Trang chủ Khoa học tư duy Tư duy là gì? Đặc điểm, Phân loại & quá trình tư duy

Tư duy là gì? Đặc điểm, Phân loại & quá trình tư duy

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 1,4K views

1. Khái niệm tư duy

1.1. Các định nghĩa về tư duy

Dưới góc độ sinh lý học, tư duy được hiểu là một hình thức hoạt động của hệ thần kinh thể hiện qua việc tạo ra các liên kết giữa các phần tử đã ghi nhớ được chọn lọc và kích thích chúng hoạt động để thực hiện sự nhận thức về thế giới xung quanh, định hướng cho hành vi phù hợp với môi trường sống.

Dưới góc độ tâm lý học, Tư duy là quá trình nhận thức phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ và quan hệ bên trong, có tính quy luật của sự vật và hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết.

Tư duy không những giải quyết được những nhiệm vụ trước mắt mà còn có thể giải quyết cả những nhiệm vụ trong tương lai. Tư duy tiếp nhận thông tin và cải tạo sắp xếp thông tin, làm cho những thông tin này có ý nghĩa hơn trong hoạt động của con người.

Cơ sở sinh lý của tư duy là hoạt động của võ đại não. Hoạt động tư duy đồng nghĩa với hoạt động trí tuệ. Mục tiêu của tư duy là tìm ra các triết lý, lý luận, phương pháp luận, phương pháp, giải pháp trong các tình huống hoạt động của con người.

Tư duy là gì?

Tư duy là gì?

Như vậy, Tư duy là nhận thức lý tính, là quá trình phản ảnh những thuộc tính bản chất, những mối quan hệ có qui luật của sự vật hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết.

– Ở mức độ nhận thức cảm tính con người mới phản ảnh được những thuộc tính trực quan cụ thể, bên ngoài. Những mối quan hệ không gian, thời gian và trạng thái vận động của sự vật hiện tượng. Là những phản ánh trực tiếp những tác động của sự vật hiện tượng .

– Ở mức độ nhận thức lý tính, con người có tư duy. Tư duy đi sâu phản ánh những thuộc tính bản chất bên trong của sự vật hiện tượng. Ví dụ, qua tư duy mà chúng ta biết được bản chất vật chất của các hiện tượng tâm lý; biết được bản chất của sự di truyền sinh vật là các gen di truyền…Tư duy còn đi sâu phản ánh những mối quan hệ nhân quả, liên hệ mang tính quy luật của các sự vật hiện tượng,như mối quan hệ nhân quả giữa thiếu iod và bệnh bướu cổ, giữa viêm gan siêu vi và triệu chứng vàng da, vàng niêm mạc.

– Mặt khác, tư duy còn có thể phản ánh những sự vật, hiện tượng mới, khái quát, hiện tại không có, không trục tiếp tác động vào giác quan, ví dụ như, như con người suy nghĩ để thiết kế ngôi nhà mới, bác sĩ tìm phương pháp mổ tối ưu cho bệnh nhân.

– Tư duy của con người mang bản chất xã hội, sáng tạo và có cá tính ngôn ngữ. Những tình huống tư duy của con người được đặt ra do nhu cầu cuộc sống, lao động học tập và hoạt động xã hội, được quy định bởi nguyên nhân xã hội, nhu cầu xã hội. Sự phát triển các hình thức, thao tác tư duy của con người liên quan đến sự phát triển lịch sử – xã hội. Trong quá trình tư duy, con người sử dụng phương tiện ngôn ngữ. Kết quả hoạt động tư duy của con người là đóng góp lớn lao cho nhận thức, cải tạo và phát triển xã hội loài người.

Ví dụ: Một người lạ xuất hiện, nhờ nhận thức cảm tính ta có hình ảnh trọn vẹn về bề ngoài của người đó từ nét mặt, trang phục đến điệu bộ, cử chỉ, cách nói năng…Trên cơ sở những đặc điểm bề ngoài này mà ta suy luận nhận xét được anh ta là người như thế nào. Sự suy luận đó chính là quá trình tư duy.

1.2. Bản chất xã hội của tư duy

Mặc dù tư duy được tiến hành trong bộ óc từng người cụ thể, được hình thành và phát triển trong quá trình hoạt động nhận thức tích cực của bản thân mỗi người, nhưng tư duy bao giờ cũng có bản chất xã hội, bản chất này được thể hiện ở những mặt sau đây:

– Hành động tư duy phải dựa vào kinh nghiệm của các thế hệ trước đã tích lũy được, tức là dựa vào kết quả hoạt động nhận thức mà xã hội loài người đã đạt được ở trình độ phát triển lịch sử lúc đó;

– Tư duy phải sử dụng ngôn ngữ do các thế hệ trước đã sáng tạo ra, tức là dựa vào phương tiện khái quát (nhận thức) hiện thực và giữ gìn các kết quả nhận thức của loài người trước đó;

– Bản chất quá trình tư duy được thúc đẩy do nhu cầu của xã hội, tức ý nghĩ con người được hướng vào giải quyết các nhiệm vụ nóng hổi nhất của giai đoạn lịch sử lúc đó;

– Tư duy mang tính chất tập thể, tức là tư duy phải sử dụng các tài liệu thu được trong các lĩnh vực tri thức liên quan, nếu không sẽ không giải quyết được các nhiệm vụ đã đặt ra.

– Tư duy là để giải quyết nhiệm vụ vì vậy nó có tính chất chung của loài người.

2. Đặc điểm của tư duy

Thuộc mức độ nhận thức cao-nhận thức lí tính, tư duy có những đặc điểm mới về chất so với cảm giác, tri giác. Tư duy có những đặc điểm cơ bản sau:

2.1. Tính “có vấn đề” của tư duy

Không phải bất cứ tác động nào của hoàn cảnh đều gây ra tư duy. Trên thực tế tư duy chỉ nảy sinh khi gặp những hoàn cảnh, những tình huống có vấn đề – Tức là những tình huống chứa đựng  một vấn đề mới, một cách thức giải quyết mới mà bằng vốn hiểu biết cũ, bằng phương pháp hành động cũ, tuy vẫn còn cần thiết song không đủ sức giải quyết vấn đề đó. Muốn giải quyết nó con người phải tìm cách thức mới, phải vượt ra khỏi phạm vi những hiểu biết cũ và tìm ra cái mới, có nghĩa là con người phải tư duy. Những hoàn cảnh chứa đựng những mâu thuẫn như thế gọi là hoàn cảnh có vấn đề (tình huống có vấn đề. Vấn đề chỉ trở thành tình huống có vấn đề khi con người nhận thức được những mâu thuẫn chứa đựng trong vấn đề đó, chủ thể (con người) phải có nhu cầu giải quyết nó và phải có những tri thức cần thiết có liên quan tới vấn đề. Như vậy tư duy chỉ nảy sinh khi đồng thời thoả mãn hai điều kiện:

 – Con người phải gặp hoàn cảnh có vấn đề

– Hoàn cảnh có vấn đề phải được cá nhân nhận thức, được chuyển thành nhiệm vụ và cá nhân phải có những tri thức cần thiết liên quan đủ để giải quyết vấn đề đó.

Trong dạy học và giáo dục, người thầy giáo, nhà giáo dục luôn tìm cách tạo ra tình huống có vấn đề, tạo ra những mâu thuẫn giữa cái đã có với cái chưa có trong nhận thức của học sinh, nhưng những mâu thuẫn đó phải đảm bảo điều kiện là kích thích được tư duy của học sinh hay của trẻ em theo từng lứa tuổi tuỳ từng khả năng của từng em. Đồng thời tìm cách lôi cuốn các em vào việc tìm cách giải quyết vấn đề như sử dụng phương pháp dạy học “Nêu vấn đề” để kích thích tích cực nhận thức của học sinh.

2.2.Tính gián tiếp của tư duy

Ở mức độ nhận thức cảm tính, con người phản ánh trực tiếp sự vật, hiện tượng bằng giác quan của mình, trên cơ sở đó có hình ảnh cảm tính về sự vật, hiện tượng. Đến mức độ tư duy, con người không nhận thức thế giới một cách trực tiếp mà có khả năng nhận thức nó một cách gián tiếp.

Tính gián tiếp của tư duy được thể hiện trước hết ở việc con người sử dụng ngôn ngữ đê tư duy. Nhờ có ngôn ngữ mà con người sử dụng các kết quả nhận thức (quy tắc, công thức, quy luật, khái niệm…) vào quá trình tư duy (phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát…) để nhận thức được cái bên trong, bán chất của sự vật, hiện tượng.

Tính gián tiếp của tư duy còn được thể hiện là: Trong quá trình tư duy, con người sử dụng những công cụ, phương tiện (như đồng hồ, nhiệt kế, máy móc…) để nhận thức những dối tượng mà không thể trực tiếp tri giác chúng.

Nhờ có tính gián tiếp mà tư duy đã mở rộng không giới hạn những khả năng nhận thức của con người, con người không chỉ phản ánh những gì diễn ra trong hiện tại mà còn phản ánh được cà quá khứ và tương lai.

2.3. Tính trừu tượng và khái quát của tư duy

Tính trừu tượng:  Tư duy có khả năng trừu xuất khỏi sự vật, hiện tượng những thuộc tính, những dấu hiệu cá biệt, cụ thể chỉ giữ lại những thuộc tính bản chất, chung cho nhiều sư vật hiện tượng

VD: Khi phân loại học sinh theo học lực, giáo viên đã gạt bỏ ở các em tất cả những đặc điểm riêng về hình dáng, hoàn cảnh gia đình, hứng thú, sở thích… chỉ giữ lại một thuộc tính bản chất nhất, đó là điểm học tập của em đó.

– Tính khái quát của tư duy: Tư duy phản ánh cái bản chất nhất, chung cho nhiều sự vật hiện tượng hợp thành một nhóm, một loại, một phạm trù. Chẳng hạn khi nói tới “cái bảng” thì ta nghĩ đến cái bảng chung, không phải là một cái bảng cụ thể nào.

Nhờ tính trừu tượng và khái quát của tư duy mà con người không chỉ giải quyết được những nhiệm vụ trong hiện tại mà còn giải quyết được những nhiệm vụ trong tương lai của xã hội.

2.4. Tư duy quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ

Sở dĩ tư duy mang tính “có vấn đề”, tính gián tiếp, tính trừu tượng và khái quát vì nó gắn chặt với ngôn ngữ. Tư duy và ngôn ngữ có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu không có ngón ngữ thì quá trình tư duy ở con người không thể diễn ra được, đồng thời các sán phẩm của tư duy (những khái niệm, phán đoán…) cũng không dược chủ thể và người khác tiếp nhận.

Ngôn ngữ cố định lại các kết quả của tư duy, là vỏ vật chất của tư duy và là phương tiện biểu đạt kết quả tư duy, do đó có thể khách quan hoá kết quả tư duy cho người khác và cho bản thân chù thể tư duy. Ngược lại, nếu không có tư duy (với những sản phẩm của nó) thì ngôn ngữ chi là những chuỗi âm thanh vô nghĩa. Tuy nhiên, ngôn ngữ không phải là tư duy, ngôn ngữ chí là phương tiện của tư duy. Đó là mối liên hệ giữa nội dung và hình thức.

Ví dụ như trong quá trình tư duy giải bài tập toán thì phải sử dụng các công thức, kí hiệu, khái niệm được biểu hiện dưới dạng ngôn ngữ, nếu không có ngôn ngữ thì chính bản thân người đang tư duy cũng không thể giải được bài tập.

2.5. Tư duy có mối quan hệ mật thiết với nhận thức cảm tính

Mặc dù ở mức độ nhận thức cao hơn (phân ánh cái bản chất bên trong, mối quan hệ có tính quy luật), nhưng tư duy phải dựa vào nhận thức cảm tính. Tư duy thường bắt đầu từ nhận thức cảm tính, trên cơ sở nhận thức cảm tính mà nảy sinh “tình huống có vấn đề”. Nhận thức cảm tính là một khâu của mối liên hệ trực tiếp giữa tư duy với hiện thực, là cơ sở, chất liệu của những khái quát hiện thực theo một nhóm, lớp, phạm trù mang tính quy luật trong quá trình tư duy.

S.L. Rubinshtejn – nhà tâm lí học Xô viết đã khẳng định: “Nội dung cảm tính bao giờ cũng có trong tư duy trừu tượng, tựa hồ như làm thành chỗ dựa cho tư duy.”

Ngược lại, tư duy và những kết quả của nó ảnh hưởng mạnh mẽ, chi phối khả năng phản ánh của nhận thức cảm tính: làm cho khả năng cảm giác của con người tinh vi, nhạy bén hơn; làm cho tri giác của con người mang tính lựa chọn, tính ý nghĩa. Chính vì lẽ dó, Ph. Ảngghen cho rằng: “Nhập vào với con mắt của chúng ta chẳng những có các cảm giác khác mà còn có cả hoạt động tư duy của ta nữa.”

Như vậy, tư duy trước hết là sự phản ánh ở trình độ cao bằng con đường khái quát hoá, hướng sâu vào nhận thức bản chất, quy luật của đối tượng. Phản ánh ở đây hiểu theo quan niệm của chủ nghĩa Mác là phản ánh biện chứng, “là một quá trình phức tạp và mâu thuẫn của sự tác động qua lại giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính, giữa hoạt động tư duy và hoạt động thực tiễn, như là một quá trình trong đó con người không thích nghi một cách thụ động với thế giới bên ngoài, mà tác động tới nó, cải tạo nó và bắt nó phải phục tùng những mục đích của mình”. Đó là phản ánh tâm lý, là sự phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính, các mối quan hệ, liên hệ bản chất, quy luật vận động và phát triển của các sự vật, hiện tượng trong hiện thực khách quan. Theo V.I. Lênin, tư duy là sự phản ánh thế giới tự nhiên sâu sắc hơn, trung thành hơn, đầy đủ hơn, đi sâu một cách vô hạn, tiến gần đến chân lý khách quan hơn. “Tư duy của người ta – đi sâu một cách vô hạn, từ giả tưởng tới bản chất, từ bản chất cấp một, nếu có thể như vậy, đến bản chất cấp hai… đến vô hạn”

Tư duy là quá trình sáng tạo lại hiện thực dưới dạng tinh thần. Theo C. Mác thì cái tinh thần (ở đây, chúng ta cũng có thể hiểu đó chính là tư duy) chẳng qua là cái vật chất được chuyển vào trong đầu và được cải tạo lại ở trong đó. Tư duy còn là quá trình tiến tới cái mới, đề xuất những nhận thức mới, là quá trình không ngừng bổ sung và đổi mới. Quy luật của tư duy thực chất là quy luật của sự phát triển và tìm tòi cái mới. Vấn đề này được Rubinstêin cho rằng: Trong quá trình tư duy, khách thể được tất cả nội dung mới, cứ mỗi lần lật đi, lật lại, nó lại được bộc lộ một khía cạnh mới, tất cả các tính chất mới của nó được làm rõ. Một số tác giả khác lại cho rằng, trong quá trình lập luận, tư duy đạt được những cứ liệu ngày càng mới, vượt ra ngoài phạm vi các điều kiện ban đầu và khi sử dụng các điều kiện này, tư duy đi đến những kết luận ngày càng mới, nhờ chủ đưa các đối tượng ở vị trí ban đầu vào trong các mối liên hệ mới. Mỗi lần như vậy, tư duy tựa như lật ra một khía cạnh mới, phát hiện và rút ra hết được các thuộc tính và quan hệ mới của chúng

Từ những đặc điểm trên đây của tư duy, ta có thể rút ra những kết luận cần thiết trong công tác giảng dạy và giáo dục của người giáo viên:

  • Phải coi trọng việc phát triển tư duy cho học sinh. Bới lẽ, không có khả năng tư duy, học sinh không học tập và rèn luyện dược. Muốn kích thích học sinh tư duy thì phải đưa các em vào “tình huống có vấn đề” và tổ chức cho học sinh độc lập, sáng tạo giải quyết “tình huống có vấn đề”.
  • Việc phát triển tư duy phải được tiến hành song song và thông qua truyền thụ tri thức. Mọi tri thức đều mang tính khái quát, nếu không tư duy thì không thực sự tiếp thu, lại không vận dụng được những tri thức đó.
  • Việc phát triển tư duy phải gắn với việc trau dồi ngôn ngữ. Bởi lẽ có nắm vững ngôn ngữ thì học sinh mới có phương tiện đế tư duy có hiệu quả. Đây là nhiệm vụ chung của các nhà giáo dục.
  • Việc phát triển tư duy phải gắn liền với việc rèn luyện cảm giác, tri giác, năng lực quan sát và trí nhớ cho học sinh. Bởi thiếu những tài liệu cảm tính thì tư duy không thể diễn ra dược.

3. Quá trình tư duy và thao tác của tư duy

3.1. Quá trình tư duy

Quá trình tư duy bao gồm nhiều giai đoạn, từ khi cá nhân gặp phải tình huống có vấn đề và nhận thức được vấn đề, cho đến khi vấn đề được giải quyết, có thể chia thành các giai đoạn sau:

– Xác định và biểu đạt vấn đề:

Tình huống là một điều kiện quan trọng của tư duy, song bản thân nó không  làm nảy sinh tư duy. Tư  duy chỉ nảy sinh khi con người nhận thức được tình huống, lúc đó, “tình huống” trở thành “có vấn đề ”, tức là con người xác định được nhiệm vụ tư duy và biểu đạt được nó.

Tình huống có vấn đề chứa đựng các mâu thuẫn khác nhau (giữa cái đã biết với cái chưa biết, giữa cái đã có với cái chưa có …), đó là mặt khách quan của tình huống có vấn đề. Tuy nhiên, tình huống có vấn đề mang tính chủ quan rõ rệt. Cùng một hoàn cảnh (tình huống) như nhau, ở người này có thể nảy sinh vấn đề khi họ nhìn thấy mâu thuẫn nào đó, nhưng ở người khác vấn đề lại không được nảy sinh. Điều này phụ thuộc vào kiến thức và nhu cầu của cá nhân. Con người càng có nhiều kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó, càng dễ dàng nhìn một cách đầy đủ mâu thuẫn, tức là càng xác định những rõ vấn đề đòi hỏi họ giải quyết. Có thể nói, tình huống có vấn đề là sự sát nhập giữa yếu tố khách quan và yếu tố chủ quan. Chính vấn đề cần giải quyết được xác định này quyết định toàn bộ các khâu sau đó của quá trình tư duy, quyết định chiến lược tư duy. Đây là giai đoạn đầu tiên, rất quan trọng của quá trình tư duy.

Huy động tri thức, kinh nghiệm.

Khi đã xác định được nhiệm vụ cần giải quyết chủ thể tư duy huy động các tri thức, kinh nghiệm liên quan đến vấn đề cần giải quyết đó, nghĩa là làm xuất hiện các liên tưởng. Việc làm xuất hiện các tri thức, kinh nghiêm có liên quan phụ thuộc vào nhiệm vụ đã xác định và trình độ, vốn kinh nghiệm của chủ thể, để xác định có đầy đủ, đúng hướng hay không.

Sàng lọc liên tưởng và hình thành giả thuyết:

Các tri thức, kinh nghiệm, các liên tưởng xuất hiện thoạt đầu mang tính chất rộng rãi, bao trùm, chưa khu biệt nên cần được sàng lọc cho phù hợp với nhiệm vụ đặt ra, tức là gạt bỏ những tri thức không cần thiết, không phù hợp với nhiệm vụ. VD …

Trên cơ sở sàng lọc mà hình thành giả thuyết, tức là một phương án, dự kiến cách giải quyết có thể có với nhiệm vụ đang tư duy. Trên thực tế, một vấn đề có thể có nhiều cách xem xét, giải quyết từ nhiều góc độ khác nhau. Vấn đề đặt ra là cần tìm ra được cách giải quyết sao cho đúng đắn và tiết kiệm nhất.

Kiểm tra giả thuyết:

Kiểm tra xem giả thuyết nào ứng với các điều kiện và vấn đề đặt ra. Kết quả kiểm tra sẽ đi đến sự khẳng định, phủ định hay chính xác hoá giả thuyết đã nêu. Nếu đúng thì nhiệm vụ đã được giải quyết, nếu sai hay giả thuyết bị phủ định thì cần xác định một giả thuyết mới, một cách giải quyết vấn đề mới hay một quá trình tư duy mới lại được bắt đầu từ đầu.

Trong quá trình kiểm tra giả thuyết, có thể ta lại nhìn nhận cũng nhiệm vụ đó nhưng trong một hệ thống quan hệ, liên hệ khác và do đó có thể phát hiện ra nhiệm vụ mới còn chưa được giải quyết.

Giải quyết nhiệm vụ tư duy:

 Đây là khâu cuối cùng của quá trình tư duy. Khi giả thuyết đã được kiểm tra và khẳng định đúng thì nó sẽ được thực  hiện, tức là đi đến câu trả lời cho vấn đề được đặt ra. Cũng có khi, sau khi giải quyết vấn đề này lại đặt ra một vấn đề mới mà chủ thể lại có nhu cầu giải quyết, lúc đó một quá trình tư duy mới lại bắt đầu.

Trong quá trình tư duy (giải quyết các nhiệm vụ), con người thường gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân.

Có 3 nguyên nhân thường gặp là:

  • Chủ thể không nhận thấy một số dữ kiện của vấn đề cần giải quyết.
  • Khi giải quyết vấn đề chủ thể đưa vào những dữ kiện thừa.
  • Tính chất cứng nhắc, máy móc của chủ thể trong quá trình tư duy.

Nhà tâm lý học K. K. Platonov đã tóm tắt các giai đoạn của một quá trình tư duy bằng sơ đồ sau:

Đây chính là lôgic của quá trình tư duy. Số lượng các giai đoạn có thể không cần đầy đủ trong những trường hợp nhất định, nhưng thứ tự các giai đoạn phải tuân thủ theo sơ đồ trên.

3.2. Các thao tác của tư duy

Về bản chất, tư duy là một quá trình cá nhân thực hiện các thao tác nhất định để giải quyết vấn đề hay nhiệm vụ đã được đặt ra.

Các thao tác cơ bản của tư duy đó là:

Phân tích tổng hợp

Phân tích: là quá trình dùng trí óc để phân chia đối tượng nhận thức thành các bộ phận, các thành phần khác nhau. Nó giúp chủ thể nhận thức đối tượng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn.

Tổng hợp: là quá trình dùng trí óc để hợp nhất các thành phần đã được tác ra qua phân tích thành một chỉnh thể. Tổng hợp cho phép chủ thể đưa các bộ phận thành phần vào chỉnh thể theo những liên hệ mới.

Phân tích và tổng hợp tuy có chức năng trái ngược nhau, nhưng không tách rời nhau trong quá trình tư duy thống nhất. Chúng quan hệ mật thiết với nhau, bổ sung cho nhau: phân tích được tiến hành theo hướng của tổng hợp, còn tổng hợp được thực hiện trên kết quả của phân tích. Phân tích và tổng hợp không chỉ liên quan với nhau mà còn quan hệ chặt chẽ với các thao tác tư duy khác. Chúng có mặt ở mọi giai đoạn của quá trình tư duy cũng như ở mọi sự vận hành của các thao tác khác.

So sánh là quá trình dùng trí óc để xác định sự giống nhau hay khác nhau, sự đồng nhất hay không đồng nhất, sự bằng nhau hay không bằng nhau giữa các sự vật, hiện tượng. So sánh có liên quan chặt chẽ với các thao tác tư duy khác và có vai trò quan trọng trong hoạt động nhận thức, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của quá trình nhận thức ở trẻ em. Nó cho phép trẻ không chỉ nhận biết mà còn phân biệt được các đối tượng khác nhau trong thế giới xung

Trừu tượng hóa và khái quát hóa:

Trừu tượng hóa là quá trình dùng trí óc để gạt bỏ những dấu hiệu thứ yếu, không cần thiết và giữ lại những yếu tố cần thiết cho tư duy.

Khái quát hóa quá trình dùng trí óc để hợp nhất nhiều đối tượng khác nhau thành một nhóm, một loại theo những dấu hiệu chung nhất định.

Trừu tượng hóa và khái quát hóa có mối quan hệ qua lại mật thiết với nhau: trừu tượng hóa được tiến hành theo hướng của khái quát hóa, còn khái quát hóa được thực hiện trên kết quả của trừu tượng hóa. Ngoài ra, chúng còn có liên hệ chặt chẽ với các thao tác tư duy khác như: phân tích, so sánh, …

Tuy mỗi thao tác trên đều có chức năng riêng, nhưng trong bất kỳ một quá trình tư duy cụ thể nào chúng đều có mặt dù ít, dù nhiều và khi tham gia vào một quá trình tư duy cụ thể, chúng thường diễn ra theo một chiều hướng thống nhất do chủ thể tư duy tiến hành nhằm giải quyết nhiệm vụ tư duy.

4. Các phẩm chất của tư duy

– Độ sâu sắc và khái quát của tư duy: Được thể hiện qua việc thấm nhuần những vấn đề từ chi tiết nhỏ nhất đến những cái chung bản chất về hàng loạt vấn đề, những biểu hiện có tính quy luật … được nhận ra nhờ sự bủa vây của những hiểu biết sâu và rộng của tri thức.

– Khả năng cơ động, linh hoạt và mềm dẻo của tư duy: Được thể hiện như một sự dễ dàng chuyển hướng suy nghĩ; không rập khuôn, không cứng nhắc; Có khả năng vượt ra ngoài những quy định, theo lối đơn giản cần thiết và phức tạp khi cần của vấn đề.

– Tính logic, chặt chẽ của tư duy: Suy nghĩ có sự tuân thủ vào những quy luật thể hiện của sự việc, không bỗng dưng, gián đoạn, nhất thời… Khả năng gắn kết sự việc với hệ thống của nó, với những quá khứ với hiện tại và tương lai, những trình tự, những thứ tự…

– Óc phê phán: Là khả năng tiếp nhận vấn đề có sự so sánh với những vấn đề trước đây, so sánh, không dễ dàng chấp nhận mà có sự xem xét tìm minh chứng trước tri chấp nhận vấn đề. Không dễ dàng chấp nhận sự việc một cách cảm tính.

– Khả năng độc lập của tư duy: Tự tìm ra cách giải quyết vấn đề, tự hình thành nhiệm vụ tư duy hoặc ở mức độ cao có thể đặt lại vấn đề tự tìm ra cách giải quyết 1 cách sáng tạo.

5. Các loại tư duy

Có nhiều cách phân loại tư duy

Theo lịch sử hình thành (chủng loại và cá thể) và mức độ phát triển của tư duy, ta có:

  • Tư duy trực quan – hành động: là loại tư duy mà việc giải quyết nhiệm vụ được thực hiện nhờ sự cải tổ thực tế các tình huống bằng các hành động vận động có thể quan sát được. Loại tư duy này có cả ở động vật cấp
  • Tư duy trực quan – hình ảnh: là loại tư duy mà việc giải quyết nhiệm vụ được thực hiện bằng sự cải tổ tình huống chỉ trên bình diện hình ảnh.
  • Tư duy trừu trượng (hay tư duy từ ngữ – logic): là loại tư duy mà việc giải quyết nhiệm vụ được dựa trên sự sử dụng các khái niệm, các mối quan hệ logic, được tồn tại và vận hành nhờ ngôn ngữ.

Các loại tư duy trên cũng chính là các giai đoạn phát triển của tư duy trong quá trình phát sinh chủng loài và cá thể.

Theo hình thức biểu hiện của nhiệm vụ tư duy và phương thức giải quyết nó, ta có:

  • Tư duy thực hành: là loại tư duy mà nhiệm vụ được đề ra một cách trực quan dưới hình thức cụ thể và phương thức giải quyết là những hành động thực hành.
  • Tư duy hình ảnh cụ thể: là loại tư duy mà nhiệm vụ được đề ra dưới hình thức một hình ảnh cụ thể và sự giải quyết nhiệm vụ được dựa trên những hình ảnh trực quan đã có.
  • Tư duy lý luận: là loại tư duy mà nhiệm vụ được đề ra dưới hình thức lý luận và việc giải quyết nhiệm vụ đòi hỏi phải sử dụng những khái niệm trừu tượng, những tri thức lý luận.

Trong thực tế, để giải quyết một nhiệm vụ, người ta thường sử dụng phối hợp nhiều loại tư duy với nhau, trong đó có một loại giữ vai trò chủ yếu.

Theo mức độ sáng tạo của tư duy, ta có:

  • Tư duy angôrit: là loại tư duy diễn ra theo một chương trình, một cấu trúc logic có sẵn theo một khuôn mẫu nhất định. Loại tư duy này có cả ở người và máy.
  • Tư duy ơrixtic: là loại tư duy sáng tạo, có tính linh hoạt, không theo khuôn khổ mẫu cứng nhắc, có liên quan đến trực giác.
Theo GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn, GS.TS Nguyễn Văn Lê và nhà giáo Châu An, tư duy được chia ra làm các loại sau:
  • Các loại tư duy cơ bản, phổ biến: tư duy logic (dựa trên luật bài trung và tam đoạn luận), tư duy biện chứng và tư duy hình tượng.
  • Xét về mức độ độc lập, tư duy được chia thành 4 bậc: tư duy lệ thuộc, tư duy độc lập, tư duy phê phán (phản biện), tư duy sáng tạo.
  • Xét đặc điểm của đối tượng để tư duy, tư duy được chia ra làm 2 loại: tư duy trừu tượng và tư duy cụ thể.

Theo GS.TS Nguyễn Quang Uẩn và nhiều tác giả nghiên cứu về tâm lý học đại cương, tư duy được phân loại như sau:

  • Xét về mức độ phát triển của tư duy có thể chia tư duy làm 3 loại: Tư duy trực quan – hành động (con người giải quyết nhiệm vụ bằng những hành động cụ thể, thực tế); Tư duy trực quan – hình ảnh (tư duy phụ thuộc vào hình ảnh của đối tượng đang tri giác); Tư duy trừu tượng (giải quyết nhiệm vụ dựa trên việc sử dụng các khái niệm, các kết cấu logic, được tồn tại và vận hành nhờ ngôn ngữ).
  • Xét theo hình thức biểu hiện của nhiệm vụ và phương thức giải quyết vấn đề, có: Tư duy thực hành (nhiệm vụ được đề ra một cách trực quan, dưới hình thức cụ thể, phương thức giải quyết là những hành động thực hành); Tư duy hình ảnh cụ thể (giải quyết nhiệm vụ dựa trên những hình ảnh trực quan đã có); Tư duy lý luận (nhiệm vụ đề ra dưới hình thức lý luận, và giải quyết nhiệm vụ đòi hỏi phải sử dụng những khái niệm trừu tượng, những tri thức lý luận).

Ngoài ra, từ một số bài giảng của TS. Lê Thẩm Dương, dựa trên bối cảnh, điều kiện sống của con người nhằm tìm kiếm những lợi ích cho bản thân, có 5 loại tư duy chính:

  • Tư duy mà không tư duy (trong điều kiện của cải vật chất dư thừa, nguồn tài nguyên dồi dào, con người không cần tư duy đã đủ cái ăn…)
  • Tư duy kinh nghiệm (dựa trên kinh nghiệm, trải nghiệm; phù hợp với những bối cảnh ít có sự thay đổi)
  • Tư duy logic (tư duy dựa trên kiến thức học được, tư duy có học, tu duy có hệ thống)
  • Tư duy sáng tạo (tư duy khác biệt, sáng tạo cái mới dựa trên những cái học được)
  • Tư duy đột phá (tư duy khác biệt của khác biệt)

6. Các cấp độ tư duy

Tư duy con người gồm 6 cấp độ, phân loại dựa trên Thang Bloom:

  • Cấp độ 1: Nhớ
  • Cấp độ 2: Hiểu
  • Cấp độ 3: Vận dụng
  • Cấp độ 4: Phân tích
  • Cấp độ 5: Đánh giá
  • Cấp độ 6: Sáng tạo

Xem thêm: 6 cấp độ tư duy – Thang Bloom

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net