Những biểu tượng tôn giáo và triết học đã xuất hiện rất sớm ở xã hội Trung Hoa cổ đại. Đó là các biểu tượng về “Đế”, “Thượng đế”, “Thiên mệnh” và “Quỷ thần”, “Âm dương”, “Ngũ hành”. Cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm cũng diễn ra xung quanh những biểu tượng đó. Và cuộc đấu tranh đó chủ yếu diễn ra xung quanh các vấn đề khởi nguyên của thế giới, vấn đề cơ bản của triết học, vấn đề con người, đạo đức, tri thức và biến dịch.
Vấn đề khởi nguyên của thế giới và vấn đề cơ bản của triết học
Chủ nghĩa duy tâm cho rằng thế giới bên ngoài là do Trời, Thượng đế sáng tạo. Con người cũng do Trời sinh ra và quyết định số phận của họ. Ngược lại, chủ nghĩa duy vật cho rằng vạn vật trong thế giới do “ngũ hành” hoặc do âm dương giao cảm tạo nên trời đất và vạn vật.
Vấn đề cơ bản của triết học được giải quyết qua các việc giải quyết vấn đề về mối quan hệ giữa các phạm trù: ” Hình” và “Thần”; “Tâm” và “Vật”; “Lý” và “Khí”. Các nhà duy vật cho rằng “Hình” có trước “Thần”; “Vật” có trước “Tâm”; “Khí” có trước “Lý”; “Thần” phải dựa vào “Hình”, “Tâm” phải dựa vào “Vật”, “Lý” phải dựa vào “Khí”. Các nhà duy tâm cho rằng “Thần” có trước “Hình”. “Tâm” có trước “Vật”, “Lý” có trước “Khí”, “Hình” phụ thuộc vào “Thần”, “Vật” phụ thuộc vào “Tâm”, “Khí” phụ thuộc vào “Lý”.
Vấn đề con người, đạo đức và tri thức
Vấn đề tính người và số phận của con người là vấn đề nổi bật nhất trong lịch sử triết học Trung Hoa Cổ đại. Về nguồn gốc và khả năng nhận thức của con người (tính người) theo chủ nghĩa duy vật thì con người có nguồn gốc từ “Ngũ hành”, tư tưởng, tình cảm và tâm lý của con người là do hoàn cảnh bên ngoài sinh ra. Chủ nghĩa duy tâm thì ngược lại, con người là do Trời sinh ra, tư tưởng, tình cảm, tâm lý (tính người)phụ thuộc vào Trời. Về số phận con người các nhà duy tâm gắn liền với mệnh trời; với số kiếp. Còn các nhà duy vật thì cho rằng Trời là giới tự nhiên, đạo trời và mệnh trời là do sự vận hành có tính quy luật của giới tự nhiên không liên quan gì đến số mệnh của con người.
Những phạm trù đạo đức như: Nhân – Lễ – Nghĩa được các nhà triết học đặc biệt chú ý. Lễ đóng vai trò quan trọng nhất trong đời sống đạo đức và đời sống chính trị. Trong quan hệ giữa lễ và nhân, nhân được coi là nền, là nội dung, lễ là hình thức là biểu hiện của nhân. Nghĩa là lẽ phải, là hành động đúng của đạo lý. Nhân – Lễ – Nghĩa có quan hệ mật thiết với nhau trong cuộc sống của con người và xã hội.
Vấn đề tri thức bàn về khả năng nhận thức của các hạng người của xã hội: Thánh nhân – phàm nhân, thượng trí – hạ ngu; người quân tử – tiểu nhân. Các nhà duy tâm cho rằng chỉ có bậc thánh nhân thượng trí sinh ra đã biết (có thể thấu hiểu việc trời đất) còn kẻ phàm nhân, hạ ngu dù có học cũng không biết được. Các nhà duy vật thì cho rằng ai cũng phải học mới có sự hiểu biết. Cho nên, phàm là thánh nhân hay phàm nhân đều phải học. Hạn chế chung của triết học Trung Hoa cổ đại trong vấn đề nhận thức là không lấy giới tự nhiên là đối tượng nghiên cứu, vì vậy nhận thức luận của họ không trở thành công cụ đắc lực, khám phá và cải tạo giới tự nhiên.
Phép biện chứng về biến dịch
Trong “Dịch học” các nhà biện chứng Trung Hoa cổ đại đều cho rằng trời, đất, vạn vật luôn ở trong quá trình biến đổi không ngừng và có tính quy luật. Nguyên nhân của mọi sự biến hóa là do sự giao cảm của âm dương, nước, lửa, đất, trời. Tất cả sự sinh – hóa của vạn vật trong vũ trụ đều nằm trong chữ dịch mà ra. Trời trên đất dưới, sáng tối phân biệt, nam nữ khác nhau đó là bất dịch, để tồn tại và trường tồn luôn có sự trao đổi giữa hai phái đối nhau (âm dương) đó là giao dịch, sau khi giao nhau nảy sinh ra cái mới đó là biến dịch. Vậy chữ dịch bao gồm: bất dịch (không thay đổi), giao dịch (trao đổi lẫn nhau) và biến dịch (biến đổi). Trong đó biến dịch đóng vai trò quan trọng nhất, vì cốt yếu của dịch là sự biến đổi không ngừng của vạn vật. Xã hội cũng biến đổi theo quy luật của tự nhiên; tuy nhiên sự hạn chế thiếu sót của quan niệm biện chứng sơ khai trong triết học Trung Hoa Cổ đại là thừa nhận biến đổi có tính chất tuần hoàn theo chu kỳ khép kín không có sự phát triển.