Trang chủ Kinh tế và Kinh doanh Hiệu quả của tái sản xuất xã hội

Hiệu quả của tái sản xuất xã hội

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 132 views

Hiệu quả của tái sản xuất xã hội là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh sự tiến bộ kinh tế – xã hội, có ý nghĩa quan trọng của nền sản xuất xã hội ở các thời đại khác nhau trong lịch sử.

Về mặt kinh tế, hiệu quả của tái sản xuất xã hội có thể tính bằng hiệu quả tương đối hoặc hiệu quả tuyệt đối.

Hiệu quả tương đối của tái sản xuất xã hội là tỷ số tính theo phần trăm giữa kết quả sản xuất mà xã hội nhận được với toàn bộ lao động xã hội đã bỏ ra (gồm chi phí lao động quá khứ và lao động sống).

H = K / C x 100(%)

Trong đó:

H là hiệu quả tương đối của tái sản xuất xã hội.

K là kết quả sản xuất xã hội.

C là chi phí lao động xã hội.

Hiệu quả tuyệt đối của tái sản xuất xã hội là hiệu số giữa kết quả sản xuất xã hội và chi phí lao động xã hội.

Trong thực tế, người ta thường dùng nhiều chỉ tiêu khác nhau để tính hiệu quả kinh tế của tái sản xuất xã hội từng phần; như: Hiệu quả sử dụng tài sản cố định, hiệu quả sử dụng vật tư (tư liệu sản xuất), hiệu quả sử dụng lao động sống (năng suất lao động, v.v.).

Về mặt xã hội, hiệu quả của tái sản xuất xã hội biểu hiện sự tiến bộ xã hội như sự phân hóa giàu nghèo và sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng ngày càng giảm; đời sống của xã hội được cải thiện, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng ít, dân trí ngày càng được nâng cao, chất lượng phục vụ y tế, tuổi thọ… tăng lên.

Nếu hiệu quả kinh tế của tái sản xuất xã hội phụ thuộc chủ yếu vào trình độ của lực lượng sản xuất là đúng cho mọi xã hội thì hiệu quả xã hội của tái sản xuất xã hội lại phụ thuộc trực tiếp vào quan hệ sản xuất, nó không giống nhau ở các xã hội khác nhau.

Mối quan hệ giữa hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội được kết hợp trong quá trình tái sản xuất gọi là hiệu quả kinh tế – xã hội. Kết hợp hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội là đặc trưng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, nó biểu hiện ở sự kết hợp chặt chẽ chính sách kinh tế với chính sách xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển.

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net