Trang chủ Xã hội học Tương tác xã hội là gì?

Tương tác xã hội là gì?

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 833 views

1. Khái niệm và đặc điểm của tương tác xã hội

Hành động xã hội là cơ sở, tiền đề của tương tác xã hội, không có hành động xã hội thì không có tương tác xã hội. Tương tác xã hội được coi là quá trình hành động và hành động đáp lại của một chủ thể này với một chủ thể khác. Tương tác xã hội có thể ở cấp độ vi mô và vĩ mô. Ở cấp độ vi mô tương tác xã hội nghiên cứu về những đơn vị tương tác nhỏ nhất, còn ở cấp độ vĩ mô là nghiên cứu sự tương tác của các cơ cấu xã hội, thiết chế xã hội và hệ thống xã hội.

Khi phân tích xem xét quá trình tương tác ở cả hai cấp độ, chúng ta nên hiểu tương tác xã hội theo nghĩa rộng, đó là một hình thức thông tin và giao tiếp xã hội của ít nhất là hai chủ thể hành động. Khi quá trình tương tác xã hội được thực hiện, có thể diễn ra sự thích ứng của một hành động này với một hành động khác và các chủ thể sẽ có được sự hiểu biết nhau về tình huống, ý nghĩa của hành động.

Mục đích của các chủ thể hành động trong tương tác xã hội có thể tương đồng với nhau và nhờ vậy mà giữa các chủ thể sẽ đạt được sự đồng tình và hợp tác. Nhưng cũng có những lúc, mục đích của các chủ thể hành động trong tương tác trái ngược nhau, thậm chí còn loại trừ nhau. Ví dụ, trong phòng thi, các giám thị quan sát và bao quát phòng thi là để nhằm ngăn chặn các hành vi sai lệch của thí sinh như quay cóp, sử dụng tài liệu. Các chủ thể cùng sống trong một môi trường văn hoá, nhưng vẫn khó có thể tìm được tiếng nói chung trong quá trình tương tác. Bởi vì mức độ ảnh hưởng của các chuẩn mực, giá trị đến họ không giống nhau. Các đặc điểm tâm lý, tư duy làm cho cá nhân có cách tiếp nhận giá trị, chuẩn mực xã hội khác nhau. Đây là yếu tố căn bản quyết định mức độ thích ứng với nhau hay không giữa các chủ thể hành động trong tương tác xã hội. Sự xung đột về giá trị càng lớn thì khả năng thích ứng trong tương tác càng giảm. Các giá trị khác nhau nhưng không xung đột với nhau vẫn có thể tạo ra sự thích ứng. Mặt khác, hệ thống giá trị đặc thù của các chủ thể không phải bất biến, mà thường biến đổi trong quá trình tương tác, cường độ và thời gian của sự biến đổi này sẽ quy định mức độ của sự thích ứng giữa các chủ thể tương tác. Các khả năng có thể xảy ra khi hệ giá trị biến đổi là:

+ Hầu như không biến đổi, các chủ thể không thích ứng được với nhau, thậm chí xung đột còn tăng lên.

+ Có biến đổi, nhưng rất ít, giữa các chủ thể đã xuất hiện một sự hợp tác, đồng tình tối thiểu.

+ Biến đổi rất nhiều, nếu sự biến đổi chỉ xảy ra ở một đối tượng, thì sẽ dẫn đến sự lệ thuộc và quy phục, còn nếu cả hai đều biến đổi thì đó là sự “hợp tác ăn ý” của cả hai.

+ Sự biến đổi gần như hoàn toàn, đó là trường hợp, một chủ thể tự động điều chỉnh hệ thống giá trị và hành động của mình cho phù hợp với chủ thể kia.

Tóm lại khái niệm và đặc điểm của tương tác xã hội là một phạm trù rất quan trọng của xã hội học, nó có quan hệ với nhìều khái niệm khác nhau như hành động xã hội, cơ cấu xã hội, quan hệ xã hội, chuẩn mực xã hội, vị thế, vai trò xã hội…

2. Lý thuyết tương tác biểu trưng

2.1. Khái niệm

Lý thuyết tương tác biểu trưng còn được gọi là tương tác tượng trưng, một trong những lý thuyết về tương tác xã hội quan trọng nhất của Xã hội học, nó gắn liền với tên tuổi của G. Mead, một nhà xã hội học người Mỹ. Trong tương tác biểu trưng, các chủ thể không phản ứng trực tiếp đối với các hành động của người khác, mà chỉ tìm cách “đọc” và hiểu ý nghĩa của các biểu tượng, được thể hiện bằng các hành động, cử chỉ… Để thực hiện được điều này, các chủ thể phải đặt mình vào vị trí của đối tượng tương tác – nhập vào vai đối tượng, có như vậy mới hiểu hết ý nghĩa của những phát ngôn, những cử chỉ, hành động của họ. Điều này cũng có một tác động quan trọng đến quá trình hình thành nhân cách của cá nhân.

2.2. Nội dung

G. Mead và các cộng sự của ông quan niệm rằng: con người như một thực thể sống trong thế giới của các biểu tượng và môi trường ký hiệu, xã hội thực hiện sự điều chỉnh hành động của các cá nhân qua các biểu tượng. Tất cả những vật thể, hình ảnh, hành động, cử chỉ xung quanh ta có thể được con người gắn cho những ý nghĩa và trở thành các biểu tượng trong giao tiếp (chim bồ câu là biểu tượng của hoà bình, hoa hồng biểu tượng của tình yêu hay gật đầu là đồng ý, lắc đầu là phản đối…).

Các biểu tượng có một đặc điểm chung là chúng mang những ý nghĩa nhất định và tạo ra sự phản ứng giống nhau ở các cá nhân. Để hình thành các biểu tượng tương tác phải có một quá trình:

Thứ nhất, cá nhân phải ý thức rõ ràng được về một hình ảnh, hành động, cử chỉ, chữ viết… nào đó và tách biệt, phân lập nó ra khỏi môi trường xung quanh.

Thứ hai, cá nhân tiến hành quy gán cho nó một ý nghĩa xác định, dần dần ý nghĩa quy gán này có thể được đông đảo các cá nhân khác thừa nhận. Do vậy, biểu tượng tương tác được hình thành, nhưng trước khi trở thành biểu tượng chung của một nền văn hoá hay của cả nhân loại, thì chúng thường là biểu tượng tương tác của một tiểu văn hoá. Chính vì thế, nên trong thực tế, có nhiều sự vật, hiện tượng, hành động, cử chỉ… giống nhau, nhưng lại được quy gán những ý nghĩa khác nhau khi chúng không ở cùng một tiểu văn hoá.

Ngôn ngữ, chữ viết là một hệ thống biểu tượng quan trọng bậc nhất trong quá trình tương tác giữa các cá nhân. Ý nghĩa biểu trưng của nó được quy gán qua hệ thống âm thanh và kí tự. Hạn chế của tương tác biểu trưng là khó thực hiện ở cấp độ vĩ mô và gây nhiều khó khăn cho các cá nhân xuất phát từ những nền văn hoá có các hệ thống biểu tượng tương đối khác nhau.

3. Một số lý thuyết tương tác xã hội khác

3.1. Lý thuyết trao đổi xã hội về tương tác xã hội

Theo Homans, các cá nhân hành động tuân theo nguyên tắc trao đổi các giá trị vật chất và tinh thần. Như vậy sẽ xuất hiện hai trạng thái hành động trong tương tác, hành động chohành động nhận. Cá nhân thực hiện hành động cho nhiều lần với người khác, thì sẽ có xu hướng tâm lý muốn được nhận lại nhiều lần. Ngược lại, cá nhân được nhận nhiều từ người khác sẽ cảm thấy bị tác động bởi một áp lực vô hình của sự nhận và cho. Từ đó xuất hiện xu hướng cân bằng giữa traonhận của các cá nhân trong quá trình tương tác. Homans gọi đó là sự cân bằng chi phí, tâm lý chung của các cá nhân là mong muốn nhận được những phần thưởng lớn nhất so với những chi phí đã bỏ ra. Trong thực tế cuộc sống xã hội, quá trình tương tác theo mô hình trao đổi xã hội rất phổ biến, bởi toàn bộ các tương tác xã hội là một tập hợp phức tạp của các trao đổi.

3.2. Lý thuyết kịch

Lý thuyết kịch hay còn gọi là lý thuyết kiềm chế biểu cảm (đại diện tiêu biểu của lý thuyết này là Ervings Goffman), quan niệm rằng: toàn bộ đời sống xã hội là một tấn kịch khổng lồ với những diễn viên vừa đóng vai khán giả, vừa đóng vai nhân vật.

Luận điểm then chốt của lý thuyết kịch là kiềm chế biểu cảm, nghĩa là trong những tình huống cụ thể, cá nhân cố gắng tạo ra và duy trì một trạng thái biểu cảm phù hợp nhất (đóng kịch). Nói cách khác, con người ta thường xuyên dùng mặt nạ – trừ khi anh ta ở một mình, khi mang mặt nạ, cá nhân phải chú ý hành động sao cho phù hợp với mặt nạ đó. Vì vậy, Goffman cho rằng, quá trình tương tác xã hội là một chuỗi vô tận gồm các bước (hay chu kỳ): Mang mặt nạ – Tháo bỏ mặt nạ – Sự chân thành giả tạo – Tháo bỏ mặt nạ. Và tất nhiên quá trình tương tác xã hội chỉ diễn ra theo chu kỳ này khi có sự giám sát của những người xung quanh.

Lý thuyết kịch là một quan điểm tiêu cực về tương tác giữa con người với con người. Các cá nhân khi xuất hiện trước mặt nhau luôn không thành thật với nhau, họ có thể vui cười, có thể khóc với nhau, nhưng tất cả những biểu cảm đó đều được tạo ra có chủ ý làm hài lòng người khác. Nhưng cũng có những khi họ hành động trái ngược với sự mong đợi của người khác.

3.3. Phương pháp luận Dân tộc học về tương tác xã hội

Đại diện tiêu biểu cho phương pháp này là Harold  Garfinkel, nội dung của nó có nhiều điểm gần với lý thuyết tương tác biểu trưng. Phương pháp luận dân tộc học về tương tác xã hội nghiên cứu những quy tắc hiển nhiên điều khiển sự tương tác của người này với người khác. Với những người thân thiết, hiểu biết rất rõ về nhau như các thành viên trong một gia đình, bạn bè, hay những người trong cùng một nền văn hoá, thì những quy tắc này được sử dụng thường xuyên. Thực chất, những quy tắc hiển nhiên trong giao tiếp là những qui ước ngầm về việc nhận thức tình huống tương tác. Những qui ước ngầm này chứa đựng rất nhiều thông tin, nhưng trong quá trình tương tác, các cá nhân vẫn hiểu mà không cần giải thích dài dòng. Điều này lý giải hiện tượng vì sao những người quen biết nhau lâu ngày, khi giao tiếp thường nói rất ngắn hoặc nói tắt vẫn hiểu nhau. Như vậy những quy tắc ngầm, hiển nhiên có ý nghĩa giúp chúng ta tiết kiệm được thời gian, sức lực trong cuộc sống.

Mỗi một cộng đồng có một hệ thống các quy ước riêng mà những cá nhân ở các cộng đồng khác không thể hiểu được. Do đó để thực hiện tương tác xã hội thuận lợi ở cộng đồng mới, cá nhân phải thâm nhập và học hỏi.

4. Phân loại tương tác xã hội

4.1. Phân loại dựa vào mối liên hệ xã hội

Tương tác xã hội không phải được xây dựng từ các hành động xã hội sơ đẳng, mà từ các mức độ phát triển khác nhau, điều đó được thể hiện ở mối liên hệ xã hội giữa các chủ thể hành động tương tác. Sự phát triển của mối liên hệ giữa các chủ thể trải qua các mức độ:

  • Sự tiếp xúc không gian, mối liên hệ xã hội hầu như chưa có.
  • Sự tiếp xúc tâm lý, đã xuất hiện sự quan tâm, chú ý lẫn nhau.
  • Sự tiếp xúc xã hội, đã có sự hoạt động chung.
  • Sự tương tác, thực hiện hành động tương tác ổn định, có hệ thống.
  • Quan hệ xã hội, đó là những hệ thống phối hợp các hành động…

4.2. Phân loại theo các dạng hoạt động chung

Theo các nhà khoa học Nga, các dạng tổ chức hoạt động chung của các cá nhân chính là các dạng tương tác xã hội khác nhau:

  • Hoạt động cá nhân – cùng nhau: các cá nhân được giao cùng làm những công việc nào đó, mà việc thực hiện củ người này không ảnh hưởng đến  tốc độ, công việc của người kia.
  • Hoạt động tiếp nối – cùng nhau: công việc được thực hiện tiếp nối theo kiểu dây chuyền, do vậy sự thực hiện nhiệm vụ của người này ảnh hưởng nhiều đến tốc độ và chất lượng công việc của người kia.
  • Hoạt động tương hỗ – cùng nhau: sự tương tác cá nhân đồng thời với tất cả các cá nhân khác trong cùng hoạt động.

4.3. Phân loại theo chủ thể hành động

Trong tương tác xã hội tối thiểu phải có hai chủ thể hành động tham gia, có thể đó là cá nhân, nhóm hay cả xã hội, diễn ra theo các dạng:

  • Tương tác liên cá nhân
  • Tương tác cá nhân – xã hội
  • Tương tác nhóm – xã hội
  • Tương tác nhóm – nhóm
  • Tương tác giữa các cá nhân với  tư cách đại diện cho các nhóm khác nhau, có thể diễn ra trực tiếp hoặc gián tiếp (bằng các phương tiện kỹ thuật thông tin).

4.4. Phân loại theo mục tiêu, ý nghĩa xã hội của tương tác

Trong quá trình tương tác, các chủ thể hành động luôn mang một trong những đặc trưng xã hội như: đồng tình hay xung đột, thích ứng hay đối lập, liên kết hay chia rẽ… Tất cả qui thành hai nhóm:

Một, bao gồm những biểu hiện tương tác mang tính tích cực, xây dựng. Nhờ đó các chủ thể có thể tổ chức các hoạt động chung. Nhóm này có tên gọi là tương tác theo dạng hợp tác.

Hai, chứa đựng những biểu hiện tương tác mang tính tiêu cực, phá hoại, đối kháng, ngăn cản những hoạt động chung. Đó là tương tác dạng cạnh tranh.

Trên đây là những loại hình tương tác cơ bản nhất. Ngoài ra còn có một số loại tương tác khác như: tương tác dài hạn, ngắn hạn; tương tác thiết chế hoá, không thiết chế hoá; tương tác ổn định, tương tác không ổn định…

(Nguồn tài liệu: Hoàng Quốc Tuấn, Đặng Thị Minh Lý, Xã hội học Đại cương, 2011)

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]