Hứng thú là thái độ đặc biệt của cá nhân đối với đối tượng nào đó vừa có ý nghĩa trong đời sống vừa có khả năng mang lại khoái cảm.
Hứng thú luôn có hai yếu tố.
Đối tượng phải có ý nghĩa đối với đời sống cá nhân (yếu tố nhận thức). Đối tượng có khả năng hấp dẫn, tạo ra những khoái cảm (yếu tố cảm xúc). Chính vì đặc điểm này mà hứng thú lôi cuốn con người hướng về phía nó, tạo ra tâm lí khát khao tiếp cận và đi sâu tìm hiểu nó. Đây là đặc trưng quan trọng của hứng thú giúp ta phân biệt nhu cầu và hứng thú và không thể đồng nhất nhu cầu và hứng thú tuy nhu cầu và hứng thú có mối quan hệ mật thiết.
Vai trò của hứng thú
– Hứng thú làm tăng hiệu quả của hoạt động nhận thức, hoạt động trí tuệ.
Khi có hứng thú với một đối tượng nào đó, cá nhân có sự tập trung cao độ của chú ý, tình cảm, hướng toàn bộ quá trình nhận thức vào đối tượng khiến quá trình này nhạy bén và sâu sắc.
Khi hứng thú, chú ý không chủ định xuất hiện nhanh, chú ý có chủ định được duy trì dễ dàng.
Tính tích cực trí tuệ của học sinh được định hướng và duy trì bởi hứng thú. Học sinh không thể chiếm lĩnh được đối tượng mà nó không hứng thú. Nó có thể ghi nhớ những sự kiện do ảnh hưởng của sự sợ hãi hay để lẩn tránh sự nhục nhã của thất bại nhưng sự học tập như thêm không có hiệu quả. Muốn đứa trẻ có thể biểu hiện sự tưởng tượng và phương pháp sáng tạo trong lĩnh vực nào đó thì nó cần phải ham mê sâu sắc lĩnh vực này và điều đó chỉ có thể đảm bảo được nhờ hứng thú. Nếu nhận thức chiều sâu của đối tượng trở thành sự cần thiết, thiết thân với đứa trẻ thì những nỗ lực thường xuyên vượt ra ngoài phạm vi tri thức hiện có sẽ trở thành cuộc phiêu lưu đầy xáo động đối với nó.
– Hứng thú làm tăng sức làm việc
Do ý nghĩa và đặc biệt do sự hấp dẫn của đối tượng mà cá nhân làm việc say sưa, dẻo dai, bền bỉ, khả năng khắc phục khó khăn lớn.
– Hứng thú làm nảy sinh khát vọng hành động và hành động sáng tạo.
Khi hứng thú, con người không chỉ dừng lại ở chỗ tích cực tìm hiểu, thưởng thức, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đối tượng mà còn tích cực hoạt động theo hướng phù hợp với hứng thú đó. Hứng thú không chỉ dừng ở sự thích thú vẻ bề ngoài, sự tò mò mang tính hiếu kì. Hứng thú chân chính luôn thúc đẩy con người hành động, hành động sáng tạo để chiếm lĩnh đối tượng đó.