Nội dung Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người.
1. Quan niệm của Hồ Chí Minh về con người
Theo Hồ Chí Minh, con người là một chỉnh thể, thống nhất về trí lực, tâm lực, thể lực, đa dạng bởi mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội (quan hệ gia đình, dòng tộc, làng xã, quan hệ giai cấp, dân tộc…) và các mối quan hệ xã hội (quan hệ chính trị, văn hóa, đạo đức, tôn giáo…).
Hồ Chí Minh xem xét con người trong sự thống nhất của hai mặt đối lập: thiện và ác, hay và dở, tốt và xấu, hiền và dữ…bao gồm cả tính bản năng – mặt sinh học và tính người – mặt xã hội của con người.
Hồ Chí Minh nhìn nhận con người lịch sử – cụ thể về giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp, chức vụ, vị trí, đảng viên, công dân…, trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Người giải thích “chữ người, nghĩa hẹp là gia đình, anh em, họ hàng, bè bạn; nghĩa rộng là đồng bào cả nước; rộng hơn nữa là cả loài người”. Con người có tính xã hội, là con người xã hội, thành viên của một cộng đồng xã hội.
2. Quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của con người
– Con người là mục tiêu của cách mạng. Mục tiêu này được cụ thể hóa trong ba giai đoạn cách mạng (giải phóng dân tộc – xây dựng chế độ dân chủ nhân dân – tiến dần lên xã hội chủ nghĩa) nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng giai cấp, giải phóng con người.
– Con người là động lực của cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, con người là vốn quý nhất, động lực, nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng.
HCM cho rằng, “mọi việc đều do người làm ra”; “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân”. “Ý dân là ý trời”. “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”…
3. Quan điểm của Hồ Chí Minh về xây dựng con người
– Xây dựng con người là yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng, vừa cấp bách vừa lâu dài, có ý nghĩa chiến lược. Xây dựng con người là một trọng tâm, bộ phận hợp thành của chiến lược phát triển đất nước, có mối quan hệ chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Hồ Chí Minh nêu hai quan điểm nổi bật làm sáng tỏ sự cần thiết xây dựng con người:
+ “Vì lợi ích trăm năm thì phải “trồng người”. “Trồng người” là công việc lâu dài, gian khổ, vừa vì lợi ích trước mắt vừa vì lợi ích lâu dài, là công việc của văn hóa giáo dục.
+ “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần phải có những con người xã hội chủ nghĩa”. Chủ nghĩa xã hội sẽ tạo ra những con người xã hội chủ nghĩa, con người xã hội chủ nghĩa là động lực xây dựng chủ nghĩa xã hội.
– Nội dung xây dựng con người. Xây dựng con người toàn diện với những khía cạnh chủ yếu sau:
+ Có ý thức làm chủ, tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa và tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.
+ Cần kiệm xây dựng đất nước, hăng hái bảo vệ Tổ quốc.
+ Có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần quốc tế trong sáng.
+ Có phương pháp làm việc khoa học, phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương.
– Phương pháp xây dựng con người.
+ Mỗi người tự rèn luyện, tu dưỡng ý thức, kết hợp chặt chẽ với xây dựng cơ chế, tính khoa học của bộ máy và tạo dựng nền dân chủ.
+ Việc nêu gương, nhất là người đứng đầu, có ý nghĩa rất quan trọng.
+ Biện pháp giáo dục có một vị trí quan trọng.
+ Chú trọng vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng.
Xây dựng và phát triển con người Việt Nam
Vấn đề xây dựng và phát triển con người cũng được thể hiện qua các Nghị quyết của TW Đảng như: Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (7-1998); Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014) và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (1-2016).
Đại hội XII nêu các nhiệm vụ cụ thể:
1. Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện là mục tiêu của chiến lược phát triển. Tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Đấu tranh phê phán đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người.
2. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường văn hóa trong hệ thống chính trị, trong các địa phương, làng bản… Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
3. Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
4. Nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa.
5. Làm tốt công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản.
6. Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường dịch vụ và sản phẩm văn hóa.
7. Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
8. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa.