Tổ chức tài chính doanh nghiệp là việc hoạch định chiến lược về tạo lập và sử dụng tài chính và hệ thống các biện pháp để thực hiện chiến lược đổ nhằm thực hiện các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp trong từng thời kỳ. Tổ chức tài chính doanh nghiệp phải dựa trên các nguyên tắc cơ bản sau:
1. Tôn trọng pháp luật
Về kinh tế: Các doanh nghiệp được tự do và tự chủ sản xuất, kinh doanh trong những lĩnh vực mà Nhà nước không cấm, được tự do cạnh tranh, bình đẳng trước pháp luật.
Trên thị trường, hoạt động của doanh nghiệp vừa phải chịu sự tác động trực tiếp của các quy luật khách quan của kinh tế thị trường, vừa phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật hiện hành.
Về tài chính: Doanh nghiệp phải chấp hành Luật Tài chính, các chính sách chế độ tài chính của Nhà nước.
2. Thực hiện hạch toán kinh doanh
Hạch toán kinh doanh là nguyên tắc quan trọng nhất, quyết định sự sống còn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường.
Yêu cầu của nguyên tắc này là lấy thu bù chi đảm bảo có lãi.
Để thực hiện được nguyên tắc hạch toán kinh doanh, doanh nghiệp tổ chức công tác tài chính phải hướng vào việc chủ động khai thác các nguồn vốn với giá rẻ bảo toàn và phát huy hiệu quả đồng vốn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thực hiện tốt chế độ hạch toán kế toán.
3. An toàn, phòng ngừa rủi ro
Trong cơ chế thị trường, mọi doanh nghiệp đều trực tiếp chịu sự tác động tích cực cũng như tiêu cực của nền kinh tế thị trường. Vì vậy, sự rủi ro, phá sản đối với doanh nghiệp hoạt động không năng động, kém thích nghi với thị trường là điều không thể tránh khỏi. Do đó, hoạt động an toàn, có hiệu quả của các doanh nghiệp sẽ là nhân tố quyết định thắng lợi kế hoạch Nhà nước, ổn định kinh tế – xã hội.
Nguyên tắc an toàn cần được thực hiện trong mọi khâu của công tác tổ chức tài chính: An toàn trong việc lựa chọn nguồn vốn, an toàn trong việc sử dụng vốn.
Trước khi ra quyết định tài chính nhà quản lý cần cân nhắc, xem xét nhiều phương án, nhiều góc độ khác nhau, và chọn phương ăn tối ưu.
(Nguồn tài liệu: TS. Lê Thị Mận, Lý thuyết Tài chính Tiền tệ, 2010)