Trang chủ Triết học “Trăm nhà đua tiếng” và ý nghĩa trong lịch sử văn hóa Trung Quốc

“Trăm nhà đua tiếng” và ý nghĩa trong lịch sử văn hóa Trung Quốc

by Ngo Thinh
367 views

Thời Chiến Quốc là thời kì trong lịch sử văn hóa học thuật Trung Quốc xuất hiện hiện tượng nhiều học phái đua tranh, trăm hoa đua nở. Theo ghi chép trong “Hàn thư – Nghệ văn chí”, các trước tác của các danh gia, các học phái trong thời kì này có tới gần một trăm loại, lịch sử dùng cách nói “trăm nhà đua tiếng” để hình dung cảnh tượng phồn vinh trong học thuyết thời kì đó.

Buổi giao thời giữa Xuân Thu và Chiến Quốc là thời kì xã hội cổ đại Trung Quốc chuyển từ chế độ nô lệ sang chế độ phong kiến. Nông nghiệp và thủ công nghiệp trong thời kì này phát triển rất mạnh, thương nghiệp cũng khá phồn thịnh, các nước lần lượt xuất hiện rất nhiều thành thị buôn bán sầm uất và trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của các nước chư hầu. Giao thông thuỷ bộ cũng tương đối phát đạt, thúc đẩy việc giao lưu kinh tế văn hoá. Nền kinh tế địa chủ dần dần lớn mạnh thay thế cho nền kinh tế quý tộc chủ nô, các giai cấp trong xã hội không ngừng phân hoá và sắp xếp lại. Trong tình hình đó, các nước chư hầu lần lượt tiến hành cải cách chính trị. Đến thời Chiến quốc, giai cấp địa chủ mới lên lần lượt giành được chính quyền trong một số nước, rồi dùng sức mạnh chính quyền tiếp tục đánh phá thế lực quý tộc chủ nô, xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất phong kiến và chế độ chính trị mới, tiếp theo nhau dấy lên các hoạt động biến pháp quy mô lớn. Trong bối cảnh kinh tế, chính trị đó, giới tri thức văn hoá hoạt động vô cùng sôi nổi.

Trước thời Xuân Thu, tri thức văn hoá do quý tộc chủ nô độc quyền. Trong triều đình quý tộc thiết lập chế độ quan chức thế tập để giữ gìn tư liệu văn hiến, truyền thụ tri thức văn hoá. Cuối thời Xuân Thu, cùng với sự sa sút của giai cấp quý tộc, một số bộ phận tầng lớp kẻ sĩ vốn dựa vào chế độ cha truyền con nối, giữ tước vương công để ăn lộc, bị tụt xuống địa vị bình dân. Sự cải cách chế độ chính trị và việc biến đổi địa vị giai cấp khiến cho tri thức văn hoá được lan truyền xuống mọi tầng lớp trong xã hội, hình thành nên một tầng lớp tri thức mới. Tri thức văn hoá từ “nhà quan” truyền ra dân gian nên được truyền bá rộng rãi hơn. Đứng trước cuộc cạnh tranh kịch liệt giữa các thế lực, một mặt kẻ thống trị ở các nước chư hầu không tiếc ngàn vàng để chiêu mộ những người tài giỏi giúp họ tìm ra kế sách “trị quốc bình thiên hạ”, mặt khác những kẻ sĩ tài giỏi cũng đua nhau phát biểu kiến giải của mình để thực hiện hoài bão “kiêm trị thiên hạ”, những kẻ kém hơn thì muốn đem tài trí của mình lấy lòng bọn thống trị các nước hòng mưu tìm quan chức. Thế là, các loại tư tưởng kế tiếp nhau xuất hiện, tạo thành cảnh tượng sôi nổi chưa từng có.

Tư tưởng của các học phái lúc bấy giờ, về căn bản đều là đại biểu cho lợi ích kinh tế, chính trị của các giai cấp và tầng lớp khác nhau. Do đó, họ thường “dẫn dụng một điểm, đề cao các cái mà mình thích, như nước với lửa, tương diệt lại tương sinh vậy”. Đồng thời, họ thừa kế những di sản văn hoá khác nhau trong lịch sử, trong nghiên cứu học thuật, đi theo các trắc diện khác nhau, khiến tư tưởng của các học phái đều có đặc điểm riêng. Cũng do cục diện cát cứ lúc đó, nên đặc điểm của các học phái trên một mức độ nhất định có mang theo sắc thái văn hoá địa vực. Các nhà sử học thời Hán căn cứ đặc điểm các học phái thời Chiến quốc, chia họ thành Âm dương gia,  Nho gia, Mặc gia, Danh gia, Pháp gia, Đạo gia, là sáu học phái quan trọng nhất thời đó. Sau này, lại thêm vào Tung hoành gia, Tạp gia, Nông gia, Tiểu thuyết gia. Trừ Tiểu thuyết gia thuộc vào phạm trù văn học, còn lại chín học phái, được đời sau gọi là “cửu lưu”. Cách phân loại đó chỉ nói lên cái khái lược chứ chưa thể bao quát được hết các chư tử bách gia đương thời, ngay trong mấy học phái được kể ra trên đây, cũng không ngừng phân hợp biến hoá.

Trong các học phái, trước hết là Nho gia do Khổng Tử sáng lập vào cuối thời Xuân thu. Đến đầu thời Chiến quốc, Mặc gia nổi lên. Hai phái Nho, Mặc gây nên cuộc tranh luận sôi nổi đầu tiên tại đô thành Khúc Phụ ở nước Lỗ. Giữa thời Chiến quốc, đô thành Lâm Tri của nước Tề trở thành trung tâm học thuật, văn hoá của toàn quốc. Trong cung Tắc Hạ ở Lâm Tri có nhiều học giả giỏi giang, tình hình “trăm nhà đua tiếng” lúc đó đạt tới cao trào. Cuối thời Chiến quốc, ở thủ đô Hàm Đan của nước Triệu có cuộc đua tranh giữa Danh biện và Mặc biện, trở thành khúc vĩ thanh của “trăm nhà đua tiếng”. Đến khi Tần Thuỷ Hoàng “đốt sách chôn nhà Nho”, lấy tư tưởng pháp gia làm độc tôn, thì cuộc đua tiếng về học thuật kéo dài 200 năm kết thúc.

“Trăm nhà đua tiếng” thời Chiến quốc là cuộc vận động giải phóng tư tưởng vĩ đại lần thứ nhất trong lịch sử Trung Quốc. Nó nói lên truyền thống dân chủ trong lịch sử văn hoá học thuật cổ đại Trung Quốc. Trong khoảng hở khi chế độ quý tộc chủ nô sụp đổ toàn diện và chế độ chuyên chế phong kiến trung ương tập quyền còn chưa được xác lập, các học phái tự do cạnh tranh, cùng hấp thụ và hoà lẫn với nhau, khiến cho văn hoá học thuật cổ đại Trung Quốc mang nhiều màu sắc mới lạ, phát triển đến một trình độ rất cao. Kinh học thời Lưỡng Hán sau đó về cơ bản là kế thừa tư tưởng Nho gia thời Tiên Tần.

Huyền học thời Nguỵ Tấn, chẳng qua là sự hợp lưu của hai học phái Nho, Đạo mà phát triển lên. Phật học thời Nam Bắc triều, Tuỳ, Đường tuy có một thời cực thịnh, nhưng chưa hề chiếm được địa vị chủ lưu. Lí học thời Tống, tuy chịu ảnh hưởng của Phật và Đạo, nhưng vẫn phát triển theo con đường của Nho học Tiên Tần và Kinh học Lưỡng Hán. Nhìn suốt lịch sử phát triển 2000 năm của văn hoá học thuật Trung Quốc, có thể thấy rất rõ, chư tử bách gia thời Tiên Tần đã hình thành nên lí luận, tư tưởng trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, pháp luật, triết học, quân sự, văn hóa, nghệ thuật và khoa học tự nhiên, đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển văn hóa học thuật đời sau.

Trong đó, tư tưởng Nho gia với Khổng, Mạnh là đại biểu đã nuôi dưỡng tinh thần nhân đạo chủ nghĩa trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, học thuyết Đạo gia với Lão, Trang là đại biểu đã tạo nên cơ sở triết học của tư tưởng chính thống phong kiến trong hơn 2000 năm. Tinh thần biến cách trong tư tưởng Pháp gia do Hàn Phi là đại biểu đã trở thành vũ khí lí luận cho các nhà tư tưởng tiến bộ, các nhà chính trị trong việc cải cách để trị nước. Trên một mức độ rất lớn, các học thuyết đó đã cùng tạo nên tinh thần cơ bản của văn hóa truyền thống dân tộc Trung Hoa, là một trái núi sừng sững trong lĩnh vực văn hóa Trung Quốc, là một dòng nước nuôi dưỡng sự phát triển văn hóa phong kiến trong hơn hai ngàn năm.

 

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net