1. Khái niệm truyền thông đại chúng
Truyền thông đại chúng là một hiện tượng xã hội ngày càng chi phối sâu sắc và toàn diện đến mọi tiến trình và lĩnh vực của đời sống xã hội. Do tác động và chi phối đến số đông nên truyền thông đại chúng được hiểu theo nhiều quan niệm khác nhau, tùy theo sự cảm nhận và góc độ tiếp cận.
Truyền thông đại chúng tiếng Anh: mass communication, theo các nhà nghiên cứu là một thuật ngữ xuất hiện lần đầu tiên trong Lời nói đầu của Hiến chương Liên hợp quốc về văn hóa, khoa học và giáo dục (UNESCO) năm 1946. Thuật ngữ này ngày càng trở nên thông dụng, khi báo chí và nhất là các phương tiện phát thanh, truyền hình phát triển ngày càng mạnh mẽ và rộng rãi.
Theo PGS TS. Phạm Thành Hưng, khái niệm truyền thông đại chúng được hiểu như là tổng thể các phương thức và phương tiện thông tin có lượng địa chỉ tiếp nhận lớn và công nghệ truyền phát hiện đại, tác giả cho rằng: “Truyền thông đại chúng là hoạt động truyền phát và tiếp nhận thông tin có quy mô tác động xã hội rộng rãi, đồng loạt và hiệu quả giao tiếp lớn”. Tác giả còn cho rằng: ngoài ra khái niệm truyền thông đại chúng còn được cắt nghĩa trong mối quan hệ với xã hội đại chúng, tức là tổng thể các hoạt động truyền thông trong xã hội hậu công nghiệp.
PGS TS. Mai Quỳnh Nam cho rằng, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển các phương tiện truyền thông đại chúng để các kênh này trở thành một trong những bộ phận quan trọng nhất của hệ thống xã hội hiện đại. Nó tạo nên sự phụ thuộc và liên kết xã hội không chỉ trong khu vực quốc gia mà cả trên phạm vi quốc tế.
Tác giả Tạ Ngọc Tấn quan niệm: “Truyền thông đại chúng là hoạt động giao tiếp xã hội rộng rãi, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng”. Theo tác giả Tạ Ngọc Tấn, thực chất truyền thông đại chúng chỉ là một phương thức biểu hiện mới của hoạt động truyền thông trong xã hội. Nói đến truyền thông đại chúng, trước hết là nói đến đối tượng tham gia là các nhóm, các cộng đồng xã hội rộng rãi. Truyền thông đại chúng đáp ứng và thỏa mãn các nhu cầu giao tiếp mang tính phổ biến và tạo ra hiệu quả ở quy mô và phạm vi xã hội rộng lớn. Vì phạm vi tác động của truyền thông đại chúng có thể vượt qua khuôn khổ các quốc gia, dân tộc, ảnh hưởng đến cả khu vực hoặc toàn cầu, do vậy truyền thông đại chúng ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện đại.
Tác giả Tạ Ngọc Tấn rất có lý khi phân tích: “Truyền thông đại chúng ra đời và phát triển gắn liền với sự phát triển của xã hội loài người và bị chi phối trực tiếp bởi hai yếu tố là nhu cầu thông tin giao tiếp và kỹ thuật – công nghệ thông tin. Để thực hiện được hoạt động truyền thông trên phạm vi và quy mô rộng lớn cần phải có các phương tiện kỹ thuật thích ứng. Do đó, truyền thông đại chúng chỉ phát triển và thực hiện được khi loài người phát minh ra các phương tiện in ấn, kỹ thuật truyền phát sóng tín hiệu, máy thu thanh, thu hình, máy tính điện tử, cáp quang, vệ tinh nhân tạo, v.v..”
Theo PGS TS. Nguyễn Văn Dững, nhìn từ bình diện giao tiếp, người ta cho rằng: Truyền thông đại chúng là kênh giao tiếp đại chúng với đặc trưng bản chất là nhiều người tham gia về những chủ đề mà họ quan tâm, với tần xuất ngày càng gia tăng. Dưới góc độ tiếp cận từ các phương tiện kỹ thuật, người ta cho rằng truyền thông đại chúng là tổ hợp các kênh truyền thông chuyển tải thông điệp tới đông đảo nhân dân. Với cách tiếp cận và lý giải này, PGS TS. Nguyễn Văn Dững đưa ra một định nghĩa: “Truyền thông đại chúng có thể được hiểu là hệ thống các phương tiện truyền thông hướng tác động vào đông đảo công chúng xã hội (nhân dân các vùng miền, cả nước, khu vực hay cộng đồng quốc tế) nhằm thông tin, chia sẻ, lôi kéo và tập hợp, giáo dục, thuyết phục và tổ chức đông đảo nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề kinh tế – văn hóa – xã hội đã và đang đặt ra”.
Như vậy, có thể hiểu: “Truyền thông đại chúng là quá trình truyền đạt thông tin một cách rộng rãi đến mọi người trong xã hội thông qua các phương tiện thông tin đại chúng”. Trong cách hiểu này, thuật ngữ “Truyền thông đại chúng” gắn liền với quá trình truyền tải thông tin một cách rộng rãi ra công chúng, thông qua kênh thông tin đại chúng. Do đó, truyền thông đại chúng là một quá trình xã hội đặc thù, bao gồm ba thành tố: Hoạt động truyền thông; các nhà truyền thông và công chúng độc giả và khán, thính giả. Căn cứ vào tính chất kỹ thuật và phương thức thực hiện truyền thông, người ta chia truyền thông đại chúng thành các loại hình khác nhau, đó là: Sách; báo in; điện ảnh; phát thanh; truyền hình; quảng cáo; Internet; băng, đĩa hình và âm thanh…
2. Cơ chế tác động của truyền thông đại chúng
Cơ chế tác động của báo chí – truyền thông là một trong những vấn đề cơ bản và bức thiết của lý luận và thực tiễn báo chí hiện đại. Vấn đề này nếu được nghiên cứu thoả đáng sẽ có ý nghĩa lý luận cơ bản và đặc biệt là ý nghĩa thực tiễn thiết thực, giúp cho chủ thể báo chí – truyền thông nhận thức rõ hơn những vấn đề đặt ra của từng khâu, từng công đoạn trong hoạt động nghề nghiệp, từ việc lựa chọn sự kiện và vấn đề thông tin, sáng tạo tác phẩm… đến thời điểm tác động vào dư luận xã hội nhằm tạo ra hiệu lực mạnh mẽ nhất và đạt được hiệu quả tốt nhất. Đã có một số ý kiến bàn về cơ chế tác động của báo chí và truyền thông đại chúng, nhưng hoặc là mới dừng lại ở bình diện vĩ mô, ở một yếu tố mà chưa bàn một cách toàn diện vấn đề, hoặc là xem xét như một mô hình truyền thông nói chung. Vấn đề đặt ra là tại sao báo chí – truyền thông là một hiện tượng xuất phát từ thực tiễn kinh tế – xã hội, nhưng lại có sức tác động mạnh mẽ có khi như một công cụ có sức công phá dữ dội, có lúc lại là như động lực kích thích sự phát triển và như là nguồn khí chất năng lượng tạo dựng niềm tin cho hàng triệu con người…; sự kiện là gì và có năng lực tác động ra sao để báo chí có được sức mạnh to lớn, và mối quan hệ giữa hiệu lực và hiệu quả ra sao…?
Việc tìm hiểu cơ chế tác động của truyền thông đại chúng không những có ý nghĩa về khoa học, mà còn và chủ yếu mang ý nghĩa thực tiễn hoạt động. Việc nhận thức cơ chế tác động sẽ giúp nhà truyền thông không những kiểm soát được các khâu hoạt động cũng như toàn bộ quy trình và hiệu quả, mà còn giúp các nhà lãnh đạo, quản lý có những cách ứng xử và quyết sách phù hợp đối với hoạt động truyền thông đại chúng.
Theo từ điển tiếng Việt: “Cơ chế là cách thức theo đó một quá trình thực hiện”. Như vậy, cơ chế có thể hiểu là một quá trình và cách thức diễn ra hay được thực hiện của một hiện tượng xã hội. Quá trình và cách thức ấy bao gồm các công đoạn và mối quan hệ giữa chúng theo một trật tự logic nhằm hướng tới một mục tiêu nào đó. Việc tìm hiểu cơ chế tức là tìm ra các yếu tố, công đoạn và trình tự diễn ra cũng như mối quan hệ chặt chẽ quy định lẫn nhau giữa các yếu tố và công đoạn ấy. Tìm hiểu cơ chế tác động của truyền thông đại chúng thực chất là tìm hiểu quy trình và cơ chế hoạt động của thông điệp truyền thông đại chúng bắt đầu từ đâu, các công đoạn diễn ra thế nào và cuối cùng là hiệu ứng xã hội của truyền thông.
Tuy nhiên, đối với các vấn đề xã hội, việc mô tả các hiện tượng xã hội cũng như cơ chế tác động của nó thường rất khó khăn vì tính phức tạp. Các nhà nghiên cứu đã đúc rút, cho dù là mô hình truyền thông đại chúng nào thì thông tin từ nguồn phát cũng mang tính khuynh hướng và khuynh hướng đó bị quy định bởi mục đích thông tin của nguồn phát, nhằm tác động vào xã hội để đạt được hiệu quả.
Theo PGS TS.Tạ Ngọc Tấn truyền thông đại chúng tác động vào xã hội bằng thông tin thông qua cơ chế sau:
Tác giả Tạ Ngọc Tấn phân tích: Chủ thể xây dựng các thông điệp hàm chứa nội dung thông tin để thông qua các phương tiện truyền thông truyền tải đến công chúng. Thông tin thông qua các phương tiện tác động vào ý thức xã hội, hình thành tri thức, thái độ mới hay thay đổi nhận thức, thái độ cũ. Sự thay đổi ý thức xã hội sẽ dẫn đến hành vi xã hội và sau đó tạo ra hiệu quả xã hội.
Trên cơ sở phân tích và tiếp thu những ưu điểm nổi trội của các mô hình truyền thông của các tác giả đi trước, các tác giả Nguyễn Văn Dững và Đỗ Thị Thu Hằng đã phác thảo chi tiết hơn mô hình cơ chế tác động của truyền thông đại chúng như sau:
Mô hình này chỉ rõ, từ những sự kiện và vấn đề của cuộc sống, từ nhu cầu, nguyện vọng của công chúng và mục đích truyền thông, nhà truyền thông thiết kế thông điệp. Thông điệp và các sản phẩm truyền thông được mã hóa, chuyển tải qua các kênh truyền thông, tác động vào ý thức quần chúng, công chúng xã hội. Khi thông điệp tác động vào ý thức quần chúng – dư luận xã hội, tạo nên hiệu lực tác động – tạo ra hiệu ứng xã hội, là khả năng thực tế gây nên những chấn động xã hội.
(Nguồn tham khảo: Giáo trình Cơ sở lý luận & các loại hình báo chí truyền thông, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông)