Trang chủ Tâm lý học Ý chí là gì? Các phẩm chất cơ bản của ý chí

Ý chí là gì? Các phẩm chất cơ bản của ý chí

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 3,K views

Ý chí trong tâm lý học là gì? Các phẩm chất cơ bản của ý chí. [Tâm lý học đại cương]

Ý chí là gì?

Ý chí là gì?

1. Định nghĩa về ý chí

Ý chí là mặt năng động của ý thức, biểu hiện ở năng lực thực hiện những hành động có mục đích, đòi hỏi phải có sự nỗ lực khắc phục khó khăn bên ngoài và bên trong.

Năng lực này không phải tự nhiên ai cũng có như nhau – nói cách khác, ý chí là một phẩm chất tâm lí của cá nhân, một thuộc tính tâm lí của nhân cách. Người ta thường nói: Anh này không có ý chí; Chị này có ý chí cao; Chị kia kém ý chí,…

Là một hiện tượng tâm lí, ý chí cũng là một sự phản ánh hiện thực khách quan thông qua mục đích của hành động, nhưng mục đích đó không có sẵn mà được con người nhận thức một cách tự giác, mục đích ấy do các điều kiện của hiện thực khách quan quy định.

Ý chí là mặt năng động của ý thức, ý chí là hình thức tâm lí điều chỉnh hành vi tích cực nhất của con người, là năng lực tâm lí cho phép con người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để thực hiện đến cùng mục đích đã xác định. “Sở dĩ như vậy là vì ý chí kết hợp được trong mình cả mặt năng động của trí tuệ lẫn mặt năng động của tình cảm đạo đức” “ý chí – đó là mặt hoạt động của trí tuệ và tình cảm đạo đức”.

Năng lực kiểm soát, điều chỉnh hành vi một cách có ý thức nảy sinh trong hoạt động lao động. Động vật không có ý chí. Ý chí là mặt đặc trưng của tâm lí người, bởi vì con vật chỉ thích ứng một cách thụ động với thiên nhiên, còn con người bằng lao động – một loại hoạt động có ý thức – đã chinh phục và cải biến thiên nhiên. ý chí con người được hình thành trong quá trình lao động. Ngay cả hoạt động lao động đơn giản nhất (ví dụ, việc săn bắt nguyên thủy…) cũng đòi hỏi con người phải có phẩm chất ý chí nhất định, nó hình thành nên ở con người những phẩm chất ý chí nhất định, Ph. Ănghen đã nói: “Loài người càng cách xa loài vật thì tác động của con người vào giới tự nhiên càng mang tính chất của một hoạt động có tính toán trước, tiến hành một cách có phương hướng vào những mục đích nhất định, đã đề ra từ trước”.

Ý chí của con người được hình thành và biến đổi tuỳ theo những điều kiện xã hội – lịch sử, tùy theo những điều kiện vật chất của đời sống xã hội. Tính chất của những mục đích và những thúc đẩy đối với hành động của con người được quyết định bởi thính họ đại diện cho quyền lợi của giai cấp nào. Xu hướng của ý chí khác nhau trong những thời đại khác nhau và ở những đại diện của các giai cấp khác nhau.

Trong xã hội XHCN, những quan hệ được xây dựng trên nguyên tắc giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau. ở đây có sự phối hợp hài hòa giữa mục đích của cá nhân và mục đích của xã hội.

Trong khi ý thức được mối liên hệ gắn bó mình với tập thể, cá nhân phục từng hoạt động chung của xã hội, của tập thể, bắt quyền lợi của cá nhân phục tùng những quyền lợi của dân tộc, vì vậy không thể đặt ra cho mình những mục đích đối lập với những mục đích của tập thể.

Giá trị chân chính của ý chí không phải chỉ ở chỗ ý chí đó như thế nào (cao hay thấp, mạnh hay yếu) mà thể hiện ở chỗ nó hướng vào cái gì. Cho nên cần phải phân biệt mức độ ý chí (hay cường độ ý chí) với nội dung đạo đức của ý chí.

Chỉ có những ý chí được giáo dục về đạo đức mới có thể giúp con người thực hiện được những chuyển biến lớn lao trong sự nghiệp của mình.

2. Ý chí và các đặc điểm tâm lí khác của nhân cách

Ý chí không phải là thuộc tính tách rời của con người, nó liên hệ chặt chẽ với các mặt, các chức năng khác của tâm lí con người.

Nhận thức với ý chí

Nhận thức của con người hướng vào lĩnh hội, phân tích, trừu tượng hóa và khái quát hóa các tri thức tiếp thu từ môi trường xung quanh, những kiến thức này được củng cố trong trí nhớ và chế biến trong tư duy. Nghĩa là nội dung của ý chí nằm trong các khái niệm, các biểu tượng do tư duy và tưởng tượng mang lại. Những tri thức này thông báo những cái có trong thế giới xung quanh chúng ta.

Như vậy, nhận thức làm cho ý chí có nội dung. Đồng thời, ý chí là cơ chế khởi động và ức chế, ý chí còn điều chỉnh hành vi, nghĩa là hướng một cách có ý thức vào các nỗ lực của bản thân nhằm đạt mục đích cần thiết. Đó là sự điều chỉnh của ý chí và hành vi, hướng một cách có ý thức sự nỗ lực trí tuệ và thể chất vào việc đạt tới mục đích hoặc kiềm chế hoạt động khi cần thiết.

Khi chúng ta nói giữa ý chí và nhận thức có quan hệ thì không có nghĩa là con người ta nhận thức cái gì thì hành động như thế. Nhưng con người ta một khi đã có những suy nghĩ chín chắn về mục đích cuộc sống thì họ phải bằng mọi cách để đạt được mục đích đã đề ra, có nghĩa là con người sẽ phải có sự nỗ lực ý chí. Trong đời sống hàng ngày chúng ta có thể gặp những người mà ở họ có sự hoạt động rất mạnh mẽ, thể hiện sự kiên trì để vươn tới mục đích nhưng bản thân mục đích đó không quan trọng, không có ý nghĩa xã hội. Sự nỗ lực lớn của họ trở nên vô ích, vì họ không nhận thức được ý nghĩa.

Ý chí với tình cảm

Tình cảm và ý chí có quan hệ mật thiết, ý chí là mặt hoạt động của tình cảm.

Trong đời sống hàng ngày, hoạt động của con người, tình cảm thực hiện vai trò kích thích hành động. Đồng thời những rung động có thể là phương tiện kìm hãm hành động. Nhưng bản thân tình cảm cũng chịu sự kiểm soát của ý chí, vì thực tế có khi con người ta hành động trái ngược với tình cảm; Chẳng hạn con người ta đấu tranh với những mất mát, với sự tức giận, với niềm vui, nỗi khổ v.v… làm được điều đó là nhờ ý chí.

3. Các phẩm chất cơ bản của ý chí

Đó là tính mục đích, tính độc lập, tính quyết đoán, tính kiên trì tính tự chủ.

Tính mục đích

Tính mục đích là phẩm chất quan trọng của ý chí, đó là kĩ năng của con người biết đề ra cho hoạt động và cuộc sống của mình mục đích. Biết điều khiển hành vi của mình phục từng các mục đích – Nhưng tính mục đích của người lớn phụ thuộc vào thế giới quan và những nguyên tắc đạo đức của người đó – Tính mục đích còn mang tính giai cấp. Vì vậy mà khi xem xét tính mục đích không phải xem xét ở góc độ hình thức mà phải xét ở mặt nội dung.

Ví dụ: ý chí của bọn cướp của giết người khác với ý chí của những người chiến sĩ cách mạng.

Khác ở chỗ người chiến sĩ cách mạng đã biết đặt mục đích là vì nhân dân vì Tổ quốc, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc…

Vì vậy, nhà trường phải thường xuyên giáo dục tư tưởng đạo đức cho học sinh, giúp cho các em trở thành người sống. làm việc có mục đích cao đẹp.

Tính độc lập

Đó là năng lực quyết định và thực hiện hành động đã dự định mà không chịu ảnh hưởng của người khác. Tính độc lập thể hiện ở chỗ con người có thể từ bỏ ý kiến của mình để phục từng người khác (nhưng là ý kiến đúng).

Điều đáng chú ý là tính độc lập ở đây không giống với tính bướng bỉnh, tính bảo thủ, nghĩa là bất luận ý kiến của người khác đúng hay sai họ đều phủ định giữ nguyên ý kiến của mình. Tính độc lập – không có nghĩa là không phục tùng ý kiến của người khác, của tập thể. Song cũng không có nghĩa là phải “a dua”, “gió chiều nào theo chiều đó” hay bắt chước một cách không có ý thức.

Tính độc lập giúp cho con người hình thành được niềm tin vào sức mạnh của mình.

Tính quyết đoán

Là khả năng đưa ra được những quyết định kịp thời, không dao động, không phụ thuộc vào người khác.

Tính quyết đoán không phải thể hiện ở hành động thiếu suy nghĩ, mà là những hành động có cân nhắc, có căn cứ. Con người có tính quyết đoán là có niềm tin vào sự thành công, vào sự đúng đắn của những suy nghĩ của mình.

Tiền đề của tính quyết đoán là tính dũng cảm, nghĩa là sự nhút nhát, mềm yếu thì không thể có được tính quyết đoán. Người có tính quyết đoán luôn luôn có hành động dứt khóat, nhanh, đúng lúc, không dao động. Ngược lại người không có tính quyết đoán thường hay do dự, dao động và hành động không đúng lúc, không kịp thời và hay hoài nghi.

Tính bền bỉ (hay kiên trì)

Phẩm chất này được biểu hiện ở kĩ năng vượt khó khăn để đạt mục đích không tính thời gian ngắn hay dài miễn đạt mục đích đặt ra. Không bao giờ cảm thấy mệt mỏi, chán nản, những khó khăn không làm họ nhụt chí mà còn làm tăng nghị lực để vượt qua khó khăn. Phẩm chất bền bỉ rất cần đối với người làm công tác giáo dục. Song chúng ta cũng cần phân biệt người có tình bền bỉ, dẻo dai khác với người có tính lì lợm, bướng bỉnh, kém ý chí.

Tính bướng bỉnh ở học sinh được biểu hiện rõ nhất là thái độ phản ứng của các em đối với người lớn khi có thái độ thiếu tế nhị hoặc ở tính đỏng đảnh của đứa trẻ được gia đình nuông chiều, từ đó các em quan niệm sai về phẩm chất này, các em đánh giá tính bướng bỉnh, nũng nịu, đỏng đảnh là thể hiện tính cứng rắn, tính độc lập, không dao động.

Tính tự chủ

Là khả năng làm chủ bản thân, duy trì được sự kiểm soát các hành vi của bản thân: như chiến thắng với những thúc đẩy không mong muốn, không lành mạnh, tính tự chủ là khả năng kiểm soát, làm chủ được những xúc động, cảm xúc (sợ hãi, giận dữ) xảy ra không đúng lúc, không cần thiết của mỗi người.

Tính tự chủ giúp con người khắc phục được tính cục cằn cũng như các trạng thái tâm lí khác (buồn chán, hoang mang, dao động, hoài nghi…), những trạng thái tâm lí này thường nảy sinh trong công tác, trong quan hệ với đồng nghiệp, trong quan hệ giữa cá nhân với cá nhân.

Tính tự chủ của con người được hiểu là sự kiềm chế những cảm xúc, xúc động trong tình cảm. Khi kiềm chế những cảm xúc đó người ta gắn liền nó với những phản ứng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.

Sở dĩ có những cách hiểu bó hẹp như vậy vì phẩm chất ý chí này thường biểu hiện rõ nhất trong phạm vi điều khiển, điều chỉnh các cảm xúc – thực ra nó còn có khả năng điều khiển, điều chỉnh hành vi con người trong giao tiếp.

4. Danh ngôn về ý chí

Danh ngôn ý chí

– “Cái người đời thường thiếu là ý chí chứ không phải là sức mạnh” – Victor Hugo.

– “Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên” – Hồ Chí Minh

– “Lúc tâm hồn tràn đầy ánh sáng của một ý chí lớn, một tình cảm lớn, và những cái lớn này chi phối cả đời sống của mình, mọi ý nghĩ và việc làm của mình, thì tự nhiên người ta sẽ rời bỏ cái gì không xứng đáng, những cái nhỏ nhen, và sẽ thấy vui vẻ phấn chấn lạ thường.” – Phạm Văn Đồng

– “Sự khác biệt giữa những người thành công và những người thất bại không phải ở sức mạnh, kiến thức hay sự hiểu biết – mà chính ở ý chí.” – Khuyết danh.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]