Trang chủ Tâm lý học Thái độ xã hội là gì? Bản chất & sự hình thành thái độ

Thái độ xã hội là gì? Bản chất & sự hình thành thái độ

by Ngo Thinh
832 views

Một số quan điểm về thái độ

Những người đầu tiên sử dụng khái niệm thái độ như một đặc tính quan trọng của các vấn đề xã hội là hai nhà tâm lý học Mỹ: Thomas và Znaniecki. Theo hai ông thì thái độ là trạng thái tinh thần của cá nhân đối với một giá trị.

Allport cho rằng, thái độ là trạng thái sẵn sàng về mặt tinh thần và thần kinh được tổ chức thông qua kinh nghiệm sử dụng sự điều chỉnh hoặc ảnh hưởng năng động trong phản ứng của cá nhân với tất cả các khách thể và tình huống mà nó có mối quan hệ.

Newcome cho rằng thái độ của một cá nhân đối với một khách thể nào đó là thiên hướng hành động, nhận thức, tư duy, cảm nhận của anh ta với khách thể liên quan. Đó là sự sẵn sàng phản ứng. Những gì mà chúng ta tin là đúng và có một thái độ nhất định về một khách thể nào đó hay một nhóm nào đó sẽ đóng một vai trò hiển nhiên trong việc quy định sự sẵn sàng phản ứng theo một cách thức nhất định của chúng ta.

Các nhà Tâm lý học Xô Viết (cũ) cũng nghiên cứu rất sâu về vấn đề thái độ xã hội, tiêu biểu là Uznatze (với học thuyết tâm thế xã hội) và Iađop (thuyết định vị).

Thuyết tâm thế xã hội

Khái niệm thái độ hay nhiều người dịch là tâm thế trong học thuyết của Uznatze được ông hiểu là “sự biến dạng hoàn chỉnh của chủ thể”, là trạng thái sẵn sàng hướng tới một hoạt động nhất định, là cơ sở của tính tích cực có sự lựa chọn của chủ thể. Tâm thế xuất hiện khi có sự lựa chọn của chủ thể. Tâm thế xuất hiện khi có sự hội ngộ của hai yếu tố: nhu cầu và hoàn cảnh thỏa mãn nhu cầu. Ông dùng khái niệm tâm thế với tư cách là khái niệm trung tâm, nhưng lại là cái vô thức để giải thích hành vi của con người.

Nhiều tác giả đã phê phán quan điểm này của ông vì chỉ đề cập đến quá trình hiện thực hoá các nhu cầu sinh lý đơn giản mà không tính đến các hình thức hoạt động phức tạp, cao cấp của con người. Ông không tính đến sự tác động phức tạp của các yếu tố xã hội trong việc quy định hành vi con người cũng như vai trò của quá trình lĩnh hội kinh nghiệm xã hội.

Thuyết định vị

Iadob nghiên cứu vai trò của thuyết định vị trong hành vi xã hội của nhân cách. Ông cho rằng con người có một hệ thống các tổ chức định vị khác nhau phức tạp và hành vi của con người bị điều khiển bởi các tổ chức đó. Các định vị này được tổ chức theo 4 bậc, mức độ khác nhau.

+ Bậc một: bao hàm các tâm thế bậc thấp (như quan niệm của Uznatze), hình thành trên cơ sở các nhu cầu và tình huống đơn giản nhất.

+ Bậc hai: các định vị phức tạp hơn, được hình thành trên cơ sở và các tình huống giao tiếp của con người trong các nhóm nhỏ.

+ Bậc ba: các định vị mà trong đó định hướng chung của các sở thích được hình thành trong các lĩnh vực hoạt động xã hội cụ thể.

+ Bậc bốn: bậc cao nhất hình thành nên hệ thống định hướng giá trị của nhân cách, nó điều chỉnh hành vi và hoạt động của nhân cách trong những tình huống mà tính tích cực xã hội có giá trị nhất định đối với nhân cách.

Bản chất của thái độ xã hội

Thái độ xã hội được hiểu là:

  • Trạng thái nhất định của tinh thần và hệ thần kinh
  • Thể hiện sự sẵn sàng phản ứng
  • Có tổ chức
  • Dựa trên kinh nghiệm trước đó
  • Có ảnh hưởng điều khiển và tác động tới hành vi

Qua đây có thể thấy rõ sự phụ thuộc của thái độ xã hội và vai trò điều chỉnh hành vi rất quan trọng của nó.

a. Đối tượng của thái độ

Đối tượng của thái độ có thể là tất cả những gì tồn tại trong thế giới vật chất và tinh thần mà chúng ta đang sống: người khác, một nhóm người, một tổ chức, một sự kiện,… có khi là thái độ về chính bản thân mình.

b. Chức năng của thái độ

Chức năng thích nghi xã hội: Thái độ hướng chúng ta tới các đối tượng có thể giúp đạt được các mục đích kinh tế, xã hội của mình. Áp lực nhóm thường rất lớn, nó làm cho chúng ta có xu hướng thỏa hiệp hoặc theo khuôn phép, a dua. Bằng cách có một thái độ được mọi người ủng hộ hay chấp nhận được chúng ta dễ dàng đạt được mục đích hơn, dễ được thưởng và tránh bị trừng phạt hơn.

Chức năng kiến thức: Nhờ có thái độ mà chúng ta biết cách thức phải ứng xử như thế nào trong các tình huống khác nhau một cách giản đơn, tiết kiệm thời gian và sức lực.

Chức năng biểu hiện: Thái độ xã hội là phương tiện giúp con người thoát khỏi các căng thẳng nội tâm và thể hiện mình như là một nhân cách.

Chức năng tự bảo vệ: Trong những tình huống xung đột (giữa các suy nghĩ, niềm tin, có khi là giữa thái độ và hành vi). Chúng ta thường tìm cách tự bào chữa, tìm lý do giải thích thậm chí tìm người nào đó khác chịu trách nhiệm thay mình hoặc hợp lý hoá hành vi của mình. Quá trình này dẫn đến sự thay đổi thái độ tương ứng. Thái độ mới sẽ giúp chúng ta giảm bớt sự “bất đồng” nội tâm.

c. Các thành tố của thái độ

Thái độ xã hội có thể thực hiện được các chức năng trên là nhờ có một cấu trúc phức tạp. Các nhà Tâm lý học xã hội đã phân biệt và nghiên cứu 3 bộ phận cấu thành của nó như sau:

  • Nhận thức: là kiến thức của cá nhân về đối tượng của thái độ cho dù kiến thức đó có tương ứng hay không tương ứng, tức là có đúng hay không đúng.
  • Tình cảm: là các cảm xúc, tình cảm của cá nhân đối với đối tượng của thái độ xã hội.
  • Hành vi: Đó là hành động hay ý định hành động mà bạn sẽ ứng xử với đối tượng.

Sự hình thành thái độ

Thái độ được hình thành trong quá trình phát triển của cá nhân. Những yếu tố quyết định sự hình thành và phát triển thái độ là nhu cầu của cá nhân, thông tin, giao tiếp trong nhóm và nhân cách của cá nhân.

a. Thái độ được hình thành trong quá trình thỏa mãn nhu cầu

Con người hình thành và phát triển các thái độ nhằm thỏa mãn các nhu cầu của mình. Người ta sẽ hình thành các thái độ tích cực đối với các khách thể có lợi, tiêu cực đối với các khách thể có hại cho họ trên con đường đạt tới mục đích nào đó để thỏa mãn các nhu cầu nhất định của họ. Thực tế cho thấy, thái độ có thể phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau. Và như vậy, các nhu cầu khác nhau có thể hình thành nên một thái độ.

b. Thái độ được hình thành bởi các thông tin

Nếu chúng ta không biết thông tin, hoặc biết rất ít về một sự vật hiện tượng nào đó thì chúng ta không thể hiện thái độ đối với nó.

Với mọi người nguồn thông tin chính thức qua các phương tiện thông tin đại chúng có ảnh hưởng rất lớn tới việc hình thành thái độ, dư luận cũng như thay đổi hành vi của các nhóm dân cư.

c. Giao tiếp nhóm là một trong những yếu tố quyết định trong quá trình hình thành thái độ.

Mỗi cá nhân là thành viên của nhiều nhóm khác nhau. Thái độ của anh ta thường phản ánh niềm tin, giá trị, chuẩn mực của nhóm mà anh ta là thành viên. Sự khác nhau giữa thái độ của các nhóm khác nhau một phần là do niềm tin của họ khác nhau. Thái độ đối với Thượng đế, chẳng hạn của trẻ em trong các gia đình theo một tôn giáo nào đó thường khác với thái độ của trẻ em trong các gia đình mà các em là thành viên là người vô thần. Giá trị mà cả nhóm theo đuổi chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới việc hình thành thái độ các thành viên của nhóm đó. Chuẩn mực nhóm không chỉ xác định hành vi nào là đúng hoặc sai mà còn xác định thái độ nào là “đúng”, “sai” nữa. Các nhà tâm lý học xã hội đều cho rằng vai trò của các nhóm, nhất là nhóm nhỏ (gia đình, bạn bè, đồng nghiệp,…) trong việc hình thành ý thức cá nhân là cực kỳ quan trọng. Nhưng cá nhân không tiếp nhận thái độ phổ biến trong nhóm một cách bị động mà việc đó diễn ra một cách có chọn lọc trong quá trình thỏa mãn nhu cầu của anh ta.

Thái độ và Hành vi

Vài thập kỷ gần đây, các nhà xã hội học đã bàn luận về vai trò của thái độ như là sự báo trước (xu hướng) của hành vi tương ứng với mục đích của thái độ Irving Crespi đã nhắc tới trong tác phẩm “President Address” với Hiệp hội Mỹ cho những nghiên cứu về quan điểm của công chúng (dư luận xã hội), ông cho rằng: “rất khó để thấy được bất cứ lời nhận xét, tranh luận nào của những người nghiên cứu thái độ, những người mà đã không thừa nhận sự tồn tại của mối quan hệ hợp pháp giữa thái độ và hành vi”

Một quan điểm rất chắc chắn về những nghiên cứu đã được tích luỹ từ những nghiên cứu trước đây của Lapiere năm 1930 và nửa sau thập kỷ 60 đã hướngWicker tới việc khẳng định một cách chính xác nhất rằng: thái độ chiếm khoảng 10% sự đa dạng của hành vi (tức là nó chi phối xu hướng của hành vi)

Deutscher (1966, 1973) đã phát triển xa hơn trong các tranh luận rằng không có lí do mang tính lí luận nào mong muốn tìm thấy sự phù hợp giữa thái độ và hành vi, và trên thực tế, tất cả mọi lí do đều mong đợi sự khác biệt giữa hai yếu tố. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà nghiên cứu đều đồng ý với quan điểm này. Thực tế, năm 1969, Warner và Deufler đã rất quan tâm tới cuộc tranh luận mà đã mang lại kết quả là 3 định đề hơn là những quan điểm mong đợi sự khác biệt.

Thuật ngữ đầu tiên “định đề của sự chắc chắn”, được dựa trên sự giả định rằng những thái độ có thể được sử dụng như những chỉ dẫn phù hợp cho xu hướng hành vi mà con người sẽ bộc lộ khi phải đương đầu (tiếp xúc) với mục đích (đối tượng) của thái độ. Cohen cũng rất quan tâm tới giả thuyết này, ông đã khẳng định rằng, hầu hết mọi người đều xem xét, nhìn nhận thái độ như một xu hướng của hành vi, “như là những yếu tố quyết định việc con người sẽ hành động như thế nào trong các công việc hàng ngày” (1964). Mặc dù ở một vài nơi, quan điểm này vẫn còn rất phổ biến nhưng không có một vấn đề nào được nghiên cứu một cách nghiêm túc.

Quan điểm thứ hai, định đề của sự đa dạng độc lập, cho rằng: không có một lí do hợp lý nào thừa nhận thái độ có mối quan hệ phù hợp với nhau. Deutscher đã bác bỏ mối quan hệ đã được thừa nhận giữa thái độ và hành vi. Turner (1968) đã tiến bộ hơn khi coi khái niệm thái độ, một cách cổ điển như một xu hướng của hành vi. Tuy nhiên những đồng tình với quan điểm này cũng rất hạn chế. Sự nhất trí một cách chung chung rằng: mặc dù chúng ta thường quan sát được những mâu thuẫn (mang tính kinh nghiệm) giữa thái độ và hành vi nhưng cả hai yếu tố này không hoàn toàn độc lập với nhau.

Quan điểm thứ ba, định đề của sự khẳng định một cách ngẫu nhiên, đã kết hợp hai quan điểm trên. Theo quan điểm này, hành vi xuất hiện sẽ bị ảnh hưởng bởi thái độ của những người có liên quan với những nhân cách khác nhau và các yếu tố hoàn cảnh xã hội. Định đề này đúng với định nghĩa thái độ mà chúng ta đã đưa ra ở phần đầu của chương này.

Một cuộc điều tra về những nghiên cứu về thái độ và hành vi, trong 3 thập kỷ sau Lapiere cho thấy, hầu hết các nghiên cứu mà chúng ta đã thực hiện chỉ tập trung vào yếu tố thái độ trong việc dự đoán hành vi, mặc dù bỏ qua những quan điểm được khẳng định một cách không chắc chắn. Các kết quả chỉ ra rằng, bản thân thái độ không phải là những tiên đoán chính xác, hiệu quả của hành vi.

Tuy nhiên vào cuối những năm 50, Defleur và Westire (1958) bắt đầu nhận ra vai trò quan trọng của các yếu tố khác có ảnh hưởng tới mối quan hệ thái độ và hành vi. Họ đã rất nỗ lực để lý giải hành vi của những chủ thể mà đã bộc lộ hành vi một cách không chắc chắn. Defluer và Westire đã tranh luận rằng việc thiếu mối quan hệ chặt chẽ giữa thái độ bằng lời nói và hành vi công khai có thể được lí giải bằng thuật ngữ (từ ngữ) về sự ràng buộc xã hội đã ngăn con người khỏi những hành động không thuyết phục. Ví dụ: một người có thể rất thành kiến với người da đen nhưng khi họ được Sếp giới thiệu với một người da đen, họ sẽ ứng xử một cách tử tế (tốt).

Mặc dù thái độ của anh ta cho thấy trước rằng anh ta sẽ từ chối bắt tay người da đen, nhưng những ràng buộc xã hội được đưa ra bởi sự hiện diện của Sếp đã ngăn anh ta khỏi việc kiểm soát được thái độ của mình.

Hầu hết những nhà nghiên cứu thái độ hiện nay đều bị ảnh hưởng bởi quan điểm này và cố gắng để bao quát cả những ràng buộc mang tính tình huống khi hiểu mối quan hệ thái độ và hành vi. Điều này lần lượt dẫn đến 2 xu hướng phát triển chính, mang tính truyền thống, trong nghiên cứu tâm lý học xã hội hiện nay về vấn đề thái độ – hành vi.

Cách tiếp cận đầu tiên thể hiện ở công trình nghiên cứu của nhà tâm lý học xã hội Melvin Defleur và những sinh viên của ông.

Cách tiếp cận thứ hai là nghiên cứu của nhà tâm lý học Martin Fisfbein và các cộng tác viên.

Cả 2 hướng tiếp cận này đều có một vài điểm chung. Họ đều vượt ra khỏi nghiên cứu cho rằng một thái độ đơn nhất quyết định hành vi và nhận ra rằng: vấn đề này còn phức tạp hơn nhiều. Cả hai hướng này đều liên hệ thái độ với các tình huống và những yếu tố khác, và việc làm này đã mang lại những dự báo hay xu hướng của hành vi hiệu quả hơn nhiều.

Tóm lại, cả hai hướng nghiên cứu đều khẳng định: trong bất cứ trường hợp nào, hành vi cũng là kết quả của rất nhiều yếu tố, trong đó bao gồm cả yếu tố thái độ.

David G. Myer đã đưa ra sơ đồ như sau để mô tả quá trình dẫn tới một hành vi:

5/5 - (1 bình chọn)

Có thể bạn quan tâm

123123

Lytuong.net – Contact: admin@lytuong.net