1. Khái niệm thơ ca
Thơ (hay thơ ca, thi ca) là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống với những cảm xúc chất chứa, cô đọng, những tâm trạng dạt dào, những tưởng tượng mạnh mẽ, trong ngôn ngữ hàm xúc, giàu hình ảnh, và nhất là có nhịp điệu.
Thơ là dạng thức ban đầu của văn học. Ngoại trừ thần thoại thời nguyên thủy tồn tại chủ yếu dưới các hình thức cúng tế, lễ hội, các hình thức thức văn học ban đầu như sử thi, kịch, thơ trữ tình đều là thơ ca, tức là ngôn ngữ có nhịp điệu. Với nhiều nền văn học, trong đó có văn học Việt Nam, thơ ca ra đời rất lâu rồi văn xuôi mới xuất hiện. Trải qua quá trình lịch sử phát triển lâu dài, thơ ca đã hình thành được những hình thức cực kì đa dạng, từ thơ sử thi dài hàng chục vạn câu đến những bài thơ rất ngắn, chỉ có hai, ba, bốn dòng như thơ tứ tuyệt, thơ haiku…
2. Đặc trưng của thơ
Về nội dung, thơ là là sự thổ lộ tình cảm mãnh liệt đã được ý thức. Tính trữ tình là đặc trưng nổi bật nhất của nội dung thơ. Đối tượng của thơ là hứng thú tinh thần. Nhiệm vụ chính của thơ là gợi lên cho ý thức nhận thấy sức mạnh của cuộc sống tinh thần và tất cả những gì lay động, làm xúc động người đọc. Thơ không chú trọng miêu tả sự vật bên ngoài, không kể các sự việc xảy ra mà nghiêng về biểu hiện các cảm xúc nội tâm, những tình cảm, cảm nhận của con người trước sự việc, giúp ta hiểu hơn con người chủ thể bên trong. Chẳng hạn bài Tiếng trống trường của Chữ Văn Long:
Có cả cuộc đời rồi bỗng nhớ
Những đoạn đường xa lắc tuổi thơ đi
Bàn chân nhỏ băng qua đồng ruộng
Tiếng trống trường giục giã những mùa thi
Vừa mới đấy đã bao năm cách biệt
Bạn bè ơi, giờ ở những nơi đâu?
Nghe tiếng trống sao chẳng về tụ lại
Trước sân trường ríu rít nắm tay nhau?
Sao chẳng thể một lần như thế nữa
Ngồi chung bàn, chung ghế như xưa
Lại hồi hộp ngó bảng đen phấn trắng
Cho mắt nhìn thắm lại chút ngây thơ
Sao chưa đến tìm nhau bè bạn
Bao năm ròng trọ học thổi cơm chung
Hãy ngồi lại thêm một lần so đũa
Nghe tiếng cười trai gái rộn quanh mâm
Sao không thể cùng về thăm thầy cũ
Ơi cái trống da trâu thay bọc bao lần
Giờ mới biết những hồi trống ấy
Làm tóc thầy từng sợi bạc thêm nhanh…
Có cả cuộc đời rồi sẽ nhớ
Những đoạn đường xa lắc tuổi thơ đi
Và cho đến bao giờ không biết nữa
Tiếng trống trường vẫn giục giã mùa thi.
Bài thơ là dòng tâm trạng dào dạt, da diết của con người từ hiện tại gửi về thuở học trò hoa mộng. Những hình ảnh ruộng đồng, cái trống, mùa thi, sân trường, lớp học, bảng đen, phấn trắng, mái tóc bạc của thầy, những bữa cơm rộn rã tiếng cười,… làm sống lại một quãng đời tuổi thơ “xa lắc”. Tiếng trống trường đánh động những hoài vọng quá khứ, gợi bao tiếc nhớ, tự vấn về những kỉ niệm, những ân tình mà mình đã gắn bó một thời.
Như thế, thơ là sự biểu lộ tình cảm mãnh liệt. Nó đòi hỏi nhà thơ phải có sự rung động mạnh mẽ từ bên trong, sự giày vò, chấn động trong tâm hồn, buộc tác giả phải sống rất sâu vào thế giới nội tâm của mình. Thiếu tình cảm chân thành, sâu sắc, nhà thơ không thể làm được thơ, họa chăng chỉ có những câu vần vè, chắp nối. Lê Quý Đôn từng nói: “Ta cho thơ có ba điều chính: một tình, hai cảnh, ba sự”. Thiếu đi một tình cảm mãnh liệt thì Hữu Tưởng khó lòng làm được những câu thơ xúc động chân thành cả trẻ em và người lớn trong bài Gửi lời chào lớp Một:
Lớp Một ơi! Lớp Một!
Đón em vào năm trước
Nay giờ phút chia tay
Gửi lời chào tiến bước!
Chào bảng đen cửa sổ
Chào chỗ ngồi thân quen
Tất cả! Chào ở lại
Đón các bạn nhỏ lên.
Chào cô giáo kính mến
Cô sẽ xa chúng em…
Làm theo lời cô dạy
Cô sẽ luôn ở bên.
Lớp Một ơi! Lớp Một!
Đón em vào năm trước
Nay giờ phút chia tay
Gửi lời chào tiến bước!
Tình cảm mãnh liệt là nhân tố quan trọng để nhà thơ viết được những câu thơ, bài thơ có sức ám ảnh, lay động lòng người. Nhưng thơ không phải là sự bộc lộ tình cảm một cách bản năng, trực tiếp. Tình cảm trong thơ là tình cảm được ý thức, được thăng hoa, lắng đọng qua cảm xúc thẩm mĩ, gắn liền với khoái cảm của sự ý thức về mình và về đời. Đó phải là tình cảm lớn, tình cảm đẹp, cao thượng, thấm nhuần bản chất nhân văn, chính nghĩa. Tình cảm tầm thường không làm nên thơ, thậm chí giết chết thơ.
Nói như thế không có nghĩa là tác phẩm trữ tình không dính dáng gì đến hiện thực khách quan, chỉ đơn thuần bộc lộ suy tư, cảm xúc của tâm hồn. Tác phẩm trữ tình cũng tái hiện các hiện tượng đời sống như trực tiếp miêu tả phong cảnh thiên nhiên hoặc thuật lại ít nhiếu sự kiện tương đối liên tục như Mẹ vắng nhà ngày bão của Đặng Hiển, Đi học của Minh Chính, Trên hồ Ba Bể của Hoàng Trung Thông,… nhưng sự tái hiện này không mang mục đích tự thân, mà tạo điều kiện để chủ thể bộc lộ những cảm xúc, chiêm nghiệm, suy tưởng của mình. Ở đây, nguyên tắc chủ quan là nguyên tắc cơ bản trong việc chiếm lĩnh hiện thực, là nhân tố cơ bản quy định những đặc điểm cốt yếu của tác phẩm trữ tình. Vì thế, trong tác phẩm bao giờ cũng xuất hiện hai lớp nội dung: một là nội dung bức tranh hiện thực đời sống và hai là nội dung của những ý nghĩ, cảm xúc, suy tư ẩn đằng sau bức tranh đó (người ta vẫn thường gọi đó là cảnh và tình, sự và tình). Chẳng hạn, bài thơ Hành trình của bầy ong của Nguyễn Đức Mậu, bức tranh đời sống hiện lên rất cụ thể, sinh động qua bao cảnh đẹp mê hồn của thiên nhiên kì thú, qua sức tìm tòi cần mẫn, không ngừng, không nghỉ trong hành trình vô tận của bầy ong – những hành trình bền bĩ và không ngừng sáng tạo. Những ý nghĩ, cảm xúc, suy tư ẩn đằng sau bức tranh hiện thực này đó là: Hành trình nhẫn nại, không ngừng nghỉ của bầy ong tượng trưng cho sức sáng tạo diệu kì của con người (nhất là nghệ sĩ) trước bao nhiêu đắp đổi của thời gian và sự sống.
Về hình thức, thơ biểu hiện bằng biểu tượng, ý tượng với ngôn từ thơ được cấu tạo đặc biệt. Cách tổ cách ngôn từ đặc biệt ở câu thơ cũng tạo cho nó khả năng trở nên đa nghĩa. Có thể nói, thơ là nghệ thuật của biểu tượng – một yếu tính làm nên chất họa trong thơ. Mỗi loại thơ có những loại biểu tượng riêng. Nhật, nguyệt, tùng, cúc, mai, lan, trúc, sen… trong thơ cổ; bờ ao, giếng nước, bến đò, con bống, cái khăn, ngọn đèn,… trong ca dao; cờ đỏ, máu đào, bàn chân, tay súng, con đường, mặt trời… trong thơ ca cách mạng; trái tim, đôi môi, làn hương, bờ vai, chim hót, vườn cây, con mắt… trong thơ lãng mạn; bầu trời xanh, chim hòa bình, trái đất, tiếng trống trường, sân chơi, lớp học, chiếc khăn quàng đỏ, cánh buồm, góc sân, khoảng trời… trong thơ thiếu nhi v.v… Các biểu tượng trong thơ nảy sinh nhờ sức liên tưởng, tưởng tượng, sáng tạo mạnh mẽ của nhà thơ nhằm làm cho tác phẩm có sức khai mở, khơi gợi sự suy tưởng bay bổng ở người đọc.
Tính chất đặc biệt của ngôn từ thơ thể hiện trước hết ở nhịp điệu của nó. Sự phân dòng của lời thơ nhằm mục đích tạo nhịp điệu cho thơ. Cuối mỗi dòng thường là chỗ ngừng. Tùy theo số chữ (tiếng) trong dòng thơ mà thơ có nhịp điệu khác nhau, thích hợp với những cung bậc tình cảm khác nhau. Ngôn từ thơ cũng không có tính liên tục và tính phân tích như ngôn từ văn xuôi, ngược lại nó có tính nhảy vọt, gián đoạn tạo thành những khoảng lặng giàu ý nghĩa. Chẳng hạn:
Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió
Sẽ được nghe nhiều tiếng chim hay
Tiếng lích rích chim sâu trong lá
Con chìa vôi vừa hót vừa bay.
Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên
Thấy chú bé đi hài bảy dặm
Quả thị thơm, cô Tấm rất hiền.
Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày
Tay bồng bế sớm khuya vất vả
Mắt nhắm rồi, lại mở ra ngay.
(Nói với em, Vũ Quần Phương)
Sự kết hợp không gian, văn cảnh, cảm xúc trong ba khổ thơ thoạt nhìn có cảm giác khá lỏng lẻo, không gắn kết chặt chẽ với nhau. Ở khổ một, tác giả đặt trẻ thơ vào trong một thế giới trong veo, thanh bình, đầy âm sắc của thiên nhiên kì diệu. Sang khổ thứ hai, thế giới diệu kì của thiên nhiên đã nhường chỗ cho một không gian cổ tích thần kì của con người. Khổ thơ cuối là hành trình đi ngược vào tâm linh, vào nỗi nhớ để đến với không gian đời thường gần gũi. “Nếu nhắm mắt” là một giả thiết thú vị mà tác giả đặt ra cho nhân vật trữ tình, tạo thành chất kết dính cả ba khổ thơ. Nhắm mắt để có thể tập trung tâm trí, phát huy tối đa trí tưởng tượng, để tâm hồn thật nhẹ nhàng, thật rộng mở và để mình có cơ hội nhìn thật sâu vào chính cõi lòng, để biết thấu cảm, tri ân hơn nữa tình yêu thương, công lao to lớn của cha mẹ, người thân đã dành cho mình.
Thơ được làm từ những rung cảm chân thật của nhà thơ. Chính những rung cảm chân thật đó đã làm thơ có hồn, có hơi thở, có sự sống. Cũng chính sự rung cảm đó góp phần làm nên chất nhạc cho thơ với những âm thanh luyến láy, những từ trùng điệp, sự phối hợp bằng trắc và những cách ngắt nhịp có giá trị gợi cảm. Đặc trưng này có sức hút mạnh mẽ đối với người đọc, tạo nên mọi sức mạnh. Điều này có thể bắt gặp rất nhiều trong thơ thiếu nhi – địa hạt mà ở đó sự hòa kết giữa thi tính và nhạc tính thể hiện rất rõ:
Má trồng toàn những cây dễ thương
Nào là hoa, là rau, là lúa
Còn ba trồng toàn cây dễ sợ
Cây xù xì, cây lại có gai
Cái gai Bưởi đụng vào thì chảy máu
Trái Sầu Riêng rớt xuống thì đầu u
Nhựa hột Điều dính vào là rách áo
Cây Dừa cao eo ơi, cao là cao
Cây ba trồng sống lâu thiệt là lâu
Mưa chẳng dập gió lay chẳng đổ
Thân xù xì cứ đứng trơ trơ
Cành gai góc đâm ngang tua tủa
Bưởi, Sầu Riêng, Dừa, Điều nhiều nhiều nữa
Cho em bốn mùa vị ngọt hương thơm
Vườn của ba cây trồng thì dễ sợ
Mà trái nào cũng thiệt dễ thương.
(Vườn cây của ba, Nguyễn Duy)
Sự phát hiện độc đáo về cái “dễ thương” và “dễ sợ” trong vườn cây của ba đã gây ấn tượng đặc biệt đối với độc giả. Chất nhạc nảy sinh từ ngôn từ mộc mạc, từ cái nhìn tương phản, đối lập rất thơ ngây nhưng cũng hết sức già dặn của bé về những cây ba trồng và má trồng, giữa hình thức và nội dung của thế giới cây trái trong vườn cây của ba, từ thủ pháp so sánh đắc địa, nghệ thuật đánh lừa cảm nhận độc giả khá độc đáo… Chính điều này đã gây cảm xúc bất ngờ, thú vị cho người đọc.
3. Phân loại thơ
Tùy thuộc những tiêu chí khác nhau sẽ có những cách phân loại thơ tương ứng. Chẳng hạn, căn cứ vào phương thức tổ chức lời thơ và phương thức biểu đạt tình cảm, người ta phân chia thơ thành các loại cơ bản sau:
Thơ trữ tình: Là loại thơ thông qua bộc lộ cảm xúc riêng tư, cá thể về đời sống mà thể hiện tư tưởng về con người, cuộc đời và thời đại nói chung. Đây là thể loại chủ chốt của thơ.
Thơ tự sự: Là thể loại thơ biểu hiện cảm nhận về đời sống qua hệ thống nhân vật và cốt truyện. Với mảng sáng tác cho thiếu nhi, các bài thơ Nàng tiên Ốc (Phan Thị Thanh Nhàn), Chuyện cổ tích về loài người (Xuân Quỳnh), Ông khách giao thừa, Sự tích rước đèn Trung thu, Chuyện chú rùa biết bay (Nguyễn Hoàng Sơn), Ông trạng thả diều (Nguyễn Buì Vợi)… tiêu biểu cho thể thơ này.
Thơ cách luật: Là thể thơ có yêu cầu chặt chẽ về về hình thức, ngôn ngữ, âm luật. Thơ thất ngôn tứ tuyệt, lục bát… là những thể thơ tiêu biểu cho loại này.
Thơ tự do: Là thể thơ đối lập với thơ luật. Nó đập vỡ mọi ràng buộc về hình thức để biểu hiện tư tưởng, tình cảm một cách tự do. Điều này có thể nhận thấy trong các bài thơ Mưa (Trần Đăng Khoa), Những cánh buồm (Hoàng Trung Thông), Ê-mi-li, con… , Tiếng chổi tre (Tố Hữu), Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà (Quang Huy), Nếu trái đất thiếu trẻ em (Đỗ Trung Lai) v.v…
Thơ văn xuôi: Là thể thơ được viết bằng con chữ, vừa có đặc điểm của thơ, vừa có đặc điểm của văn xuôi. Nó dùng hình thức ngắn gọn của văn xuôi để biểu đạt nội dung thơ. Chẳng hạn bài thơ Mẹ có phải là cô Tấm của con của Lê Phương Hiền:
“Thu đẩy trăng vàng sóng sánh qua sông.
Tay mẹ gầy, lời ru sông trôi xa vắng.
Tuổi thơ con thầm lặng, ướt vành mi đợi bóng một con thuyền.
Mái chèo êm, dòng sông cũng ngủ êm.
Con vẫn thức, nhìn trăng tìm dáng mẹ.
Một cánh hạc gầy thảng thốt hoài trong nỗi nhớ.
Miền quê trở mình sau mùa lũ xót xa.
Đợi trăng làm mềm những gọng cỏ gầy xơ.
Nghe gió hát ca từ thuở ấy.
Trong hương mùa thu, nụ cười con còn ẩn dấu.
Bí mật nào chứa trong trái thị thơm?
Rồi có một ngày con sẽ lớn khôn, vẫn nhớ lắm tiếng sóng miên man ru đôi bờ cát.
Bước chân mẹ hằn in dấu vết tháng năm khó nhọc.
Bỗng thấy rưng rưng lòng khi nhận ra điều bí mật: mẹ có phải là cô Tấm của con”.
Một tiêu chí khác là dựa vào số chữ trong dòng mà gọi tên thể thơ. Chẳng hạn, dòng 5 chữ là thơ ngũ ngôn, dòng 7 chữ là thơ thất ngôn, 2 dòng 7, một dòng 6, một dòng 8 chữ là thơ song thất lục bát,…
(Nguồn tham khảo: Bùi Thanh Truyền, Giáo trình văn học 1)