Trang chủ Khoa học tư duy Tư duy sáng tạo là gì? Cơ sở sinh lý và rào cản

Tư duy sáng tạo là gì? Cơ sở sinh lý và rào cản

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 438 views

1. Khái niệm tư duy sáng tạo

Tư duy sáng tạo là kiểu tư duy đặc biệt, là một quá trình độc đáo, không chỉ là thao tác với những thông tin đã biết theo con đường logic hay lấy ra từ trí nhớ. “Nghĩ sáng tạo là nhìn một vấn đề, một câu hỏi… theo những cách khác với thông thường. Tức là nhìn mọi thứ từ các góc độ, tầm nhìn khác nhau, “nhìn” theo những cách không bị hạn chế bởi thói quen, bởi phong tục, bởi tiêu chuẩn…”

XEM: Tư duy là gì?

Tư duy sáng tạo được hiểu là: Khả năng giải quyết vấn đề bằng cách tạo ra cái mới, bằng cách thức mới nhưng đạt được kết quả một cách hiệu quả, hoặc Khả năng giải quyết vấn đề hiệu quả dựa trên sự phân tích lựa chọn các giải pháp tốt nhất có thể có. Cách giải quyết này thường là mới, mang tính sáng tạo và hướng đến xu thế tối ưu.

Theo quan điểm của chúng tôi, tư duy sáng tạo là “cách nhìn nhận vấn đề, sự việc, con người… theo những cách thức khác với cách nhìn nhận thông thường – đó là những cách nhìn mới mẻ – bằng việc sử dụng kiến thức của mình và thay đổi bối cảnh mà chúng ta nghĩ về những kiến thức đó. Nói cách khác, đó là việc “nhìn những điều mọi người đều nhìn thấy và nghĩ ra một điều gì đó khác biệt”. Tư duy sáng tạo phát triển từ tư duy phản biện – một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề.

Cơ sở của tư duy sáng tạo là phép phân kỳ trong hoạt động tư duy, đó là hoạt động suy nghĩ để cá nhân tìm ra nhiều phương pháp, nhiều cách giải quyết khác nhau để đạt được kết quả mà vấn đề đặt ra.

Tư duy sáng tạo là chủ đề của một lĩnh vực nghiên cứu còn mới. Nó nhằm tìm ra các phương án, biện pháp thích hợp để kích hoạt khả năng sáng tạo và để tăng cường khả năng tư duy của một cá nhân hay một tập thể cộng đồng làm việc chung về một vấn đề hay lĩnh vực. Ứng dụng chính của loại hình tư duy này là giúp cá nhân hay tập thể thực hành nó tìm ra các phương án, các lời giải từ một phần đến toàn bộ cho các vấn đề. Các vấn đề này không chỉ giới hạn trong các ngành nghiên cứu về khoa học kỹ thuật mà nó có thể thuộc lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, xã hội, nghệ thuật… hoặc trong các phát minh, sáng chế.

Như vậy, học kỹ năng tư duy sáng tạo là học các cách thức, các kỹ thuật để có những cách tiếp cận, nhìn nhận và giải quyết vấn đề đề một cách linh hoạt, mới mẻ và hữu ích. Đó là kiểu tư duy ra khỏi “chiếc hộp”, ra khỏi “lối mòn”.

2. Cơ sở sinh lý thần kinh của tư duy sáng tạo

Cấu tạo, chức năng của bộ não

Tế bào thần kinh

Lao động sáng tạo có nguồn gốc từ hệ thần kinh. Thần kinh trung ương bao gồm bộ não nằm trong sọ và tủy sống nằm trong ống tủy.

Bộ não gồm có 6 phần nằm trong hộp sọ: hai bán cầu đại não, não trung gian, não giữa, cầu não, hành tủy và tiểu não.

Bài 46. Trụ não, tiểu não, não trung gian - Hoc24

Não người trung bình có khoảng 15 tỉ tế bào thần kinh, gọi là nơ-rôn có hình dạng và kích thước rất khác nhau, đường kính 1-50 micromet.

Trụ não và tủy sống

Trụ não và tủy sống là phần dưới của đại não có thể được coi như hệ thần kinh trung ương bậc thấp. Chúng đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc điều hòa hoạt động của tất cả các cơ quan trong cơ thể, trong sự thống nhất hoạt động với hệ thần kinh trung ương bậc cao là đại não nhằm làm cho con người thích ứng với môi trường luôn luôn biến đổi để tồn tại và phát triển.

Hai bán cầu đại não

Ngay sau khi đứa trẻ sinh ra, sự chuyển động không xác định của chúng sẽ phát triển dần thành thuận một tay, sáng hơn một mắt và thuận hơn một chân. Bởi vì, hầu hết mọi người đều thuận một bên. Nửa bán cầu đại não sẽ có vai trò nổi trội hơn ở bên phía đối diện. Mặc dù mỗi bên não có một số chức năng trùng lặp với phần não bên kia. Có nhiều chứng cứ và nhiều tranh luận rằng bán cầu đại não phải chịu trách nhiệm về tư duy sáng tạo. Sự suy đoán hơn là chứng cớ khoa học đã dẫn đến quan niệm phân đôi tất cả các chức năng và đưa chúng vào một trong hai bán cầu đại não, như trong bảng sau:

Các chức năng của hai bán cầu não (theo Springer và Deutsch, 1993)
Bán cầu não tráiBán cầu não phải
Ngôn ngữPhi ngôn ngữ, không gian
SốTương tự
Logic, phân tíchTổng thể, tổng hợp
Duy lýTrực giác
Vị Tây phươngVị Đông phương
Trí tuệCảm xúc
Hội tụPhân kỳ
Quy nạpDiễn dịch
Chiều dọcChiều ngang
Cụ thểTrừu tượng
Hiện thựcTưởng tượng
Định hướngTự do
Biểu đạt ra bên ngoàiNgụ ý bên trong
Khách quanChủ quan
Theo thứ tựĐồng thời

bộ não và tư duy sáng tạo

Mặc dù có một số chứng cứ cho sự phân chia này nhưng đây cũng chỉ là kết quả của sự suy đoán hơn là những nghiên cứu công phu. Những người sáng tạo thường xuyên chuyển trọng tâm từ kiểu xử lý logic, đơn chiều của bán cầu não trái sang xử lý tổng thể của bán cầu não phải, ở đó tư duy trực giác đóng vai trò lớn. Ở mức giải phẫu, bán cầu não phải phù hợp hơn với sáng tạo khi có sự liên kết nhiều phần vỏ não với việc xử lý thông tin phức tạp và tích hợp. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thận trọng với việc đơn giản hóa chúng. Não bộ luôn làm việc một cách thống nhất, vì vậy, việc cho rằng ở người bình thường, bán cầu não phải có thể tách rời khỏi bán cầu não trái theo cách nào đó là không chính xác và sai lầm (Restak, 1991) (Nguồn: Giáo trình Tâm lý học sáng tạo, Phạm Thành Nghị, trang 150).

Các quy luật hoạt động của bộ não

Sau đây là một số quy luật hoạt động của não bộ mà bạn cần lưu ý:

– Quy luật 1: Thể dục tốt – Não khỏe

Hãy cải thiện suy nghĩ bằng di chuyển. Kinh nghiệm của nhiều người cho thấy: “Hầu hết những ý tưởng hay đều xuất phát khi đi dạo”. Từ trước tới này, chúng ta thường mặc định những người “mọt sách” suốt ngày học mới có tư duy, trí tuệ. Nhưng không biết rằng trí tuệ, hiểu biết ta có được cũng qua những trải nghiệm thực tế. Chính những trải nghiệm mới khắc sâu vào trí não của ta. Ở đây, xét về khía cạnh vận động sẽ cấp oxy cho não, do đó não làm việc tốt hơn. Bằng chứng là chúng ta hay có những ý tưởng hay khi ta thong dong đi bộ, hay đang làm một việc gì đó liên quan tới cơ bắp.

– Quy luật 2: Chú ý có giới hạn

Bộ não của chúng ta tập trung trong một khoảng thời gian nhất định, vì thế, trong quá trình tư duy chúng ta hãy thường xuyên thay đổi cách thức hay những hoạt động của mình để bộ não linh hoạt hơn.

– Quy luật 3: Tiếp nhận thông tin vô thức

Bộ não tiếp nhận thông tin không chỉ bằng ý thức mà cả con đường vô thức. Đôi lúc bạn nghĩ “mình đã gặp chuyện này ở đâu nhưng không nhớ”. Khi bạn tiếp nhận một thông tin nào đó thì nó sẽ được “lưu vết” trong não bộ, giống như là cất giữ một cuốn sách, vì thế hãy biết cách sắp xếp thông tin và biết càng nhiều càng tốt.

– Quy luật 4: Liên kết thông tin

Bộ não tiếp nhận thông tin bằng các liên kết các thông tin với nhau, vì thế hãy cải thiện suy nghĩ bằng cách mã hóa. Nhiều lời khuyên: “học phải hiểu thì mới nhớ, chỉ cần hiểu chứ không cần nhớ lâu”.

– Quy luật 5: Phối hợp giác quan

Bộ não kích thích khi phối hợp các giác quan. Phải đặt mình trong một môi trường thoải mái thì bộ não mới phát huy tiềm năng của mình được.

Một số thông tin về bộ não

Bộ não là tài sản quí giá nhất mà con người có. Cách sử dụng tài sản này tạo nên thành công hay thất bại trong công việc cũng như cuộc sống. Sau đây là một số thông tin thú vị về bộ não:

  • Cấu tạo của bộ não con người vô cùng phức tạp. Điều làm cho con người khác với đa số động vật khác là kích thước của bán cầu não. Đó là nơi chứa chất xám cần thiết cho sự sống cũng như khả năng sử dụng ngôn ngữ, biết đọc và biết viết của con người. Não bộ thông qua các giác quan, giúp chúng ta nhận thức được môi trường xung quanh, do đó có khả năng điều chỉnh và thích ứng với từng môi trường, hoàn cảnh khác
  • Não có một năng lực làm việc tuyệt vời, chỉ cần một giấc ngủ ngắn thôi cũng đủ để cho não nạp lại năng lượng cần thiết và duy trì hoạt động trở lại với hiệu suất bình thường. Não duy trì sự kiểm soát với một số bộ phận cơ thể bằng những mối giao tiếp qua trung gian tuỷ sống và các dây thần kinh. Các dây thần kinh giác quan chuyển tải thông tin đến não, não sàng lọc những thông tin này, sau đó gửi những tín hiệu xuống cho cơ bắp, xương và khớp thông qua các dây thần kinh vận động. Kết quả là những bộ phận của cơ thể sẽ cử động và hành động theo sự chỉ huy của não bộ.
  • Não của một người lớn nặng trung bình khoảng 1,4 kg. Não của trẻ sơ sinh trung bình nặng 390g, của trẻ 9 tháng tuổi là 660g, 3 tuổi: 1000g, 7 tuổi: trung bình là 1280g. Ở từng con người cụ thể thì vấn đề lại vô cùng phức tạp. Não của nhà văn Nga Turgenev nặng 2012g, của nhà thơ Anh Byron nặng 1807g, của nhà triết học Đức Kant 1650g, của nhà thơ Đante 1420g, của nhà toán học Gauss 1490g, của nhà sử học Đức Tawringe 1207g, của Einstein nặng 1,2 kg, của nhà văn Pháp Anatone France
  • Theo các nghiên cứu khoa học thì não người có nhiều gam màu tổng hợp, thiên về gam màu xám, vì vậy mà nó được gọi là chất xám. Chất xám này tồn tại ở rất nhiều bộ phận trong não, nó chứa rất nhiều loại tế bào khác nhau bởi vậy não còn có chứa các chất trắng gồm các dây thần kinh phối lắp với các chất xám.
  • Não của người là não tiến hóa mức cao nhất. Có khả năng suy luận và tư duy trừu tượng. Con người có khả năng nhìn bằng tiềm thức. Dẫn đến hiện tượng ảo giác và có thể nhìn thấy điều không có trên thực tế.
  • Não người có nhiều nếp nhăn. Theo quy luật tiến hóa và để phù hợp với tỷ trọng của cơ thể, não người tự nó phát triển và gói gọn trong hộp sọ với nhiều nếp gấp khác nhau, có những lớp giống nhau, chỗ lồi gọi là gyri và chỗ lõm gọi là sulci. Kích thước của những vùng này cũng không đồng nhất, độ lớn nhỏ tùy thuộc độ tuổi và từng cá thể vì vậy ngay từ khi ở trong bào thai, não đã được hình thành và phát triển, đến tuần thứ 40 sẽ có những nếp nhăn rõ ràng. Khi người ta học tập, nghiên cứu thì nếp nhăn này quả thực có thay đổi nhưng không hề thêm số lượng các sulci lẫn gyri. Hiện tượng này được gọi là quá trình giãn nở của não.
  • Sự phát triển mạnh mẽ nhất của bộ não xảy ra ở tuổi từ 2-11. Thức khuya hay uống rượu hoặc hút thuốc lá nhiều sẽ làm chết các nơ ron thần kinh làm não giảm bộ nhớ.
  • Từ đầu thế kỷ 20, nhiều nhà khoa học trong đó có Giáo Sư Williams James đã nghiên cứu và phát hiện thấy con người mới sử dụng khoảng 10% năng lực của bộ não. Tuy nhiên gần đây, nhờ khoa học phát triển và kỹ thuật quét não, kỹ thuật neuron- imaging, giới nghiên cứu đã có thể quan sát kỹ hơn cấu trúc của não cũng như các hoạt động của nó và phát hiện thấy sự sai lầm của giả thuyết nói trên. Theo đó, không phải lúc nào con người cũng sử dụng hết công suất của não, song nhiều vùng của não thường xuyên kết hợp với nhau, tuyệt nhiên không hề có vùng não nào là không hoạt động, ngay cả khi con người nghỉ ngơi. Ví dụ khi ta nhai một miếng bánh thì hầu hết các bộ phận của não đều hoạt động, đảm nhận các chức năng của nó như quan sát, cảm nhận đánh giá, kiểm chứng… hoặc khi ngủ não bộ cũng không hề nghỉ.

3. Các rào cản của tư duy sáng tạo

Những rào cản đối với tư duy sáng tạo là những yếu tố gây trở ngại cho hoạt động tư duy tìm kiếm những giải pháp, những hướng đi mới để giải quyết vấn đề đặt ra. Đó là sự thiếu hụt tính mạo hiểm và tính cởi mở trong tư duy cũng như không có câu hỏi hay chiến lược kích thích, gợi ý để thoát khỏi thông tin cũ, ý tưởng cũ đang thống trị để tạo ra con đường mới dẫn đến sản phẩm mới. Sau đây là những rào cản phổ biến:

Rào cản về văn hóa

Văn hóa là một khái niệm rất rộng, trong đó những giá trị vật chất và tinh thần được sử dụng làm nền tảng định hướng cho lối sống, đạo lý, tâm hồn và hành động của mỗi dân tộc và các thành viên để vươn tới chân – thiện – mỹ trong mối quan hệ giữa người với người, giữa con người với tự nhiên và môi trường xã hội.

Văn hóa còn được hiểu là những qui luật chủ quan được một cộng đồng thừa nhận và tôn trọng. Mỗi con người sinh ra và lớn lên trong một hoàn cảnh khác nhau nên thấm đẫm một không gian văn hóa khác nhau. Nếu cộng đồng là gia tộc thì có văn hóa gia tộc, nếu cộng đồng là doanh nghiệp thì có văn hóa doanh nghiệp, nếu cộng đồng là vùng miền thì có văn hóa vùng miền…

Một số nền văn hóa chỉ chấp nhận một câu trả lời đúng. Các thành viên không được khuyến khích tưởng tượng hay mơ ước về các cơ hội. Giải quyết vấn đề được tiến hành rất chặt chẽ theo từng bước, theo trật tự và theo truyền thống. Đối với nhiều nền văn hóa khác, sự mềm dẻo, tự do, bầu không khí sáng tạo và cởi mở có mặt trong tổ chức, cộng đồng. Ở giai đoạn tuổi thơ, trẻ em được khuyến khích tư duy sáng tạo. Nếu trẻ được khuyến khích mạo hiểm, hài hước với những ý tưởng mới và tưởng tượng các cơ hội bất thường, thói quen này sẽ đi cùng với họ trong phần còn lại của cuộc đời [14]. Chẳng hạn, sự khác biệt về văn hóa các nước phương Tây và nhiều nước phương Đông. Các nước phương Tây thường đề cao sự tư duy độc lập trong cách suy nghĩ và đề cao sự khác biệt mới lạ cũng như tư duy phản biện. Ngược lại văn hóa phương Đông đề cao tư duy tập thể. Văn hóa doanh nghiệp cũng ảnh hưởng tới cách thức tư duy của người lao động.

Rõ ràng nếu một công ty mà ban lãnh đạo cởi mở tư duy thì các thành viên trong công ty mới có điều kiện phát huy sự sáng tạo của mình trong môi trường làm việc.

Để vượt qua những rào cản văn hóa, bạn cần lưu ý một số điểm căn bản sau:

  • Chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt văn hóa. Hãy ý thức rằng sự khác biệt về tư duy, thái độ và hành động giữa những người đến từ các nền văn hóa khác nhau là điều khó tránh khỏi. Do đó, chúng ta cần học cách thích
  • Rèn luyện khả năng quan sát, lắng nghe và kiên nhẫn.
  • Tôn trọng những gì có liên quan đến cá nhân. Không nên cho rằng vì anh ta/cô ta đến từ đất nước đó nên có cách suy nghĩ, giao tiếp, ứng xử như những người của quốc gia đó. Điều đó có thể bị chi phối bởi yếu tố văn hóa, nhưng mỗi người đều có cách suy nghĩ, hành xử mang đậm bản sắc cá nhân của mình. Hãy tôn trọng những vấn đề cá nhân.

Rào cản về thông tin

Internet đang thay đổi cách chúng ta tư duy. Nhà nghiên cứu Betsy Sparrow, Đại học Columbia cho biết rằng những công cụ tìm kiếm như Google đang thay đổi mô hình tư duy của con người. Ví dụ, chúng ta đang nhớ ít đi những thông tin, nhưng biết làm gì để tìm thấy nó trên các công cụ tìm kiếm trực tuyến. Một cách đơn giản, nếu chúng ta có thể tìm thấy một thông tin trực tuyến, chúng ta ít có khả năng nhớ chính thông tin đó. Hiện tượng này có thể dẫn đến một bộ não lười hoạt động. Intenet làm cho bộ não ít hơn động hơn. Điều này có thể là tốt hay không tùy thuộc vào cách chúng ta sử dụng chúng. Chúng ta có thể giải phóng bộ não và bộ nhớ cho các nhiệm vụ khác, thậm chí điều đó giúp chúng ta thông minh hơn. Về mặt lý thuyết, để có thể nhận thức thế giới, chúng ta cần phải tạo cho mình khả năng thoát khỏi vùng ảnh hưởng của thông tin, nghĩa là phải có sự quan sát và phân tích độc lập. Hãy dừng lại ở việc coi thông tin như những nguyên liệu thô và hãy lọc ra trong thông tin những sự kiện nguyên bản trước khi chúng bị phóng đại.

Rào cản về nhận thức

Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam, nhận thức là quá trình biện chứng của sự phản ánh thế giới khách quan trong ý thức con người, nhờ đó con người tư duy và không ngừng tiến đến gần khách thể.

Một cách khái quát, nhận thức được hiểu là sự hiểu biết về sự vật hiện tượng. Có thể thấy, chất lượng của tư duy tùy thuộc vào nhận thức của mỗi người. Nguyên liệu của tư duy là tri thức, rõ ràng nếu chúng ta có nhiều tri thức thì bộ não của chúng ta hoạt động nhiều hơn và suy nghĩ tốt hơn. Điều này cho thấy những người trình độ khác nhau thì nhận thức về vấn đề khác nhau.

Như chúng ta đã biết ở nội dung Ba thành phần của tính sáng tạo, những nguyên liệu cho sự sáng tạo là các kiến thức có sẵn và những kiến thức này là nền tảng cho lối tư duy của mỗi người. Kiến thức là nền tảng cho những ý tưởng mới. Vì vậy, sự thiếu hiểu biết về sự vật hiện tượng cũng là một trong những nguyên nhân làm hạn chế tính sáng tạo.

Như vậy, để khắc phục rào cản này, bản thân mỗi cá nhân phải tự học hỏi để nâng cao nhận thức về sự vật hiện tượng cả bề rộng lẫn chiều sâu. Ngoài ra, cần biết vận dụng kiến thức một cách linh hoạt để có thể tạo ra những ý tưởng, giải pháp mới.

Tính ì tâm lý

Tính ì tâm lý là hoạt động của tâm lý con người, cố gắng giữ lại những trạng thái, khuynh hướng thay đổi tâm lý đã và đang trải qua, chống lại việc chuyển sang trạng thái, khuynh hướng thay đổi tâm lý mới.

Tình ì tâm lý thường có hại trong sáng tạo và đổi mới, vì vậy cần có các biện pháp khắc phục chúng.

Tính ì tâm lý thường biểu hiện ở nhiều hình thức khác nhau, phổ biến là 3 hình thức dưới đây:

– Tính ì tâm lý “thiếu” (còn gọi là ì “thiếu”): do nhiều lý do khác nhau, chúng ta “thiếu” đi một số nghĩa có thể có của đối tượng cho trước mà chính các nghĩa “thiếu” đó đem lại giá trị giúp đưa ra lời giải, quyết định đúng. Biểu hiện của tính ì tâm lý đó là: chăm chăm hướng theo một nếp nghĩ thường tình mà ta cứ đinh ninh cho đó là đúng, không hình dung được hết các khả năng có thể xảy ra, lối suy nghĩ rập khuôn, không chấp nhận những giải pháp sáng tạo.

Để khác phục tính ì thiếu, chúng ta phải có nhiều cách xem xét đối tượng cho trước, sao cho số lượng nghĩa rút ra được từ các cách xem xét đó càng nhiều càng tốt.

– Tính ì tâm lý “thừa” do liên tưởng ngoại suy ra ngoài phạm vi áp dụng.

Để khắc phục tính ì thừa, chúng ta phải ý thức về phạm vi áp dụng để không dùng đối tượng cho trước ra ngoài phạm vi áp dụng của nó. Ngoài ra, khi hoàn cảnh (hiểu theo nghĩa rộng) thay đổi, chúng ta phải xem xét lại tất cả những gì đem lại ích lợi trong hoàn cảnh cũ, liệu chúng còn tiếp tục đem lại ích lợi trong hoàn cảnh mới không. Nếu thấy không, cần chủ động thay đổi chúng hoặc đưa ra những cái mới, đem lại ích lợi trong hoàn cảnh mới.

– Tính thiếu tự tin, rụt rè, tự ti đối với sáng tạo: có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân:

+ Số phép thử – sai trong quá khứ nhiều hơn số phép thử – đúng (Thất bại nhiều hơn thành công)

+ Đa số các môi trường là thiên về phê phán, chỉ trích, thậm chí vùi dập những gì mới nảy sinh trong môi trường đó.

+ Thái độ cầu toàn của cá nhân đối với sáng tạo.

+ Do sự giáo dục (hiểu theo nghĩa rộng) không khuyến khích sáng tạo ra ngoài khuôn mẫu.

Để khắc phục loại tính ì này, chúng ta cần khắc phục những nguyên nhân nói trên. Ngoài ra, khi suy nghĩ cần giải phóng tư tưởng theo tinh thần mọi cái đều có thể, không có gì cấm đoán hoặc cản trở suy nghĩ, để có thể phát được nhiều ý tưởng. Phát các ý tưởng không có nghĩa là cứ phải hành động theo chúng, bởi vì còn có giai đoạn ra quyết định, ở đó có sự phê phán, cân nhắc để chọn ra lời giải hoặc quyết định đúng cần thực hiện.

Các rào cản khác

Ngoài những rào cản về văn hóa, thông tin và nhận thức, một số yếu tố khác cũng có thể trở thành trở ngại đối với việc tư duy sáng tạo, đó là: kiểu nhân cách, cảm giác tội lỗi, những giấc mơ tương lai, những cú sốc trải nghiệm trong đời, vị thế xã hội, hoàn cảnh gia đình, tình trạng bệnh tật, hoàn cảnh kinh tế…

 

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: [email protected]