Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Xã hội hóa sản xuất là gì?

Xã hội hóa sản xuất là gì?

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 171 views

Sản xuất bao giờ cũng mang tính xã hội. Tính xã hội của sản xuất phát triển từ thấp đến cao gắn liền với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Tuy nhiên cần phân biệt tính xã hội của sản xuất với xã hội hóa sản xuất. Trong nền sản xuất nhỏ, kinh tế tự nhiên, tự cấp tự túc, các hoạt động kinh tế thường được thực hiện ở các đơn vị kinh tế độc lập với nhau. Nếu có quan hệ với nhau thì chỉ là quan hệ theo số cộng đơn thuần chứ chưa có quan hệ phụ thuộc hữu cơ với nhau. Nền sản xuất ở đây có tính xã hội nhưng chưa được xã hội hóa.

Xã hội hóa sản xuất chỉ ra đời và phát triển dựa trên trình độ phát triển cao của lực lượng sản xuất, gắn với sự ra đời và phát triển của nền sản xuất lớn. Xã hội hóa sản xuất là sự liên kết nhiều quá trình kinh tế riêng biệt thành quá trình kinh tế – xã hội. Nó là một quá trình được hình thành, hoạt động và phát triển liên tục, tồn tại như một hệ thống hữu cơ.

Xã hội hóa sản xuất là quá trình kinh tế khách quan của sự phát triển tính  xã hội của sản xuất, được quy định bởi sự phát triển cao của lực lượng sản xuất xã hội và của sản xuất hàng hóa. Xã hội hóa sản xuất biểu hiện ở sự phân công, hợp tác lao động phát triển; mối liên hệ kinh tế giữa các đơn vị, các ngành, các khu vực ngày càng chặt chẽ; sản xuất tập trung với những quy mô hợp lý, sản phẩm làm ra là kết quả của nhiều người, nhiều đơn vị, nhiều ngành, thậm chí   của nhiều nước, v.v.. Chính sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội, của sản xuất hàng hóa thúc đẩy sự phân công và hợp tác lao động phát triển, phá vỡ tính chất khép kín, biệt lập của các chủ thể kinh tế, của các vùng, các địa phương và của các quốc gia, thu hút chúng vào quá trình kinh tế thống nhất, làm cho sự   phụ thuộc lẫn nhau về cả “đầu vào” và “đầu ra” của quá trình  sản xuất ngày  càng phát triển và chặt chẽ – tức xã hội hóa sản xuất phát triển cả chiều rộng và chiều sâu.

Về nội dung, xã hội hóa sản xuất thể hiện trên ba mặt:

  • Xã hội hóa sản xuất về kinh tế – kỹ thuật (xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, phát triển lực lượng sản xuất).
  • Xã hội hóa sản xuất về kinh tế – tổ chức (tổ chức, quản lý nền sản xuất xã hội cho phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất ở từng thời kỳ).
  • Xã hội hóa sản xuất về kinh tế – xã hội (xác lập quan hệ sản xuất trong đó quan trọng nhất là quan hệ sở hữu về các tư liệu sản xuất chủ yếu).

Ba mặt trên có quan hệ chặt chẽ với nhau, tạo nên tính toàn diện của xã hội hóa sản xuất. Xã hội hóa sản xuất được tiến hành đồng bộ trên cả ba mặt nói trên và có sự phù hợp giữa ba mặt đó, là xã hội hóa sản xuất thực tế. Nếu chỉ dừng lại ở xã hội hóa sản xuất về tư liệu sản xuất, không quan tâm đến xã hội hóa các mặt khác của quan hệ sản xuất thì đó là xã hội hóa sản xuất hình thức. Tiêu chuẩn quan trọng để xem xét trình độ xã hội hóa sản xuất là ở năng suất lao động và hiệu quả của nền sản xuất xã hội.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net