Trang chủ Xã hội học Vị thế xã hội là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến vị thế XH

Vị thế xã hội là gì? Các yếu tố ảnh hưởng đến vị thế XH

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 931 views

1. Vị thế xã hội là gì?

Vị thế xã hội của mỗi cá nhân chính là địa vị và thứ bậc của cá nhân đó trong cơ cấu tổ chức xã hội được xã hội thừa nhận ở từng thời kỳ nhất định. Vị thế xã hội thể hiện qua ba đặc trưng cơ bản của nó là quyền lực xã hội, quyền lợi và trách nhiệm.

Quyền lực xã hội là quyền lực của một vị thế xã hội nào đó được xã hội thừa nhân hoặc trao cho cá nhân để thực hiện vai trò của mình trong xã hội. Ở đây, có hai loại quyền lực:

– Thứ nhất là quyền lực xã hội trao cho do những quy định về quyền hạn của mỗi vị thế xã hội cụ thể. Ví dụ như Bộ trưởng có quyền hạn của bộ trưởng, giám đốc doanh nghiệp, giảng viên đại học có quyền hạn của giảng viên… Các quyền này được thể chế hóa một cách cụ thể rõ ràng và là cơ sở pháp lý cho mỗi vị thế xã hội phát huy vai trò của mình trong xã hội.

– Thứ hai là quyền lực do nắm giữ được coi là quý hiếm trong xã hội như tiền, vàng, tri thức,… Những cái đó sẽ mang lại quyền lực cho họ và, vì vậy, họ có thể có địa vị cao trong xã hội. Quyền lực loại này trong xã hội không trao cho mà là xã hội thừa nhận. Ví dụ như các nhà tỷ phú, địa chủ được coi là tầng lớp thượng lưu có địa vị xã hội cao và có vị thế nhất định trong xã hội mặc dù họ không giữ chức vụ hoặc cương vị nào trong bộ máy tổ chức xã hội hoặc trong các doanh nghiệp.

Quyền lợi xã hội là những điều kiện vật chất và tinh thần mà mỗi vị thế xã hội có được từ xã hội. Những quyền lợi đó là tiền lương, thu nhập khác, tiền  thưởng và các điều kiện ưu tiên về vật chất và tinh thần.

Trách nhiệm xã hội là những quy định của xã hội đối với kết quả và hậu quả của việc thực hiện quyền lực xã hội ở mỗi vị thế xã hội nhất định. Đây là cơ chế ràng buộc, giám sát các hoạt động quyền lực trong xã hội để định hướng những hoạt động đó mang lại lợi ích cho xã hội.

Sự cao thấp của quyền hạn, quyền lợi và trách nhiệm sẽ tạo ra thứ bậc khác nhau của vị thế xã hội. Thứ bậc của vị thế xã hội đã tạo ra các phạm vi và hiệu lực của từng vị thế xã hội, tạo ra một hệ thống các vị thế xã hội chi phối lẫn nhau trong hệ thống tổ chức xã hội.

2. Phân loại vị thế xã hội

Sự phân loại vị thế xã hội hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau và tùy thuộc vào mục tiêu nghiên cứu của mỗi tác giả. Hiện nay có các loại phân loại cơ bản sau:

2.1. Phân loại theo hệ thống tổ chức xã hội

Hệ thống xã hội có các vị thế cơ bản theo hệ thống là:

  • Hệ thống vị thế xã hội trong quan hệ tổ chức Nhà nước đã được quy định trong các văn bản pháp luật về tổ chức hệ thống Nhà nước.
  • Hệ thống vị thế xã hội trong hệ thống tổ chức đoàn thể được quy định trong điều lệ hoặc quy chế hoạt động của tổ chức đó.
  • Hệ thống vị thế xã hội trong các tổ chức kinh tế và dịch vụ xã hội được quy định trong các văn bản pháp luật về tổ chức hoặc quy chế hoạt động của tổ chức đó. Đặc biệt trong các tổ chức này còn có hệ thống các chức danh và tiêu chuẩn chức danh nhằm cụ thể hóa chi tiết các vị thế xã hội của từng loại lao động.

2.2. Phân loại theo quyền lực

Phân loại theo quyền lực thì có hai loại vị thế xã hội là:

  • Vị thế xã hội lãnh đạo là các vị thế xã hội, có quyền lực chi phối đến những vị thế hay những cấp dưới.
  • Vị thế xã hội bị lãnh đạo là các vị thế xã hội chịu sự chi phối bởi quyền lực của vị thế xã hội cao hơn.

Với cách phân loại này thì tất cả vị thế xã hội ở cấp trung gian vừa là vị thế lãnh đạo vừa là vị thế bị lãnh đạo. Đó là quan hệ chi phối lẫn nhau của các vị thế xã hội.

2.3. Phân loại theo tài sản thu nhập và tri thức

Hệ thống vị thế xã hội được phân chia theo phân tầng xã hội như:

  • Tầng lớp thượng lưu.
  • Tầng lớp trung lưu.
  • Tầng lớp lao động.
  • Tầng lớp nghèo.

3. Tạo lập vị thế xã hội

Trong thực tế có nhiều con đường để mỗi một cá nhân giành lấy vị thế xã hội cho mình. Có một số con đường mà các cá nhân đã đi theo là:

  • Tu thân lập nghiệp, là con đường cơ bản nhất, chủ yếu nhất trong tất cả các xã hội.
  • Do quá khứ để lại như cha truyền con nối hoặc sự sắp đặt của ông
  • Do cơ may trong cuộc sống.
  • Do thủ đoạn, âm mưu hại người nhằm chiếm lấy vị thế xã hội đó.

Mỗi xã hội đều có những cơ chế sắp đặt vị thế xã hội, tức là mỗi một cá nhân có được vị thế xã hội cho bản thân bằng các cơ chế nhất định. Hiện nay có ba cơ chế cơ bản sau đây để sắp đặt vị thế xã hội.

  • Cơ chế tiến cử là cơ chế trong đó một cá nhân được một cá nhân khác hay tổ chức đề bạt với cấp trên bổ nhiệm vào một vị thế xã hội nào đó.
  • Cơ chế bầu cử là cơ chế trong đó cộng đồng lựa chọn một cá nhân hoặc một nhóm người lãnh đạo cộng đồng bằng các hình thức bỏ phiếu lựa chọn.
  • Cơ chế thi cử là cơ chế trong đó người được bổ nhiệm vào vị thế xã hội phải trải qua một kỳ thi giám định khả năng làm việc hoặc qua một hội đồng giám định khả năng làm việc.

Trong bất kỳ một xã hội nào cũng sử dụng cả ba cơ chế đó, song thiên hướng sử dụng cơ chế ở các loại vị thế xã hội khác nhau có khác nhau tùy thuộc vào bản chất của xã hội đó và tùy thuộc vào ưu nhược điểm của mỗi loại cơ chế.

(Nguồn tài liệu: TS. Nguyễn Thế Phán, Giáo trình Xã hội học, NXB Lao động Xã hội)

4. Các yếu tố ảnh hưởng đến vị thế xã hội:

  • Nguồn gốc xã hội (dòng dõi): là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên vị thế con người. Nó bao gồm nhiều yếu tố như: nguồn gốc giai tầng xã hội, chủng tộc, dân tộc, sắc tộc…
  • Sự giàu có (hay của cải, thu nhập): sự giàu có dưới nhiều hình thức khác nhau cũng tham gia vào việc cấu thành nên vị thế xã hội của một cá nhân.
  • Nghề nghiệp: những nghề nghiệp khác nhau có ý nghĩa khác nhau trong việc cấu thành nên vị thế của cá nhân. Tuy nhiên tác động của nghề nghiệp đối với vị thế sẽ thay đổi theo thời gian, tuỳ theo ý nghĩa, lợi ích của nghề nghiệp mang lại.
  • Trình độ học vấn: người có trình độ học vấn càng cao thì vị thế xã hội càng cao. Nhiều khi, nơi được đào tạo cũng tham gia vào việc cấu thành vị thế của cá nhân. Ví dụ một sinh viên tốt nghiệp Đại học ở nước ngoài thường dễ xin việc hơn và dễ được bố trí vào vị trí
  • Những đặc điểm về sinh lý, giới tính: cũng là những nhân tố quan trọng đóng góp vào việc xác định vị thế của cá nhân. Các đặc điểm cụ thể như:
  • Giới tính: trong các xã hội truyền thống, các quốc gia Hồi giáo, thậm chí ở một số xã hội hiện đại, nam giới vẫn thường được xem trọng, đề cao hơn nữ giới.
  • Lứa tuổi: người già thường có vị thế cao hơn và thường được kính trọng hơn so với những người ít tuổi.
  • Thể chất: những người có thể chất khoẻ mạnh và cơ thể xinh đẹp, hài hoà thường dễ chiếm được vị thế quan trọng trong xã hội.
  • Bên cạnh đó còn có một số các yếu tố khác như: trí thông minh, sự táo bạo, gan dạ, ý chí dám mạo hiểm, dám nghĩ, dám làm, khả năng tế nhị trong giao tiếp, ý chí biết kiềm chế những thoả mãn nhất thời, địa vị người bạn đời….cũng góp phần tạo nên vị thế của một cá nhân.

Những yếu tố cấu thành vị thế nói trên không đứng riêng lẻ, tách bạch với nhau mà được phối hợp, sắp xếp theo những cách khác nhau. Tuỳ theo từng người, từng thời gian, hoàn cảnh, điều kiện, từng quốc gia mà sự ảnh hưởng đến vị thế của các yếu tố trên sẽ khác nhau

 

5/5 - (2 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]