nhà thần học Cơ đốc giáo, nhà triết học thần bí, gần với tư tưởng của phái Platôn mới trong thời kỳ đế chế La Mã suy vong. Về thế giới, ông cho rằng Thượng đế sáng tạo ra thế giới. Thượng đế có sức mạnh vạn năng, có quyền lực tuyệt đối. con người có ý chí tự do nhưng chỉ trong giới hạn tiền định của Thượng đế, tức là nhà nước thế tục “tội lỗi”. Đời sống “trần gian” là tội lỗi và tạm thời, còn đời sống và hạnh phúc vĩnh hằng là ở “thành đô Thượng đế”, “mỗi con người là kẻ bộ hành tạm thời trên trái đất”, “là cây nến trước gió mạnh”… Quan điểm về nhà nước nhà trời và nhà nước trần gian của Oguýtxtanh đóng vai trò to lớn trong cuộc đấu tranh của các giáo hoàng chống nhà nước phong kiến thế tục. Về lý luận nhận thức ông coi quá trình nhận thức của con người là quá trình nhận thức về Thượng đế. Muốn nhận thức được Thượng đế phải nhờ lòng tin vào các tín điều của tôn giáo. Ông coi tin để mà hiểu, hiểu để mà tin. Để đạt tới chân lý, Oguýtxtanh cho rằng con người không cần đi khỏi tâm hồn mình mà đi từ trong tâm hồn sẽ chỉ ra chân lý tối cao và từ chân lý tối cao của con người sẽ nẩy sinh ra các chân lý. Chân lý tối cao ấy là Thượng đế.

Tư tưởng của Oguýtxtanh có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển sau đó của đạo Cơ đốc. Đến nay, học thuyết của ông vẫn được Giáo hội Tin lành cũng như Thiên chúa giáo sử dụng rộng rãi.

b) Triết học Kinh viện Tây Âu thời trung cổ.

– Từ thế kỷ IX các trường tu viện và giáo xứ ở nhiều địa điểm khác nhau ở Châu Âu trở thành những trung tâm giáo dục nổi tiếng. Sự phát triển các trường này dần dần trở thành cơ sở của hệ thống sư phạm và lý thuyết mà sau này có tên gọi là “triết học Kinh viện”, hay “triết học nhà trường”. Kinh viện là hình thức triết học thời trung cổ có nhiệm vụ chính không phải là mở ra những chân lý mới mà là giảng dạy, giải thích, bình luận kiến thức đã có. Vấn đề trung tâm của các nhà Kinh viện nghiên cứu là mối quan hệ giữa tri thức và niềm tin tôn giáo. Họ coi niềm tin tôn giáo giữ vị trí hàng đầu trong quan hệ với lý trí. Từ đó họ đi tới nghiên cứu những vấn đề triết học có liên quan, trong đó quan trọng nhất là “Khái niệm phổ biến” tức là chất của tư tưởng, của khái niệm phổ biến. Các nhà Kinh viện đề xuất một số ý kiến giải quyết vấn đề này. ý kiến thứ nhất khẳng định các “khái niệm phổ biến” tồn tại thật trong trí năng của Chúa và có trước sự vật. Quan điểm này được gọi là “thuyết duy thực” do triết gia thần học Origiennơ (810 – 877) đưa ra. ý kiến thứ hai khẳng định “khái niệm phổ biến” tồn tại sau sự vật, chúng chỉ là tên chung và quan niệm này gọi là “chủ nghĩa duy danh”.

– Xét về lịch sử, triết học Kinh viện chia ra một số thời kỳ: Triết học Kinh viện sơ kỳ (TKIX – XII) triết học Kinh viện thời kỳ hưng thịnh (TKXII – XIII) và thời kỳ suy thoái (TKXIII – XIV). Mỗi thời kỳ có những đại biểu tiêu biểu

Đặc trưng của triết học Kinh viện sơ kỳ là chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Platôn mới coi vật chất chỉ là cái từ linh hồn thế giới toát ra – do đó, nó là khâu thấp nhất trong vũ trụ. Muốn đạt chân lý không thể dựa vào lý tính và kinh nghiệm cảm giác, mà phải nhờ trạng thái nhập thần, thần bí. Đại biểu của triết học Kinh viện sơ kỳ có Giăngxicốt Ơrigiennơ (810877); Pie Abơla (1079-1142).

Ơrigiennơ người Ai-len, là nhà tư tưởng nổi tiếng thời trung cổ, theo chủ nghĩa duy thực triệt để. Vấn đề trung tâm trong học thuyết của ông là chứng minh cho sự tồn tại và vai trò tối cao của Thượng đế đối với giới tự nhiên, đời sống con người. Ông chia sự phát triển của giới tự nhiên qua các giai đoạn sau: a/ Giai đoạn đầu tự nhiên biểu hiện như vật sáng tạo, đó là Thượng đế, cơ sở đầu tiên của quá trình thế giới; b/ Giai đoạn hai là tự nhiên biểu hiện như vật sáng tạo vừa như vật được sáng tạo, đó chính là con của Thượng đế = Chúa Jésu; c/ Giai đoạn ba là giới tự nhiên được biểu hiện như vật được sáng tạo, đó chính là thế giới muôn loài trong đó có con người; d/ Giai đoạn bốn là tự nhiên được biểu hiện ra như vật sáng tạo và không sáng tạo đó là Thượng đế với tính cách là quá trình thế giới. Về mối quan hệ giữa lý trí và niềm tin ông cho rằng chúng có thể dung hợp với nhau, phủ nhận hoặc đề cao mặt nào đó là nguy hiểm cho nhà thờ. Về nhận thức, ông coi cái chung là cái có trước, quyết định cái riêng, cái chung là cái bản chất sự vật, các sự vật đầu bắt nguồn từ cái chung và cái chung đều chứa đựng các sự vật bên trong.

Pie Abơla là nhà thần học, triết học Kinh viện nước Pháp. Ông theo chủ nghĩa duy danh triệt để. Trong cuộc tranh luận về bản chất của các khái niệm phổ biến, ông cho rằng lý trí là tối cao vì nó cho ta điều kiện để chỉ ra toàn bộ những nội dung của chân lý tôn giáo, cho ta câu trả lời đúng về vấn đề nào của tín điều tôn giáo là xác đáng, về vấn đề nào của tín điều là không xác đáng. Từ đó ông nêu lên nguyên lý “hiểu để mà tin”, lòng tin phải phụ thuộc vào lý trí. Pie Abơla quan tâm nghiên cứu logíc học. Dựa vào logíc của Arixtốt, ông khẳng định khái niệm chung không tồn tại bên ngoài sự vật cụ thể, không có đời sống độc lập, nhưng nó không tồn tại trong bản thân các sự vật, không có trong từ ngữ mà nằm trong ý nghĩa của từ ngữ.

Những quan điểm của Pie Abơla đã bị giáo hội Thiên chúa giáo lên án là quan điểm dị giáo.

Đặc trưng triết học Kinh viện giai đoạn hưng thịnh là chịu ảnh hưởng những bộ phận lỗi thời trong thế giới quan của Aritốt, bác bỏ sự tìm tòi của cái mới trong khoa học. Đại biểu tiêu biểu cho triết học Kinh viện thời kỳ hưng thịnh là Tômát Đacanh (1225-1274), Giôhan ĐơnXcốt (12651308)).

Tômát Đacanh [1] là nhà thần học thời trung cổ, sinh ở Aquinô, tu sĩ dòng Đôminican.

Trong cuộc tranh luận về “các khái niệm phổ biến”. Tômát Đacanh đã bị chi phối bởi lập trường của “phái duy thực ôn hòa” và cho rằng cái chung tồn tại ba mặt: đó là cái chung tồn tại thực sự, có trước sự tồn tại của các sự vật riêng biệt, cái chung ấy là mẫu mực lý tưởng của các sự vật riêng lẻ; đó là khái niệm phổ biến hay là cái chung được tìm thấy trong các sự vật, tồn tại khách quan khi nó chứa đựng các sự vật riêng lẻ; đó là “khái niệm phổ biến” hay cái chung được tạo ra bằng con đường trừu tượng hóa của trí tuệ con người từ các sự vật riêng lẻ.

Khi giải quyết mối quan hệ giữa triết học và thần học, giữa lý tính với đức tin tôn giáo, ông cho rằng triết học và tôn giáo không đối lập nhau. Đối tượng của triết học là chân lý lý tính, của thần học là chân lý lòng tin tôn giáo. Ông đã chứng minh rằng đức tin và lý trí dù khác nhau, nhưng vẫn tạo nên sự thống nhất và hòa hợp với nhau. Vì khách thể cuối cùng của chân lý cũng giống như nguồn gốc của chân lý là Chúa, tức là không có sự mâu thuẫn về nguyên tắc giữa đức tin và lý trí, giữa thần học và triết học. Song, trên đường tới chân lý, lý trí có thể gặp những mâu thuẫn với các tín điều của đức tin, vì không phải bất kỳ chân lý nào của thần đều có chứng minh một cách hợp lý. Từ mâu thuẫn đó có thể làm cho lý trí bị sai lầm, nhưng đức tin, triết học, thần học thì không thể lầm. Triết học phục vụ thần học, thấp hơn thần học, như trí tuệ của con người thấp hơn sự anh minh của Chúa.

Từ năm 1879, hệ thống Kinh viện của Tômát Đacanh được coi là triết học chân thực của đạo Thiên chúa và sau đó được các nhà tư tưởng phản động sử dụng nhằm chống lại thế giới quan mác-xít.

Giôhan ĐơnXcốt là thầy tu thuộc dòng Phơranxican, là nhà duy danh lớn nhất Tây Âu thời trung cổ.

ĐơnXcốt đi sâu làm rõ sự khác nhau giữa triết học với thần học. Đối tượng của triết học là hiện thực khách quan, thần học là Thượng đế.

ĐơnXcốt cho rằng lý trí chỉ có thể nhận thức được ở tồn tại những gì mà nó không thể tách rời khỏi các tài liệu cảm tính, cho nên con người không có được một khái niệm nào về bản chất phi vật chất như Thượng đế. Tuy nhiên ĐơnXcốt không hạ thấp lòng tin tôn giáo. Ông cho rằng Thượng đế là một tồn tại bất tận, không thể chứng minh được bằng lý trí mà phải dựa vào lòng tin. Trong cuộc tranh luận thời trung cổ về “các khái niệm phổ biến”, ông đã giải thích theo quan điểm duy danh luận. Ông cho rằng chỉ có những sự vật riêng lẻ với những phẩm chất cá biệt của chúng là tồn tại thực tế. “Các khái niệm phổ biến” do tư duy của con người tạo nên về những sự vật ấy vừa không tồn tại độc lập đối với các sự vật vừa không phản ánh ngay được những đặc tính của chúng. Ông đã đưa vào logíc học khái niệm “nội hàm”. Lần đầu tiên Đơn Xcốt lấy ý nghĩa cụ thể (thuật ngữ của ông) đối lập với cái trừu tượng.

Bắt đầu từ cuối thế kỷ XIII, do sự phát triển của khoa học thực nghiệm và sự phát triển mạnh của phái duy danh trong quan niệm về “các khái niệm phổ biến” cho nên triết học Kinh viện thời cực thịnh chuyển sang giai đoạn mới là giai đoạn suy thoái. Đại biểu tiêu biểu có Rôgiê Bêcơn (1214-1294), Uyliam Ốccam (1300-1349).

Rôgiê Bêcơn là nhà bác học lớn nhất thế kỷ XIII đã coi triết học là khoa học lý luận chung giải thích mối quan hệ giữa các khoa học bộ phận, đem lại cho các khoa học đó những quan điểm cơ bản và bản thân triết học được xây dựng trên thành quả của các khoa học đó. Mặt khác, ông coi kinh nghiệm, sự suy luận hợp lý và uy tín là nguồn gốc cơ bản của nhận thức. Uy tín thiếu căn cứ thì chưa đủ. Tính chân lý, phải được khẳng định bằng kinh nghiệm. Ông viết: “Cao hơn tất cả những nhận thức có tính tư biện là kỹ năng tiến hành thực nghiệm và khoa học này là nữ hoàng của các ngành khoa học”[2]. Đối lập với chủ nghĩa Kinh viện, ông coi trọng lý trí, tri thức khoa học song nó phải được kiểm tra của kinh nghiệm và thước đo của lý luận, chân lý là kinh nghiệm. Trong tri thức khoa học, “không có sự nguy hiểm nào hơn là sự ngu dốt”. R. Bêcơn coi mục đích của khoa học là làm tăng quyền lực của con người đối với tự nhiên. Vì vậy ông hướng sự nghiên cứu của mình vào khoa học tự nhiên. Về xã hội, R.Bêcơn có những tư tưởng tiến bộ. Ông bênh vực quyền lợi của nhân dân, lên án sự áp bức bóc lột phong kiến. Ông cũng chống giáo hoàng và bóc trần những xấu xa của tầng lớp thầy tu, nhưng ông không chống tôn giáo nói chung.

Như vậy, tư tưởng triết học của R.Bêcơn bộc lộ xu hướng duy vật, ông luôn bị nhà nước phong kiến giáo hội truy nã và cầm tù. Tuy nhiên, R.Bêcơn không thể vượt qua những hạn chế của bản thân, của thời đại, cho nên bên cạnh những tư tưởng tiến bộ, ông còn có những hạn chế nhất định, chẳng hạn ông coi triết học phụ thuộc vào lòng tin.

Uyliam Ốccam là nhà thần học, triết học Kinh viện. Ông cho rằng chính quyền thế tục và thần quyền phải hoạt động tách rời nhau, chính quyền thế tục không phụ thuộc vào thần quyền. Ông coi giáo hoàng chỉ là một thể chế tạm thời, không phải luôn luôn đúng. Vị lãnh chúa tối cao là quốc vương thế tục. Thần quyền chỉ được ra lệnh những cái gì gắn với việc nghiên cứu với linh hồn trong nhà thờ. Về mối quan hệ giữa lý trí và lòng tin, ông cho rằng thần học chỉ thống trị vấn đề lòng tin dựa trên cơ sở linh cảm, còn những chứng minh bằng lý trí về lòng tin thì thần học không có khả năng, không có giá trị. Khi thảo luận về “các khái niệm phổ biến” tức là cái chung, Ốccam cho rằng cái chung chỉ tìm thấy trong tinh thần, trong từ ngữ. Chỉ có sự vật riêng lẻ đơn nhất là tồn tại thực. Khái niệm, danh từ chỉ là những ký hiệu của sự vật. Trong nhận thức, ông chia làm hai loại: nhận thức kinh nghiệm và nhận thức trừu tượng. Ông cho rằng nhận thức kinh nghiệm cao hơn nhận thức trừu tượng. Chỉ có sự vật riêng lẻ tồn tại thực, cho nên nhận thức phải được bắt đầu từ kinh nghiệm thông qua cảm giác.

Tư tưởng triết học của Ốccam đã góp phần thúc đẩy sự tan rã của triết học Kinh viện, dọn đường cho sự phát triển của khoa học tự nhiên. Dù bị giáo hội cấm đoán nhưng ở các trường đại học Tây Âu trung cổ đã thành lập trường phái Ốccam trong nghiên cứu các bộ môn khoa học tự nhiên.

3. Một số kết luận triết học Tây Âu trung cổ

Ra đời và tồn tại khoảng một thiên niên kỷ, triết học Tây Âu trung cổ là giai đoạn chịu ảnh hưởng lớn bởi tư tưởng tôn giáo. So với triết học Trung Quốc, Ấn Độ cùng thời, ta có thể rút ra những kết luận riêng cho triết học thời kỳ này như sau:

a) Triết học Tây Âu thời trung cổ bị chi phối mạnh bởi hệ tư tưởng Cơ đốc giáo có xu hướng “hướng ngoại”. Triết học chính thức của xã hội Tây Âu trung cổ là triết học Kinh viện – thấm đượm tinh thần duy tâm chủ nghĩa, coi khinh tri thức, coi khinh phương pháp quan sát, thực nghiệm. Xuất phát từ mục đích phục vụ tôn giáo, phục vụ nhà thờ, các nhà Kinh viện tìm cách đặt cơ sở lý luận cho thế giới quan tôn giáo, cho nên đã xuyên tạc các học thuyết triết học tiến bộ của Hy Lạp cổ đại, của xã hội đương thời.

b) Cuộc đấu tranh có xu hướng duy vật trong triết học, trong các phong trào tà giáo chống lại triết học Kinh viện, chống lại chủ nghĩa ngu dân và nhà thờ đã xuất hiện. Vấn đề quan tâm hàng đầu trong cuộc đấu tranh này là mối quan hệ giữa “cái chung” và “cái riêng”; cái nào có trước, cái nào có sau. Cuộc đấu tranh giữa các quan điểm khác nhau kéo dài hàng thế kỷ, có tầm quan trọng về mặt nhận thức, nó ẩn dấu cuộc đấu tranh giữa khuynh hướng duy vật và khuynh hướng duy tâm, nó phản ánh phong trào đấu tranh của quần chúng lao động chống lại trật tự thống trị của giai cấp phong kiến quý tộc và giáo hoàng.

c) Lịch sử triết học Tây Âu thời trung cổ rất phức tạp, đầy mâu thuẫn, nó phản ánh sự phức tạp, mâu thuẫn của xã hội đương thời. Trong sự phức tạp và mâu thuẫn ấy, những nhân tố tiến bộ đã xuất hiện chuẩn bị phủ định nền triết học Kinh viện, khôi phục lại những giá trị triết học, văn hóa của Hy Lạp cổ đại trên cơ sở kinh tế, xã hội mới, đó là xã hội tư bản.


[1] Còn có tên gọi là TÔ-MA ở ác-Vinô. Xem Từ điển triết học (bản tiếng việt) Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1986, tr 586.
[2] X. Carpusina… Lịch sử văn hóa thế giới. Nxb Thế giới. Hà Nội 2002, tr 384.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]