Tổ chức xã hội là gì? Các dấu hiệu cơ bản của tổ chức xã hội và phân loại Tổ chức XH.
1. Khái niệm tổ chức xã hội
Tổ chức xã hội là một phạm trù cơ bản của xã hội học. Trong các ngành khoa học khác nhau, khái niệm tổ chức xã hội được sử dụng gắn liền với đối tượng nghiên cứu của nó, nên có nhiều định nghĩa khác nhau.
Xã hội học coi tổ chức xã hội là một thành tố của cầu trúc xã hội. Trên giác độ đó, tổ chức xã hội là một hệ thống các quan hệ, tập hợp liên kết các cá nhân nào đó để hoạt động xã hội nhằm đạt được một mục đích nhất định. Như vậy, khái niệm tổ chức xã hôi của xã hội học nhấn mạnh đến hệ thống các quan hệ liên kết cá nhân chứ không phải dừng lại ở hình thức của một tập hợp các cá nhân nào đó và quan hệ ở đây là quan hệ xã hội.
Ở giác độ nhóm, tổ chức xã hội là một dạng nhóm thứ cấp (nhóm cấp II) khá phổ biến. Nhưng không phải nhóm thứ cấp nào cũng là tổ chức xã hội. Một nhóm thứ cấp được coi là tổ chức xã hội khi có 5 dấu hiệu cơ bản sau đây:
- Thứ nhất, đó là nhóm xã hội có mục tiêu, có chủ đích và có ý thức.
- Thứ hai, quan hệ quyền lực phải được biểu hiện cụ thể trong cấu trúc của nhóm, các thành viên của nhóm được phân bổ trong mạng lưới các quan hệ quyền lực theo thứ bậc trên dưới, cao thấp; những người có bậc thang quyền lực ở bậc cao hơn có khả năng điều chỉnh hành vi, thái độ của người khác thuộc nấc thang quyền lực thấp hơn.
- Thứ ba, cùng với hệ thống quyền lực, tổ chức xã hội là một tập hợp các vị thế và vai trò. Vị thế của các thành viên trong tổ chức xã hội được xác định được tổ chức xã hội đã thừa nhận, gắn liền với trách nhiệm và quyền hạn nhất định. Mặt khác, để thể hiện đúng vị thế của các thành viên, tổ chức cũng đặt ra những tập hợp hành vi được phép làm và những hành vi không được phép làm để kiểm soát và điều chỉnh hành vi của các thành viên.
- Thứ tư, các vai trò của các thành viên tổ chức xã hội được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức. Thông qua các quy tắc do tổ chức xã hội đặt ra để điều chỉnh quan hệ giữa các vai trò, nhằm phối hợp việc thực hiện vai trò của các thành viên để hoạt động của tổ chức đi vào nề nếp và ổn định.
- Thứ năm, phần lớn các tổ chức xã hội chính thức và công khai hóa các mối quan hệ của tổ chức (quan hệ trong tổ chức và quan hệ ngoài tổ chức) trước hết là chính thức và công khai hóa mục đích của phần nhiều hoạt động của tổ chức. Quan hệ bên trong và bên ngoài của tổ chức dựa trên hệ thống vị thế và vai trò xã hội đã được họ thừa nhận một cách chính thức. Hơn nữa, phần lớn các quan hệ này đều được thực hiện một cách công khai, các thành viên của tổ chức có thể được biết ở mức độ khác nhau về nội dung của nó.
Tổ chức xã hội được xem xét như là một thể chế xã hội, một phương thức quản lý hay như là một thuộc tính của xã hội. Hình thức của tổ chức xã hội luôn luôn thay đổi cùng với những thay đổi khách quan của hoàn cảnh xã hội và sự thay đổi chủ quan của bản thân con người. Hướng chủ yếu của sự thay đổi về tổ chức là làm cho chủ thể của tổ chức ngày càng có trình độ hòa hợp cao hơn, ngày càng phát huy khả năng tự quản của mình. Nói cách khác, đó là quá trình dân chủ hóa tổ chức. Mọi xã hội dân chủ đểu là xã hội có tổ chức (không thể có dân chủ ở một xã hội vô tổ chức, vô chính phủ).
2. Phân loại tổ chức xã hội
a. Căn cứ vào mức độ hình thức hóa của tổ chức
Người ta phân ra thành hai loại: Tổ chức chính thức và tổ chức không chính thức.
– Tổ chức chính thức (tổ chức hình thức hóa)
Là tổ chức có các quy tắc tổ chức chặt chẽ và được pháp luật thừa nhận (có thể mang tư cách pháp nhân); có những chức năng rõ rệt, thể hiện ở những nghĩa vụ, những quyền hạn của các thành viên; có những công cụ điều tiết thể hiện thành các chuẩn mực hành vi của mỗi thành viên; có những mối liên hệ theo thứ bậc của các chức vụ cũng như liên hệ chức năng trong tổ chức.
– Tổ chức không chính thức
Là tổ chức không có quy tắc chặt chẽ, không có sự thừa nhận của pháp luật. Tổ chức không chính thức hình thành một cách tự pháo ở bên trong hai bên ngoài tổ chức chính thức. Có hai loại tổ chức không chính thức:
– Tổ chức ngoài quy tắc: là loại tổ chức được hình thành một cách tự phát giữa các thành viên của một tổ chức chính thức nhằm thực hiện những nhiệm vụ của tổ chức đó nhưng không theo những phương thức được quy định chính thức mà có những liên hệ ngoài quy tắc (chẳng hạn trong quan hệ phục tùng) và trong nhiều trường hợp những liên hệ ngoài quy tắc (do quen biết, do uy tín…) lại có hiệu quả hơn. Hai nhân tố tạo nên mối liên hệ bên trong tổ chức ngoài quy tắc là lợi ích chung và hiệu quả.
– Tổ chức tâm lý – xã hội: là loại tổ chức được hình thành một cách tự phát, ở ngoài các tổ chức chính thức, từ những liên hệ cá nhân của những người có chung những nhu cầu nào đó, ăn mặc, giải trí, học tập, văn hóa – nghệ thuật…
Tổ chức ngoài quy tắc và tổ chức tâm lý – xã hội có khi thâm nhập vào nhau nhưng có những chức năng riêng. Thực chất của tổ chức không chính thức là sự tổ chức của các cá nhân được hình thành một cách tự nhiên gắn liền với mọi hệ thống xã hội, mọi tổ chức. Ưu điểm của nó là có hiệu quả trực tiếp và nhanh chóng, linh hoạt về hình thức hoạt động, sinh hoạt v.v… Nhưng hạn chế của loại tổ chức này là dễ hình thành nhưng cũng dễ tan rã, làm nhiễu những liên hệ chính thức, thiếu phương hướng bền vững v.v…
b. Căn cứ vào mục tiêu
Căn cứ vào mục tiêu, có thể chia tổ chức xã hội thành: tổ chức xã hội “có tổ chức” và tổ chức xã hội “không có tổ chức”.
* Tổ chức xã hội “có tổ chức”: Trong đó bao gồm hai loại nhỏ:
- Tổ chức quản lý (xí nghiệp, cơ quan…) nhằm giải quyết những nhiệm vụ nhất định, mục tiêu của nó được áp đặt cho các thành viên và sự điều tiết bên trong của nó dựa vào những quy tắc quản lý – bị quản lý.
- Tổ chức liên kết: tổ chức này liên kết các hiệp hội quần chúng, trong đó mục tiêu chung trùng hợp với mục tiêu cá nhân ở mực độ nào đó, các tổ chức loại này được điều tiết theo những quy tắc do các thành viên thiết lập (qua điều lệ).
* Tổ chức “không có tổ chức” (tổ chức tự phát): Bao gồm tổ chức liên hợp và tổ chức cư trú.
- Tổ chức liên hợp (gia đình, trường phái khoa học, nghệ thuật…) với mục tiêu chung trùng với mục tiêu cá nhân, các chức năng điều tiết hình thành một cách tự phát theo những chuẩn mực và giá trị tập thể, ít hoặc không chính thức.
- Tổ chức cư trú được hình thành từ những người, những gia đình ở chung với nhau trên một địa điểm nhằm giải quyết những vấn đề có liên quan với sinh hoạt chung và những liên hệ xóm giềng ổn định.
Các loại tổ chức xã hội này có liên quan mật thiết với nhau. Trong thực tế, nhiều trường hợp còn lồng ghép vào nhau để tăng cường và bổ sung lẫn nhau trong hoạt động xã hội, ví dụ như các đoàn thể xã hội trong cơ quan. Có thể tham khảo sơ đổ cách phân loại này như sau:
3. Một số dạng của tổ chức xã hội
Hệ thống tổ chức xã hội bao gồm nhiều dạng tổ chức xã hội khác nhau. Sau đây chúng ta đi vào một số dạng tương đối phổ biến trong các xã hội.
a. Hiệp hội tự nguyện
Hiệp hội tự nguyện là dạng tổ chức xã hội tương ứng với nhóm không chính thức với bao đặc điểm chính sau đây:
- Chúng được lập ra vì những lợi ích và nhu cầu của bản thân các thành viên.
- Việc gia nhập hiệp hội là hoàn toàn tự nguyện với những tiêu chuẩn không khắt khe.
- Các hiệp hội tự nguyện không có mối liên hệ trực tiếp với cơ quan chính quyền các cấp. Tức là không chịu sự điều hành, chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan chính quyền và các cấp chính quyền cũng không can thiệp vào các tổ chức tự nguyện nếu hoạt động của họ nằm trong khuôn khổ của pháp luật.
Các hiệp hội tự nguyện không có một cơ cấu chắc chắn hoặc một hệ thống quyền lực cưỡng bức để duy trì hoạt động của mình, mà chỉ dựa vào sự tự nguyện của các thành viên và một hệ thống hành động không bị ràng buộc chặt chẽ. Chính điều này đã thu hút được khá đông đảo thành viên và nguồn kinh phí khá lớn nhờ sự quyên góp, đóng góp, tài trợ. Các hiệp hội tự nguyện có xu hướng ngày càng mở rộng gắn liền với trình độ phát triển của xã hội. Nó là dạng tổ chức không thể thiếu trong đời sống xã hội, nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của các cá nhân trong xã hội, thỏa mãn được một phần nhu cầu tổ chức hoạt động sống của các thành viên trong xã hội, đồng thời vẫn tôn trọng tự do cá nhân của họ.
b. Tổ chức biệt lập
Tổ chức biệt lập là các tổ chức xã hội được lập ra nhằm đáp ứng phục vụ cho những lợi ích của Nhà nước, của tôn giáo hay của những cơ quan khác, tức là lợi ích của xã hội nói chung.
Tổ chức biệt lập có những đặc điểm chính sau đây:
- Những thành viên của các tổ chức này bị cô lập, tách biệt khỏi xã hội.
- Rất nhiều những luật lệ, quy tắc do xã hội và tổ chức biệt lập đặt ra để duy trì trật tự, đồng thời khiến cho các thành viên phải phụ thuộc lẫn nhau.
- Tổ chức biệt lập thường có cơ cấu quan hệ phân hóa trên – dưới rất rõ ràng và chặt chẽ.
Bản thân các tổ chức biệt lập cũng có thể chia thành nhiều loại khác nhau: Ví dụ các tổ chức dành cho những người không thể chăm sóc được bản thân (bệnh viện, nhà dưỡng lão, nhà trẻ mồ côi…) các tổ chức để giam giữ cách ly những phần tử bị coi là nguy hiểm cho xã hội (nhà tù, trại cải tạo, trại tập trung…) các tổ chức để thực hiện những nhiệm vụ đặc biệt cho xã hội (doanh trại quân sự, tàu chiến, pháo đài…) các tổ chức biệt lập của tôn giáo (nhà dòng, tu viện…)
Các tổ chức biệt lập tồn tại do nhu cầu và lợi ích chung của xã hội, vì vậy, chỉ khi nào xã hội không có nhu cầu về sự tồn tại của các tổ chức biệt lập nữa thì chúng mới chuyển hóa hoàn toàn thành các dạng thông thường, hoặc có thể xóa nó hoàn toàn trong hệ thống tổ chức xã hội. Tuy vậy, hiện nay, ở đa số các quốc gia, tính chất của các tổ chức biệt lập đang có nhiểu thay đổi: Tính biệt lập hoàn toàn đã giảm đi đáng kể. Các thành viên của tổ chức biệt lập đã được tiếp xúc với thế giới bên ngoài một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Ví dụ: việc chuyển người già về sống cùng cộng đồng, cho phép một số loại tù nhân được sống tại gia đình…
c. Bộ máy công chức
Bộ máy công chức là một hệ thống thứ bậc của quyền lực, nghĩa vụ và trách nhiệm. Hệ thống đó là một tổ chức chính thức và có thể sử dụng và hoạt động để hướng tới những mục đích chuyên biệt. Trong hệ thống công chức, tất cả các vị trí vai trò của các thành viên đã được sắp xếp theo một chương trình định trước, do vậy các mục đích chuyên biệt có thể thực hiện được với hiệu quả cao.
Bộ máy công chức ra đời, tồn tại và phát triển trong hệ thống tổ chức xã hộ; trở thành một hoạt động hiệu quả hơn các tổ chức khác. Nó sử dụng tối đa khả năng của người lao động và giảm thiểu sức ép căng thẳng cũng như sự va chạm trực tiếp giữa các thành viên của tổ chức trong quan hệ lãnh đạo – phục tùng để có thể đạt được mục đích. Nó có thể đặt các thành viên vào những vị trí đa dạng trong bậc thang quyền lực của họ (tương ứng với trình độ tri thức và năng lực thực sự của họ).
Bộ máy công chức có năm đặc tính chính sau đây: (Theo Weber).
– Chuyên môn hóa
Hệ thống công chức yêu cầu mỗi một thành viên của ta thực hiện một số nhiệm vụ hẹp được ấn định theo quy chế. Hệ thống này yêu cầu chuyên môn hóa còn hơn các dạng tổ chức khác. Sự chuyên môn hóa đã tạo ra lợi thế trong khá nhiều khâu hoạt động trong đó có khâu đào tạo, nó cho phép thực hiện quy trình đào tạo cá nhân theo một nhiệm vụ hoặc chuyên môn hẹp. Mặt hạn chế của nó là tâm lý nhàn chán nảy sinh do công việc lặp đi lặp lại và đơn điệu.
– Tiêu chuẩn và chất lượng
Các tổ chức của hệ thống công chức tuyển chọn nhân viên phải thỏa mãn được những yêu cầu đã để ra trước. Mỗi một vị trí trong hệ thống đó đòi hỏi những tiêu chuẩn và chất lượng tương ứng. Các tiêu chuẩn và chất lượng đó cũng có ý nghĩa bảo vệ người nhân viên khỏi sự đối xử bất công trong việc xử lý các vấn đề quyền lợi và trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc thăng tiến chức vụ.
– Quy tắc và điều tiết viết thành văn
Các tổ chức của hệ thống công chức điều hành hoạt động của các thành viên thông qua các quy tắc và quy chế rất rõ ràng, được ghi thành văn bản (điểu lệ, nội quy, nguyên tắc).
Điều này, khiến cho các nhân viên lĩnh hội được một cách dễ dàng. Đối với các nhân viên mới khi thay thế nhân viên cũ cũng thông qua các quy định sẵn có để tiếp nhận nhiệm vụ.
– Thứ bậc quyền lực
Trong một hệ thống công chức bao giờ cũng tồn tại một hệ thống thứ bậc quyền lực. Mỗi cá nhân có một vị trí theo thứ bậc trên dưới và kèm theo đó là trách nhiệm, quyền hạn và phận sự. Mỗi cá nhân phải chấp nhận thứ bậc đó và chấp nhận các cá nhân ở thứ bậc trên trực tiếp thông qua sự kiểm soát, chấp hành và báo cáo. Các tổ chức trong bộ máy công chức dù lớn hay nhỏ đều có sự ràng buộc các cá nhân gắn chặt với nhau thành hệ thống móc xích. Trong đó cấp dưới phải chấp hành mệnh lệnh của cấp trên.
– Đối xử lãnh đạm
Trong hệ thống công chức, các thành viên sống và làm việc theo phận sự, nghĩa vụ, giữa họ ít có quan hệ tình cảm gần gũi thân thiết mà thường là thiếu cảm xúc, lãnh đạm. Kiểu quan hệ lãnh đạm trong chừng mực nào đó là cần thiết bởi vì nếu các cá nhân quan hệ với nhau theo kiểu thân mật, gần gũi như nhóm cấp I sẽ cản trở đến hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Bộ máy công chức là một dạng tổ chức xã hộ có nhiều ưu thế hơn các dạng tổ chức xã hội khác nhưng nó không phải là hoàn toàn hoàn hảo. Bản thân nó chứa đựn những khiếm khuyết xét cả những yếu tố bên trong và bên ngoài của bộ máy, đặt ra những vấn để khó giải quyết trong thực tế. Đó là những vấn để: con người công chức, chủ nghĩa hình thức, mục đích bị thay thế và đạo đức nghề nghiệp… Những vấn đề này tạo nên những “bệnh lý của tổ chức” mà trong hoạt động của bộ máy công chức cần phải để phòng và khắc phục.
(Nguồn: TS. Nguyễn Thế Phán, Giáo trình xã hội học, NXB Lao động Xã hội)