1. Quan niệm về giai đoạn phát triển tâm lý lứa tuổi
1.1 Lứa tuổi là gì?
Tâm lý học Mác xít, đại diện là L.x. Vưgốtxki quan niệm lứa tuổi là một thời kỳ phát triển tâm lý nhất định của đời người “đóng kín một cách tương đối”, và ở đó những quy luật phát triển chung bao giờ cũng được thể hiện một cách độc đáo về chất. Khi chuyển từ lứa tuổi này sang lứa tuổi khác bao giờ cũng xuất hiện những cấu tạo tâm lý mới chưa từng có trong các thời kỳ trước. Những cấu tạo tâm lý mới này cải tổ lại và làm biến đổi chính tiến trình phát triển.
Sự phân chia ranh giới về độ tuổi của một giai đoạn phát triển được “đóng kín một cách tương đối”, như vậy nó có thể xê dịch, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn, tuổi dậy thì của trẻ thời trước thường bắt đầu vào khoảng 13, 14 tuổi, nhưng thời nay thì sớm hơn nhiều.
Ý nghĩa của một giai đoạn lứa tuổi sẽ được quyết định bởi vị trí của thời kỳ đó trong cả quá trình phát triển chung. Chẳng hạn, vị trí tuổi thiếu niên là thời kỳ quá độ từ trẻ em sang người lớn, vậy ý nghĩa của nó trong tiến trình phát triển chung cũng sẽ quan trọng hơn những giai đoạn lứa tuổi khác.
1.2. Các yếu tố đặc trưng cho lứa tuổi
Mỗi một giai đoạn lứa tuổi được đặc trưng bởi nhiều yếu tố, đó là những đặc điểm về sinh lý (sự phát triển thể chất, sinh lý), đặc điểm xã hội (điều kiện sống và các dạng hoạt động, các mối quan hệ cùng những yêu cầu đặt ra cho trẻ trong giai đoạn đó) cùng những nét tâm lý đặc trưng về nhận thức, tình cảm, nhân cách,…
Mỗi giai đoạn lứa tuổi thể hiện một mức độ phát triển tâm lý độc đáo về chất, được đặc trưng bởi một loạt những thay đổi trong toàn bộ hệ thống cấu trúc nhân cách của con người trong giai đoạn phát triển đó.
Ví dụ: thanh niên sinh viên có những nét tâm lý đặc trưng sau: sự hoàn thiện cái tôi (sự tự ý thức), sự hoàn thiện thế giới quan khoa học, khả năng thiết lập các kế hoạch cuộc đời – chuẩn bị nghề nghiệp cho tương lai, khả năng thiết lập cuộc sống độc lập hoàn toàn, khả năng dần dần xâm nhập sâu vào các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống. Những nét tâm lý này khác về chất so với tâm lý của học sinh phổ thông trung học.
1.3. Đặc điểm của việc chuyển tiếp các giai đoạn lứa tuổi
Việc chuyển tiếp từ giai đoạn lứa tuổi này sang giai đoạn lứa tuổi khác bao giờ cũng gắn liền với các yếu tố sau:
Sự thay đổi tình huống xã hội của sự phát triển (L.x. Vưgốtxki, A.N. Leonchiev,…).
Tình huống xã hội của sự phát triển theo L.x. Vưgốtxki là sự phối hợp đặc biệt giũa các điều kiện phát triển bên trong (sự phát triển về thể chất, vốn tri thức, kỹ năng,…) và các điều kiện phát triển bên ngoài (điều kiện sống và hoạt động, các mối quan hệ,…). Những điều kiện này đặc trưng cho từng giai đoạn lứa tuổi và chúng thúc đẩy sự phát triển tâm lý trong suốt giai đoạn lứa tuổi đó, dẫn tới sự xuất hiện những nét cấu tạo tâm lý vào cuối giai đoạn lứa tuổi.
Tình huống xã hội của sự phát triển đạt đến độ “chín muồi” (thường đánh dấu bằng sự thay đổi vị trí của đứa trẻ trong hệ thống các mối quan hệ xã hội của trẻ) thì sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy trẻ bước sang một giai đoạn phát triển mới.
Sự xuất hiện những nét cấu tạo tâm lý mới
Cấu tạo tâm lý mới đặc trưng cho lứa tuổi là những nét tâm lý lần đầu tiên xuất hiện ở giai đoạn lứa tuổi đó. Chúng làm thay đổi bộ mặt nhân cách của con người trong giai đoạn ấy và cho ta thấy rõ một sự khác biệt tâm lý về chất so với giai đoạn lứa tuổi trước.
Tình huống xã hội của sự phát triển xuất hiện vào thời kỳ đầu của mỗi giai đoạn lứa tuổi. Cuối giai đoạn lứa tuổi sẽ xuất hiện những nét cấu tạo tâm lý mới, trong số đó sẽ có một nét cấu tạo tâm lý mới trung tâm, có ý nghĩa quan trọng hơn cả đối với sự phát triển tâm lý ở giai đoạn lứa tuổi kế tiếp.
Ví dụ: “Cảm giác mình là người lớn” ở cuối tuổi thiếu niên sẽ rất có ý nghĩa đối với sự phát triển tâm lý của tuổi đầu thanh niên. Xu hướng nghề nghiệp ở tuổi đầu thanh niên sẽ có ý nghĩa lớn với tuổi giữa thanh niên.
Xoay quanh cấu tạo tâm lý mới trung tâm sẽ có những cấu tạo tâm lý mới bộ phận khác, gắn liền với các thành tố bộ phận khác trong cấu trúc nhân cách của trẻ. Quá trình hình thành những cấu tạo tâm lý mới ở giai đoạn lứa tuổi này sẽ gắn liền với sự phát triển những cấu tạo tâm lý mới của giai đoạn lứa tuổi trước (L.x. Vưgổtxki). Gác quá trình tâm lý đang phát triển gắn liền với những nét cấu tạo tâm lý mới đặc trưng được gọi là tuyến trung tâm (hạt nhân) của sự phát triển, tất cả những quá trình khác được hoàn tất trong giai đoạn lứa tuổi này sẽ là những tuyến phụ (vệ tinh) của sự phát triển. Tuyến phát triển trung tâm của lứa tuổi này có thể trở thành tuyến phụ của giai đoạn lứa tuổi khác và ngược lại. Như vậy, vị trí và ý nghĩa của chúng luôn thay đổi trong tiến trình phát triển tâm lý cá nhân.
Sự thay đổi của hoạt động chủ đạo.
Theo Leônchiev, hoạt động chủ đạo là “hoạt động quy định những biến đổi trong các quá trình tâm lý và trong các đặc điểm tâm lý của nhân cách đứa trẻ ở trong giai đoạn phát triển của nó”. Còn theo một số nhà Tâm lý học hoạt động khác, “hoạt động chủ đạo là hoạt động luôn gắn liền với những biến đổi chủ yếu nhất trong tâm lý, làm xuất hiện những cấu tạo tâm lý mới trong giai đoạn phát triển của nó”.
Như vậy, hoạt động chủ đạo là hoạt động quy định những biến đổi chủ yếu nhất trong tâm lý con người trong giai đoạn phát triển của nó.
Ví dụ hoạt động chủ đạo của trẻ sơ sinh – hài nhi là hoạt động giao lưu cảm xúc trực tiếp với người lớn, của trẻ ấu nhi là hoạt động với đồ vật, của trẻ mẫu giáo là hoạt động vui chơi, của nhi đồng là hoạt động học tập,… và của nhà trường thành là hoạt động nghề nghiệp. Nhũng hoạt động này sẽ làm nảy sinh những nét cấu tạo tâm lý mới trong từng giai đoạn lứa tuổi, khiến cho các giai đoạn lứa tuổi khác biệt với nhau về chất.
Hoạt động chủ đạo có một số đặc điểm cơ bản như sau:
+ Là hoạt động chủ yếu nhất, cơ bản nhất, có ý nghĩa nhất. Hoạt động chủ đạo có thể không phải là hoạt động chiếm nhiều thời gian nhất nhưng là hoạt động chi phối mạnh mẽ toàn bộ cuộc sống của con người và gây ra những biến đổi chủ yếu nhất trong các quá trình tâm lý và nhân cách của con người ở giai đoạn phát triển của nó.
+ Làm xuất hiện những cấu tạo tâm lý mới đặc trưng cho lứa tuổi đó. Dưới sự tác động của hoạt động chủ đạo các quá trình tâm lý, các đặc điểm tâm lý chủ yếu nhất sẽ được hình thành hay được cải tổ lại, dẫn đến sự xuất hiện những cấu tạo tâm lý mới đặc trưng cho lứa tuổi.
+ Là hoạt động có khả năng chi phối các hoạt động khác diễn ra đồng thời với nó và tạo tiền đề cho sự hình thành một dạng hoạt động chủ đạo mới của lứa tuổi kế tiếp, phát sinh ngay từ trong lòng của hoạt động này.
Ví dụ: việc học được xuất hiện lần đầu tiên trong trò chơi của trẻ mẫu giáo (khi chơi trẻ đã phải học), sang tuổi nhi đồng hoạt động học tập sẽ trở thành hoạt động chủ đạo.
Khủng hoảng lứa tuổi
Sự xuất hiện những nét cấu tạo tâm lý mới khiến cho toàn bộ cấu trúc nhân cách được cải tổ lại, dẫn đến sự phát triển tâm lý có tính nhảy vọt, đột biến về chất. Điều đó có thể dẫn đến những sự “khủng hoảng” lứa tuổi.
Trong Tâm lý học lứa tuổi vẫn chưa có sự thống nhất ý kiến về vấn đề khủng hoảng lứa tuổi, vị trí và vai trò của nó trong sự phát triển tâm lý của đứa trẻ. Có nhóm nghiên cứu cho rằng, khủng hoảng lứa tuổi là hiện tượng không bình thường, có dấu hiệu bệnh lý. Số khác lại cho rằng, khủng hoảng trong sự phát triển của trẻ em là quy luật. Trẻ em, không thực sự trải nghiệm khủng hoảng, không thể phát triển toàn diện tiếp theo.
Khủng hoảng lứa tuổi là thuật ngữ dùng để chỉ các giai đoạn lứa tuổi phát triển đầy biển động xen giữa các giai đoạn ổn định. Đó là giai đoạn lứa tuổi có sự phát triển rất nhanh, mạnh và trong thời gian ngắn lượng đã biến thành chất.
Theo L.x. Vưgôtxki, sự phát triển tâm lý trong giai đoạn chuyển tiếp từ lứa tuổi này sang lứa tuổi khác có thể diễn ra từ từ, chậm chạp hoặc rất nhanh chóng, đầy biển động, ông chia các giai đoạn phát triển thành hai loại: giai đoạn bình ổn và giai đoạn khủng hoảng.
Giai đoạn bình ổn: là giai đoạn tương đối dài, sự phát triển tâm lý diễn ra từ từ, không có thành tựu nổi bật, không gây được sự chú ý đối với người xung quanh.
Giai đoạn khủng hoảng (biến động): là giai đoạn diễn ra những biến đổi bản chất trong quá trình phát triển tâm lý. Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ lứa tuổi này sang lứa tuổi khác. Giai đoạn này thường diễn ra ngắn, vài tháng, nhưng nếu dưới tác động không tốt của ngoại cảnh có thể kéo dài từ một đến hai năm hoặc lâu hơn nữa và kết quả là trong sự phát triển của trẻ có được những thành tựu nổi bật và có ý nghĩa.
Khủng hoảng bắt đầu và kết thúc không rõ ràng, nó thường gắn liền với sự thay đổi hành vi ở trẻ. Đặc biệt đó là sự xuất hiện thái độ ương bướng, khó bảo “khó giáo dục”… Các trẻ em trải qua giai đoạn khủng hoảng khác nhau. Có trẻ rất khó khăn, có trẻ rất nhẹ nhàng. Những thay đổi quan trọng nhất diễn ra trong giai đoạn khủng hoảng là những thay đổi bên trong. Đứa trẻ xuất hiện những biểu hiện tiêu cực như mất hứng thú, khó chịu, từ chối những giá trị và các mối quan hệ trước đây… Nhưng cùng với sự triệt tiêu cái cũ sẽ sản sinh ra những cái mới. Những cấu tạo tâm lý mới xuất hiện trong thời kỳ khủng hoảng thường không bền vững, nó sẽ được thay đổi trong giai đoạn bình ổn, và tạo ra những cấu tạo tâm lý mới bền vững hơn.
Trong giai đoạn khủng hoảng, trẻ em hay gặp hai mâu thuẫn chủ yếu: mâu thuẫn giữa những nhu cầu đang lớn dần lên với những hạn chế trong khả năng, mâu thuẫn giữa những nhu cầu mới của trẻ với những môi quan hệ đã hình thành trước đây với người lớn. Những mâu thuẫn này thường được xem như là động lực của sự phát triển.
Những khủng hoảng tiêu biểu ở trẻ em: khủng hoảng chào đời, 1 tuổi, 3 tuổi, 7 tuổi, 13 tuổi (dậy thì), 17 tuổi (đầu thanh niên) (L.x. Vưgốtxki).
Khủng hoảng 3 tuổi và khủng hoảng ở tuổi dậy thì gọi là khủng hoảng quan hệ. Khủng hoảng 1 tuổi và khủng hoảng 7 tuổi gọi là khủng hoảng thế giới quan (D.B. Encônhin).
2. Sự phân chia các giai đoạn lứa tuổi
Khi phân chia các giai đoạn lứa tuổi các nhà Tâm lý học dựa trên các tiêu chí khác nhau, chẳng hạn như Jean Piaget căn cứ vào sự hình thành và phát triển của các cấu trúc nhận thức và trí tuệ của cá nhân để phân chia thành 4 giai đoạn lứa tuổi ở trẻ em, E. Erikson lại căn cứ vào đặc điểm tâm lý – xã hội của cá nhân để chia làm 8 giai đoạn trong một đời người, S. Freud dựa vào bản năng tình dục để phân chia thành 5 giai đoạn.
Các nhà Tâm lý học hoạt động cũng có rất nhiều cách phân chia các giai đoạn lứa tuổi khác nhau, nhưng tựu trung lại thì thường căn cứ vào các tiêu chí chủ yếu như tình huống xã hội của sự phát triển, cấu tạo tâm lý mới của lứa tuổi, hoạt động chủ đạo và cả khủng hoảng lứa tuổi để xác định các giai đoạn lứa tuổi.
Như vậy, có nhiều cách phân chia các giai đoạn lứa tuổi khác nhau. Mọi sự phân chia lứa tuổi cũng chỉ mang tính chất tương đối mà thôi.
Ở nước ta các nhà Tâm lý học thường phân chia các giai đoạn lứa tuổi dựa theo tiêu chí của các nhà Tâm lý học hoạt động. Dưới đây là các giai đoạn lứa tuổi được thừa nhận rộng rãi ở Việt Nam.
Các giai đoạn phát triển tâm lý theo lứa tuổi:
1.Giai đoạn thai nhi
2.Giai đoạn sơ sinh – hài nhi (0 – 1 tuổi)
3.Giai đoạn vườn trẻ (1 – 3 tuổi)
4. Giai đoạn mẫu giáo (3-6 tuổi)
5. Giai đoạn nhi đồng (6-11 tuổi)
6. Giai đoạn thiếu niên (11-15 tuổi)
7.Giai đoạn thanh niên (15 – 25, 28 tuổi). Gồm 3 giai đoạn cụ thể:
– Giai đoạn đầu thanh niên (15-18 tuổi)
– Giai đoạn giữa thanh niên (18 – 22, 23 tuổi)
– Giai đoạn cuối thanh niên (22, 23 – 25, 28 tuổi)
8. Giai đoạn trưởng thành (25, 28 tuổi – 60 tuổi)
9. Giai đoạn tuổi già (sau 60 tuổi).
Mỗi giai đoạn lứa tuổi có một vai trò và vị trí nhất định trong tiến trình phát triển tâm lý cá nhân. Mỗi giai đoạn lứa tuổi cũng có những nét đặc trưng riêng về điều kiện phát triển tâm lý, hoạt động chủ đạo và những nét tâm lý điển hình. Khi xem xét sâu hơn một giai đoạn lứa tuổi nào đó chúng ta phải chú ý đến những điểm cơ bản này. Hai chương tiếp theo chúng ta sẽ xem xét cụ thể những đặc điểm đó ở giai đoạn lứa tuổi thiếu niên và thanh niên học sinh.
(Theo: Giáo trình tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm)