1. Khái niệm truyện cổ tích
Giáo trình Văn học dân gian do Phạm Thu Yến chủ biên cho rằng: “Truyện cổ tích là những truyện kể có yếu tố hoang đường, kì ảo. Nó ra đời từ sớm nhưng đặc biệt nở rộ trong xã hội có sự phân hóa giàu – nghèo, xấu – tốt. Qua những số phận khác nhau của nhân vật, truyện trình bày kinh nghiệm sống, quan niệm đạo đức, lí tưởng và mơ ước của nhân dân lao động”.
Từ điển văn học quan niệm: “Truyện cổ tích nảy sinh từ xã hội nguyên thủy, song phát triển chủ yếu trong xã hội có giai cấp, chủ đề chủ yếu của nó là chủ đề xã hội. Nó biểu hiện cách nhìn của nhân dân đối với thực tại đồng thời nói lên những quan điểm đạo đức, những quan điểm về công lí xã hội và ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn cuộc sống hiện tại. Truyện cổ tích là trí tưởng tượng phong phú của nhân dân, yếu tố tưởng tượng thần kì tạo nên một đặc trưng nổi bật trong phương thức phản ánh hiện thực và mơ ước”.
Theo Hoàng Tiến Tựu, truyện cổ tích là loại truyện dân gian có tính phổ biến hình thành từ thời cổ đại, phát triển và tồn tại qua nhiều thời kỳ xã hội khác nhau. Nó hướng vào những vấn đề xã hội cơ bản, những số phận, những quan hệ và xung đột có tính chất riêng tư và phổ biến trong xã hội có giai cấp. Nó dùng một kiểu tưởng tượng và hư cấu riêng để phản ánh đời sống và khát vọng của nhân dân, đáp ứng nhu cầu nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ và tiêu khiển của nhân dân.
Những cách hiểu trên là một định hướng để chúng ta xác định khái niệm truyện cổ tích. Thời gian ra đời, đối tượng phản ánh, tính chất hoang đường kì ảo là những tiêu chí cơ bản giúp nhận diện thể loại.
Có nhiều cách phân loại truyện cổ tích. Có người chia làm hai loại: cổ tích thế sự, cổ tích lịch sử. Có người lại chia thành ba loại: cổ tích hoang đường, cổ tích sinh hoạt, cổ tích lịch sử. Gần đây, các nhà nghiên cứu thống nhất với cách phân loại dựa trên sự khác nhau về đề tài và mức độ sử dụng yếu tố thần kì, chia truyện cổ tích thành ba loại: cổ tích thần kì, cổ tích loài vật, cổ tích sinh hoạt.
2. Nội dung của truyện cổ tích
a. Truyện cổ tích phản ánh mâu thuẫn và đấu tranh xã hội:
Trong các dạng thức truyện cổ tích thì truyện cổ tích thần kì thường đưa mâu thuẫn xã hội về không gian gia đình. Xuất hiện trong tác phẩm, gia đình đóng vai trò như một xã hội thu nhỏ và người bình dân đã lí giải mâu thuẫn gia đình trong sự chi phối của quan hệ xã hội. Đặc điểm của xã hội phụ quyền với sự coi trọng nam giới đã để lại dấu ấn trong sự bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình, đó là mâu thuẫn giữa con trai con gái, con cả con út, anh em, chị em… (Tấm Cám, Cây khế, Hà rầm hà rạc, Người con út hiếu thảo…). Nhóm truyện về người em, người mồ côi, người nghèo thể hiện rõ mâu thuẫn đó. Trong nhóm truyện về người mồ côi, mâu thuẫn giữa người mồ côi với cha dượng hoặc mẹ ghẻ, với người chủ bóc lột trở thành mâu thuẫn chính của tác phẩm. Những nhân vật như cha dượng, mẹ ghẻ, người chủ thường rất độc ác, luôn tìm mọi cách bóc lột sức lao động của người mồ côi, muốn mồ côi hèn kém, xấu xí. Trái với mong muốn đó, mồ côi rất thông minh, chăm chỉ, hiếu thảo, xinh đẹp, khéo léo, vị tha… Cứ thế, cuộc đấu tranh giữa hai lực lượng không cân sức này diễn ra rất quyết liệt. Những nhân vật là con riêng của cha dượng hoặc mẹ ghẻ chỉ là nhân vật hỗ trợ để mâu thuẫn kia bộc lộ rõ hơn.
Khác với truyện cổ tích thần kì, truyện cổ tích sinh hoạt phản ánh mâu thuẫn xã hội trực diện hơn, cụ thể, gần hiện thực hơn. Đó là mâu thuẫn giữa kẻ giàu người nghèo, kẻ ở tầng lớp trên ngu dốt, hống hếch, keo kiệt với người lao động thật thà, thông minh, mưu trí. Mâu thuẫn này phản ánh cuộc sống ngột ngạt không thể chịu đựng được và khát vọng giải phóng của người lao động. Các truyện như Gái ngoan dạy chồng, Bắt cô trói cột, Sự tích chim khảm khắc, Sự tích chim hít cô, Sự tích ông đầu rau, Sự tích chim đa đa… đã thể hiện rõ mâu thuẫn này.
b. Truyện cổ tích thể hiện lí tưởng và mơ ước của nhân dân lao động:
Truyện cổ tích đã chiếu rọi ánh sáng kì ảo của niềm hạnh phúc vào cuộc đời đầy bất hạnh của con người. Đằng sau mỗi trang truyện là trọn vẹn lí tưởng của nhân dân về một xã hội công bằng, dân chủ. Người bình dân đã theo đuổi ước mơ đẹp đẽ, ở đó những người lương thiện, hiền lành sẽ được hưởng hạnh phúc xứng đáng với đạo đức và tài năng của họ. “Người nghèo sẽ giàu có, người nhỏ bé bị áp bức nhiều sẽ hưởng địa vị tối cao được làm vua hay hoàng hậu, người xấu xí dị dạng sẽ thay lốt để trở nên đẹp đẽ, kẻ xấu sẽ bị trừng phạt… Người ta cũng mơ ước sẽ lao động nhẹ nhàng hơn, trong một đêm có thể xây xong tòa lâu đài… mơ ước giao thông sẽ thuận tiện hơn, chỉ việc ngồi trên tấm thảm bay, xỏ chân vào đôi giày vạn dặm là lập tức sẽ đến nơi cần đến. Mơ ước sống lâu, mơ ước khám phá thế giới bí mật của thiên đình hay địa chủ, mơ ước có công cụ và vũ khí tốt để lao động và chiến đấu hiệu quả” (1). ( Đỗ Bình Trị, Văn học dân gian Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1990, tr.77)
Trong truyện cổ tích, để thực hiện những ước mơ và lí tưởng xã hội của người lao động, các tác giả dân gian đã khai thác thường xuyên môtíp hóa thân. Nhân vật có thể hóa thân tạm thời để thực hiện một mục đích nào đó, hoặc cũng có thể sẽ hóa thân vĩnh viễn thành cây, thành đá, thành chim… để ước mơ của một người trở thành mẫu số chung cho mơ ước của muôn người, muôn đời.
Đi theo nội dung này, truyện cổ tích thường kết thúc có hậu, kết thúc theo lôgic của mơ ước, kết thúc thực hiện triệt để quan niệm triết lí của nhân dân lao động: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Vì thế truyện cổ tích đã để cho nhân vật chính diện có thể thực hiện ước mơ một cách chóng vánh và hoàn hảo. Xây dựng những kết thúc có hậu với sự hỗ trợ đắc lực của yếu tố thần kì, truyện cổ tích đã chắp cánh cho tinh thần lạc quan và tình cảm nhân đạo sâu sắc của nhân dân lao động bay cao.
3. Nghệ thuật truyện cổ tích
– Cốt truyện cổ tích là sự đan dệt hàng loạt những môtip quen thuộc: môtip nhân vật ra đời thần kì, dũng sĩ diệt rắn, dũng sĩ diệt đại bàng (Chàng Sính, Chau Sanh Chau Thông, Chàng Rít, Tia Oong Tư và chim đại bàng, Chàng Rôk, Ông Đùng giết đại bàng), người câm (Lọ nước thần, Người học trò và Ngọc Hoàng, Làm công chúa nói được, Làu Slam, Mồ côi và ba con tinh), nhân vật chu du vào thế giới thủy cung, trận chiến giữa những kẻ cầu hôn, cây đàn thần kì, niêu cơm thần kì… (Thạch Sanh…).
Cốt truyện cổ tích thường ngắn gọn, đơn giản. Điều này là do đặc trưng truyền miệng và đặc trưng tập thể sáng tạo của văn học dân gian chi phối. Truyện không có nhiều tình tiết, nhiều nhánh rẽ, không nhiều mối quan hệ và nhân vật không quá phức tạp về tính cách. Người kể chuyện toàn tri trung thành với trục thời gian khi kể chuyện, chi tiết nào xuất hiện trước thì kể trước, không có hiện tượng đảo lộn kết cấu không gian và thời gian như truyện hiện đại.
– Nhân vật chính là con người đời thường trong các mối quan hệ xã hội chứ không phải là các thần trong tương quan giữa con người với đại tự nhiên thần thánh như trong thần thoại, không phải là các thần và những anh hùng được thần thánh hóa trong truyền thuyết. Lần đầu tiên, các nhân vật nhỏ bé, tầm thường trở thành nhân vật trung tâm của văn học dân gian. Truyện cổ tích Việt Nam hầu như không có nhân vật trung tâm thuộc tầng lớp quý tộc. Các truyện kể về ông hoàng, bà chúa hầu như vắng bóng trong truyện cổ Việt Nam. Điều này rất khác với truyện cổ nước ngoài và thể hiện rõ nguồn gốc bình dân của truyện cổ Việt Nam.
Nhân vật truyện cổ tích thường là nhân vật chức năng và mang tính phiếm chỉ. “Họ không cần có tên riêng, chỉ cần gọi là người mồ côi, anh trai cày, lão đánh cá… Họ không cần bộc lộ tính cách, nội tâm, chỉ hành động, hành động liên tiếp và qua đó ta phần nào hiểu được nội tâm của họ. Chức năng đại diện khiến cho truyện cổ tích dễ lưu truyền, mang tính chất chung, phổ biến, người ta không có ấn tượng đó là truyện của một địa phương cụ thể nào” .
– Không gian hiện thực là không gian nền, trở đi trở lại trong tất cả các truyện cổ tích. Đó là không gian làng quê thanh bình, yên ả và có tính phiếm chỉ. Ý niệm về không gian bị nhòe mờ bởi những cách diễn đạt như: một làng nọ, một nhà nọ, một vùng xa xôi nọ… Tính phiếm chỉ của truyện cổ tích khác với tính chất rõ ràng, xác thực của truyền thuyết. Nhưng bên cạnh đó, truyện cổ tích còn khai thác không gian kì ảo. Đó là những không gian không có thực trong cuộc đời, nó xuất hiện từ sự tưởng tượng phong phú của người dân như: không gian thiên đình, thủy cung, âm phủ… Các không gian này có thể thông tỏ với nhau và không hề cản trở hoạt động của các nhân vật cổ tích.
– Truyện cổ tích hướng điểm nhìn đến thời gian quá khứ. Truyện thường bắt đầu bằng cụm từ: ngày xửa ngày xưa, một cụm từ gợi kiểu thời gian xa xôi, mơ hồ, phiếm chỉ… Ngoài kiểu thời gian mang tính hiện thực đó, có lúc truyện cổ tích đẩy thời gian trôi rất nhanh hoặc trôi rất chậm, dường như ngưng đọng, không biến đổi. Kiểu thời gian kì ảo đó đóng vai trò lớn đối với cuộc đời của nhân vật.
– Truyện cổ tích thường gắn với yếu tố thần kì. Yếu tố thần kì là kết quả của những hư cấu dưới ánh sáng của trí tưởng tượng kì ảo, bay bổng của nhân dân. Lực lượng thần kì có thể là những nhân vật thần kì: ông Bụt, bà Tiên, Thiên lôi, Ngọc Hoàng, yêu ..
Đó cũng có thể là các đồ vật hoặc các vật thể thần kì như: gậy thần, đèn thần, khăn thần, mâm thần, áo tàng hình, thảm bay, đàn thần, giày vạn dặm… Đó còn là những con vật kì ảo: chim phượng hoàng, mèo đi hia, cá biết nói, rắn thần, ngỗng hiểu tiếng người, gà thần…
Tham gia vào truyện cổ tích, yếu tố thần kì có nhiều tác dụng khác nhau. Nhờ nó mà cốt truyện có thể được rút ngắn hoặc kéo dài ra theo mong muốn của người kể chuyện chứ không theo lôgic thực tế… Nó cũng làm cho truyện hấp dẫn, li kì với người nghe, làm cho truyện cổ tích có được tính chất mơ mộng, lãng mạn, trong sáng. Yếu tố thần kì cũng thể hiện sinh động, cụ thể ước mơ nguyện vọng của nhân dân lao động.
(Nguồn tham khảo: Bùi Thanh Truyền, Giáo trình văn học 1)