Trang chủ Triết học Triết học Tây Âu thời Phục Hưng và Cận đại

Triết học Tây Âu thời Phục Hưng và Cận đại

by Ngo Thinh
434 views

Thời kỳ hình thành phương thức sản xuất tư bản ở Tây Âu chia làm hai giai đoạn Phục hưng và Cận đại. Giai đoạn Phục hưng (thế kỷ XV và XVI ) là giai đoạn bắt đầu hình thành phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Giai đoạn Cận đại (thế kỷ XVII và XVIII ) là giai đoạn hình thành các dân tộc, các quốc gia tư sản.

1. Điều kiện ra đời và nét đặc thù của triết học

Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, ở Tây Âu, nền kinh tế tư bản chủ nghĩa với hình thức ban đầu là sản xuất công trường thủ công bắt đầu hình thành, phát triển, dần dần thay thế nền kinh tế tự nhiên. Công cụ sản xuất bằng máy cơ khí chiếm ưu thế đem lại năng suất lao động cao, làm thay đổi bộ mặt nền sản xuất xã hội. Mặt khác, những phát kiến về địa lý của Crixtốp Côlông, Magienlăng…. đã tạo điều kiện cho kinh tế thương mại phát triển. Về xã hội, sự phân hóa giai cấp ngày càng rõ. Tầng lớp tư sản trong đẳng cấp bình dân của xã hội xuất hiện với vị trí chủ xưởng, chủ thợ, chủ thuyền buôn… Nông dân di cư vào thành phố làm thuê ngày càng đông, là tiền thân của giai cấp vô sản sau này. Giai cấp tư sản đại diện cho phương thức sản xuất mới cùng với giai cấp nông dân trở thành lực lượng chính trong cuộc đấu tranh chống phong kiến. Từ thế kỷXVII – XVIII giai cấp tư sản giành được thắng lợi chính trị ở một số nước đã tạo nên vận hội mới cho sự phát triển xã hội. Về văn hoá, nền văn hóa Hy Lạp, tư tưởng thần học Trung cổ và tri thức khoa học tự nhiên là điều kiện quan trọng cho sự ra đời tư tưởng triết học thời kỳ Phục hưng, Cận đại. Các thành tựu văn hóa Hy Lạp như tư tưởng triết học và các tri thức khoa học tự nhiên nằm trong triết học đã được phục hồi dần sau thời Trung cổ. Sự thống trị về tinh thần của tôn giáo, nhà thờ trung cổ có ảnh hưởng tiêu cực và tích cực tới sự phát triển triết học. Khía cạnh tích cực của tôn giáo là đề cao giá trị và sức mạnh của con người trong nhận thức và cải tạo thế giới. Khía cạnh tiêu cực của tôn giáo là làm cho các nhà khoa học không tránh khỏi những quan niệm thần bí khi lý giải nguồn gốc lý tính của con người. Sau thời kỳ Phục hưng, các nước Tây Âu bước vào thời kỳ hình thành và phát triển mạnh mẽ chủ nghĩa tư bản. Khoa học tự nhiên đặc biệt là cơ học có vai trò rất lớn cho sự nghiệp công nghiệp hoá tư bản chủ nghĩa.

Từ những thay đổi sâu sắc về kinh tế – xã hội và văn hóa như trên, triết học thời kỳ này có bước phát triển mới về chất. So với triết học phương Đông cùng thời, nét đặc thù của triết học Tây Âu thời Phục hưng và Cận đại có xu hướng chung là duy vật, nhưng là triết học duy vật siêu hình, máy móc và phương pháp siêu hình thống trị phổ biến trong lĩnh vực tư duy triết học và khoa học.

2. Tư tưởng triết học Tây Âu thời Phục hưng

Phục hưng(văn hóa) là trào lưu văn hoá, văn học, học thuật xuất phát từ Italia, sau đó lan ra Tây Âu và Trung Âu. Các trào lưu này chống lại tư tưởng thời trung cổ, chủ trương phục hưng tinh thần và hình thức văn hoá – Hy Lạp – La Mã cổ đại. Phục hưng (triết học) là những học thuyết triết học và xã hội học phát triển ở Tây Âu trong thời kỳ tan rã của chế độ phong kiến và hình thành xã hội tư sản thời kỳ đầu (thế kỷ XVXVI).

 a) Tư tưởng triết học của những người mở đầu thời kỳ Phục hưng

Nicôlai Cudan (1401 – 1464) là nhà triết học, bác học, thần học Đức. Ông phê phán các giáo lý trung cổ, và muốn thay thế thần học trung cổ bằng thần học mới. Ông coi Thượng đế hoà lẫn với giới tự nhiên. Quá trình phát triển ngày càng hoàn thiện của thế giới chính là quá trình Thượng đế ngày càng biểu hiện thành giới tự nhiên. Tư tưởng biện chứng về tính tương đối của nhận thức đã được Cudan cho rằng Thượng đế là sự thống nhất tất cả các mặt đối lập: hữu hạn và vô hạn, nhỏ nhất và lớn nhất, đơn nhất và vô số. Chân lý là giới hạn vô cùng tận của lý tính con người. Hiểu biết của con người càng rộng, càng sâu là cơ sở tiến tới chân lý. Muốn nhận thức được chân lý thì phải dựa vào kinh nghiệm. Chỉ có bằng con đường trực giác, bằng áp dụng các thí nghiệm trong khoa học tự nhiên thì mới hiểu được các mặt đối lập trùng hợp với nhau trong sự thống nhất tối cao của thế giới. Về con người, ông coi con người là sản phẩm tối cao trong sự sáng tạo của Thượng đế. Ông coi con người vừa là một sinh vật cao cấp vừa là một thượng đế đang thường xuyên tác động vào các sự vật tự nhiên. Quan niệm của Cudan về con người là một bước tiến mới của triết học Phục hưng so với thời Trung cổ.

Nicôlai Côpécních (1473 – 1543) là nhà thiên văn, nhà triết học người Ba lan. Ông là người đầu tiên nhận thấy thuyết “địa tâm” của Arixtốt-Ptôlêmê đã không giải thích được các hiện tượng thiên văn và còn là chỗ dựa cho thần học và giáo hội chống lại khoa học. Từ đó, Côpécníchtập trung nghiên cứu, nêu lên thuyết “nhật tâm”. Thuyết “Nhật tâm” của Côpécních đã bác bỏ thuyết “địa tâm”của Arixtốt-Ptôlêmê, bác bỏ các quan điểm tôn giáo coi trái đất là con cưng của Thượng đế, bác bỏ quan điểm về sự đối lập giữa sự vận động trên trời và sự vận động dưới đất. Thuyết “Nhật tâm” có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển triết học và khoa học. Trong lịch sử khoa học, học thuyết Côpécních là “hành vi cách mạng mà khoa học tự nhiên dùng để tuyên bố sự độc lập của mình” là “thách thức quyền uy của giáo hội trong các vấn đề của tự nhiên”, nó mở đầu cho “khoa học tự nhiên được giải phóng khỏi thần học”[1].

b) Tư tưởng triết học ở Italia thời kỳ Phục hưng

Vào thế kỷ cuối XV – đầu XVI, Italia là nước phát triển về xã hội, văn hóa, triết học và tư tưởng nhân đạo. Các nhà triết học, xã hội học, khoa học tập trung ca ngợi sức mạnh của con người, ca ngợi tinh hoa văn minh cổ đại. Đây là cơ sở để tập hợp các tầng lớp tiến bộ trong xã hội, làm đảo lộn thế giới quan và nhân sinh quan của Kitô giáo.

Gioócđanô Brunô (1548 – 1600) là nhà triết học nhân văn, là nhà khoa học tự nhiên là người đầy nhiệt huyết đấu tranh chống triết học Kinh viện và giáo hội Thiên chúa giáo ở Italia.

Thế giới quan của Brunô chịu ảnh hưởng lớn tư tưởng triết học cổ đại, tư tưởng duy vật và của khoa học đương thời. Ông đã đồng nhất một cách triệt để Thượng đế vô hạn với giới tự nhiên. Phạm trù triết học trung tâm của ông là “cái duy nhất”. “Cái duy nhất” chính là thượng đế tồn tại dưới dạng giới tự nhiên được hiểu như một thế giới độc lập chứ không phải do cái gì sáng tạo ra. Trong thực tế ông chỉ thừa nhận Thượng đế trên danh nghĩa vì theo ông mọi sự vật chỉ là những dạng biểu hiện của “cái duy nhất”, sự vật biến đổi không ngừng, còn “cái duy nhất” bất biến. Ông đã cụ thể hóa ý nghĩa vật lý và thiên văn của học thuyết “Nhật tâm”, đồng thời, làm cho học thuyết này thoát khỏi những hạn chế: như coi mặt trời là bất động và là trung tâm tuyệt đối của vũ trụ; là tính hữu hạn của vũ trụ bị khép kín bởi một phạm vi những ngôi sao bất động. Ông đã phát triển một số nguyên lý biện chứng về tính thống nhất, tính liên hệ và sự vận dụng phổ biến trong tự nhiên, về sự trùng hợp của các mặt đối lập trong cái lớn vô hạn và trong cái nhỏ vô hạn. Ông chống lại giáo lý hoang đường của nhà thờ và triết học Kinh viện trung cổ bằng cách nêu ra nguyên lý nghi ngờ. Ông cho rằng để đi tới chân lý phải dựa vào lý trí, phải trên cơ sở thực nghiệm. Chỉ có chân lý khoa học không có chân lý của niềm tin và chân lý kép. Đối tượng của nhận thức là giới tự nhiên. Con đường nhận thức là từ cảm giác đến lý trí và cuối cùng là trí tuệ.

Galilêô Galilê (1564-1642) là nhà toán học, vật lý học, triết học, thiên văn học. Đóng góp chủ yếu của Galilê cho cơ học là xác lập định luật quán tính, lực rơi và gia tốc trọng trường. Ông đã chế ra được kính viễn vọng để quan sát bầu trời, quan sát mặt trời, mặt trăng, các vệ tinh… Các phát hiện về thiên văn của ông được dùng làm luận cứ quan trọng để chứng minh cho tính chân lý của hệ mặt trời là trung tâm của Copécních. Thành tựu khoa học của ông có ý nghĩa triết học quan trọng trong cuộc đấu tranh chống tín điều tôn giáo.

Thế giới quan của Galilê là thế giới quan tiến bộ thời bấy giờ. Ông cho rằng thế giới là vô tận, vật chất là vĩnh viễn, tự nhiên là thống nhất. Về nhận thức, ông cho rằng quan sát và thí nghiệm là điểm xuất phát của nhận thức về giới tự nhiên. Nhận thức tính tất yếu bên trong các sự vật và hiện tượng là trình độ cao nhất của sự hiểu biết. Nhận thức của con người là vô hạn, nhưng những gì chúng ta đã biết là quá ít so với những gì chúng ta chưa biết. Do quá đề cao toán học nên ông coi ngôn ngữ cơ bản về giới tự nhiên là ngôn ngữ hình học, từ đó ông quy sự vật, hiện tượng tự nhiên về dạng hình học, đó là quan niệm duy vật máy móc về giới tự nhiên. Tuy nhiên do ảnh hưởng tư tưởng tôn giáo, ông thừa nhận cái hích đầu tiên của Thượng đế và vẫn thừa nhận chân lý kép. Ông coi khoa học và tôn giáo là hai lĩnh vực đều cần cho đời sống tinh thần của con người.

c) Phái nhân đạo và chủ nghĩa cộng sản không tưởng thời Phục hưng

Cùng với sự phát triển kinh tế, của thế kỷ XVI là sự phát triển tư tưởng, văn hóa mà đỉnh cao là chủ nghĩa nhân đạo. Nhiều nhà tư tưởng tiến bộ thời kỳ này mong muốn xây dựng một xã hội mới phồn vinh, đem lại hạnh phúc cho mọi người, điển hình là Tômát Môrơ và Tômadô Cămpanenla.

Tômát Môrơ (1478-1535) là người sáng lập ra chủ nghĩa xã hội không tưởng. Tư tưởng chủ nghĩa xã hội không tưởng của Môrơ gắn liền với câu chuyện về chuyến du lịch đến xứ U-tô-pi (không tưởng). Qua câu chuyện, Môrơ tập trung phê phán rộng rãi, công khai chế độ tư hữu, phê phán chính trị – xã hội Anh lúc bấy giờ. Ông là người đầu tiên trình bày một cách nhất quán tư tưởng xã hội hóa sản xuất, tư tưởng tổ chức lao động và phân phối cộng sản chủ nghĩa. Cơ sở kinh tế của nhà nước Utôpi mà ông muốn là gia đình và sản xuất dựa trên thủ công nghiệp. Người dân sống trong nhà nước Utôpi là tự do, dân chủ, bình đẳng, không đối lập giữa thành thị với nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay. Con người làm việc 6 giờ mỗi ngày, thời gian còn lại giành cho khoa học và nghệ thuật. Việc phát triển nhân cách toàn diện là kết hợp giáo dục lý luận với lao động. Ông không hiểu được sự cần thiết phải phát triển kỹ thuật lên trình độ cao để thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Ông mơ ước chuyển sang chế độ mới bằng con đường hòa bình.

Tômađô Cămpanenla (1568 – 1639) là nhà triết học, xã hội không tưởng. Ông đại diện cho tinh thần Phục hưng ở Italia, tư tưởng của ông là đề cao nhân bản, đề cao lý tính, đề cao khoa học. Tư tưởng triết học có khuynh hướng phiếm thần luận, triết học tự nhiên. Nhận thức luận của ông đòi hỏi phải trải qua kinh nghiệm, phải nghiên cứu tự nhiên. Ông chủ trương một liên minh quốc gia hòa bình, hạnh phúc, của cải là chung, tự do tôn giáo.

Tác phẩm chính của ông viết trong những năm ngồi tù là “Đô thị mặt trời” xuất bản 1623 với nội dung chủ yếu là đề ra một chủ nghĩa cộng sản tuyệt đối không có tư hữu, không có gia đình và tiền tệ. Cai trị xã hội là những người trí thức với một đại diện của Thượng đế. Lao động là nhu cầu cơ bản của con người. Tư tưởng của ông thể hiện nguyện vọng của người dân nghèo và trí thức lớp dưới của xã hội Italia.

Nhìn chung quan điểm của Môrơ và Cămpanenla là không tưởng vì họ không tìm được lực lượng xã hội để thực hiện lý tưởng ấy. Họ mơ ước có một xã hội công bằng nhưng không thấy được vai trò của lợi ích cá nhân trong hoạt động của con người. Thực chất quan điểm của họ là chủ nghĩa cộng sản Cơ đốc giáo thời Phục hưng.

3. Triết học Tây Âu thời Cận đại (XVII – XVIII)

Từ thế kỷ XVII-XVIII ở Tây Âu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh đã làm cho mâu thuẫn với phương thức sản xuất phong kiến ngày càng gay gắt, làm cho khoa học tự nhiên có sự phát triển nhảy vọt. Sự phát triển về kinh tế – xã hội, văn hoá như trên đã làm cho tư tưởng triết học thời kỳ này có sự phát triển mới về chất, hình thức biểu hiện phong phú.

a) Triết học duy vật Anh thế kỷ XVII

Từ thế kỷ XVII, nước Anh đã đạt tới sự phát triển thịnh vượng về kinh tế, xã hội, văn hóa và khoa học thực nghiệm. Do ảnh hưởng của sự phát triển ấy mà tính duy vật, duy cảm là một trong những đặc trưng của triết học Anh thế kỷ XVII. Mặt khác, do ảnh hưởng tư tưởng tôn giáo, thế giới quan của các nhà duy vật Anh cũng thiếu triệt để.

Phranxi Bêcơn (1561 – 1626)

Phranxi Bêcơn (1561 – 1626) là nhà triết học Anh, người sáng lập ra chủ nghĩa duy vật và khoa học thực nghiệm cận đại.

Về triết học, do ảnh hưởng của quan niệm “triết học là khoa học của các khoa học”, Bêcơn coi triết học là tổng thể tri thức lý luận của con người về Thượng đế, về giới tự nhiên, về con người. Nhiệm vụ của triết học là cải tạo lại toàn bộ tri thức mà con người đã đạt được tới thời đại đó, đồng thời nắm bắt trật tự của giới tự nhiên, xây dựng trong trí tuệ con người một kiểu mẫu của thế giới giống như nó tồn tại thực tế[2] và thực tiễn là người bảo lãnh và ghi nhận tính chân lý của triết học[3]. Công lao phát triển triết học của ông là ở chỗ:

– Thứ nhất, ông đã khôi phục được truyền thống duy vật và đánh giá lại các học thuyết triết học của quá khứ.

– Thứ hai, Bêcơn đã đề ra một quan niệm duy vật riêng về tự nhiên, mà cơ sở của nó là một quan niệm coi vật chất là tổng hợp các hạt, coi tự nhiên là tổng hợp những vật thể có những chất lượng muôn màu muôn vẻ.

Vận động là một tính chất không thể tách rời vật chất; ông nêu lên 19 dạng vận động. Ông coi đứng yên là một hình thức của vận động, coi vận động là một tính chất không tách rời vật chất, bắt đầu tính bảo toàn của vận động vật chất. Về nhiệm vụ của khoa học, Ph. Bêcơn là bác bỏ triết học Kinh viện, phủ nhận uy quyền của giáo hội và coi nhiệm vụ của khoa học là làm tăng quyền lực của con người đối với tự nhiên, là mục đích của tri thức. Ông cho rằng chỉ có khoa học nào hiểu được những nguyên nhân thực sự của các hiện tượng thì mới có thể mở rộng được quyền lực của con người đối với tự nhiên.

Ông coi khoa học trước kia đã mắc phải hoặc là “chủ nghĩa giáo điều” khi nhà khoa học rút ra một hệ thống nguyên lý từ những khái niệm riêng của mình tựa như con nhện dăng tơ vậy; hoặc là mắc phải “chủ nghĩa kinh nghiệm” khi nhà khoa học chỉ ra sức thu thập những sự kiện và không suy nghĩ đến ý nghĩa của chúng. Vì vậy, ông hoài nghi tất cả tri thức trước kia. Để đạt tới tri thức chính xác, phải cải cách phương pháp: trước hết phải gột sạch được những sai trái, sau đó chuyển qua phương pháp nhận thức của khoa học mới. Phương pháp quy nạp là phương pháp nhận thức mới của khoa học thực nghiệm.

Phương pháp quy nạp phải qua ba bước: a/ Quan sát sự vật, hiện tượng giới tự nhiên với sự đa dạng và sinh động của nó; b/ Trên cơ sở những tri thức cảm tính thu thập được lập bảng so sánh, phân tích tạo tiền đề, tiến lên quy nạp với những “bậc phủ định”. Trong lý luận quy nạp, lần đầu tiên Bêcơn chỉ ra ý nghĩa của những bậc thang phủ định, tức là việc lựa chọn những trường hợp khác với sự khái quát và do đó, đòi hỏi phải xem xét lại sự khái quát đó, coi như chưa đầy đủ căn cứ; c/ Kiểm tra giả thuyết bằng thực nghiệm.

C. Mác đã đánh giá Ph. Bêcơn là ông tổ thực sự của chủ nghĩa duy vật Anh và tất cả những khoa học thực nghiệm hiện đại.

Tuy nhiên, Bêcơn chưa phải là nhà duy vật triệt để, vì bàn đến xã hội, ông thể hiện sự không tưởng khi ông miêu tả một xã hội lý tưởng dồi dào về kinh tế, cuộc sống được tổ chức trên những cơ sở của khoa học và kỹ thuật cao, nhưng vẫn duy trì sự đối lập giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị.

 Tômát Hốpxơ (1588 – 1679)

Tômát Hốpxơ (1588 – 1679) là nhà triết học duy vật máy móc của Anh. Ông coi triết học là hoạt động trí tuệ của con người nhằm khám phá bản chất sự vật, cho nên nó là học thuyết về vật thể, các khoa học cụ thể khác chỉ là những hình thức khác nhau của triết học. Ông chia triết học ra thành “triết học tự nhiên” nghiên cứu các vật thể tự nhiên, “triết học thông thường” nghiên cứu xã hội và con người. Ông là nhà duy vật cơ học điển hình, luôn coi cơ học và toán học là mẫu mực của tư duy khoa học. Vì vậy, trong phần triết học về tự nhiên, Hốpxơ cho rằng thế giới vật chất tồn tại khách quan, không do thần thánh tạo ra và không phụ thuộc vào ý thức của con người. Song, thế giới vật chất của Hốpxơ là thế giới những vật thể riêng lẻ, đều được quy về quan hệ số lượng cơ học, toán học, nên là thế giới không có thuộc tính, không màu sắc. Ông không thừa nhận sự tồn tại khách quan về sự đa dạng của thế giới, đó chẳng qua là đặc tính tri giác của con người. Ông thừa nhận thế giới vật chất luôn luôn vận động, song ông quy mọi vận động về vận động cơ học. Về nhận thức luận, Hốpxơ đã phê phán thuyết ý niệm bẩm sinh của Đềcáctơ và phát triển kinh nghiệm luận của Ph. BêCơn. Ông coi đối tượng của nhận thức là vật chất cùng với quan hệ số lượng cơ học và toán học. Con người có thể nhận thức sự vật nhờ cảm giác và lý trí. Cảm giác và kinh nghiệm là khởi đầu của nhận thức. Lý trí đi sâu phân tích sự vật để nắm bản chất sự vật nên ngoài phương pháp quy nạp còn phải có phương pháp diễn dịch. Khi bàn tới chân lý ông cho rằng bản thân sự vật không giả dối, mà sự giả dối hay chân thực phụ thuộc vào việc nhận định của con người.

Hốpxơ coi con người là một thực thể thống nhất của tính tự nhiên và tính xã hội. Về bản tính tự nhiên thì mọi người sinh ra đều giống nhau. Song trong cuộc sống, ai cũng có nhu cầu, ai cũng có tính ích kỷ về quyền lợi riêng của mình, nên đó là tiền đề của các điều ác, của các cuộc chiến tranh. Vì vậy, loài người cần sáng tạo ra nhà nước dựa vào khế ước xã hội, ở khế ước ấy, các cá nhân trao quyền bảo vệ mình cho một chính thể độc đoán hay một hội đồng chấp chính. Kết quả của sự sáng tạo ra nhà nước là làm cho “trạng thái tự nhiên” của con người chuyển sang “trạng thái xã hội”. Vậy, theo Hốpxơ, nhà nước là do con người lập ra để giữ gìn trật tự, điều hành sự phát triển của xã hội, xử phạt những ai vi phạm lợi ích chung và mỗi công dân phải tuân theo pháp luật nhà nước. Lý luận về xã hội và nhà nước của Hốpxơ bắt đầu có những mầm mống của quan niệm duy vật về các hiện tượng xã hội.

Giôn Lốccơ (1632 – 1704)

Giôn Lốccơ (1632 – 1704) là nhà triết học duy vật, tâm lý học, giáo dục học, kinh tế học Anh. Tư tưởng triết học của Giôn Lốccơ chủ yếu bàn về nhận thức luận, bao gồm những nội dung chủ yếu sau:

Ông phê phán quan điểm coi tư tưởng con người là bẩm sinh và cho rằng đầu óc của đứa trẻ như tờ giấy trắng, không có sẵn khái niệm và nguyên lý bẩm sinh nào cả. Ông đồng tình với quan điểm của Ph. Bêcơn coi tri thức của con người bắt nguồn từ kinh nghiệm. Ông coi kinh nghiệm là nguồn gốc duy nhất của mọi ý niệm. Kinh nghiệm, theo Giôn Lốccơ có kinh nghiệm bên ngoài (khả năng nhận thức cảm tính) và kinh nghiệm bên trong (khả năng nhận thức lý tính). Từ đó ông chia quá trình nhận thức thành hai giai đoạn: a/ Các sự vật tác động vào các giác quan đưa lại cho con người những tư liệu về đặc tính bên ngoài của các sự vật dưới dạng đơn nhất và tri thức của giai đoạn này chỉ là những ý niệm đơn giản; b/ trên cơ sở tài liệu cảm tính đem lại, lý tính bắt đầu quá trình so sánh, phân tích, tạo ra các phạm trù, khái niệm chung và tri thức ở giai đoạn này là những ý niệm phức tạp. Sự phân chia như vậy là hợp lý, nhưng ông chỉ thừa nhận mọi sự vật trong giới tự nhiên tồn tại dưới dạng đơn nhất và tri thức về nó là những ý niệm đơn giản. Còn các ý niệm phức tạp chỉ là kết quả hoạt động chủ quan của con người.

Từ các quan điểm trên, ông đã chia tính chất của các sự vật thành “chất có trước” là đặc tính khách quan có cái thuộc tính như hình thể, quảng tính, vận động, cân đo được, còn “Chất có sau” là chủ quan có các thuộc tính như màu sắc, mùi vị, âm thanh… Khi trình bày nguồn gốc “chất có sau” = chủ quan, quan điểm của Lốc cơ không nhất quán: khi thì cho rằng đó là do sự tác động của sự vật khách quan vào các giác quan của con người; khi thì cho chúng là sản phẩm chủ quan của con người.

Tuy ông phê phán các giáo lý và tổ chức giáo hội, nhưng ông lại thừa nhận một tôn giáo “tự nhiên”, gọi là tự nhiên thần luận.

Do tính chất mâu thuẫn và thỏa hiệp nên triết học của Lốccơ là điểm xuất phát cho hai trào lưu đối lập nhau ra đời. Các nhà duy vật Pháp thế kỷ XVIII đã đánh giá cao Lốccơ, đã phát triển duy giác luận của ông, làm cho nó thoát khỏi những lớp duy tâm phủ bên ngoài. Còn các nhà duy tâm chủ quan Anh, tiêu biểu là Béccơli thì lại lợi dụng những yếu tố hạn chế trong duy giác luận của Lốccơ và đưa những yếu tố ấy đến chỗ hoàn toàn phi lý. Vì vậy duy giác luận tự nó chưa phải là chủ nghĩa duy vật, Béccơli và Điđrô, cả hai đều xuất phát từ Lốccơ[4].

b) Siêu hình học thế kỷ XVII

Thuật ngữ “siêu hình học” với nghĩa “là những cái gì sau vật lý học”, được dùng vào thế kỷ I trCN để đặt tên cho tập hợp các tác phẩm có đối tượng nghiên cứu khác tác phẩm “Vật lý học” của Arixtốt. Về sau, trong lịch sử triết học trước Mác, “siêu hình học” được gọi là triết học. Vào thời trung cổ ở Tây Âu, “siêu hình học” được dùng làm luận chứng triết học cho thần học. Vào thế kỷ XVI ở Tây Âu, “siêu hình học” và “bản thể luận” có nghĩa như nhau. Đến thế kỷ XVII bên cạnh xu hướng duy vật duy giác luận của triết học Anh, có xu hướng siêu hình học phát triển. Siêu hình học thời kỳ này dựa trên cơ sở sự gắn bó giữa tri thức triết học với tri thức khoa học khác chưa tách khỏi triết học. Đại biểu tiêu biểu cho siêu hình học cận đại là Rơnê Đềcáctơ, Barúc Xpinoza, Gốtphrít Vinhem Laibnitxơ…

Rơnê Đềcáctơ (1596 – 1654)

Rơnê Đềcáctơ (1596 – 1654) là nhà triết học, toán học, vật lý học và nhà sinh lý học Pháp. Triết học của Đềcáctơ gắn bó mật thiết với thành tựu khoa học: toán học, cơ học, lý thuyết nguồn gốc vũ trụ.

Tư tưởng triết học duy vật của Đềcáctơ gắn liền với toán học, vật lý học, thuyết nguồn gốc vũ trụ và sinh lý học của ông. Trong vật lý học duy vật, những nguyên lý cơ bản được ông nêu lên gồm: vũ trụ là vật chất; vũ trụ là vô tận; vật chất bao gồm những hạt nhỏ có thể phân chia đến vô tận; các hạt vật chất luôn luôn vận động, thường xuyên thay đổi vị trí trong không gian, không có không gian trống rỗng; bản chất của vật chất là quảng tính; quảng tính là thuộc tính của vật thể; trừ thần linh ra không có một lực lượng nào tồn tại bên ngoài vật chất[5]. C. Mác và Ăngghen cho rằng “trong phạm vi vật lý học của ông, vật chất là thực thể duy nhất, là căn cứ duy nhất của tồn tại và của nhận thức”(2). Trong lĩnh vực vũ trụ học, ông cho rằng quá trình vận động của cơn lốc thế giới hình thành các loại hạt vật chất khác nhau. Các hạt lớn hình thành “yếu tố đất”, các hạt nhỏ hình thành “yếu tố không khí”, những hạt tinh vi hợp thành “yếu tố lửa”. Các hành tinh hình thành từ những hạt lớn và nặng trong quá trình vận động xoay tròn cơn lốc vật chất. Trong sinh lý học, ông tập trung phát triển luận đề duy vật về sự phụ thuộc tinh thần vào cơ cấu vật chất, vào trạng thái các cơ quan trong cơ thể. Trên cơ sở luận đề ấy, Đềcáctơ đi sâu bàn đến vai trò của y học. Ông viết: “không có công việc nào bổ ích hơn là sự nhận thức chính mình. Cái lợi có thể chờ đợi từ sự nhận thức đó… chủ yếu thuộc về lĩnh vực y học. Y học có thể đưa ra rất nhiều chỉ dẫn có căn cứ cho việc điều trị và phòng ngừa bệnh tật cũng như làm chậm lại quá trình già nua nếu nó nghiên cứu đầy đủ cơ thể chúng ta”[6].

Tư tưởng triết học duy tâm và nhị nguyên luận của Đềcáctơ thể hiện khi cho rằng nguyên nhân chung của vận động là Thượng đế. Tư tưởng duy tâm và nhị nguyên còn thể hiện khi bàn đến con người. Trong con người, theo Đềcáctơ, một cơ chế thể xác không hồn và vô sinh thực sự gắn liền với linh hồn tư duy. Thể xác và linh hồn không đồng nhất, tác động qua lại thông qua một cơ quan đặc biệt. Trong sinh lý học, Đềcáctơ đã lập ra một sơ đồ của những phản ứng vận động, sơ đồ này là một trong những miêu tả khoa học đầu tiên của phản xạ vô điều kiện sơ khai. Như vậy sinh lý học duy vật của Đềcáctơ lại kết hợp một cách mâu thuẫn với học thuyết về tính phi vật chất của linh hồn, khác với thể xác mà bản chất của nó là ở quảng tính, bản chất của linh hồn, theo ông là ở tư duy.

Về nhiệm vụ của khoa học, Đềcáctơ coi nhiệm vụ của tri thức là ở sự thống trị của con người đối với lực lượng tự nhiên, ở sự phát minh và sáng chế những phương tiện kỹ thuật, ở sự nhận thức những nguyên nhân và hành vi, ở sự hoàn thiện bản tính con người. Để đạt tới nhiệm vụ này, Đềcáctơ cho rằng trước hết cần phải hoài nghi mọi sự tồn tại hiện có: bắt đầu, coi là tuyệt đối không có gì tồn tại cả; nhưng trong hoài nghi triệt để, cũng không thể nghi sự việc mình nghĩ là mình nghi ngờ. Như vậy, điểm chắc chắn đầu tiên là: ta nhận thức được là “ta tư duy (nghĩ), vậy ta tồn tại, ta có thật. Từ xuất phát điểm duy tâm ấy, “tư duy” suy luận ra Thượng đế và thế giới vật chất cũng tồn tại (tức cũng có). ý nghĩa tiến bộ của nguyên lý “tôi tư duy, vậy tôi tồn tại” là ở chỗ, nó đề cao vai trò của lý trí, phủ nhận một cách tuyệt đối tất cả những gì mà người ta mê tín. Nhưng nguyên lý ấy lại thể hiện một cách duy tâm vì không thể đi tìm tiền đề xuất phát của nhận thức ở ngay trong nhận thức mà phải tìm từ bản thân đời sống thực tiễn xã hội.

Trong học thuyết về nhận thức Đềcáctơ là một thuỷ tổ của chủ nghĩa duy lý coi nguồn gốc duy nhất của tri thức là lý tính, nhờ lý tính con người hiểu được chân lý. Chủ nghĩa duy lý của Đềcáctơ được hình thành do hiểu một cáchphiến diện tính chất logíc của tri thức toán học. Đềcáctơ coi tính phổ biến, tính tất yếu của tri thức toán học xuất phát từ bẩm sinh của chính trí tuệ, cho nên ông đã giành cho diễn dịch là phương pháp độc tôn trong quá trình nhận thức – một diễn dịch dựa trên những tiền đề hoàn toàn xác thực có được bằng trực giác, tuân theo các nguyên tắc sau: a/ Chỉ coi là chân lý những gì được cảm nhận rõ ràng, rành mạch, không gợi lên một chút nghi ngờ nào – tức là những điều hiển nhiên; b/ Chia mỗi sự vật phức tạp, trong chừng mực có thể làm được thành các bộ phận cấu thành nó để tiện lợi nhất trong nghiên cứu chúng; c/ Trong quá trình nhận thức, chúng ta cần xuất phát từ những điều đơn giản đi đến những điều phức tạp hơn; d/ Chúng ta phải xem xét đầy đủ các dữ kiện, không được bỏ sót một tư liệu nào trong quá trình nhận thức sự vật.

Ảnh hưởng của Đềcáctơ không chỉ đối với chủ nghĩa duy tâm mà cả chủ nghĩa duy vật. Học thuyết về tính xác thực trực tiếp của ý thức, về ý niệm bẩm sinh đã ảnh hưởng đến chủ nghĩa duy tâm về sau và trở thành đối tượng phê phán của các đại diện của chủ nghĩa duy vật. Trái lại, học thuyết về tự nhiên, lý luận về sự phát triển của tự nhiên, sinh lý học duy vật, phương pháp máy móc đối địch với thần học … đã ảnh hưởng đối với việc hình thành thế giới quan duy vật cận đại.

Barúc Xpinoda (1623 – 1677)

Barúc Xpinoda (1623 – 1677) là một nhà triết học duy vật và vô thần người Hà Lan. Ông chịu ảnh hưởng nhiều về tư tưởng triết học của Đềcáctơ. Tư tưởng trung tâm của triết học Xpinoda là thuyết thực thể. Xpinoda coi tự nhiên là tồn tại, tự nhiên là nguyên nhân tự nó (Causasui). Sự tồn tại của thực thể là nhờ vào lực tiềm tàng của nó, chứ không cần một lực siêu tự nhiên nào. Ông cho rằng thực thể đồng nghĩa với bản chất vô tận cho nên thuộc tính của nó cũng nhiều vô tận. Thực thể là thống nhất còn thế giới vật chất hữu hạn riêng biệt tức là các mô-đu-xơ thì nhiều vô kể. Trí tuệ vô hạn của con người có thể nhận thức được thực thể vô tận dưới tất cả mọi phương diện của nó. Song lý trí hữu hạn của con người chỉ hiểu được bản chất vô tận của thực thể ở hai phương diện quảng tính và tư duy. Xpinoda coi quảng tính và tư duy là hai thuộc tính của một thực thể đồng nhất. Quan điểm của Xpinoda về các thuộc tính của thực thể nhìn chung là mang tính chất duy vật, nhưng lại siêu hình vì Xpinoda không coi vận động là một thuộc tính của thực thể.

Về con người, là một thực thể, trong đó linh hồn – phù hợp với thể xác. Khi bàn đến linh hồn con người, Xpinoda quy toàn bộ sự phức tạp trong đời sống tâm lý vào lý tính và tình cảm, ông đồng nhất lý tính với ý chí coi lập luận tự do ý chí là duy tâm. Ông cho rằng tự do là hành vi của con người dựa trên cơ sở nhận thức tính tất yếu. Quan điểm về tự do của Xpinoda đã có một bước tiến mới so với lịch sử , song còn trừu tượng, phi lịch sử. Về sau Hêghen bổ sung vào quan niệm này và quan điểm tự do trở thành khoa học khi Ăngghen khái quát trên cơ sở quan điểm của triết học duy vật biện chứng.

Về nhận thức luận, ông coi mục tiêu của tri thức là giành quyền thống trị đối với tự nhiên và hoàn thiện con người. Ông là người đã bổ sung cho học thuyết của các bậc tiền bối bằng học thuyết về tự do, ông đã chỉ rõ làm thế nào để có thể có tự do của con người trong sự tất yếu. Ông cho rằng sự hiểu biết lý trí dựa trên cơ sở trí tuệ là cao hơn hình thức thấp của sự hiểu biết, tức là sự hiểu biết cảm tính và hạ thấp vai trò của kinh nghiệm.

 Got-phrit Vinhem Laibnitxơ (1646-1716)

Got-phrit Vinhem Laibnitxơ (1646-1716) là nhà triết học, sử học và toán học Đức. Về triết học, Laibnitxơ đại diện cho tư tưởng điều hòa của giai cấp tư sản Đức; điều hòa tư tưởng thần học trung cổ Tây Âu với tư duy khoa học tự nhiên. Ông bắt đầu từ chủ nghĩa duy vật máy móc, về sau chuyển sang chủ nghĩa duy tâm khách quan, biểu hiện ở học thuyết đơn tử. “Đơn tử” theo Laibnitxơ là một thực thể tinh thần không thể phân chia được. Vũ trụ gồm những đơn tử, tức là những thực thể độc lập, phát triển theo quy luật nội tại, tạo nên thế giới thống nhất và vận động. Thế giới ấy là tốt đẹp nhất, hoàn hảo nhất do đơn tử tối cao là Thượng đế sáng tạo và sắp xếp tất cả các đơn tử thành một hệ thống hài hòa.

Học thuyết đơn tử của Lai-bni-txơ chứa đựng một số yếu tố biện chứng, nhưng là phép biện chứng duy tâm và thần học. Lý luận nhận thức của Laibnitxơ là chủ nghĩa duy lý duy tâm chống lại chủ nghĩa cảm giác và chủ nghĩa kinh nghiệm của Lốccơ. Ông phủ nhận quan điểm cho rằng bộ não của đứa trẻ mới sinh như là một tờ giấy trắng. Ông phủ nhận kinh nghiệm cảm tính với tính cách là nguồn gốc của tính phổ biến và tính tất yếu của tri thức. Ông cho rằng nguồn gốc của lý tính phổ biến chỉ có thể là lý tính. Ông coi tiêu chuẩn của chân lý là tính rõ ràng, rành mạch, không mâu thuẫn của tri thức. Do đó để kiểm tra chân lý của lý tính chỉ cần các quy luật của logíc học Arixtốt; để kiểm tra chân lý của sự kiện cần có quy luật căn cứ đầy đủ. Các tác phẩm về logíc học có vị trí quan trọng trong di sản khoa học của Lai-bni-txơ.

Đềcáctơ, Xpinoda, Laibnitxơ là những đại biểu tiêu biểu của siêu hình học thời cận đại thế kỷ XVII ở Tây Âu. Các ông coi siêu hình học (đề cao vai trò của trí tuệ, của tư duy logíc, các tri thức lý luận khoa học) là nền tảng thế giới quan của con người. Dù còn nhiều hạn chế do hoàn cảnh lịch sử, nhưng họ đã xây dựng được cơ sở của phương pháp tư duy lý luận và logíc mang tính khoa học và hệ thống để thoát khỏi quan niệm thiển cận về thế giới.

c) Chủ nghĩa duy tâm và hoài nghi luận

Cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII ở Tây Âu trong triết học đã diễn ra cuộc khủng hoảng giữa các hệ thống cũ vì các bộ môn khoa học tách khỏi triết học trở thành những bộ môn độc lập, quan niệm coi “siêu hình học” đứng trên các khoa học đã bị phê phán. Trong quá trình tìm kiếm con đường đi đúng cho triết học đã xuất hiện một xu hướng là chủ nghĩa duy tâm chủ quan và hoài nghi với một số đại biểu tiêu biểu.

Gioócgiơ Beccơli (1685 – 1753)

Gioócgiơ Beccơli (1685 – 1753) là nhà thần học và triết học duy tâm chủ quan Anh. Tư tưởng triết học của Béccơli nổi bật hai vấn đề: phủ nhận sự tồn tại khách quan của thế giới và sự tồn tại khách quan của chân lý.

Để phủ nhận sự tồn tại khách quan của thế giới Béccơli lợi dụng quan điểm “chất có sau” mang tính chủ quan của Lốccơ để thể hiện tư tưởng của mình. Béccơli cho rằng kinh nghiệm cảm tính là “những phức hợp cảm giác”. Cảm giác không phải là sự phản ánh sự vật mà là sự vật thực tế. Nguồn gốc của mọi sự vật trong thế giới là nguồn gốc chủ quan – tức là hiện thân của những cảm giác của con người. Trên cơ sở ấy Béccơli đưa ra công thức “tồn tại tức là được tri giác”. Thực chất của công thức trên là phủ nhận tồn tại khách quan của thế giới, kể cả con người, tất yếu dẫn tới chủ nghĩa “duy ngã” – nghĩa là trừ lại cái tôi của mình, ngoài cá nhân tôi là không có gì hết. Cố sức tránh chủ nghĩa duy ngã, Béccơli chuyển sang lập trường duy tâm khách quan khi cho rằng mọi vật trong vũ trụ, sở dĩ tồn tại vì chúng được Thượng đế tri giác. Nếu không có sự tri giác của Thượng đế thì chúng không tồn tại. Để bác bỏ chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa duy vật, Béccơli phê phán khái niệm vật chất coi nó như một khái niệm mâu thuẫn bên trong và vô ích đối với nhận thức. Cơ sở phê phán duy vật của Béccơli là thuyết duy danh duy tâm.

Từ chỗ phủ nhận sự tồn tại khách quan của thế giới, Béccơli đi đến phủ nhận chân lý khách quan. Ông cho rằng tìm chân lý không phải là trong sự phù hợp của tri thức đối với sự vật bên ngoài mà là sự so sánh các quan niệm trong ý thức con người, là tính rõ ràng của các tri giác cảm tính, là sự đơn giản và dễ hiểu của các quan niệm, là sự phù hợp với ý nghĩa.

Theo lập trường trên, Béccơli đã bác bỏ lý thuyết về không gian tuyệt đối và lý thuyết hấp dẫn, phép tính các đại lượng vô cùng bé mà Laibnitxơ và Niutơn đã đề ra.

Từ nửa cuối thế kỷ XIX triết học Béccơlibắt đầu sống lại, nhiều trường phái vay mượn triết học của ông như phái Nội tại luận, chủ nghĩa Kinh nghiệm phê phán, chủ nghĩa Thực dụng…

Đavít Hium (1711 – 1766)

Đavít Hium (1711 – 1766) là nhà triết học Anh tiếp tục đường lối duy tâm chủ quan của Béccơli. Khác với Béccơli là ông đi đến chủ nghĩa hoài nghi và thuyết “không thể biết”. Vì vậy, ông phủ nhận sự tồn tại khách quan của thế giới vật chất.

Về nhận thức luận Hium cho rằng, điểm xuất phát của nhận thức là Kinh nghiệm. Nhưng ông coi kinh nghiệm là những cảm giác những biểu tượng mà bản chất của cảm giác và biểu tượng là quá trình tâm lý xẩy ra trong con người biểu hiện ở cảm xúc và các ấn tượng. Nhận thức của con người không phải là nhận thức sự tồn tại khách quan của thế giới vật chất mà là nhận thức những quá trình tâm lý trên. Đối tượng của nhận thức là những cảm xúc, những ấn tượng của quá trình tâm lý do nhận thức cảm tính đem lại, sinh động hơn các ý niệm của giai đoạn nhận thức cao vì ý niệm chỉ là sự sao chép lại các ấn tượng trong phạm vi ý thức. Các ấn tượng và các ý niệm được Hium quy thành các dạng kinh nghiệm khác nhau là tồn tại thực. Với quan điểm về nhận thức như trên, Hium đi đến kết luận con người không thể biết gì về thế giới, thậm chí con người không biết là thế giới có thực hay không.

Từ lập trường “không thể biết” và hoài nghi sự tồn tại của thế giới khách quan, Hium phê phán các quan điểm của chủ nghĩa duy vật coi vật chất là thực thể của mọi vật. Ông không thừa nhận bất cứ một thực thể nào, ông coi thực thể chỉ là một sự trừu tượng, giả dối được hình thành trên cơ sở của thói quen tâm lý giản đơn.

Nhìn chung thế giới quan của Béccơli, Hium thể hiện tính chất phức tạp trong việc đi tìm con đường hợp lý cho triết học trong điều kiện sự phát triển của khoa học cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Dưới hình thức duy tâm thần bí Béccơli, Hium đề cao vai trò cá nhân con người, coi đó là vấn đề trung tâm của triết học, của khoa học là phù hợp với xu hướng đòi dân chủ, tự do cá nhân… của giai cấp tư sản cách mạng đấu tranh đòi xoá bỏ gông cùm của chế độ xã hội phong kiến đang suy tàn.

d) Triết học khai sáng Pháp thế kỷ XVIII

Cách mạng tư sản Pháp năm 1789 là mốc đánh dấu sự sụp đổ của chế độ phong kiến đồng thời đó cũng là mốc Tây Âu bắt đầu từ giã nền văn minh nông nghiệp bước sang nền văn minh công nghiệp. Cơ sở tư tưởng của cuộc cách mạng tư sản Pháp là chủ nghĩa duy vật Pháp thế kỷ XVIII. Nguồn gốc của CNDV Pháp là lý luận CNDV Anh (đặc biệt là Lốccơ) và lý luận vật lý duy vật của Đềcáctơ. Khi kế thừa CNDV Anh, “người Pháp đã đem lại tinh thần, xương thịt và sự hùng biện cho CNDV Anh…, đem lại cái khí khái và cái duyên dáng mà nó còn thiếu, … đã làm cho nó trở thành văn minh”[7][8] Các nhà duy vật Pháp tiêu biểu của thế kỷ XVIII là:

Giuyliêng Ophrêđơ Lamêtơri (1709 – 1751)

Giuyliêng Ophrêđơ Lamêtơri (1709 – 1751) là nhà triết học duy vật, thầy thuốc Pháp. Cơ sở triết học duy vật của ông là vật lý học của Đềcáctơ và chủ nghĩa cảm giác của Lốccơ.

Về bản thể luận triết học, Lamêtơri coi thế giới là thực thể vật chất. Thực thể vật chất là nguồn gốc của mọi sự vật, hiện tượng, kể cả con người. Thực thể vật chất ấy có quảng tính, có “chứa đựng một lực lượng làm nó sống động và là nguyên nhân trực tiếp của mọi quy luật vận động”(3), có năng lực cảm giác. Năng lực cảm giác chỉ xuất hiện “ở các vật thể có tổ chức đặc biệt” – đó là giới sinh vật. Hình thức biểu hiện của thực thể vật chất là giới vô cơ, giới thực vật và giới động vật. Giữa các hình thức đó không có sự khác nhau về chất. Con người thuộc giới động vật. Con người suy nghĩ nhờ các giác quan. Mọi tư tưởng của con người chịu sự quy định của cấu trúc cơ thể trong sự tác động qua lại với môi trường và điều kiện sống. Ông cho rằng con người là cái máy rất phức tạp nên không thể có được một ý tưởng rõ ràng về nó, không thể đưa ra được một định nghĩa chính xác về con người[9].

Về nhận thức luận, ông coi tư duy chỉ có ở con người, tư duy là sản phẩm của tổ chức vật chất phức tạp. Tư duy được bắt đầu từ cảm giác đến tư duy trừu tượng bao gồm phán đoán và suy lý. Tuy có những yếu tố biện chứng trong lý luận nhận thức, nhưng do ảnh hưởng của chủ nghĩa duy vật máy móc, cho nên từ quan niệm về con người, đến nhận thức của con người vẫn mang tính trực quan siêu hình.

Về xã hội, ông chủ trương thực hiện quyền sở hữu tư sản, thực hiện quản lý theo pháp luật, bảo đảm quyền tự do chính trị và quyền công dân. Do lẫn lộn quan niệm về tự do con người với tự do tư hữu, ông cho rằng người nghèo chỉ cần tôn giáo, không cần tự do. Ông có tư tưởng khai sáng, chủ trương phát triển giáo dục để truyền bá tư tưởng tiến bộ cho con người nhằm phát triển xã hội.

Đơni Điđơrô (1713 – 1784)

Đơni Điđơrô (1713 – 1784) là nhà triết học, người lãnh đạo phái Bách khoa toàn thư Pháp. Trong triết học, ông đi từ chủ nghĩa duy tâm tới chủ nghĩa duy vật. Chủ nghĩa duy vật của Điđơrô thể hiện khá rõ nét ở nội dung về giới tự nhiên, tâm lý học và lý luận nhận thức.

Về giới tự nhiên, ông cho rằng vật chất tồn tại khách quan, vĩnh viễn, ở trạng thái động. Vật chất vô cơ có thể chuyển hóa sang hữu cơ. Luật nhân quả quyết định những thay đổi trong giới tự nhiên. Điđơrô đã đưa một số yếu tố của phép biện chứng vào quan niệm duy vật máy móc về tự nhiên. Đó là tư tưởng về mối liên hệ giữa vật chất và vận động, về những quá trình đang diễn ra trong giới tự nhiên, về sự biến đổi vĩnh viễn của những hình thức tự nhiên. Ông coi bản tính cố hữu của vật chất là vận động; vận động là năng lực sống động của vật chất; vận động có cả ở vật đang vận động lẫn dạng đứng yên[10]. Trong quá trình vận động và phát triển của vật chất, giới tự nhiên sẽ chọn lọc những gì giúp cho nó ngày càng hoàn thiện, đồng thời đào thải những vật chất không thích nghi. Nhờ vậy, cấu trúc của sinh vật là kết quả lâu dài quá trình tiến hóa của giới tự nhiên.

Về tâm lý học, Điđơrô cho rằng con người là một thực thể thống nhất hữu cơ của hai mặt thể xác và linh hồn. Cơ thể của con người có khả năng cảm giác và ghi nhớ. Linh hồn của con người là tổng thể các hiện tượng tâmlý, nó có đặc tính vật chất. Không có cơ thể thì linh hồn không là cái gì cả[11].

Về lý luận nhận thức, Điđơrô đã đứng trên lập trường duy vật phê phán sự hạn chế của siêu hình học thế kỷ XVII về tính duy lý cực đoan, về tính tư biện, về quan niệm coi triết học là khoa học của các khoa học. Ông bác bỏ quan điểm duy tâm về tính tự sinh của tư duy. Mặt khác, ông phê phán quan điểm máy móc coi cảm giác của con người là những bản sao chép các sự vật chính xác như sự sao chép của một tấm gương. Ông cho rằng trong nhận thức, tư duy của con người bắt nguồn từ cảm tính, tri thức bắt nguồn từ kinh nghiệm nhằm mục đích đạt tới khả năng hoàn thiện và tăng thêm sức mạnh của con người. Để đạt tới tri thức, phương pháp chủ đạo trong nhận thức là quan sát và thực nghiệm. Đây là hai phương pháp cơ bản, chung để thu nhận tri thức kinh nghiệm. Từ kết quả này, tư duy có thể đạt tới sự hiểu biết, nếu không phải là một sự hiểu biết hoàn toàn xác thực thì cũng là một sự hiểu biết có tính xác suất cao.

Theo tư tưởng vô thần ông đã phủ nhận quan điểm duy tâm về Thượng đế coi đó là sản phẩm của sự thần thánh hóa đời sống hiện thực của con người. Cho nên không phải tôn giáo sáng tạo ra con người mà chính con người sáng tạo ra tôn giáo. Mục tiêu của tôn giáo là đem lại cho con người những ảo tưởng làm cho con người mềm yếu đi. Đạo đức của tôn giáo là giáo dục con người cả tin vào số mệnh, là sợi dây cương yếu ớt ngăn chặn hành vi phạm tội của con người. Ông cho rằng chính môi trường và hoàn cảnh của cuộc sống tạo nên bộ mặt trí tuệ và đạo đức của con người.

Giănggiắccơ Rútxô (1712 – 1778)

Giănggiắccơ Rútxô (1712 – 1778) là nhà triết học, xã hội học cánh tả trong các nhà khai sáng Pháp.

Về thế giới quan, Rútxô theo thần luận và nhị nguyên luận. Ngoài việc thừa nhận sự tồn tại của thần linh, ông còn thừa nhận linh hồn bất tử. Rútxô coi vật chất và tinh thần là hai bản nguyên tồn tại từ lâu. Về xã hội, tuy theo thần luận, nhưng với tư cách là một nhà xã hội học, Rútxô có lập trường cấp tiến. Ông cho rằng con người sinh ra vốn có bản chất tốt, nhưng bản chất ấy bị quá trình phát triển của xã hội làm cho xấu đi. Ông phê phán gay gắt các quan hệ đẳng cấp phong kiến và chế độ chuyên chế. Ông ủng hộ nền dân chủ tư sản và các quyền tự do của công dân. Ông tán thành sự bình đẳng của con người bất chấp nguồn gốc xuất thân. Rútxô coi nguyên nhân của sự bất bình đẳng trong xã hội là do sự xuất hiện chế độ tư hữu. Cần phải xây dựng chế độ tiểu tư hữu (sở hữu nhỏ) thay thế cho đại tư hữu. Nhân dân có quyền làm cách mạng để lật đổ chế độ bạo chúa phong kiến. Về chính trị, trong cuốn “Khế ước xã hội”. Rútxô đã phản ánh hoài bão của cách mạng tư sản về tự do bình đẳng, về các quyền của con người và công dân. Rútxô cho rằng, trong “trạng thái tự nhiên” của xã hội, quan hệ giữa người với người ngự trị một tình hữu ái, tình hòa hợp, không có chiến tranh xảy ra. Nhưng đến “trạng thái công dân” của xã hội được thiết lập trên cơ sở sở hữu tư nhân thì trong xã hội đầy rẫy sự bất công, các mối quan hệ xã hội bị biến chất, chiến tranh xuất hiện làm cho xã hội bị tha hóa, đối lập với bản tính tự nhiên của nó. Để duy trì trật tự xã hội, theo Rútxô phải có một nhà nước được xây dựng trên ý muốn tự giác, trên cơ sở hiệp thương của mọi người, thừa nhận nhân dân được nắm chính quyền, bảo vệ dân chủ tư sản. Mô hình lý tưởng về nhà nước trên cơ sở khế ước xã hội phục vụ con người của Rútxô có nhiều yếu tố tiến bộ, song ông chưa thấy được xã hội có giai cấp, bản chất của nhà nước là “một bộ máy của giai cấp này dùng để trấn áp giai cấp khác”[12].

Trong lý luận nhận thức, Rútxô theo chủ nghĩa cảm giác – nghĩa là ông thừa nhận cảm giác là nguồn gốc duy nhất của nhận thức.

Henvêtiút (1715 – 1771) là nhà triết học duy vật Pháp chịu ảnh hưởng chủ nghĩa cảm giác của Lốccơ. Tác phẩm chính của ông là “Luận về tinh thần” xuất bản năm 1758 bị nhà vua và nhà thờ công giáo phê phán. Tư tưởng triết học của ông là duy vật máy móc và vô thần.

Theo Henvêtiút, tư tưởng trong óc con người là do vật chất sinh ra, chỉ có vật thể là có thật, nó tác động đến các giác quan và gây ra cảm giác, là nguồn gốc của tri thức. Ông coi tôn giáo luôn luôn gắn liền với chính thể chính trị tàn bạo. Thái độ cách mạng của Henvêtiút là cần phải thay đổi hoàn cảnh xã hội, quan hệ phong kiến vì con người là sản phẩm của hoàn cảnh, của xã hội. Quan điểm duy tâm về lịch sử thể hiện ở chỗ: coi hoàn cảnh xã hội do pháp luật sản sinh ra, coi ý thức của con người chi phối thế giới. Sự thừa nhận của Henvêtiút về con người là sản phẩm của hoàn cảnh, của xã hội, tư tưởng về sự kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, tư tưởng về khả năng trí tuệ như nhau… là cơ sở của chủ nghĩa xã hội không tưởng.

Pôn Hăngri Hôn Bách (1723 – 1789) là nhà triết học duy vật và nhà vô thần Pháp.

Hôn Bách đã phê phán tôn giáo và triết học duy tâm, đặc biệt là triết học của Béccơli. Ông coi chủ nghĩa duy tâm là một ảo tưởng huyền hoặc trái với lẽ phải thông thường. Ông giải thích sự ra đời của tôn giáo là do sự ngu dốt, sự sợ hãi của một số người này và sự lừa bịp của một số người khác. Về thế giới vật chất, theo Hôn Bách đó là tất cả những gì tác động bằng cách nào đó vào cảm giác của chúng ta. Vật chất bao gồm những nguyên tử bất biến, không thể phân chia; Vận động là thuộc tính của vật chất, nhưng đó chỉ là những di chuyển giản đơn của các vật thể trong không gian. Con người là một bộ phận của giới tự nhiên, phục tùng những quy luật của tự nhiên. Về nhận thức, Hôn Bách tuân theo chủ nghĩa cảm giác, nghĩa là thừa nhận cảm giác là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Vì vậy, ông là nhà triết học duy vật chống lại thuyết không thể biết. Về chính trị – xã hội, Hôn Bách là người chủ trương chế độ quân chủ lập hiến. Khi bàn đến xã hội, Hôn Bách là người duy tâm, ông coi sự phát triển xã hội là một quá trình do định mệnh chi phối. Ông coi con đường giải phóng con người là giáo dục.

4. Một số kết luận triết học Tây Âu thời Phục hưng và Cận đại.

a) Triết học Tây Âu thời kỳ Phục hưng và Cận đại được chia làm hai giai đoạn: Phục hưng (XV – XVI) và Cận đại (XVII – XVIII). Mỗi giai đoạn có những đặc điểm riêng.

– Ở giai đoạn Phục hưng chủ nghĩa nhân đạo phát triển, những di sản văn hóa Hy Lạp cổ đại được khôi phục, những yếu tố tích cực của triết học Kinh viện được thừa kế, những thành tựu của khoa học tự nhiên được vận dụng, đã khiến cho triết học thời kỳ Phục hưng không còn đóng vai trò tôi tớ của thần học, đồng thời những khuynh hướng phản Kinh viện được phát triển trong lòng triết học Kinh viện. Những khuynh hướng này được thể hiện trong đạo đức học, trong việc khôi phục những thuyết đạo đức của Hy Lạp cổ đại chống lại đạo đức Cơ đốc giáo đang thịnh hành. Đóng vai trò quan trọng nhất trong triết học thời kỳ này là những quan niệm triết học tự nhiên. Những quan niệm triết học này có vai trò quan trọng trong việc làm phá sản bức tranh Kinh viện về thế giới, làm phá sản phương pháp nhận thức tự nhiên của chủ nghĩa Kinh viện. Mặt khác, những khía cạnh triết học xã hội như vấn đề con người, vấn đề xã hội, vấn đề quyền lực của nhà nước, vấn đề chủ nghĩa xã hội không tưởng đã hình thành, phản ánh những biến đổi to lớn về kinh tế – xã hội thời kỳ này. Tuy các quan niệm triết học về tự nhiên thời kỳ này chưa triệt để, nhưng phương hướng phát triển của nó là đã góp phần khẳng định sự chiến thắng của thế giới quan duy vật với thế giới quan duy tâm, khoa học với thần học.

Ở giai đoạn Cận đại, sự phát triển của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, sự lớn mạnh của giai cấp tư sản, sự phát triển của khoa học tự nhiên thực nghiệm là cơ sở cho chủ nghĩa duy vật có bước phát triển mới về chất trong việc giải quyết vấn đề cơ bản của triết học, nhận thức luận, vấn đề con người và xã hội; Đồng thời nó cũng là cơ sở hình thành nét đặc thù của chủ nghĩa duy vật thời kỳ này là chủ nghĩa duy vật siêu hình và phương pháp tư duy siêu hình thống trị trong lĩnh vực tư duy triết học và khoa học. Phương pháp tư duy siêu hình thời kỳ này là sự phủ định triệt để hơn triết học Kinh viện so với triết học thời kỳ Phục hưng, đồng thời là sự phủ định truyền thống biện chứng cổ đại, là sự chuẩn bị cho phép biện chứng của chủ nghĩa duy tâm cổ điển Đức ra đời.

b) Triết học Tây Âu thời kỳ Phục hưng và Cận đại với tính cách là một thời kỳ xác định trong lịch sử triết học phương Tây có những đặc điểm cơ bản.

– Tư tưởng triết học duy vật, thành tựu của khoa học tự nhiên thực nghiệm thời Phục hưng và Cận đại là cơ sở lý luận, là vũ khí tinh thần của giai cấp tư sản mới ra đời, đại diện cho phương thức sản xuất mới, chống trật tự xã hội phong kiến thiết lập trật tự xã hội tư bản. Cuộc đấu tranh gay gắt ở bình diện tư tưởng thời kỳ này là giữa tư tưởng triết học duy vật, thành tựu khoa học tự nhiên tiến bộ được giai cấp tư sản ủng hộ với tư tưởng triết học duy tâm được giai cấp phong kiến và nhà thờ ủng hộ. Tư tưởng triết học duy vật trên cơ sở luận chứng của khoa học đã giúp giai cấp tư sản thấy được sự sụp đổ tất yếu của chế độ phong kiến, thấy được sức mạnh ưu việt của giai cấp tư sản không chỉ về kinh tế mà còn cả về triết học và khoa học.

– Triết học duy vật thời Phục hưng và Cận đại gắn bó mật thiết với sự phát triển của khoa học, biểu hiện rõ quy luật đặc thù về sự phát triển của triết học duy vật. Khoa học thời kỳ này là khoa học tự nhiên thực nghiệm. Đối tượng nghiên cứu của khoa học tự nhiên thời kỳ này là thế giới vĩ mô, bộ môn điển hình của khoa học tự nhiên thời kỳ này là Cơ học. Phương pháp nghiên cứu của khoa học tự nhiên thực nghiệm là phương pháp siêu hình. Nhiệm vụ của khoa học thời kỳ này là nghiên cứu các quy luật tự nhiên. Bức tranh vật lý đầu tiên về giới tự nhiên thời kỳ này là bức tranh Cơ học, quy luật chung của nó là quy luật cơ học. Song, các triết gia thời kỳ này là những người uyên bác trên nhiều lĩnh vực, tri thức khoa học và triết học của họ đã liên hệ mật thiết với nhau khi họ phải trả lời những vấn đề thực tiễn của cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến. Mặt khác, các bộ môn của khoa học tự nhiên thời kỳ này mới tách ra khỏi triết học, chưa trở thành bộ môn độc lập, cho nên về lý luận phải dựa vào triết học để lý giải các vấn đề của khoa học, của thực tiễn. Quan niệm

“triết học là khoa học của các khoa học” ở thời kỳ này vẫn là quan niệm chính khi nói vai trò của triết học với khoa học. Sự gắn bó giữa khoa học với triết học có tính tất yếu như vậy đã làm cho chủ nghĩa duy vật thời kỳ này đứng vững trong nhiều lĩnh vực, nhất là trong vật lý. Tinh thần duy vật cơ bản của khoa học tự nhiên là cơ sở nuôi dưỡng, củng cố quan điểm duy vật trong nhiều nhà khoa học. Trở lại, phương pháp siêu hình của khoa học tự nhiên thực nghiệm đã được đem sang triết học, tạo ra phương pháp tư duy siêu hình.

– Triết học duy vật thời kỳ Phục hưng và Cận đại gắn liền với vấn đề con người và giải phóng con người.

Thời trung cổ, do ảnh hưởng của thế giới quan tôn giáo, bản nguyên thế giới là một thực thể tinh thần, con người là sản phẩm của Chúa, chỉ biết thờ phụng Chúa, cầu mong rửa tội. Vào thời Phục hưng và Cận đại, sự phát triển của sản xuất, của khoa học đã phủ định thế giới quan tôn giáo thời Trung cổ và làm rõ vấn đề con người, vị thế con người và sức mạnh thể lực và tinh thần của con người. Vì vậy, vấn đề trung tâm của triết học thời kỳ này không phải là vấn đề quan hệ giữa Chúa với thế giới mà là quan hệ giữa con người với thế giới. ở giai đoạn Phục hưng, khuynh hướng đề cao con người thể hiện ở sự phát triển chủ nghĩa nhân đạo đòi huỷ bỏ những trói buộc kinh tế và văn hóa phong kiến, thừa nhận giá trị con người và cuộc sống trần gian, phủ định quan điểm con người phụ thuộc vào định mệnh, thần linh, tôn giáo. Ở giai đoạn Cận đại, khuynh hướng triết học đề cao con người ở thời kỳ này thể hiện quan điểm coi con người là một bộ phận của tự nhiên, là tiểu vũ trụ. Trên cơ sở quan điểm triết học này, các tri thức khoa học tự nhiên về con người của các bộ môn Giải phẫu người, sinh lý học người, mô phôi thai, di truyền, thần kinh… đã góp phần quan trọng làm sáng tỏ vai trò của thể xác con người trong sự phát triển trí tuệ và nhân cách.

Về vị trí của con người trong thế giới, phủ định quan điểm thần học, quan điểm triết học thời Phục hưng và Cận đại khẳng định sức mạnh của con người ở lý tính. Cái gì không chịu được sức mạnh ấy đều bị nghi ngờ, phê phán. Triết học thời kỳ này đã khái quát mối quan hệ giữa con người với thế giới trong một định nghĩa: “tự do là tất yếu đã được nhận thức”.

Tuy nhiên, vấn đề con người ở thời kỳ này chỉ mới đề cập nhiều ở khía cạnh sinh vật học, còn bản chất xã hội của con người chưa được nghiên cứu một cách có hệ thống. Đây chính là một mảng trống triết học về con người, giai đoạn triết học sau phải bổ sung và phát triển.

– Triết học Tây Âu thời Phục hưng và Cận đại còn chịu ảnh hưởng của các quan niệm tự nhiên thần luận. Nguyên nhân của vấn đề này là giai cấp tư sản thỏa hiệp với tôn giáo trong nhiều vấn đề của thực tiễn đời sống xã hội. Mặt khác, sự tồn tại dai dẳng tư tưởng triết học duy tâm và tôn giáo trong đời sống xã hội cũng đã làm ảnh hưởng tới tư tưởng triết học duy vật. Vì vậy, trong khoa học thời kỳ này còn tồn tại quan điểm “chân lý kép”.

– Triết học thời kỳ này đã xuất hiện những quan điểm triết học tiến bộ về lĩnh vực xã hội, nhưng nhìn chung vẫn chưa thoát khỏi quan điểm duy tâm trong việc giải thích xã hội và lịch sử.

Quan điểm triết học xã hội tiến bộ ở thời kỳ này là đã lên tiếng chống lại việc thần học hóa lịch sử bắt nguồn từ Oguýtxtanh; đã đưa vào triết học xã hội về tính nhân quả; đã xây dựng lý thuyết về sự tiến bộ về tính thống nhất của quá trình lịch sử; đã luận chứng cho tư tưởng về ảnh hưởng của môi trường địa lý và môi trường xã hội tới con người. Quan điểm triết học duy tâm cho rằng: đến lúc này Tây Âu vẫn chưa có được một xã hội hợp lý tính vì trình độ của con người còn thấp kém. Giải pháp cơ bản để xã hội phát triển là chỉ cần nâng cao giáo dục, nâng cao trình độ nhận thức, trình độ khoa học của con người. Khái niệm khai sáng ra đời trong hoàn cảnh đó. Họ chưa thấy được nguyên nhân vật chất của đói nghèo của sự thay đổi phương thức sản xuất. Họ đấu tranh chống giáo hội, nhưng không giải thích được nguyên nhân sinh ra giáo hội v.v… Sự tồn tại hai quan điểm trên cho thấy sự phức tạp của cuộc đấu tranh giữa tư tưởng triết học duy vật, vô thần đối với tư tưởng triết học duy tâm và hữu thần khi giải quyết vấn đề cơ bản của triết học trong lĩnh vực xã hội.

[1] C. Mác và Ph. Ăngghen. Sđd. T 20, tr 461
[2] Ph. BêCơn. Các tác phẩm. M, 1997, T2, tr 12 (T. Nga)
[3] Ph. BêCơn. Các tác phẩm. M, 1997, T2, tr 37 (T. Nga)
[4] V.I.Lênin. Sđd , T18, tr 147
[5] R. Đềcáctơ. Luận về phương pháp, phần V. Tuyển tập, tr 289 – 303 (T. Nga) (2) C. Mác và Ph.Ăngghen. Sđd , T2, tr 191
[6] R. Đềcáctơ. Mô tả thân thể con người. Luận văn về sự cấu thành động vật. Sđd, tr 547.
[7] C. Mác và Ph. Ăngghen. Sđd, T2, tr 198
[8] G.O. Lamêtơri. Các tác phẩm. Matxcơva, 1976, tr 174 (T. Nga)
[9] G.O. Lamêtơri. Các tác phẩm. Matxcơva, 1976, tr 196 (T. Nga)
[10] Đ. Điđơrô. Các tác phẩm. t VII, Mátxcơva, 1939, tr 151
[11] Đ. Điđơrô. Các tác phẩm. t II, Mátxcơva, 1939, tr 480
[12] C. Mác và Ph. Ăngghen. Sđd , T22, tr 290 – 291

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]