Trang chủ Khoa học tư duy Trí thông minh là gì?

Trí thông minh là gì?

by Ngo Thinh
Published: Last Updated on 130 views

Có một câu chuyện thường được nhắc đến khi đề cập đến trí thông minh, đó là câu chuyện về nhà khoa học Edison.

Edison cần tính dung tích một bóng đèn hình quả lê, ông giao nhiệm vụ đó cho trợ lý Chapton (tốt nghiệp đại học y khoa Toán). Hơn một tiếng đồng hồ, Chapton loay hoay mãi với các công thức dày đặc mà vẫn chưa tính ra. Edison đi qua, nói: “Có gì phức tạp lắm đâu!”. Ông mang chiếc bóng đèn ra vòi, hứng đầy nước và nói với Chapton: “Anh đổ nước vào ống đó, xem dung tích là bao nhiêu. Đó là dung tích của bóng đèn”.

Từ câu chuyện trên ta thấy người thông minh là người có khả năng vượt trội về mặt trí tuệ so với nhiều người khác. Tuy nhiên, để tìm ra một định nghĩa bao quát về trí thông minh không phải là việc dễ dàng. Chính vì vậy, đã có rất nhiều định nghĩa khác nhau về trí thông minh, từ cách hiểu đời thường đến các quan niệm của các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về trí tuệ con người.

Hầu hết mọi người đều có được ý niệm trực giác về trí thông minh. Bằng quan sát trong đời sống ta thấy, trí thông minh thể hiện ở “sự nhanh nhẹn, linh hoạt” trong nhận thức, ở khả năng “sớm hiểu sớm biết” so với người cùng lứa tuổi, là “khả năng vượt trội” về trí tuệ. Cũng có người nói đến sức bật nhận thức, sức chú ý, độ tập trung, khả năng quan sát… Có nhiều từ dùng để chỉ những khác biệt về mức độ thông minh: sáng dạ, lanh lợi, thông minh, tài tình, khôn ngoan, láu lỉnh, chậm hiểu, tối dạ, ngu đần, đần độn…

Trí thông minh là gì?

Trí thông minh là gì?

Dưới góc độ khoa học, theo quan niệm truyền thống, trí thông minh là khả năng ngôn ngữ và suy luận. Tuy nhiên, còn có nhiều quan niệm khác về trí thông minh:

– V. Stern coi trí thông minh là năng lực thích ứng tâm lý chung của con người với những điều kiện và nhiệm vụ mới trong đời sống.

– D. Wechsler giải thích trí thông minh là năng lực chung của nhân cách, thể hiện trong mục đích họat động, trong sự phán đoán, thông hiẻu một cách đúng đắn và trong việc con người làm cho môi trường phù hợp với khả năng của mình. Đó là “khả năng tổng hợp của con người trong hành động có mục đích, suy xét hợp lý và xử lý có hiệu quả hợp với hoàn cảnh”.

– X.L. Rubinstein đã xem xét trí thông minh trên bình diện của những mối quan hệ qua lại có hiệu lực cụ thể của cá thể với hiện thực xung quanh.

– Nhà tâm lý học người Pháp, A.Binet cho rằng trong cấu trúc trí tuệ có những năng lực như: chú ý, tưởng tượng, phán đoán và suy lý.

– Nhà bác học người Anh, C. Spearman qua nghiên cứu nhiều trắc nghiệm dựa trên phương pháp toán học, đã kết luận rằng có một nhân tố chung ảnh hưởng đến tất cả các trắc nghiệm được nghiên cứu. Bên cạnh đó ông còn chỉ ra những nhân tố riêng, chỉ tồn tại đối với mỗi trắc nghiệm. Quan niệm của Spearman đã được đưa vào trong tâm lý học, như là thuyết hai nhân tố của trí thông minh, đó là nhân tố G (general) và S (special).

– J.P.Guilford cho trí tuệ gồm 120 năng lực, chia làm 3 mặt: tiến trình, chất liệu, kết quả.

Năm 1921, một tạp chí nghiên cứu hỏi 14 nhà tâm lý học và giáo dục học nổi tiếng về định nghĩa trí thông minh. Kết quả nhận được 14 định nghĩa, trong số đó các chuyên gia nhấn mạnh đến “khả năng học tập từ kinh nghiệm” và “khả năng đáp ứng với môi trường”. Năm 1986, những nhà nghiên cứu lập lại câu hỏi định nghĩa trí thông minh với 25 chuyên gia. Kết quả thu được là nhiều định nghĩa khác nhau, liên quan đến: (1) khả năng đáp ứng tổng quát với một vấn đề mới trong cuộc sống; (2) năng lực để tham gia vào việc tư duy trừu tượng, sự điều chỉnh đối với môi trường; (3) khả năng về tri thức và sở hữu tri thức; (4) khả năng tổng quát về tính độc lập, tính sáng tạo và hiệu quả trong khi suy nghĩ; (5) khả năng để thu nhận được khả năng; (6) sự nắm bắt các mối quan hệ có liên quan; (7) khả năng để đoán xét, để hiểu được ý nghĩa và để lập luận; (8) suy diễn các mối quan hệ; (9) năng lực nhận thức chung, bẩm sinh.

Gần đây, qua kết quả nghiên cứu, các nhà tâm lý học Trung Quốc cho rằng trí thông minh bao gồm khả năng quan sát, khả năng của trí nhớ, sức suy nghĩ, óc tưởng tượng, kỹ năng thực hành và sáng tạo.

Qua phân tích hệ thống các trắc nghiệm trí tuệ đang được sử dụng, có thể thấy những thành phần thường được nhắc đến như: kiến thức tổng quát, suy luận ngôn ngữ, suy luận trừu tượng, tính toán số học, hình học, tri giác không gian, trí nhớ ngắn hạn, từ vựng, logic, tốc độ tính toán v.v…

Còn nhiều nhà khoa học khác nữa, với những quan điểm và giải thích khác nhau về vấn đề trí thông minh, nhưng cuối cùng đều có chung một nhận định: Trí thông minh không phải là một năng lực đơn độc, nó là sức mạnh tổng hợp của nhiều loại năng lực. Trí thông minh chính là sự phối hợp tốt các năng lực đó để làm thành một kết cấu hữu hiệu. Các nhóm năng lực này cần được phát huy một cách đồng bộ, cân đối, đầy đủ theo hướng nâng cao dần. Nếu một thành phần không được phát triển sẽ ảnh hưởng đến sự vận hành của hệ thống.

Định nghĩa được nhiều nhà nghiên cứu đề nghị là coi trí thông minh như một nhóm khả năng được biểu hiện và đánh giá qua điểm số mà những trắc nghiệm trí tuệ đo được. Định nghĩa là thuận lợi cho việc nghiên cứu có liên quan đến một thuật ngữ rất trừu tượng là “trí thông minh”, mở ra hướng đo đạc, lượng hóa các khả năng trí tuệ, nhưng từ đó cũng nổi lên một số vấn đề. Bởi vì hiện nay có nhiều trắc nghiệm khác nhau, các trắc nghiệm không đo lường cùng một cái gì như nhau. Bên cạnh các trắc nghiệm phi ngôn ngữ có thể dùng chung cho nhiều quốc gia, nhiều dân tộc khác nhau, những trắc nghiệm có sử dụng ngôn ngữ đều chịu ảnh hưởng khá mạnh vào một nền văn hóa. Mặt khác, khi xây dựng trắc nghiệm thường người ta phải hướng đến mục đích của việc đo lường, nghĩa là phải phân tích lý luận về cái cấu thành nên trí thông minh.

Có quan điểm cho rằng, “thực ra không đo được bản thân trí thông minh mà chỉ đo hành vi thông minh hay thành tích thông minh. Bởi vì trí thông minh là một “vật” rất phức tạp và trừu tượng không có thuộc tính nào xác định”

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net